Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Admin Fri Sep 09, 2022 12:48 pm

    Chiến dịch Đắc Tô năm 1967 (Chiến dịch Đắc Tô 1) là chiến dịch tiến công quân Mỹ của lực lượng vũ trang Tây Nguyên diễn ra trước và sát thời điểm quân và dân miền Nam mở cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). 

     
     

     

    PHẦN THỨ NHẤT
    MẤY ĐIỂM CHÍNH VỀ BỐI CẢNH CHIẾN LƯỢC

    I – ÂM MƯU VÀ Ý ĐỒ CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ SAU CUỘC PHẢN CÔNG MÙA KHÔ 1966-1967
    Cuộc phản công chiến lược lần thứ 2 (10-1966 đến 6-1967) bị thất bại, toàn bộ chương trình kế hoạch đầy tham vọng do tướng Oét-mo-len (William C.Westmoreland) hoạch định, nhằm giành thắng lợi ở miền Nam trong hai năm đến hai năm rưỡi, buộc phải kết thúc với những kết quả hoàn toàn trái ngược so với dự tính ban đâu. “Tìm diệt” không được, “bình định” không xong, ngụy quân suy yếu (Oét-mo-len cho rằng trong số 161 tiểu đoàn ngụy lúc bấy giờ chỉ có 15 tiểu đoàn là thực sự chiến đấu được). Trước bối cảnh đó, các bộ máy quân sự trực tiếp chỉ huy và chỉ đạo chiến tranh bao gồm Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam (MACV). Bộ tham mưu liên quân, Bộ tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương gây áp lực với chính quyền Giôn-xơn đòi tăng thêm quân. Ngày 22 tháng 6 năm 1967, tướng Oét-mo-len đề nghị hai phương án tăng quân Mỹ: Phương án tối thiểu tăng hai sư đoàn và hai lữ đoàn, đưa tổng quân Mỹ ở miền Nam lên 550.000. Phương án tối ưu tăng bốn sư đoàn và một lữ đoàn đưa tổng quân số lên 600.000 tên để có đủ sức đánh sang đất Lào và Cãm-pu-chia. Nếu Tổng thống Giônxơn chấp nhận phương án thứ nhất thì đến năm 1972 chiến tranh kết thúc; nếu Tổng thống chấp nhận phương án thứ hai thì đến năm 1970 là kết thúc chiến tranh.
    Lúc này, phong trào chống chiến tranh trong nhân dân Mỹ lan rộng và ngày càng lên cao, thu hút rộng rãi các tầng lớp, kể cả các thống đốc bang, Thượng và Hạ nghị viện cũng phản đối chính sách xâm lược của Giôn-xơn ở Việt Nam.
    Từ tình hình thực tế ở trong nước và trên thế giới, ý đồ của Mỹ là: Ra sức ổn định ngụy quân, ngụy quyền, tăng thêm quân Mỹ và chư hầu ở mức độ nhất định, giữ cho tình thế miền Nam Việt Nam sang năm 1968 – Năm bầu cử Tổng thống Mỹ, không bị đảo lộn, tiếp tục thực hiện chiến lược hai gọng kìm ở quy mô nhất định, giữ vững vị trí then chốt, đẩy ta vào thế bị động thông qua đàm phán buộc ta phải thương lượng trên thế mạnh của chúng. Đồng thời Giôn-xơn quyết định tăng thêm 55.000 quân Mỹ và coi đây là quấn số tối đa cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
    Trên cơ sở có quyết định tăng quân, thực hiện ý đồ chung, Oét-mo-len tiến hành điều chỉnh lại thế bố trí lực lượng, chuẩn bị kế hoạch mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba (mùa khô 1967-1968) trên hướng miền Đông Nam Bộ nhằm cải thiện tình hình, cố giữ thế giằng co, kéo dài cho tới khi bầu Tổng thống ở Mỹ (11-1968).
    Ở Trung Trung Bộ, địch tập trung ngăn chặn xâm nhập của ta dọc biên giới Việt – Lào trọng điểm là Plây-cu, Kon Tum, tìm diêt chủ lực ta, phá căn cứ, hỗ trợ cho bình định dọc miền duyên hải. Ở phía bắc, chặn sự xâm nhập của ta qua khu phi quân sự và biên giới Việt – Lào. Thời gian phản công theo dự kiến của địch từ tháng 12 năm 1967 đến tháng 4 năm 1968.
    Quy luật, thủ đoạn của địch vẫn là dựa vào ưa thế của máy bay trực thăng “nhảy cóc” vào các khu vực tác chiến, để tìm diệt chủ lực và phá các cuộc tiến công của ta.
     
    II – CHỦ TRƯƠNG VÀ Ý ĐỊNH CHIẾN LƯỢC CỦA TA
    Sau mùa khô 1966-1967, mặc dù đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đến đỉnh cao trên cả hai miền Nam, Bắc, dốc sức ra quân phản công chiến lược, nhưng chúng vẫn bị quân và dân cả nước ta đanh cho thất bại nặng nề, đang lúng túng cả về quân sự và chính trị. Một số nước đồng minh của Mỹ cũng không dám công khai ủng hộ Mỹ trong quá trình tiến hành chiến tranh ở Việt Nam.
    Về kinh tế, lợi dụng những khó khăn do chiến tranh Việt Nam gây ra, các nước tư bản tìm mọi cách cạnh tranh với Mỹ. Đồng đô la bị mất giá, khiến nước Mỹ càng chìm sâu trong sự khủng hoảng niềm tin vào giới cầm quyền v.v…
    Tháng 5 năm 1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương: Gấp rút chuẩn bị mọi mặt, kịp thời nắm lấy thời cơ để giành thắng lợi lớn, buộc Mỹ phải chịu thua về quân sự.
    Mục tiêu đặt ra là phải đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Yêu cầu phải kết hợp tiến công địch toàn diện cả quân sự, chính trị và ngoại giao. Biện pháp tác chiến chiến lược là kéo, giữ phần lớn chủ lực Mỹ, ngụy ra vùng rừng núi, tạo thế, tạo thời cơ tiến công vào chiến trường xung yếu là vùng đô thị.
    Về quân sự, chuẩn bị những trận quy mô lớn, có hiệu suất để góp phần đẩy mạnh cho đấu tranh chính trị và ngoại giao. Đồng thời phải nghiên cứu các loại hình chiến dịch ở từng hướng chiến lược, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả ba thứ quân trên chiến trường.
    Quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 2 tháng 7 năm 1967, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị về việc nâng cao chất lượng của lực lượng vũ trang nhằm thực hiện mục tiêu, yêu cầu và biện pháp tác chiến chiến lược đã được xác định. Đồng thời, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho các hướng chiến trường mở các đợt đánh địch, tạo nên sự chuyển biến về quân sự, có lợi cho ta, bất lợi cho địch.
    Ở mặt trận Tây Nguyên được Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ tiến hành các đợt hoạt động trong Đông – Xuân 1967-1968, nhằm tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, thu hút lực lượng chủ lực cơ động của địch lên Tây Nguyên càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện cho chiến trường đồng bằng Khu 5 và toàn miền diệt địch và chống phá bình định, sẵn sàng đánh bại cuộc phản công chiến lược lân thứ ba của Mỹ, ngụy.
    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Re: Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Admin Fri Sep 09, 2022 12:49 pm

    PHẦN THỨ HAI
    TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN DỊCH

    I. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG ỦY VÀ BỘ TƯ LỆNH MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN
    1. Mục đích của chiến dịch
    Quán triệt nhiệm vụ được giao, ngày 10 tháng 9 năm 1967, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định tập trung lực lượng vũ trang ba thứ quân, mở chiến dịch tiến công nhằm mục đích:
    - Tiêu diệt một bộ phận sinh lực Mỹ, buộc địch phải điều lực lượng cơ động lên Tây Nguyên càng nhiều càng tốt. Đồng thời tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, phối hợp chặt chẽ với các chiến trường.
    - Trong tác chiến nhanh chóng huấn luyện và rèn luyện, nâng cao trình độ đánh tập trung của bộ đội chủ lực, tiêu diệt gọn từng đơn vị của địch, kết hợp nâng cao trình độ tác chiến cho bộ đội địa phương, đẩy mạnh chiến tranh du kích.
    - Chú trọng rút kinh nghiệm và xây dựng chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt điểm, nâng cao trình độ đánh tập kích khi địch phòng ngự điểm cao.
    2. Địa bàn tác chiến chiến dịch
    Từ cuối năm 1965 đến đầu năm 1967, các lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã mở liên tiếp các chiến dịch tiến công Plây Me, Sa Thầy 1, Sa Thầy 2. Cả ba chiến dịch đều tiến hành trên khu vực phía tây tỉnh Gia Lai, nên cả địch và ta đã quen thuộc địa hình ở khư vực này. Bước vào mùa khô năm 1967-1968, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận chủ trương chọn hướng mới nhằm gây cho địch bất ngờ về không gian chiến dịch. Khu vực bắc Kon Tum được chọn làm địa bàn tác chiến chiến dịch.
    3. Tổ chức Bộ tư lệnh và cơ quan chiến dịch
    Tháng 6 năm 1967 Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh cử thiếu tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, đại tá Trần Thế Môn làm Chính ủy Mặt trận thay cho thiếu tướng Chu Huy Mân về làm Tư lệnh Quân khu 5. Trong chiến dịch Đắc Tô các đồng chí trong Bộ tư lệnh Mặt trận đồng thời là Bộ tư lệnh chiến dịch và cơ quan Mặt trận là cơ quan chiến dịch.
    Bộ tư lệnh chiến dịch Đắc Tô gồm:
    - Thiếu tướng Hãy Login or Register để xem các nội dung sau., Tư lệnh chiến dịch.
    - Đại tá Trần Thế Môn, Chính ủy.
    - Đại tá Cao Văn Khánh, Phó tư lệnh.
    - Thượng tá Bùi Nam Hà, Tham mưu trưởng.
    - Thượng tá Đặng Vũ Hiệp, Chủ nhiệm chính trị.
    Các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch đã tập trung theo dõi diễn biến trên chiến trường, đánh giá tình hình, tính toán phương án tác chiến và kế hoạch bảo đảm mọi mặt cho chiến dịch.
    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Re: Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Admin Fri Sep 09, 2022 12:49 pm

    II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH VỀ ĐỊCH, TA, ĐỊA HÌNH, THỜI TIẾT TRONG ĐỊA BÀN TÁC CHIẾN CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ
    1. Về địch
    Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: Bước vào mùa khô năm 1967, quân địch ở Tây Nguyên (gồm lực lượng của vùng 2 chiến thuật, sư đoàn 22 ngụy và sư đoàn 4 Mỹ) ra sức thăm dò về hướng, mục tiêu tiến công mới của ta. Để phát hiện hướng hoạt động của ta, đầu tháng 10 địch đã tung thám báo, biệt kích ra nhiều hướng: Phía bắc chúng tăng cường sục sao vùng ngã ba biên giới, khu vực Pa Kha – Tà Xẻng. Ở vùng giữa, chúng tung biệt kích ra hướng sông Sa Thầy, ở phía nam địch lùng sục khu vực Ea Súp, bắc Mé Wan v.v… Nhưng địch vẫn chưa phát hiện được sự chuẩn bị chiến dịch của ta. Đến cuối tháng 10 năm 1967, một chiến sĩ cảnh vệ sư đoàn bộ binh 1 của ta đào ngũ đầu hàng. Địch phát hiện ta đang chuẩn bị mở chiến dịch ở bắc Kon Tum. Sư đoàn 4 Mỹ vội vã kết thúc cuộc hành quân Mác Ac-tơ (Mac Arthur) ở phía tây thị xã Plây-cu, chuyển hướng về vùng rừng núi Đắc Tô.
    Ngày 2 tháng 11, lữ đoàn 1 Mỹ đến Đắc Tô, chúng thiết lập sở chỉ huy hành quân tại sân bay Đắc Tô. Ở Đắc Tô địch hình thành hai cụm quân:
    - Cụm thứ nhất ở khu vực ngã ba đường số 14 và đường số 18, gồm trung đoàn 42 ngụy ở Tân Cảnh, quận lỵ Đắc Tô, sân bay Đắc Tô 1.
    - Cụm thứ hai nằm dọc đường 18 cách ngã ba Tân Cảnh khoảng 4km về phía tây, gồm sở chỉ huy hành quân, cụm kho hậu cần của quân Mỹ và sân bay Đắc Tô 2.
    Đắc Tô trở thành căn cứ quân sự trên tuyến phòng thủ cơ bản của địch ở bắc Tây Nguyên. Từ khi đến Tây Nguyên, quân Mỹ ra sức xây dựng đường số 18 thành tuyến ngăn chặn “đường Hồ Chí Minh” qua Nam Lào vào Tây Nguyên và khống chế vùng biên giới. Đang trong thời kỳ thực thi chiến lược “tìm diệt”, ý đồ của quân Mỹ là muốn mở rộng phạm vi chiếm đóng, chúng còn khả năng tập trung quân số để tổ chức phản kích. Do đó nếu ta khéo dụ địch, vẫn có thể đưa địch vào phương án ta chọn sẵn sàng tiêu diệt, vì thủ đoạn của địch vẫn dùng máy bay trực thăng đổ quân vào khu vực tác chiến.
    2. Về ta
    Ở Tây Nguyên, ngoài lực lượng địa phương của các tỉnh, lực lượng chủ lực cơ động của ta có sư đoàn 1, gồm 3 trung đoàn bộ binh (66, 320, 174) và các trung đoàn độc lập (trung đoàn 24, 33, 95 và trung đoàn pháo binh 40) trực thuộc Bộ tư lệnh Mặt trận. Qua hai năm đánh Mỹ, bộ đội ta đã rút được kinh nghiệm, tin tưởng đánh thắng Mỹ, khí thế đang lên và đã tìm ra được những cách đánh thích hợp.
    Về bảo đảm hậu cần, chuẩn bị chiến trường, ta có thời gian tương đối dài (từ Xuân 1967), nhất là ở các khu vực địa hình trọng yếu, bảo đảm đủ đạn cho nhu cầu tác chiến (đạn cối 120mm, sơn pháo 75mm, cối 82mm…).
    Tuy nhiên, trình độ chiến thuật của bộ đội ta vẫn còn hạn chế như: Chưa đánh tốt khi địch cụm lại phòng ngự dã ngoại, chưa quen vận dụng các hình thức chiến thuật mới như: “Vận động tiến công kết hợp chốt”, “Phòng ngự khu chốt chiến dịch”. Trình độ chỉ huy tác chiến tập trung của một số cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn… còn thiếu kinh nghiệm.
    Nhân dân nơi địa bàn mở chiến dịch sống tập trung ở thị trấn và dọc đường số 14, phần đông là đồng bào các dân tộc ít người. Số người theo cách mạng thì sống trong rừng sâu. Nhiều nơi đồng bào bị địch dồn vào ấp chiến lược ở ven đường giao thông. Trong khu vực tác chiến chính của chiến dịch không có dân.
    3. Địa hình, thời tiết
    Đắc Tô là một quận của tỉnh Kon Tum, quận lỵ nằm trên ngã ba đường 14 và đường 18, cách thị xã Kon Tum khoảng 40km về phía bắc. Quận lỵ Đắc Tô nằm trong vùng thung lũng có bình độ trung bình 600m đến 700m, chiều dọc từ bắc xuống nam khoảng 7km, chiều ngang từ đông sang tây khoảng 8 đến 9km. Địa hình khu vực tác chiến bị chia cắt thành hai vùng phía bắc và phía nam bởi con sông Pô Cô và đường số 18.
    Vùng phía bắc có quốc lộ 14 chạy qua, chia thành hai khu vực: Khu đông bắc có dãy Ngọc Van (Ngok Wan) cao 1416m và dãy Ngọc Sia (Ngọc Sie) có đỉnh cao 1556m. Khu vực tây bắc gồm các điểm cao của dãy Ngọc Tu (Suim Ngok Tu) đường bình độ trung bình từ 700 đến 900m.
    Vùng phía nam và tây nam gồm các dãy núi cao từ 700m đến 1300m. Vùng này cũng bị chia làm đôi bởi hai con suối Đắc Klong và Đắc Kal. Phía đông suối Đắc Klong là dãy và các điểm cao trong đó có dãy Ngọc Bờ Biêng (Ngok Bơt Bêang) cao 1262m cách Đắc Tô khoảng 7km về phía tây nam. Phía bắc Ngọc Bờ Biêng có dãy Ngọc Tang cao 1089m. Phía tây bắc Ngọc Bờ Biêng là dãy Ngọc Rinh Rua cao 1001m, tiếp đó là dãy Ngọc Dơ Lang có các điểm cao 792, 758, 824, từ đó thấp dần xuống là bãi bằng thuộc Plei Lăng Lô Kram. Phía tây suối Đắc Klong và Đắc Kal là dãy Ngọc Kom Liệt (Ngok Kom Leat) cao 826m (cách Plây Cần 2km về phía nam). Phía nam suối Đắc Kal là dãy Ngọc Kring cao 882m, xa hơn khoảng 4km là điểm cao 875 có nhiều bãi le, tương đối bằng, tiện lợi cho việc đổ bộ đường không bằng máy bay trực thăng.
    Nhìn chung, địa hình khu vực Đắc Tô khá hiểm trở, nhiều dãy núi cao có giá trị chiến dịch, chiến thuật, điển hình là dãy Ngọc Bờ Biêng. Nếu ta chiếm dãy điểm cao này, thì toàn bộ thung lũng Đắc Tô sẽ nằm trong tầm khống chế hỏa lực của pháo binh. Với địa hình hiểm trở đó ta có thể “nhử” địch vào những nơi đã chọn sẵn, tạo thời cơ đánh đòn tiêu diệt lớn. Mặt khác, khu vực Đắc Tô chưa diễn ra các hoạt động quân sự lớn của ta, nếu mở chiến dịch ở hướng này sẽ tạo được bất ngờ về không gian đối với địch. Địa hình ở đây vừa kín đáo vừa hiểm trở, ta ở thế cao hơn địch, nên có điều kiện uy hiếp chúng; còn địch muốn tiến công ta buộc phải đánh từ dưới đánh lên. Với ưu thế của địa hình, ta có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng sử dụng cơ giới của địch trong khu vực tác chiến chủ yếu của chiến dịch. Điều khó khăn nhất cho hoạt động tác chiến của chiến dịch ở khu vực này là bảo đảm hậu cần, đặc biệt là gạo và đạn. Thời tiết ở Tây Nguyên lúc này đã vào cuối mùa mưa đầu mùa khô nên có thuận lợi cho ta về cơ động và bảo đảm tác chiến. Nhưng địch cơ động ứng chiến khi bị tiến công cũng sẽ nhanh hơn, đặc biệt là đổ bộ đường không bằng máy bay trực thăng.
    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Re: Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Admin Fri Sep 09, 2022 12:49 pm

    III- QUYẾT TÂM VÀ NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA KẾ HOẠCH CHIẾN DỊCH
    1. Phương châm chỉ đạo tác chiến
    Căn cứ vào nhiệm vụ trên giao, trong chỉ đạo tác chiến, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định:
    Một là tích cực, chủ động, linh hoạt tạo thời cơ đưa địch vào thế trận ta đã chuẩn bị sẵn, tiêu diệt từng tiểu đoàn bộ binh Mỹ phản kích, phản đột kích ứng chiến bằng đường bộ và đổ bộ đường không, tiến tới đánh thiệt hại nặng đơn vị lớn hơn của chúng.
    Hai là, đánh vào toàn bộ đội hình chiến dịch của địch bao vây chia cắt chiến dịch, đánh cả phía trước và phía sau, đánh vào các căn cứ hành quân chiến dịch của địch. Vận dụng chiến thuật linh hoạt, kiên quyết bám trụ, đánh gần, đánh chồng, đánh bồi của các binh chủng.
    Ba là, bố trí đội hình có chiều sâu, có đội dự bị mạnh, có chốt chiến dịch, vây hãm, uy hiếp, buộc địch phải ra khu quyết chiến mà ta đã chuẩn bị để tiến công tiêu diệt chúng.
    Bốn là, đánh tiêu diệt, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, vừa đánh vừa xây dựng đơn vị.
    Năm là, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự với chính trị, tác chiến và địch vận. Đánh đô thị, hậu cứ, vùng ven, hỗ trợ phong trào quần chúng “diệt kìm kẹp”, giành dân, tạo bàn đạp mới để tiến công địch.
    2. Chọn hướng, khu vực, đối tượng, mục tiêu tiến công của chiến dịch
    Quyết tâm của Bộ tư lệnh chiến dịch là tập trung toàn bộ lực lượng vũ trang ba thứ quân mở chiến dịch tiến công trên địa bàn ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc. Hướng tiến công chính của chiến dịch là bắc Kon Tum. Hướng nghi binh, đồng thời là hướng phối hợp trực tiếp với hướng chính là Gia Lai. Hướng phối hợp thứ hai là Đắc Lắc. Trên hướng tiến công chính, Bộ tư lệnh chiến dịch chọn hai khu vực tiến công: Khu vực tiến công chủ yếu ở tây nam Đắc Tô (phía nam sông Pô Cô và đường số 18) từ Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Kom Liệt đến nam điểm cao 875 để tiêu diệt địch. Khu vực tiến công thứ yếu ở đông bắc Đắc Tô gồm các điểm cao của dãy Ngọc Van, Ngọc Sia, điểm cao 1423, 1030 và quận lỵ Đắc Tô, để đánh vào phía sau đội hình của địch, nhằm phân tán địch, hỗ trợ cho hướng chính.
    Trong khu vực tiến công chủ yếu chia thành ba khu chiến:
    - Khu chốt chiến dịch: Gồm các cụm chốt bộ binh và pháo binh ở Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Tang, uy hiếp địch ở Đắc Tô – Tân Cảnh và là nơi khêu ngòi để dụ kéo địch ra, tạo thời cơ diệt địch ngoài công sự.
    - Khu chiến thứ nhất: Ở điểm cao 782, Plây – Lăng Lố – Kram và điểm cao 823, nhằm đánh bại các đợt phản kích và đòn phản đột kích thứ nhất của địch.
    - Khu chiến thứ hai và là khu quyết chiến: Ở Ngọc Kom Liệt, Bãi Le, điểm cao 875. Điểm cao 875 là trọng điểm.
    Ở các hướng nghi binh chiến dịch: Tỉnh Gia Lai tập trung lực lượng đánh địch trong khu vực Đức Cơ, thị xã Plây-cu và đường số 19. Tỉnh Đắc Lắc, tiến công tiêu hao, kìm giữ địch ở Mé Wan, bắc thị xã Buôn Ma Thuột.
    3. Tổ chức và bố trí lực lượng chiến dịch
    a. Hướng bắc Kon Tum trong dự kiến quyết tâm, Bộ tư lệnh nhận định: Khi ta công kích tiến công, lực lượng phản kích, phản đột kích của địch có thể tới 12 đến 16 tiểu đoàn; trong đó có 8 đến 10 tiểu đoàn Mỹ (2 đến 3 lữ đoàn), từ bốn đến sáu tiểu đoàn ngụy (khoảng 2 chiến đoàn). Địch có thể phản kích, phản đột kích trên hai đến ba hướng bằng đổ bộ đường không vào các khu chiến của ta. Khu chốt Ngọc Bờ Biêng, địch có thể sử dụng lực lượng từ một lữ đoàn (thiếu) đến một lữ đoàn. Khu vực Ngọc Dơ Lang, Ngọc Kom Liệt và điểm cao 875 có thể lên đến hai lữ đoàn. Do vậy tổ chức và bố trí lực lượng trên hướng tiến công chính của chiến dịch ở bắc Kon Tum gồm có: Lực lượng đánh khêu ngòi, lực lượng đánh địch ở khu trung tuyến chiến dịch, lực lượng đánh địch ở khu quyết chiến và lực lượng đánh sau lưng địch.
    - Lực lượng đánh khêu ngòi gồm: Tiểu đoàn 6 của trung đoàn 24 (độc lập của Mặt trận), một đại đội sơn pháo 75mm (2 khẩu). Nhiệm vụ của bộ phận này là tổ chức cụm chốt chiến dịch trên các điểm cao ở Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Kon Kring, Ngọc Tang, dùng hỏa lực pháo binh đánh sân bay, sở chỉ huy hành quân, kho tàng của địch ở căn cứ Đắc Tô – Tân cảnh, đường số 14, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, buộc chúng phải phản ứng ra khu quyết chiến để sư đoàn 1 tiêu diệt.
    Bố trí lực lượng: Đại đội 11 ở Ngọc Tang, Ngọc Bờ Biêng (một tiểu đội ở điểm cao 1021, một tiểu đội ở điểm cao 1089, một trung đội ở điểm cao 1124, có hai khẩu ĐKZ 75 ở 1089, một trung đội ở điểm cao 1338 và một tiểu đội làm nhiệm vụ tiền tiêu ở đồi Không Tên phía trước của điểm cao 1338, trận địa dự bị ở điểm cao 1262). Đại đội 13 ở Ngọc Kon Kring (một trung đội ở điểm cao 1294 cùng với hai khẩu sơn pháo 75mm, một trung đội ở điểm cao 1314 và điểm cao Không Tên ở nam 1314). Một đại đội làm lực lượng dự bị bố trí ở tây điểm cao 1294.
    - Lực lượng đánh địch ở khu chiến của chiến dịch do sư đoàn 1 đảm nhiệm. Sư đoàn 1 do thượng tá Nguyễn Hữu An làm sư đoàn trường và thượng tá Hoàng Thế Thiện làm chính ủy. Sư đoàn 1 được tăng cường hai tiểu đoàn pháo mang vác (6 khẩu cối 120mm), một tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm. Nhiệm vụ của sư đoàn 1 là tác chiến tập trung tiêu diệt lực lượng lớn quân địch tại khu chiến hỗ trợ cho tiểu đoàn 6 giữ vững chốt chiến dịch, chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng cơ động về hướng đông – đông bắc Đắc Tô – Tân Cảnh và hướng thị xã Kon Tum khi chiến dịch phát triển. Tổ chức bố trí lực lượng của sư đoàn 1 như sau:
    Trung đoàn 320 ở khu vực Ngọc Dơ Lang, Ngọc Rinh Rua (khu trung tuyến của chiến dịch) sẵn sàng tiêu diệt và đánh thiệt hại cỡ tiểu đoàn Mỹ đổ bộ đường không bằng máy bay trực thăng; bẻ gãy đòn phản đột kích thứ nhất của địch. Buộc chúng phải ứng chiến lớn hơn và vào sâu trong trận địa mà ta đã chuẩn bị sẵn, tạo điều kiện thực hiện trận then chốt tiêu diệt lớn quân địch. Bố trí tiểu đoàn 4 ở điểm cao 782, tiểu đoàn 5 ở điểm cao 676, tiểu đoàn 6 ở nam điểm cao 1001, sở chỉ huy trung đoàn ở tây bác Ngọc Dơ Lang 2km.
    Trung đoàn 66 và trung đoàn 174 ở khu quyết chiến chủ yếu của chiến dịch, sẵn sàng đánh bại cánh quân phản kích cỡ lữ đoàn của địch, bằng cách tổ chức một số điểm chốt trên các dãy điểm cao ở Ngọc Kom Liệt, Ngọc Kring, 882, 875, lấy chốt 875 làm trọng điểm. Kết hợp chốt với vận động tiến công và tập kích tiêu diệt từng đại đội, tiểu đoàn địch, tiến tới đánh quỵ lữ đoàn của chúng trong chiều sâu trận địa của ta. Bố trí cụ thể của hai trung đoàn như sau:
    Trung đoàn 66 ở khu vực Ngọc Kom Liệt, Ngọc Kring: Tiểu đoàn 7 ở điểm cao 847, tiểu đoàn 8 ở nam điểm cao 823 khoảng 2 km, tiểu đoàn 9 ở điểm cao 796. Sở chỉ huy của trung đoàn ở tây nam điểm cao 823 khoảng 1km. Trung đoàn 66 có nhiệm vụ tiêu diệt cánh quân địch vào hướng Ngọc Kom Liệt.
    Trung đoàn 174 (lực lượng dự bị của sư đoàn) bố trí ở dãy điểm cao 882, 875, tây Bãi Le. Tiểu đoàn 1 ở nam điểm cao 875 khoảng 2km; tiểu đoàn 2 ờ tây điểm cao 875 khoảng 2km có một đại đội chốt ở điểm cao 875; tiểu đoàn 3 ở bắc điểm cao 875 khoảng 2km, phái một đại đội chốt ở điểm cao 882. Sở chỉ huy của trung đoàn ở tây điểm cao 875.
    Sở chỉ huy của sư đoàn 1 ở Ngọc Lang Grang.
    Tiểu đoàn pháo hỏa tiễn ĐKB của Mặt trận do Bộ tư lệnh nắm để chi viện chung (chủ yếu cho sư đoàn 1) và sẵn sàng pháo kích vào thị xã Kon Tum khi cần thiết.
    - Lực lượng đánh sau lưng địch (hướng thứ yếu) gồm trung đoàn 24 (thiếu tiểu đoàn 6) bố trí phía đông đông bắc Đắc Tô – Tân Cảnh, chiếm lĩnh dãy Ngọc Long Đra. Nhiệm vụ của trung đoàn 24 là đánh tập trung tiêu diệt từng tiểu đoàn ngụy, từng đại đội Mỹ dùng lối đánh nhỏ, pháo kích tiêu diệt, tiêu hao rộng rãi quân địch, uy hiếp Tân Cảnh, khống chế sân bay Đắc Tô, đường số 14 đoạn nam – bắc Tân cảnh, làm bàn đạp tiến công Tân Cảnh từ phía đông. Tích cực kiềm chế và tập kích vào các vị trí pháo binh của địch, uy hiếp sau đội hình của địch.
    Bố trí cụ thể: Tiểu đoàn 4 dùng 1 đại đội chốt ở điểm cao 1034; lực lượng còn lại đứng chân ở phía bắc điểm cao 1034. Tiểu đoàn 5 và sở chỉ huy trung đoàn ở đông nam dãy núi Ngọc Wan, tổ chức sẵn sàng 2 điểm chốt ở điểm cao 1374 và Ngọc Sia.
    Tỉnh đội Kon Tum có tiểu đoàn 304 bộ đội địa phương tỉnh, 2 đại đội đặc công, 1 đại đội pháo, 1 đại đội công binh (thiếu), bố trí ở phía đông bắc thị xã Kon Tum. Có nhiệm vụ tiêu hao từng đại đội Mỹ, đánh phá giao thông, kiềm chế và tập kích các trận địa pháo, cùng với trung đoàn 24 đánh phá hậu phương chiến dịch của địch, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh diệt “kìm kẹp”, giành dân.
    b. Hướng Gia Lai, có nhiệm vụ hỗ trợ rất quan trọng với hướng tiến công chính. Trên cơ sở tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tích cực tiến công, uy hiếp thị xã Plây Cu và đường giao thông huyết mạch của địch, giam chân và thu hút khoảng lữ đoàn Mỹ, thực hành nghi binh, giữ bí mật bất ngờ cho chiến dịch.
    Bố trí lực lượng: Trung đoàn 95 (3 tiểu đoàn bộ binh) được tăng cường tiểu đoàn bộ binh 101, một tiểu đoàn pháo hỗn hợp 18 khẩu (6 ĐKZ 75mm, 4 cối 82mm, 4 cối 120mm, 4 ĐKB); bố trí ở hướng Chư Pa cỡ trung đoàn (thiếu) gồm tiểu đoàn 101 và một tiểu đoàn của trung đoàn 95. Có nhiệm vụ đánh tập trung, tiêu diệt từng đại đội. Tích cực pháo kích, dùng các thủ đoạn tiêu hao có ý định và tiêu hao rộng rãi quân địch. Tích cực nghi binh lừa địch, kiềm chế giam chân buộc địch phải đối phó. Đồng thời sẵn sàng cơ động lực lượng về hướng nam đường 19 hoặc hướng huyện 4 (Chư Pah) khi cần.
    Tại huyện 4 (Chư Pah), tiểu đoàn 1 của trung đoàn 95 thực hiện các trận đánh tiêu diệt, tiêu hao cả quân Mỹ và quân ngụy. Phối hợp với các trận pháo kích của ĐKB vào thị xã Plây Cu, uy hiếp địch từ phía tây bắc Plây Cu (đường số 14 Plây Cu – Kon Tum) tạo bàn đạp và uy hiếp thị xã Kon Tum từ phía nam, để phối hợp với toàn chiến trường.
    Ở hai huyện 3 (Mang Yang) và 6 (nam huyện Mang Yang), trung đoàn 95 dùng một tiểu đoàn phối hợp với tiểu đoàn 97 và hai đại đội công binh của tỉnh Gia Lai, cùng dân quân du kích địa phương tổ chức thành mặt trận đánh phá giao thông trên đường 19, làm gián đoạn vận chuyển của địch, diệt sinh lực đồng thời uy hiếp thị xã Plây Cu từ hướng đông. Tiểu đoàn đặc công của tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tác chiến đánh phá các căn cứ sở chỉ huy, hậu cần, sân bay của Mỹ ở thị xã Plây Cu.
    c. Hướng Đắc Lắc, Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định địch có nhiều sơ hở, ta cần tích cực và mạnh dạn tiến công tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực trong khi chúng tập trung và đối phó với hướng chính của ta, giải phóng một số khu vực làm bàn đạp, để uy hiếp quân địch trong thị xã.
    Trung đoàn 33 (thiếu) bố trí ở tây bắc Buôn Ma Thuột, trực tiếp uy hiếp khu vực Quảng Nhiêu, kéo hút trung đoàn 45 ngụy ra ngoài căn cứ để tiêu diệt và sẵn sàng tiêu diệt, tiêu hao quân Mỹ hoặc Nam Triều Tiên đến ứng cứu, giải tỏa. Tích cực chuẩn bị địa bàn và tạo điều kiện để khi có thời cơ sẽ tăng cường thêm lực lượng phát triển chiến dịch.
    Tiểu đoàn bộ đội tỉnh, tích cực đánh phá giao thông, diệt bọn ngụy quân, ngụy quyền ở nam – bắc đường số 21, hỗ trợ phong trào địa phương phá ấp giành dân. Hai đại đội đặc công và đại đội cối 82mm của tỉnh, tích cực luồn sâu đánh phá sân bay, kho tàng trong hậu phương địch ở thị xã Buôn Ma Thuột.
    Trong quyết tâm và kế hoạch tác chien, Bộ tư lệnh và cơ quan chiến dịch dự kiến: Ở hướng tiến công chính, trước khi chiến dịch mở màn, nếu địch đã chiếm dãy núi tây – tây nam Đắc Tô – Tân cảnh, thì tiểu đoàn 6 vẫn phải tranh thủ chiếm một số điểm cao xen kẽ với địch và thực hành tiến công. Đây cũng là một cách khêu ngòi, dụ địch ra khu chiến của sư đoàn 1 để đánh diệt. Quá trình tiến công, nếu chiến dịch diệt gọn từ một đến hai tiểu đoàn Mỹ trong đợt đầu thì địch sẽ đưa thêm lực lượng vào chiến đấu với ta ở khu vực quyết chiến. Nếu ta tiêu diệt hoặc tiêu hao thêm một đến hai tiểu đoàn Mỹ nữa, sẻ có hai khả năng xảy ra:
    Khả năng thứ nhất: Địch đưa thêm từ một đến hai lữ đoàn Mỹ và một số tiểu đoàn ngụy để đánh rộng ra, nhưng khả năng này có ít. Nếu địch cố đưa thêm nhiều quân cơ động lên Tây Nguyên, thì ta sẽ thu hút và giam chân được lực lượng lớn quân địch, đồng thời có thời cơ tiêu diệt sinh lực địch lớn hơn, tạo điều kiện cho các chiến trường khác hoạt động.
    Khả năng thứ hai: Địch co về phòng ngự, giữ một số khu vực nhất định, khả năng này có nhiều. Chúng có thể chiếm giữ Tân Cảnh, các điểm cao tây-tây nam Tân Cảnh, để án ngữ khống chế, hình thành khu vực phòng ngự ở Bắc Kon Tum.
    Phương hướng xử trí:
    Một là, để một lực lượng nhỏ kiềm chế địch ở khu tây nam Tân Cảnh, thường xuyên uy hiếp, buộc địch phải đối phó, ta đánh nhỏ, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận của chúng.
    Hai là, mở hướng tiến công mới ở bắc đường số 14, dùng một trung đoàn bộ binh, tăng cường một tiểu đoàn pháo mang vác (cối, ĐKZ) vượt qua đường 14 giữa Đắc Siêng và Đắc Mót, cùng trung đoàn 24 (thiếu) tiến công Tân Cảnh từ hướng đông hoặc hướng bắc.
    Ba là, dùng một lực lượng nhỏ, được tăng cường hỏa lực, thọc sâu vào phía tây Tân Cảnh, mũi này có tác dụng trực tiếp chia cắt, phá thế phòng ngự của địch ở dãy điểm cao phía tây nam Tân Cảnh phối hợp chặt chẽ với hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch.
    Bốn là, dùng từ một đến hai tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo hỗn hợp (cối 82mm, ĐKZ) tiến vào hướng Kleng, uy hiếp thị xã Kon Tum từ hướng tây.
    Làm được như trên sẽ phá vỡ được thế phòng ngự của địch, tạo ra chuyển biến mới trên chiến trường Tây Nguyên.
    4. Công tác chuẩn bị chiến dịch
    Công tác tổ chức chuẩn bị chiến dịch Đắc Tô được tiến hành trong điều kiện hậu phương chiến dịch gần với hậu phương chiến lược, qua đường hành lang chiến lược 559. Song những khó khăn ta gặp phải trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị không phải là ít. Khó khăn lớn nhất là bảo đảm vật chất trong đó gạo, đạn là trọng điểm; bởi địch mở nhiều cuộc hành quân quy mô nhỏ, hoạt động biệt kích kết hợp dùng không quân ngày, đêm đánh phá sâu vào hậu phương căn cứ của ta dọc tuyến biên giới và các tuyến vận tải từ biên giới vào nội địa ở Tây Nguyên. Việc bảo đảm quân số chiến đấu cũng gặp nhiều khó khăn do bộ đội liên tục hoạt động ở rừng núi, nên quân số ốm, sốt rét rất cao, ăn uống thiếu thốn nên tỷ lệ quân số tham gia chiến đấu và công tác ở các đơn vị thấp. Các chiến dịch trước, khi xuất phát hành quân chiến đấu có trung đoàn phải để lại hậu cứ từ 400 đến 600 người. Bệnh xá của sư đoàn 1 có thời gian phải điều trị tới 700 thương, bệnh binh, trong đó bình quân cứ bốn người vào điều trị, thì có ba người mắc bệnh sốt rét.
    Trên cơ sở thực tế tình hình ở các đơn vị và nhiệm vụ được giao, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch triển khai công tác chuẩn bị tập trung vào những vấn đề then chốt sau đây:
    a. Chuẩn bị chiến trường: Trước ngày N khoảng bốn tháng, các đoàn cán bộ của Mặt trận và sư đoàn bộ binh 1 đã thị sát chiến trường. Đến cuối tháng 8, cán bộ quân sự từ cấp tiểu đoàn trưởng trở lên từ Gia Lai đi trinh sát địa hình khu vực Đắc Tô. Trinh sát xong, ở lại chiến trường để đón bộ đội và tiến hành mọi công tác tổ chức, chuẩn bị chiến dịch.
    b. Chuẩn bị lực lượng: Chiến dịch Đắc Tô được thực hiện theo phương châm: ”Ra sức tăng cường chất lượng, để chiến thắng số lượng đông của địch”. Việc tăng cường chất lượng bộ đội được tiến hành tích cực và toàn diện, cả về nâng cao chất lượng chính trị và huấn luyện kỹ chiến thuật.
    Về chính trị: Trong điều kiện quân số không đông hơn địch, trang bị cũng không mạnh, bộ đội thường phải tác chiến dài ngày và quyết liệt, việc chuẩn bị sức mạnh tinh thần cho bộ đội trở thành vấn đề cực kỳ quan trọng để thắng địch. Với ý nghĩa đó, Đảng ủy Mặt trận đã ra nghị quyết: “Triển khai sâu rộng công tác đảng, công tác chính trị chiến dịch trong giai đoạn chuẩn bị cũng như trong quá trình phát triển chiến dịch, làm cho cán bộ chiến sĩ thấu suốt ý nghĩa mục đích của chiến dịch, phát huy truyền thống và bản chất quân đội ta để vượt qua mọi khó khăn trở ngại, giữ vững niềm tin tất thắng”. Thường vụ Đảng ủy cũng ra nghị quyết về xây dựng chi bộ bốn tốt. Các buổi sinh hoạt đảng và đoàn được các cấp ủy đảng chỉ đạo chặt chẽ, với nhiều nội dung thiết thực như: đề cao kỷ luật chiến trường, đề cao tinh thần trách nhiệm và tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên gắn với việc phát huy dân chủ, bảo đảm tự do tư tưởng trong đơn vị. Phát hiện và giải quyết những vướng mắc về tư tưởng ngại khó ngại khổ, ngại hy sinh; phát huy lòng dũng cảm và ý chí căm thù giặc trong mỗi người, mỗi đơn vị. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, loại súng được sử dụng, tính toán chỉ tiêu diệt địch rồi hạ quyết tâm trước đơn vị. Phong tràọ tự nguyện đăng ký chỉ tiêu diệt Mỹ dấy lên rộng khắp trong toàn mặt trận, từ chiến sĩ nuôi quân đến đồng chí Tư lệnh chiến dịch. Những từ: “Đánh to”, “Thâng lớn”, “Diệt lữ đoàn Mỹ” được mọi người nhắc đến với quyết tâm và tin tưởng rất cao.
    Công tác huấn luyện: Các đại đội, tiểu đoàn đều có thao trường tập chiến thuật tập kích, vận động tiến công kết hợp chốt, theo phương án diệt tiểu đoàn Mỹ. Để đạt được chỉ tiêu đã giao ước, ngoài giờ học tập chính thức, từng tổ ba người, từng tiểu đội tự động ra thao trường ôn luyện chiến thuật, chia thành các nhóm chốt điểm cao và vận động tiến công địch khi chúng đổ bộ đường không xuống hai bên sườn của chốt, kết hợp với ôn luyện kỹ thuật bắn các loại súng khi lên dốc và xuống dốc… Các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch chia nhau xuống từng đơn vị giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà chiến sĩ, đơn vị chưa giải quyết được. Tác phong sâu sát đó đã xây dựng được sự gắn bó mật thiết giữa cấp trên và cấp dưới, cơ quan và đơn vị, cán bộ và chiến sĩ trong suốt quá trình tác chiến chiến dịch.
    c. Chuẩn bị đường trên các hướng chiến dịch:
    Để mở chiến dịch trên hướng bắc Kon Tum, việc chuẩn bị đường sá mang ý nghĩa rất quan trọng, nhất là hệ thống đường xe thồ từ cửa khẩu VQ5 trên đất Căm-pu-chia đến vùng ba biên giới dài tới 200 km qua hàng trăm con suối, vượt hàng chục đèo cao, để phục vụ chiến dịch. Bộ tư lệnh chiến dịch đã sử dụng lực lượng công binh và vận tải, gấp rút sửa chữa những đoạn đường thồ hư hỏng, lầy lội, bộ đội phải đi xa chặt nứa, lồ ô đan phên lát đường cho xe thồ đi dài hàng trăm ki-lô-mét. Để bảo đảm bí mật, chặt nứa và lồ ô phải rút hết xuống đất, không để lá khô thành vệt, máy bay trinh sát của địch dễ phát hiện. Những đoạn đường trống trải phải làm giàn ngụy trang. Cán bộ, chiến sĩ ta đã chặt hàng vạn cây trong những khu rừng đầy muỗi, vắt, mỗi lần rút được ngọn cây xuống đất là một lần người chiến sĩ phải dồn sức co kéo rất vất vả. Không có ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm và tinh thần giữ bí mật cao cho chiến dịch, thì không thể làm được những việc tưởng như đơn giản đó.
    Cùng với việc mở mạng đường thồ, chiến dịch phải mở mạng đường đi bộ cho pháo binh mang vác. Suốt bốn tháng trời ròng rã, bộ đội công binh và có cả lực lượng các đơn vị bộ binh, pháo binh cùng tham gia lao động vất vả, đưa tổng số đường bộ đã mở trong địa bàn tác chiến chiến dịch trên hướng chính ở bắc Kon Tum lên đến 500 ki-lô-mét.
    d. Chuẩn bị hậu cần:
    Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất còn mỏng yếu, lực lượng dự trữ trong địa bàn mở chiến dịch hầu như không có, việc tổ chức bảo đảm hậu cần chiến dịch đã được tiến hành với tinh thần hết sức tích cực và chủ động. Quán triệt được ý định chiến dịch, ngành hậu cần đã triển khai hệ thống tổ chức bảo đảm có chiều sâu từ phía sau ra phía trước. Bảo đảm đồng thời được các yêu cầu chủ yếu là tạo nguồn hàng ở cả phía sau (trên đất bạn) và phía trước (trên đất địch tạm chiếm ở Tây Nguyên). Đồng thời tổ chức tiêp nhận nguồn hàng từ hậu phương chiến lược đưa vào phục vụ cả đánh địch phá chuẩn bị ở phía sau và phục vụ tiến công địch ở phía trước, trên các hướng chiến dịch.
    Công tác vận tải, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch tiến công là khó khăn lớn lúc bấy giờ. Mặt trận phải huy động lực lượng các binh trạm hành lang, trường quân chính, trường quân y, bệnh viện, đội điều trị, xưởng dược, cơ quan và quần chúng nhân dân toàn mặt trận tham gia vận chuyển phục vụ chiến dịch. Đến trước ngày nổ súng, bảo đảm được 679 tấn lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men, trong đó có 10 nghìn bánh lương khô tự chế của quân lương Tây Nguyên.
    Với quyết tâm “Không vì hậu cần mà ảnh hưởng đến chiến đấu”, cán bộ, chiến sĩ vận tải động viên nhau gùi hàng vượt qua “Dốc trăm bậc” và đỉnh đồi “cây đa gió lộng” cao hàng nghìn mét, rồi vượt sông Sa Thầy đưa đạn, gạo đến từng trận địa theo đúng kế hoạch tác chiến chiến dịch. Phong trào thi đua “Vượt cân, tăng chuyến” diễn ra sôi nổi. Thêm một ki-lô-gam gạo, một viên đạn ra phía trước, là để đồng chí mình được ăn no, diệt thêm một tên địch. Đội nữ vận tải Cục Hậu cần của Mặt trận đạt năng suất bình quân 50 ki lô gam một người. Cán bộ, chiến sĩ Viện quân y 211 không quen gùi, thồ củng đạt năng suất gùi 45 ki lô gam, thồ 80 ki lô gam mỗi chuyến. Tiểu đoàn 6 vận tải đạt năng suất bình quân trên đường 42 ki lô gam một người. Kỷ lục gùi, thồ thi nhau bị phá vỡ, có người gùi từ 65 đến 100 ki lô gam, thồ từ 1,5 đến 2 tạ một chuyến.
    e. Công tác bảo đảm bí mật:
    Cùng với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và chuẩn bị lực lượng tác chiến, một vấn đề khác được đặc biệt quan tâm là bảo đảm bí mật bất ngờ cho chiến dịch, coi đó là một trong những nhân tố hết sức quan trọng giành thắng lợi. “Bí mật bất ngờ” vốn là tư tưởng chỉ đạo mang tính truyền thống của quân đội ta. Trong chiến dịch Đắc Tô, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị đã được vận dụng một cách có hiệu quả trong điều kiện thời gian chuẩn bị dài đến bốn tháng. Được giáo dục sâu rộng và chỉ đạo chặt chẽ, cán bộ và chiến sĩ đều thấy rõ tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn của yếu tố bí mật bất ngờ đối với toàn mặt trận cũng như đối với bản thân mình, thấy được “bí mật bất ngờ” là sức mạnh. Yêu cầu ’’Không để địch phát hiện, không để mất tài liệu, không để bị bắt, không lộ bí mật” được thực hiện triệt để trong mọi công tác chuẩn bị. Với lòng dũng cảm, trí thông minh và lập trường kiên định, các chiến sĩ đã điều tra nắm địch, nắm địa hình chuẩn bị các trục đường chiến dịch và mạng đường chiến thuật sâu trong hậu phương địch, từ đường của bộ binh, đường dự kiến cho pháo binh, tuân thủ nguyên tắc bảo đảm bí mật như “bẻ cò” lá cây ngược theo chiều hành quân của bộ đội, không để dấu vết khi trú quân ở những nơi gần trục hành quân đã dự kiến… Kế hoạch hành quân của các đơn vị từ vị trí tập kết đến vị trí xuất phát tiến công được thực hiện theo nguyên tắc đơn vị đảm nhận trận đánh mở đầu chiến dịch hành quân chiếm lĩnh trước, các đơn vị khác hành quân sau, thực hiện nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch bảo đảm an toàn và tạo thế thuận lợi cho đội hình chủ yếu của chiến dịch. Việc giữ bí mật chiến dịch, còn được quán triệt trong công tác huấn luyện bộ đội cũng như trong tổ chức hiệp đồng giữa quân chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, giữa Bộ tư lệnh chiến dịch và các cấp ủy địa phương theo nguyên tắc cần đến đâu tổ chức hiệp đồng và phổ biến đến đó.
    Công tác tổ chức chuấn bị cho chiến dịch Đắc Tô đã được tiến hành theo kế hoạch thống nhất, từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1967. Với những nỗ lực lớn, trên cơ sở vận dụng tư tưởng tiến công, quan điểm sức mạnh tổng hợp và tinh thần tích cực chủ động, ta đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, đưa toàn bộ đội hình chiến dịch vào sâu trong đất địch, bảo đảm đươc bí mật, bất ngờ trước khi nổ súng tiến công. Đây cũng là một thành công lớn của nghệ thuật chuẩn bị chiến dịch.
    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Re: Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Admin Fri Sep 09, 2022 12:49 pm

    PHẦN THỨ BA
    DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH

    I. TIẾN CÔNG NGHI BINH TRÊN HƯỚNG PHỐI HỢP TRIỂN KHAI LỰC LƯỢNG VÀO HƯỚNG CHỦ YẾU
    1. Thực hiện kế hoạch tác chiến của Bộ tư lệnh chiến dịch, ngày 15 tháng 10, các đơn vị làm nhiệm vụ trên hướng chính cơ động lực lượng vào các khu vực tập kết chiến dịch. Cùng thời gian trên, các tiểu đoàn và trung đoàn chủ lực tại chỗ được lệnh cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích ở hai hướng Gia Lai, Đắc Lắc đẩy mạnh hoạt động đánh lạc hướng sự chú ý của địch đối với hướng chính của chiến dịch.
    Ở Gia Lai, đêm 15 tháng 10, một trung đội cối 82mm bắn phá căn cứ Đắc Cơ trên đường số 19 kéo dài (cách thị xã Plây-cu 60 km về phía tây nam). Tướng hai sao IlltarR-Peens sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 4 Mỹ tưởng ta tiến công lớn ở Plây-cu, vội vàng mở cuộc hành quân mang tên Mác Ác-tơ (Mac Arthur) vào vùng tây Gia Lai. Trong khi lữ đoàn 1 đang triển khai ra vùng Đức Cơ, thì đêm 26 tháng 10, sở chỉ huy Quân đoàn 2 ngụy ở căn cứ La Sơn và sở chỉ huy sư đoàn 4 Mỹ ở thị xã Plây-cu bị tiểu đoàn 33 (ĐKB) của ta bắn phá, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên.
    Ngày 30 tháng 10, tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 95) phục kích diệt một trung đội ngụy, phá hủy ba xe GMC ở tây bắc Plây-cu. Phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, du kích huyện 4 (nay là Chư Pắh) đã tích cực đánh lẻ, loại khỏi vòng chiến đấu gần trăm tên địch, thu ba súng AR15. Với hành động tiến công tích cực, kết hợp các hoạt động nghi binh khác, ta đã thu hút được sự chú ý của địch về hướng này.
    Ở Đắc Lắc, ngày 20 tháng 10 các lực lượng vũ trang địa phương nổ súng tiến công tiểu đoàn 1, lữ đoàn 2, sư đoàn 4 Mỹ và trung đoàn 45 ngụy ở Mè Wan. Đêm 27 tháng 10, hai đại đội đặc công tỉnh tập kích cơ quan chỉ huy và một đại đội pháo của tiểu đoàn 232 ngụy ở tây thị xã Buôn Ma Thuột 2 km, diệt hơn một trăm tên, phá hủy ba khẩu pháo 105mm, 30 xe quân sự (có 4 xe bọc thép), đốt cháy một kho xăng, một kho đạn, thu sáu súng các loại. Tiếp đó, ngày 28 tháng 10 trung đoàn 33 diệt 40 tên Mỹ thuộc tiểu đoàn 1 (lữ đoàn 2), buộc địch phải đưa trung đoàn thiết giáp số 8 ngụy ra ứng cứu giải tỏa. Nhưng trung đoàn thiết giáp số 8 cũng bị đánh. Cùng đêm ta pháo kích kiềm chế khu vực trú quân của trung đoàn thiết giáp số 8 phá hủy bốn xe, diệt 50 tên. Sư đoàn 4 Mỹ buộc phải đưa lữ đoàn 2 vào Buôn Ma Thuột.
    Như vậy, trong giai đoạn nghi binh chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 tên Mỹ, ngụy, phá hủy ba khẩu pháo, 28 xe (có 8 xe bọc thép), một kho đạn, một kho xăng, thu 20 khẩu súng các loại. Những đòn tiến công của ta nhằm nghi binh ở Đức Cơ, bắc Buôn Ma Thuột đã căng kéo sư đoàn 4 Mỹ, thu hút và kìm chân chúng trên các hướng, tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu của chiến dịch vào triển khai ở hướng Đắc Tô được thuận lợi, chuẩn bị mở những trận tiến công quyết định trên hướng chính của chiến dịch.
    2. Trên hướng chủ yếu của chiến dịch, sau khi địch phát hiện được ta không tiến công lớn trên hai hướng Gia Lai – Đắc Lắc, ngày 21 tháng 10, sư đoàn trường sư đoàn 4 Mỹ tung tiểu đoàn 3 (trung đoàn 8, lữ đoàn 1) ra triển khai ở Plây-cần, ngày 30 tháng 10, chiếm Ngọc Rinh Rua. Để giữ thế chủ động đánh địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, nhất là công tác vận chuyển. Tư lệnh quyết định ngày 25 tháng 10, phải hoàn thành. Đồng thời lệnh cho tiểu đoàn 6 (trung đoàn 24) hành quân chiếm lĩnh trận địa (sớm hơn kế hoạch 5 ngày). Ngày 26 tháng 10. một trung đội của tiểu đoàn 6 chiếm một số điểm cao ở khu vực Ngọc Bờ Biêng. Ngày 29 tháng 10, tiểu đoàn 6 chiếm lĩnh khu chốt Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Kon Kring, Ngọc Tang. Đặc biệt hai khẩu sơn pháo 75mm đã hoàn thành trận địa bắn sớm hơn dự định bốn ngày. Một trong những lo lắng nhất của Bộ tư lệnh chiến dịch đã được giải quyết, bởi giá trị của khu chốt chiến dịch rất lớn, ta chiếm được trước sẽ tạo được nhiều thuận lợi về thế, về tác dụng của khêu ngòi, kéo hút lực lượng địch ra ngoài công sự để diệt và yểm trợ được cho khu quyết chiến của chiến dịch.
    Tối ngày 3 tháng 11, theo lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch, sư đoàn 1 hành quân chiếm lĩnh cơ bản theo đúng kế hoạch. Riêng trung đoàn 320, do địch chiếm Ngọc Dơ Lang, và Ngọc Rinh Rua, nên đội hình phải điều chỉnh: Tiểu đoàn 4 vào chiếm lĩnh ở phía tây Ngọc Dơ Lang 2 km, tiểu đoàn 6 ở tây bắc Ngọc Dơ Lang 1 km cho một trung đội chốt ở điềm cao 843, tiểu đoàn 5 vẫn ở vị trí cũ (điểm cao 676) có một đại đội chốt ở điểm cao 782. Trung đoàn 174 tiếp tục làm nhiệm vụ vận chuyển, riêng tiểu đoàn 2 chiếm lĩnh trận địa trước để tổ chức chốt ở điểm cao 875.
    Ở đông – đông bắc Đắc Tô, trung đoàn 24 (thiếu), do củng cố chậm, đến ngày 5 tháng 11, chưa triển khai xong, chỉ có một đại đội của tiểu đoàn 4 chiếm được điểm cao 1034 (ngày 5 tháng 11).
    Nhìn chung, trong giai đoạn nghi binh và triển khai lực lượng chiến dịch, tuy địch có chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công mùa khô, nhưng do bị ta đánh lạc hướng, nên phải phân tán đối phó và bị tiêu hao sinh lực đáng kể. Về phía ta đã tập trung được lực lượng chủ lực vào hướng chính đúng ý định và kế hoạch tác chiến của Bộ tư lệnh chiến dịch đã đề ra.
    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Re: Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Admin Fri Sep 09, 2022 12:50 pm

    II. MỞ MÀN CHIẾN DỊCH. NỔ SÚNG TIẾN CÔNG ĐÁNH BẠI ĐỢT RA QUÂN ỨNG CHIẾN LẦN ĐẦU CỦA LỮ ĐOÀN 1, SƯ ĐOÀN 4 MỸ Ở NGỌC BỜ BIÊNG.
    Ngày N (ngày nổ súng), theo dự định của Bộ tư lệnh chiến dịch là 5 tháng 11, nhưng chiến sự bắt đầu từ ngày 3 tháng 11. Diễn biến chính trên hướng chủ yếu như sau:
    Ngày 30 tháng 10 địch chiếm Ngọc Rinh Rua, đến 10 giờ ngày 3 tháng 11, lữ đoàn 1, sư đoàn 4 Mỹ dùng máy bay trực thăng (MBTT) chuyển hai đại đội từ Plây-cần đổ bộ xuống chiếm điểm cao 882, Ngọc Dơ Lang, 13 giờ 30 phút cùng ngày, trực thăng vận đổ tiếp hai đại đội Mỹ xuống chiếm Ngọc Non và triển hai các trận địa pháo 105mm xuống Plây-cần, Ngọc Rinh Rua, Tân Cảnh, sân bay Đắc Tô 2, Đắc Mót. Ngày 14 tháng 11, sở chỉ huy lữ đoàn 1 đến Đắc Tô 2. Qua tin trinh sát kỹ thuật, ta nắm được ý định của địch là trường hợp phát hiện được hướng tiến công của ta, sẽ dùng hai lữ đoàn (Lữ dù 173 và lữ 1 thuộc sư đoàn 4) hình thành cánh quân phản kích trên hai hướng tây và tây nam Tân Cảnh, đánh chiếm điểm cao Ngọc Dơ Lang, Ngọc Bờ Biêng. Lữ dù 173 triển khai hướng tây, chiếm lĩnh khu điểm cao Plây-cần, Ngọc Kom Liệt để ngăn chặn cuộc tiến công của ta và hợp vây chiến dịch tại khu vực điểm cao 875. Bộ tư lệnh và cơ quan tham mưu chiến dịch nhận định: Việc địch vội vã điều quân ra phía tây – tây nam Đắc Tô là một thời cơ thuận lợi, ta đã rút ngắn được thời gian khêu ngòi và địch đã đi vào ngay 2 khu chiến. Đó là khu chiến tiêu diệt lớn ở Ngọc Kom Liệt, Ngọc Dơ Lang và khu chiến tiêu hao lớn ở dãy núi tây nam Tân cảnh (Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Tang, Ngọc Kon Kring). Do vậy, tiểu đoàn 6 phải kiên quyết ngăn chặn, tiêu hao quân địch, giữ vững trận địa. Trong những ngày cao điểm, dùng hỏa lực khống chế sân bay Đắc Tô 2, đánh vào đội hình phía sau của quân địch, hỗ trợ cho sư đoàn 1 vây diệt quân địch ở khu quyết chiến Ngọc Dơ Lang, Ngọc Kom Liệt. Sư đoàn 1 phải giữ kín lực lượng, chờ địch tiến vào khu quyết chiến đã chuẩn bị sẵn, liên tục xuất kích tiêu diệt từng đơn vị quân Mỹ bằng các hình thức chiến thuật kết hợp khu điểm chốt (tiểu đoàn 6). Với binh lực vừa (đại đội, tiểu đoàn) vận động tiến công, phục kích, tập kích, liên tục đánh nhiều trận, nhằm tiêu diệt từng tiểu đoàn địch. Trung đoàn 24 và các lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum, thực hiện đánh nhỏ trong những ngày đầu nhằm lừa cho địch tiến sâu vào khu quyết chiến Ngọc Kom Liệt, Ngọc Dơ Lang. Thời gian cao điểm cho xuất kích toàn bộ lực lượng đánh vào ngoại vi Đắc Tô – Tân Cảnh, đường 14, tập trung lực lượng diệt từng tiểu đoàn ngụy.
    Thực hiện ý định trên, 15 giờ 30 phút ngày 3 tháng 11, trên mỏm đồi Yên Ngựa dãy Ngọc Bờ Biêng, tiểu đội 7 (đại đội 11, tiểu đoàn 6) mở màn chiến dịch Đắc Tô bằng trận đánh quyết liệt với hai đại đội của tiểu đoàn 1 (lữ đoàn 1, sư đoàn 4) Mỹ. Các chiến sĩ ta đã chiến đấu dũng cảm, đánh đại đội đi đầu của địch bị thiệt hại nặng, buộc chúng bỏ lại súng và phải lùi ra xa. Ta thu hai súng AR15 và một M79. Đến tối ngày 3 tháng 11, pháo địch bắn dữ dội vào trận địa của tiểu đoàn 6 làm cây cối đổ ngổn ngang. Cán bộ, chiến sĩ ta phải ăn lương khô, tranh thủ sửa lại công sự; khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh ngày hôm sau.
    Sáng 4 tháng 11, địch tiếp tục ném bom đào, bom xăng và bom có chất độc hóa học. Nhiều đoạn chiến hào bị san bằng, vào lúc 8 giờ quân Mỹ bắt đầu tiến lên chốt. Chúng bị đánh bật khỏi trận địa. Bom, pháo lại giội xuống, quân Mỹ đã tổ chức tám đợt tiến công, nhưng đều bị các chiến sĩ tiểu đội 7 (đại đội 11) đánh lui, ta diệt 120 tên (tiêu hao nặng hai đại đội Mỹ) thu năm súng, một máy vô tuyến điện. Địch không chiếm được trận địa của ta. Nhưng do trận địa hư hỏng nặng nên tối 4 tháng 11 tiểu đội 7 được lệnh rời khỏi chốt. Ngày 5 tháng 11, địch lên chiếm đồi Không Tên, chúng tăng quân củng cố lực lượng, ngày 8 và 9 tháng 11 bắt đầu tiến công chốt thứ hai của ta ở Ngọc Tang do một trung đội (thiếu) của đại đội 11 và hai khẩu ĐKZ75mm chiếm giữ. Lần này, ta dùng từng tổ đánh bên sườn, kết hợp với điểm chốt, đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch và đã tiêu hao nặng hai đại đội. Cùng với những trận đánh của bộ binh, đại đội 1 pháo binh dùng sơn pháo 75mm cùng với ĐKZ bắn vào sân bay Đắc Tô, sở chỉ huy lữ đoàn 1, gây thiệt hại nặng cho địch.
    Sau khi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, tối 9 tháng 11, ta để lại 1 tiểu đội chốt điểm cao Ngọc Tang. Ngày 10 tiểu đội này đầy lùi năm đợt tiến công của địch, diệt gần 50 tên, thu một súng. Tối 10 tháng 11, bộ đội được lệnh rời khỏi chốt. Ngày 11 tháng 11, địch chiếm được khu vực Ngọc Tang.
    Như vậy, từ ngày 3 tháng 11 đến 10 tháng 11, với binh lực hơn một trung đội có công sự vững chắc chiếm giữ chốt, ta đã thực hành ba đợt chiến đấu, đánh tiêu hao nặng tiểu đoàn 1 (trung đoàn 8, lữ đoàn 1, sư đoàn 4) Mỹ, loại khỏi chiến đấu gần 200 tên. Trong những trận đánh địch giữ chốt ở Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Tang, điểm cao 1089 từ ngày 3 đến ngày 10 tháng 11, các chiến sĩ ta vận dụng cách đánh bằng lực lượng nhỏ, từng tổ, đội xuất kích bên sườn và phía sau lưng địch, tạo thế đánh linh hoạt, bất ngờ đối với địch. Khu chốt thực sự phát huy được tác dụng, không những buộc địch phải phân tán đối phó, mà còn yểm trợ đắc lực cho sư đoàn 1 diệt địch tại khu quyết chiến vào thời kỳ cao điểm.
    Về phía Mỹ, tướng Bill Rosson tư lệnh chiến trường 1 đã điều khẩn cấp lữ đoàn dù 173 từ Phú Yên lên Đắc Tô để tăng sức cho sư đoàn 4, đồng thời sử dụng B52 đánh phá ác liệt suốt ngày đêm vào khu vực tây nam Đắc Tô.
    Nắm được ý đồ của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị khẩn trương bổ sung các kế hoạch tác chiến, chuẩn bị đón đánh lữ đoàn dù 173, khi lữ đoàn này vào trận.
    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Re: Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Admin Fri Sep 09, 2022 12:50 pm

    III. ĐÁNH BẠI PHẢN ĐỘT KÍCH CỦA LỮ ĐOÀN 1 (SƯ ĐOÀN 4) VÀ LỮ DÙ Ở NGỌC KOM LIỆT – NGỌC Dơ LẠNG, TIẾP TỤC DỤ ĐỊCH VÀO THẾ TRẬN ĐÃ CHUẨN BỊ Ở KHƯ VỰC ĐIỂM CAO 875
    Lữ đoàn dù 173, do chuẩn tướng Lee B.Sche Weiter làm lữ đoàn trưởng được điều từ Phú Yên lên Đắc Tô để tăng cường cho sư đoàn 4, thực hiện chức năng lực lượng dự bị chiến dịch của địch.
    Sau khi tập kết quân ở khu vực xuất phát, lữ dù tổ chức phản đột kích ở Plây-cần (Bến Hét). 13 giờ ngày 6 tháng 11, hai đại đội của tiểu đoàn 1 trung đoàn 503 được cơ động bằng trực thăng đổ xuống dãy điểm cao 823, 845, 882 ở Ngọc Kom Liệt, hình thành hai mũi đánh vào sườn phải của sư đoàn 1, nhưng bị các chốt chiến thuật của trung đoàn 66 đánh thiệt hại nặng đại đội D (Delta), bắn rơi hai trực thăng, thu bốn súng AR15 và một máy vô tuyến điện. Liền sau đó, hai đại đội của tiểu đoàn 4, trung đoàn 503 được trực thăng đổ xuống chân điểm cao 823. Bọn này bị lực lượng ở đài quan sát và đại đội trinh sát của trung đoàn 66 dựa vào chốt kết hợp xuất kích nhò, diệt khoảng 60 tên, tiêu hao nặng đại đội B (Bravo). Do hỏa lực mạnh, quân đông, địch chiếm được điểm cao 823. Đêm hôm đó trung đoàn 66 dùng đại đội 3, tiểu đoàn 7 tập kích, nhưng do tổ chức chỉ huy không tốt nên không thành công. Ngày 7 tháng 11, trung đoàn 66 dùng cối 82mm liên tiếp pháo kích quân địch ở điểm cao 823 (tiêu thụ hết 100 viên đạn), tiểu đoàn 1 của trung đoàn 503 Mỹ phải bỏ điểm cao 823 xuống chốt ở dãy Ngọc Kom Liệt.
    Ngày 6 tháng 11 tại Ngọc Dơ Lang (Ngok Đar Lang) sau khi được tăng cường lực lượng và củng cố bàn đạp ở điểm cao 882, địch dùng hai đại đội đánh sang chốt của đại đội 9, tiểu đoàn 6 ở điểm cao 843. Vận dụng chiến thuật chốt kết hợp với vận động, một trung đội của đại đội 9 đã diệt 20 tên địch. Nhưng do sơ hở, địch lọt vào giữa đội hình, chiếm được điểm cao 843.
    Ngày 7 tháng 11, địch từ điểm cao 843 tiến về điểm cao 724. Đại đội 9 (tiểu đoàn 6, trung đoàn 320) vận động tiến công tiêu diệt đại đội C (Charlie) (tiểu đoàn 3, trung đoàn Cool của lữ đoàn 1, sư đoàn 4, diệt 10 tên, thu sáu súng. Lực lượng địch còn lại cụm ở điểm cao 724.
    Trước tình hình trên, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: Trong ngày 6 tháng 11 mặc dù cả 2 cánh quân của địch đều bị chặn đánh, nhưng khả năng địch có thể còn tiến sâu hơn. Do vậy, Bộ tư lệnh quyết định: Trung đoàn 174 tạm dừng vận chuyển gạo, hành quân ra khu vực tây nam Lăng Lố Kram gấp rút hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu, đồng thời lệnh cho các hướng tích cực hoạt động phối hợp. Hướng đông – đông bắc Đắc Tô – Tân Cảnh không hoạt động nhỏ nữa mà triển khai toàn bộ lực lượng đánh mạnh vào hướng Đắc Tô – Tân Cảnh và phục kích đánh giao thông trên đường 14. Sư đoàn 1 dùng phân đội nhỏ (cỡ trung đội, đại đội) vây ép, kết hợp pháo kích, buộc địch phải nống ra ngoài, để tiêu diệt chúng trong vận động. Tiểu đoàn 6 tranh thủ củng cố công sự sẵn sàng chờ lệnh đánh phối hợp với sư đoàn 1 (bắn sơn pháo 75mm vào Đắc Tô – Tân Cảnh).
    Tối 8 tháng 11, thực hiện ý định của Bộ tư lệnh chiến dịch, sư đoàn 1 dùng tiểu đoàn 4, đại đội 10 (tiểu đoàn 6, trung đoàn 320) tập kích quân địch ở điểm cao 724. Đang hành quân tiếp cận, vào lúc 16 giờ cùng ngày, địch ở điểm cao 724 cơ động về phía tây với ý đồ thay đổi chỗ trú quân đêm, đề phòng ta tập kích, bộ đội ta nhanh chóng chuyển sang đánh vận động, diệt gần 100 tên, đánh thiệt hại nặng đại đội B và đại đội A (Alpha) của tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, lử đoàn 1, sư đoàn 4. Để chi viện cho trung đoàn 320 đánh địch ngoài công sự, sư đoàn 1 đã dùng cối 120mm, ĐKZ 75mm pháo kích Ngọc Rinh Rua và điểm cao 823, phá hủy hai khẩu pháo 105mm và hai máy bay trực thăng, diệt khoảng 50 tên.
    Như vậy, trong hai ngày 7 và 8 tháng 11, trung đoàn 320 đã tiến công liên tục, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 3 (lữ đoàn 1, sư đoàn 4) phá vỡ ý định đánh vào phía sau đội hình tiến công của ta. Đồng thời tiếp tục dụ địch tiến sâu vào thế trận mà ta đã chuẩn bị.
    2. Trong các ngày từ 7 đến 10 tháng 11, tại Ngọc Kom Liệt, do bị ta tiến công dồn dập, nên tiểu đoàn 4, trung đoàn 503 từ điểm cao 823 mở cuộc hành quân giải tỏa về phía tây. Tiểu đoàn 7 của ta được điểm chốt trinh sát yểm hộ, kịp thời vận động tiến công mũi quân này của địch. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt từ 6 giờ đến 16 giờ. Tiểu đoàn 7 đã tiêu diệt gần hết tiểu đoàn 4 Mỹ, một số tên sống sót cụm lại, bị tiểu đoàn 8 tiêu diệt. Để cứu nguy, 12 giờ ngày 11 tháng 11, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 173 phải điều hai đại đội thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 503 từ Ngọc Kom Liệt xuống, nhưng bị tiểu đoàn 8 cùng với đại đội 12,7mm của ta phối hợp đánh và diệt phần lớn lực lượng của hai đại đội địch, làm chủ chiến trường. Tiểu đoàn 4 trung đoàn 503 cơ bản bị tiêu diệt (Đại đội C, đại đội B, đại đội A bị diệt, đại đội D hỏa lực bị tiêu hao), tiểu đoàn 1 bị diệt 2 đại đội (đại đội A và đại đội C). Tổng số địch bị diệt khoảng 400 tên, ta thu 21 súng các loại và sáu máy vô tuyến điện. Xác và súng địch bỏ lại ngổn ngang tại trận địa, chúng phải dùng máy bay (cả B52) ném bom thiêu hủy. Trận tiêu diệt tiểu đoàn 4, trung đoàn 503 là một đòn nặng làm cho địch choáng váng, càng lúng túng bị động, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 173 buộc phải tung tiểu đoàn 2 của trung đoàn 503 là lực lượng dự bị xuống khu vực điểm cao 845 (chiều ngày 11 tháng 11). Trung đoàn 66 (thiếu) đã đánh một trận oanh liệt bằng nghệ thuật “Chốt kết hợp vận động” mở đầu bước phát triển mới về trình độ tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực Tây Nguyên.
    Trong lúc chiến sự diễn ra quyết liệt ở Ngọc Kom Liệt, tại Ngọc Dơ Lang vào lúc 14 giờ ngày 11 tháng 11, tiểu đoàn 3 trung đoàn 8 Mỹ cho hai đại đội đánh ra phía tây, để phối hợp với số quân chốt ở điểm cao 724. Giữ vững quyền chủ động tiến công, tiểu đoàn 5 trung đoàn 320 đã vận động tiến công diệt gọn đại đội B, tiêu hao nặng đại đội D của tiểu đoàn 3 Mỹ, diệt 120 tên. Quân địch còn lại co về cụm ở điểm cao 724.
    Như vậy, trong ngày 11 tháng 11, đã diễn ra hai trận đánh của trung đoàn bộ binh, trên hai hướng do sư đoàn 1 trực tiếp chỉ huy, khả năng mới về tác chiến tập trung, tiêu diệt lực lượng lớn quân Mỹ xuất hiện. Đây cũng là cơ sở để ta nghiên cứu, vận dụng chiến thuật đánh cấp sư đoàn ở địa hình rừng núi Tây Nguyên. Kết quả tác chiến tiêu diệt địch tại khu chiến, tạo ra thế hỗ trợ cho tiểu đoàn 6 giữ khu chốt chiến dịch. Từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 11, mặc dù các chốt của ta thực sự trở thành một cái đinh đóng vào bên hông kẻ địch trực tiếp khống chế Đắc Tô – Tân Canh, địch không dám cho quân đánh vào khu chốt.
    Chiến thắng giòn giã liên tiếp chứng minh sự phán đoán của Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch về hướng hợp vây chiến dịch của địch là đúng. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng trung đoàn 66 và trung đoàn 320 chặn đánh địch ở khu vực Ngọc Dơ Lang, Ngọc Kom Liệt, kéo hút lữ đoàn dù 173 và sư đoàn 4 Mỹ vào bẫy “Đắc Tô” là chính xác. Mặc dù địch ra quân dè dặt từng đại đội, tiểu đoàn (thiếu) không ồ ạt như chiến dịch Plây-me, song bằng nghệ thuật chốt kết hợp vận động, hai trung đoàn 66 và 320 đã đánh bại từng mũi phản kích, phản đột kích bằng đổ bộ đường không của quân Mỹ, nhử chúng từng bước vào khu quyết chiến then chốt (khu quyết chiến) của chiến dịch đã được chuẩn bị theo kế hoạch tác chiến chiến dịch ở khu vực điểm cao 875.
    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Re: Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Admin Fri Sep 09, 2022 12:50 pm

    IV. ĐÁNH TRẬN THEN CHỐT QUYẾT ĐỊNH Ở KHU VỰC 875 – KẾT THÚC CHIẾN DỊCH
    Sau những đợt phản kích, phản đột kích nhằm chia cắt đội hình chiến dịch của ta ở Ngọc Dơ Lang, Ngọc Kom Liệt không thành công, ý định của Bộ chỉ huy Mỹ (qua tin trinh sát kỹ thuật) là thực hiện đòn phản đột kích (ứng chiến lớn) vào sau lưng đội hình chiến dịch của ta để xoay chuyển tình thế.
    Điểm cao 875 nằm cách quận lỵ Đắc Tô khoảng 25 km về phía tây nam và cách Plây-cần (Bến Hét) 10 km về phía nam có sức hút khá quan trọng trong ý định ứng chiến lớn của quân Mỹ nhằm đánh vào hậu phương chiến dịch ta. Từ dự đoán khả năng của địch. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định chọn điểm cao 875 làm trung tâm, hình thành khu quyết chiến, thực hiện trận then chốt quyết định của chiến dịch.
    Điểm cao 875 có chiều dài 400 đến 500 mét, rộng 200 đến 350 mét. Nối liền với điểm 875 về phía bác có đồi Yên Ngựa dài 200 đến 250 mét, rộng 150 đến 200 mét. Cả điểm cao 875 và đồi Yên Ngựa trên đỉnh tương đối bằng phẳng, chạy dài theo chiều bắc nam 300 đến 400 mét, rộng khoảng 100 mét. Tiếp theo về phía bắc 4km, có điểm cao 882, phía đông điểm cao 875 là rừng tre, bãi le dày đặc, có chiều dài 1500 đến 2000 mét. Xen kẽ rừng tre và bãi le, là những bãi trống bằng phẳng. Phía nam có dãy điểm cao nối liền với 875, nhưng ít liên quan đến trận đánh. Phía tây tiếp giáp với điểm cao 875 là dãy đồi Không Tên (thấp hơn 875) phía bắc đồi Không Tên, có đồi “Biệt Kích” (nơi biệt kích địch thường hoạt động). Giữa điểm cao 875 và đồi Không Tên có một con suối nhỏ, hình thành thung lũng hẹp và kín.
    Địa hình khu vực điểm cao 875 phần lớn là rừng già, cây thân gỗ to, cao, cành lá um tùm, kín; phía dưới là cây nhỏ có thể quan sát phía trước và xung quanh đồi từ 100 đến 200 mét, tiện cho bắn gần. Chất đất ở đây thuộc loại đất đỏ ba dan, tiện đào hầm hào và công sự chiến đấu.
    Do điểm cao 875 có địa hình khá đặc biệt, là cửa ngõ bước vào quần thể các điểm cao ở vùng rừng núi tây nam Đắc Tô, là nấc thang đầu tiên bước lên dãy Ngọc Tô Ba, một trong những khu căn cứ của ta, từ hậu phương ở vùng ”ba biên giới”, muốn vào khu vực tác chiến chiến dịch phải đi qua khu vực 875, nên địch quyết chiếm điểm cao 875 để khống chế toàn bộ khu vực, yểm trợ cho các mũi tiến quân sâu vào phía tây, giải tỏa cho Đắc Tô. Nếu ta giữ vững được điểm cao 875, sẽ khống chế được các bãi trống xung quanh, tạo điều kiện cho lực lượng cơ động tiến công đánh địch khi ứng cứu, giai tỏa (phản đột kích) bằng đổ bộ đường không (ĐBĐK).
    Từ nhận định, đánh giá tình hình, dự đoán khả năng của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch tiến hành điều chỉnh lực lượng, bổ sung hiệp đồng và giao nhiệm vụ cho sư đoàn 1 dùng hai trung đoàn 66 và 174 thực hiện trận then chốt quyến định. Trung đoàn 174 làm nhiệm vụ chủ yếu của trận then chốt, bố trí ở điểm cao 875. Trung đoàn 66 bố trí ở dãy Ngọc Kom Liệt, điểm cao 823, 845, đảm nhiệm đánh địch vòng ngoài bảo vệ sườn trái rất quan trọng cho trung đoàn 174. Đồng thời tiêu diệt, tiêu hao từng bộ phận các tiểu đoàn đi trước của lữ đoàn dù 173, làm suy yếu khả năng chiến đấu của lữ đoàn này và nhử dần chúng vào khu vực 875.
    Trung đoàn 174 do trung tá Đàm Văn Ngụy làm trung đoàn trưởng. Ngày 10 tháng 11 trung đoàn 174 hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và tổ chức hai điểm chốt chiến thuật ở điểm cao 882 và 875.
    Tại điểm cao 875, tiểu đoàn 2 tổ chức hai lực lượng: chốt và cơ động. Lực lượng chốt do đại đội 7 đảm nhiệm. Lực lượng cơ động do ba đại đội bộ binh (5, 6 và 1 của tiểu đoàn 1 đến tăng cường), một đại đội trợ chiến (có 2 cối 82mm, 3 đại liên, 3 B41, 1 trung đội súng máy phòng không 12,7mm) bố trí ở dãy đồi Không Tên (phía tây 875), làm nhiệm vụ vận động tiến công kết hợp với chốt để tiêu diệt địch khi có thời cơ. Điểm cao 882 do tiểu đoàn 3 đảm nhiệm.
    Sáng 12 tháng 11, sau khi địch dùng không quân và pháo binh bắn phá, lữ đoàn dù 173 dùng trực thăng cơ động hai đại đội của tiểu đoàn 2 trung đoàn 503 xuống điểm cao 845. Khoảng 10 giờ cùng ngày, chúng thực hành phản kích đánh lên điểm cao 882. Tiểu đoàn 3 của trung đoàn 174 xuất kích, kết hợp với chốt diệt hai trung đội thuộc đại đội A, lực lượng địch còn lại chạy về co cụm ở điểm cao 845. Ngày 13 tháng 11, địch tiếp tục đánh lên điểm cao 882, tiểu đoàn 3 liên tục đánh địch suốt hai ngày 13 và 14, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên Mỹ, thu sáu súng, làm chủ trận địa.
    Để chi viện cho trung đoàn 174 chiến đấu, sư đoàn đã dùng cối 120mm đánh vào điểm cao 823 tiêu hao nặng đại đội C tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 503, chặn đứng hỏa lực địch đang bắn vào 882.
    Sau khi tiểu đoàn 3 hoàn thành nhiệm vụ chiến thuật, theo lệnh của chỉ huy sư đoàn 1, trung đoàn 174 bỏ chốt 882, đưa tiểu đoàn 3 và lực lượng còn lại của tiểu đoàn 1 về bố trí hai bên sườn điểm cao 875 hình thành thế chân kiềng, sẵn sàng đánh địch giải tỏa bằng đổ bộ đường không ở khu vực quyết chiến chiến dịch.
    Các trận chiến đấu của tiểu đoàn 2 trung đoàn 174 ở khu vực điểm cao 882 tạo thế liên tục tiến công địch, vận dụng thế đánh sâu, đánh hiểm bằng hình thức dùng điểm chốt chiến thuật, kết hợp với cơ động binh lực của tiểu đoàn. Cách đánh này mở ra một khả năng mới về đánh liên tục dài ngày dưới phi pháo ác liệt của địch1 (Mỗi ngày không quân Mỹ sử dụng 700 lần chiếc cả B52 và máy bay phản lực ném bom. Bãi bom B52 rộng đến mức đi bộ một ngày không thể qua hết).
    Cùng với những trận đánh của bộ binh, từ ngày 12 đến 16 tháng 11, đại đội 1 sơn pháo 75mm đánh bốn trận tập kích hỏa lực vào căn cứ tiền phương của sư đoàn 4 Mỹ ở Tân Cảnh, sân bay Đắc Tô (16 giờ ngày 12, 8 giờ và 15 giờ ngày 15, 8 giờ ngày 16). Ba máy bay C130 chở quân Mỹ vừa hạ cánh xuống đường băng thì bị phá hủy, sở chỉ huy dã chiến sư đoàn 4 trúng đạn, một cụm điện đài thông tin bị phá hủy. Tổng số địch thiệt hại: khoảng 350 tên (có 150 Mỹ) chết và bị thương; bốn xe quân sự, hai kho xăng, một kho đạn dự trữ chiến dịch (khoảng 1000 tấn) bị cháy và nổ tung.
    Cùng thời gian trên, ở hướng đông bắc Đắc Tô và đường số 18, trung đoàn 24 (thiếu) cùng với lực lượng công binh, bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum tiến công quận lỵ Đắc Tô, thị trấn Tân Cảnh, chặn đánh các đoàn xe vận tải chở quân ứng cứu, giải tỏa của địch. Điển hình là trận đánh của trung đoàn 24 ở Ngọc Sia (ngày 14 tháng 11), Tân Cảnh (ngày 16 tháng 11). Trận phục kích của phân đội công binh, trinh sát chiến dịch ở Plây-cần trên đường 18, của tiểu đoàn 304 ở Võ Định trên đường 14 (ngày 12 tháng 11) diệt 17 xe (có 3 xe tăng) 50 tên Mỹ. Trận tập kích của một đại đội thuộc tiểu đoàn 406 đặc công tỉnh, đánh vào trại lính ngụy mang tên Nguyễn Huệ ở đầu cầu Đác Pla phía nam thị xã Kon Tum, gây thương vong khoảng 100 tên, thu bốn súng.
    Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định, đợt tiến công sân bay, căn cứ hậu cần, cơ quan chỉ huy cấp chiến dịch của địch là đòn đánh rất hiểm, làm cho thế trận của địch bị rối loạn. Do cả phía trước và phía sau đều bị đánh, địch đã lúng túng càng bị rối thêm. Bộ chỉ huy hành quân Mỹ phải đưa lực lượng dự bị chiến dịch vào sớm hơn dự định. Theo tin trinh sát kỹ thuật, ngày 12 tháng 11, tiểu đoàn 2 lữ đoàn 1 kỵ binh không vận và chiến đoàn dù 3 ngụy đã đến thị xã Kon Tum1 (Ngày 14 tháng 11 chiến đoàn dù 3 ngụy gồm tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3 đã đến Đắc Tô). Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 12, lử đoàn 1, sư đoàn 4 nống ra hướng nam Ngọc Dơ Lang, điểm cao 530 chặn đường tiếp tế của tiểu đoàn 6, nhàm phá thế ổn định, buộc ta phải phân tán lực lượng để đối phó.
    Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định điều chỉnh phương án đánh địch ở khu vực 875 là: Kiềm chế cánh quân của lữ đoàn 1 sư đoàn 4; tập trung lực lượng trung đoàn 66 và trung đoàn 174 diệt cánh quân của lữ đoàn dù 173; đưa trung đoàn 66 về sườn tây bắc điểm cao 882 đánh vào sườn lữ đoàn dù 173, đồng thời dùng hỏa lực ĐKZ và cối 82mm kiềm chế cánh quân ở dãy Ngọc Dơ Lang.
    Thực hiện ý định trên, đêm 17 tháng 11, sư đoàn 1 tổ chức pháo kích trận địa hỏa lực địch ở nam Ngọc Dơ Lang, điểm cao 530, phá hủy tám khẩu pháo (5 pháo 105mm, 3 cối 106,7mm).
    Đúng như dự đoán của Bộ tư lệnh chiến dịch, sáng 18 tháng 11, sau khi dùng không quân và pháo binh đánh phá mãnh liệt để dọn đường, lữ đoàn dù 173 sử dụng hai tiểu đoàn của trung đoàn 503 chia thành hai mũi tiến công về hướng điểm cao 875. Tiểu đoàn 1 đi bên cánh phải, theo sườn phía tây bắc điểm cao 882 đến 13 giờ 30 phút bị tiểu đoàn 8 và một đại đội của tiểu đoàn 9 thuộc trung đoàn 66 chặn đánh. Ta diệt 90 tên, thu sáu súng AR15, buộc địch phải dừng lại ở khu vực 882. Trung đoàn 66 đã kìm chặt, làm cho quân địch không phát triển được. Tiểu đoàn 2 từ điểm cao 845 tiến xuống chiếm đồi “Biệt Kích” (tây bắc 875 khoảng 1km) tạo bàn đạp đánh chiếm điểm cao 875. Cùng thời gian trên, ở hướng đông, cách điểm cao 875 khoảng 1km, hai đại đội thám báo, biệt kích từ bãi Le tổ chức tiến công hai lần (8 giờ 30 và 9 giờ 30 ngày 18 tháng 11) lên 875 để thăm dò lực lượng ta, nhưng bị đại đội 7 tiểu đoàn 2, trung đoàn 174 dựa vào trận địa chốt nổ súng đánh chính diện, kết hợp xuất kích đánh tạt sườn bằng chiến thuật tổ 3 người, chặn đứng đội hình địch trước chiến hào, diệt 28 tên, thu ba súng AR15, khống chế trận địa không cho địch lấy xác.
    Đêm 18 tháng 11, địch dùng máy bay B52 liên tiếp giội bom.
    Ngọn đồi gần như bị san phẳng. 6 giờ ngày 19 tháng 11, địch tiếp tục đánh phá điểm cao 875 bằng máy bay phản lực, trực thăng vũ trang và hỏa lực pháo binh. 9 giờ 45 phút địch ngừng bắn phá và cho rằng lực lượng ta đã bị hủy diệt, bộ binh địch bắt đầu tiến công. Ta quyết tiêu diệt địch, giữ vững chốt, tiếp tục cài thế đánh. Đến 10 giờ 30 phút, sau khi tiến công lên 875 không được, địch lui về phía đông bắc cách 875 khoảng 1km, dùng máy bay phản lực và trực thăng vũ trang đánh phá. 11 giờ, chúng chuyển hướng đưa lực lượng lên đồi Yên Ngựa, để từ đó đánh lên 875 (đồi Yên Ngựa dốc thoải tiếp giáp với 875). Phát hiện địch đang chuyển tiểu đoàn 2 lên đồi Yên Ngựa, theo lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch, sư đoàn trưởng sư đoàn 1 điều chỉnh đội hình chiến đấu lệnh cho trung đoàn trưởng trung đoàn 174 chỉ huy lực lượng cơ động thực hành vận động tiến công, kết hợp với chốt của đại đội 7 diệt địch. Khoảng 11 giờ, tiểu đoàn 2 (thiếu đại đội 7) và đại đội 1 tiểu đoàn 1 bắt đầu xuất kích ra hướng điểm cao 875. Do tránh một số đoạn bị bom địch oanh tạc, nên vận động chậm. Đến 13 giờ 40 phút, đại đội 6 mới bắt được liên lạc với đại đội 1 (bằng ký hiệu giơ mũ tai bèo). Hai đại đội đến sát đồi Yên Ngựa. Địch cũng đang tiến lên đồi, bắt đầu đánh lên 875. Nhưng chúng không phát hiện được lực lượng cơ động của ta. Đến vị trí triển khai đội hình (tây – bắc đồi Yên Ngựa), đại đội 6 chia thành hai mũi, một mũi (1 trung đội) vòng về phía đông bắc đánh vào sở chỉ huy tiểu đoàn địch, mũi thứ hai (2 trung đội) từ phía tây đánh vào bên sườn, phối hợp với đại đội 1 tiêu diệt quân địch ở đồi Yên Ngựa.
    Đại đội 1 được tăng cường một khẩu cối 82mm, chia thành hai mũi tiến công: mũi thứ nhất từ tây nam đánh thẳng lên đông bắc, phối hợp với mũi của đại đội 6 cùng diệt sở chỉ huy tiểu đoàn địch. Mũi thứ hai vòng bên phải đồi Yên Ngựa, đánh tạt sườn đội hình địch đang lên điểm cao 875.
    Đến 14 giờ, các mũi tiến công của ta đã triển khai xong đội hình chiến đấu, cách địch khoảng 150 mét.
    Ta bất ngờ bắn 30 quả đạn cối vào sở chỉ huy địch, sau đó cả bốn mũi đồng loạt xung phong đánh địch. Đại đội 7 cũng xuất kích, hình thành mũi phối hợp từ 875 đánh xuống.
    Trận đánh kéo dài đến 16 giờ. Đại đội 6 và đại đội 1 diệt gần hết bọn địch ở đồi dưới và đồi giữa. Ở đồi trên, địch dùng hỏa lực bẳn chặn đội hình tiến công của ta để yểm hộ cho số còn sống sót chạy lên. Các chiến sĩ ta bám sát để tiêu diệt. Thấy phía sau bị đánh mạnh, số địch đang tiến lên điểm cao 875 vội vã lùi xuống chiếm địa hình có lợi, cụm lại dùng hỏa lực ngăn chặn hướng tiến công của tiểu đoàn 2. Theo lệnh của trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy, đại đội 5 vào chiến đấu để dứt điểm. Nhưng trên đường vận động bị máy bay và pháo binh địch đánh chặn, đến 16 giờ 30 phút mới tiếp cận được địch và bắt đầu nổ súng xung phong đánh vào sở chỉ huy tiểu đoàn. Vào lúc 17 giờ, phần lớn địch bị tiêu diệt, số còn lại chạy xuống chân đồi, bỏ lại nhiều xác chết và những tên bị thương ở sườn đồi. 18 giờ, ta và địch đều ngừng tiến công bằng bộ binh. Địch dùng máy bay và pháo binh đánh phá vào trận địa ta. Vì mất liên lạc giữa bộ binh với không quân (do ta diệt gần hết bọn chỉ huy tiểu đoàn), nên máy bay địch đã ném bom vào đội hình của chúng, làm chết thêm một số.
    Trước khi trời tối, trung đoàn trưởng trung đoàn lên đài quan sát thấy địch cụm lại trên mỏm đồi dốc, nhưng đường tiếp cận khó khăn, không nắm được chắc tình hình dịch, nên đến 24 giờ cho lực lượng cơ động lui về phía sau. Lực lượng chốt (đại đội 7) tranh thủ sửa chữa công sự, bổ sung đạn, đưa thương binh, tử sĩ về phía sau, sẵn sàng đánh địch nếu chúng đến lấy xác. Kết quả trận vận động tiến công kết hợp chốt ở điểm cao 875, ta tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn 2 (trung đoàn 503 lữ đoàn dù 173), loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên, địch bỏ lại nhiều xác chết và số bị thương. Theo tin địch, trong số 18 sĩ quan của tiểu đoàn 2 trung đoàn 503 có 16 tên chết và bị thương, ba đại đội trưởng thì một tên chết, một tên bị thương. Ta thu 18 súng AR15, sáu máy vô tuyến điện.
    Ngày 20 tháng 11, ta khống chế cả trên không và mặt đất không cho địch thu xác. Trước tình thế lữ đoàn dù 173 bị thiệt hại nặng, địch cho tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 8, lữ đoàn 1 của sư đoàn ky binh số 1 Mỹ được trực thăng vận đổ xuống bãi Le (chân đồi 875) để cứu tiểu đoàn 2 của trung đoàn 503. Nhưng suốt ngày 20 tháng 11, mặc dù địch tiến công lên chốt 875 tới bảy lần, các đợt tiến công đều bị các chiến sĩ đại đội 7 đẩy lùi. Tổ ba người Phùng, Quang, Trí, giành giật với địch từng đoạn chiến hào, diệt nhiều Mỹ nêu kỷ lục xuất sắc về thành tích diệt địch trong một đợt chiến đấu. Đến 12 giờ ngày 22 tháng 11, ta vẫn làm chủ trận địa và giữ vững các điểm chốt. Chủ trương của Bộ tư lệnh chiến dịch là: Sau khi giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến thuật của điểm chốt 875, giải quyết xong thương binh tử sĩ, sẽ bỏ chốt. Thực hiện ý định đó, 18 giờ 40 phút ngày 22 tháng 11, Bộ chỉ huy sư đoàn 1 quyết định bỏ chốt 875, chỉ dùng một bộ phận nhỏ bộ binh và hỏa lực (1 trung đội súng máy phòng không 12,7mm, 3 cối 82mm) cơ động kiềm chế. Do bị tổn thất nặng, địch không dám tiến lên đồi 875. Đến 12 giờ ngày 23 tháng 11, với cự ly chưa đầy 300 mét, chúng phải mất 24 giờ mới đến được mục tiêu giải tỏa. Điểm cao 875 đã vắng bóng người.
    Như vậy, từ ngày 18 đến 21 tháng 11 tại đồi 875, trung đoàn 174 đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn dù 173 và một đại đội của sư đoàn ky binh bay Mỹ. Chiến thắng của trung đoàn 174 ở đồi 875 đánh dấu bước phát triển tương đối hoàn chỉnh chiến thuật vận động tiến công kết hợp với chốt (dùng điểm chốt khống chế, thu hút địch tạo điều kiện cho lực lượng cơ động xuất kích từ bên sườn và phía sau bao vây tiêu diệt chúng). Đồng thời là một bước trưởng thành của trung đoàn 174, trong trận đầu tiên đánh quân viễn chinh Mỹ ở chiến trường miền Nam. Đây là trận đánh then chốt, quyết định của chiến dịch, với kết quả đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 173 Mỹ.
    Phối hợp với khu quyết chiến, tại khu chốt chiến dịch, lúc 13 giờ ngày 17 tháng 11, một trung đội của đại đội 11, tiểu đoàn 6 chốt ở điểm cao 1338 đánh bại 10 đợt phản kích của địch, diệt gần 100 tên. Ngày 19 tháng 11, chốt ở điểm cao 1262 đẩy lùi năm đợt tiến công của địch, diệt 70 tên. Ngày 22 tháng 11, chốt ở điểm cao 1294, Ngọc Kon Kring diệt 20 tên.
    Như vậy, khu chốt chiến dịch đã tồn tại song song với thời gian hoạt động cao điểm của sư đoàn 1 và đã hoàn thảnh nhiệm vụ thu hút, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện thuận lợi cho sư đoàn 1 diệt địch trong khu quyết chiến, đã đánh một đòn đau vào căn cứ hành quân và chỉ huy của địch. Ngày 22 tháng 11, thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh chiến dịch, các lực lượng ở khu chốt chiến dịch rời khỏi trận địa. Riêng hai khẩu sơn pháo 75mm, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tập kích hỏa lực vào căn cứ Đắc Tô – Tân Cảnh và bắân hết số đạn (đêm 17 tháng 11) đã lui về phía sau an toàn.
    Trên hướng đông bắc Đắc Tô – Tân Cảnh, các lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum và trung đoàn 24 (thiếu) làm nhiệm vụ đánh vào phía sau và hậu phương địch đã phối hợp tích cực với hướng tây nam, nhất là trong giai đoạn cao điểm đã tiêu diệt được nhiều địch, đánh sâu vào thị trấn Tân Cảnh, thị xã Kon Tum, đường 14; hoàn thành nhiệm vụ phối hợp chiến dịch, góp phần căng địch ra trên hai hướng đông và tây Đắc Tô, buộc địch phải bị động đối phó nhiều mặt, cả phía trước và phía sau. Trong các ngày 17, 18 và 19 tháng 11, chiến sự diễn ra ác liệt ở khu vực điểm cao Ngọc Wan. Lúc 7 giờ ngày 17 tháng 11, tiểu đoàn 3 dù ngụy đánh lên chốt, đại đội 7 tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 24 chốt ở điểm cao 1423, đã dựa vào điểm chốt kết hợp xuất kích nhỏ đánh bại nhiều đợt tiến công của địch. Tiểu đoàn 3 bị thiệt hại, địch tung tiểu đoàn 2 vào tiếp tục tiến công. Chúng chia thành hai mũi tây nam và tây bắc đánh vào điểm cao 1423, Ngọc Wan. Mặc dù quân số địch đông hơn ta bốn lần, hai bên giành giật nhau từng đoạn chiến hào, nhưng cuối cùng địch vẫn bị đánh bật xuống chân đồi. Như vậy, trong ngày 17 tháng 11, hai đại đội của tiểu đoàn 5, trung đoàn 24 đã dựa vào điểm chốt kết hợp xuất kích bên sườn đã đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn ngụy, diệt hơn 100 tên. Ngày 18 tháng 11, địch không dám tiến công. Đêm 18 tháng 11, trung đoàn chủ trương tập kích quân địch vừa cụm lại ở chân điểm cao, đúng lúc đại đội 6 vừa từ Tân Cảnh bôn tập về kịp thời tham gia trận đánh. 5 giờ ngày 19 tháng 11, tiểu đoàn 5 bất ngờ tập kích địch. Tuy lực lượng còn ít và mặc dù không hoàn toàn dứt điểm (vì số địch đông gấp nhiều lần), nhưng ta đã diệt khoảng 170 tên địch. Với trận đánh này, hai tiểu đoàn dù ngụy bị mất sức chiến đấu, buộc địch phải đưa tiểu đoàn 23 biệt động quân và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 42 lên cứu nguy. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ngày 19 tháng 11 tiểu đoàn 5 được lệnh rời khỏi điểm cao Ngọc Wan. Các trận đánh của trung đoàn 24 và lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum đã phối hợp nhịp nhàng với tiểu đoàn 6 và sư đoàn 1 diệt địch ở mặt trận chính.
    Tính từ ngày 3 đến ngày 22 tháng 11, trên hướng chính của chiến dịch ở bắc Kon Tum (tây nam và đông bắc Đắc Tô) ta đã đánh 57 trận, có 12 trận phòng giữ điểm chốt, năm trận vận động tiến công kết hợp với chốt, sáu trận vận động tiến công, 15 trận pháo kích, một trận phục kích, một trận tập kích, một trận tiến công thị trấn. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 3000 tên (có 2000 tên Mỹ), diệt gần hết hai tiểu đoàn, tiêu hao nặng bốn tiểu đoàn Mý, hai tiểu đoàn ngụy, diệt năm đại đội khác (có một đại đội Mỹ), đánh qụy lữ đoàn dù 173 Mý, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 1 của sư đoàn 4 Mỹ và chiến đoàn dù ngụy; phá hỏng nặng hai sân bay, bắn rơi và phá hủy 38 máy bay (có 3 chiếc C130), 15 khẩu pháo, 32 xe (có 10 xe bọc thép), ba cầu, một kho đạn trên 1000 tấn, ba kho xăng, thu 102 súng và 14 máy vô tuyến điện.
    Ở Gia Lai, từ ngày 3 đến ngày 22 tháng 11, ta đánh trận, diệt 189 tên (có 114 tên Mỹ) bắn rơi năm máy bay (có 3 chiếc C123), phá hủy bảy xe (có 2 xe bọc thép), song việc ghìm chân sư đoàn 4 Mỹ ở Gia Lai không thành công, trung đoàn 95 không đánh được trận nào đáng kể.
    Tại Đắc Lắc, từ ngày 3 đến 22 tháng 11, ta đánh được tám trận, diệt 250 tên (có 150 tên Mỹ), diệt gọn một đại đội, tiêu hao một đại đội pháo, bắn rơi và phả hủy 27 máy bay (có 1 chiếc C130), phá hủy ba khẩu pháo, hai xe M113, một kho đạn, một kho xăng, thu hai súng AR15. Các lực lượng vũ trang tỉnh Đắc Lắc đã tích cực đánh địch phối hợp được trong thế chung của chiến dịch, ghìm chân một tiểu đoàn Mỹ và thu hút thêm một tiểu đoàn của trung đoàn 44 ngụy. Nổi lên là trận tập kích của tiểu đoàn 3, trung đoàn 33 vào vị trí đóng quân của tiểu đoàn 1 trung đoàn 12 lữ đoàn 2 thuộc sư đoàn 4 của địch, diệt 100 tên, phá hủy hai khẩu súng 105mm, hai xe M113, một kho xăng, một kho đạn, bắn rơi hai máy bay trực thăng, thu hai súng AR15. Ngày 5 tháng 11, du kích bắn rơi một máy bay, diệt 60 tên (có 48 tên Mỹ). Ngày 7 tháng 11, bộ đội địa phương Đắc Lắc pháo kích vào sân bay thị xã Buôn Ma Thuột, phá hỏng 20 máy bay, diệt 60 tên (có 40 tên Mỹ)…
    Các đòn tiến çông phối hợp góp phần quan trọng, hỗ trợ cho sư đoàn 1 – Lực lượng chủ yếu của chiến dịch, thực hiện trận then chốt quyết định ở khu vực 875, kết thúc thắng lợi chiến dịch.
    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Re: Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Admin Fri Sep 09, 2022 12:51 pm

    V. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ VÀ NHỮNG MẶT CÒN HẠN CHẾ CỦA CHIẾN DỊCH
    1. Chiến dịch Đắc Tô 1 kết thúc ngày 22 tháng 11, vào lúc trận then chốt quyết định ở khu vực 875 giành được thẳng lợi. Sau 20 ngày đêm liến tục chiến đấu, các lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã đánh 78 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 3.670 tên (có 2.690 tên Mỹ). Nếu tính cả giai đoạn hoạt động nghi binh chiến dịch, tổng số địch bị loại khỏi vòng chiến đấu là 4570 tên (có 4.030 tên Mỹ). Ta đã phá hỏng nặng ba sân bay, bắn rơi và phá hủy 70 máy bay (có 7 máy bay vận tải), phá hủy 18 khẩu pháo, 52 xe quân sự (có 16 xe bọc thép), hai kho đạn, ba kho xăng, thu 104 súng các loại, 14 máy vô tuyến điện.
    Về đơn vị: Ta diệt gần hết hai tiểu đoàn Mỹ, đánh thiệt hại nặng sáu tiểu đoàn (có 4 tiểu đoàn Mỹ), diệt sáu đại đội khác (có 2 đại đội Mỹ); lữ đoàn dù 173 bị đánh quy; lữ đoàn 1 của sư đoàn 4 Mỹ bị đánh thiệt hại nặng; một tiểu đoàn của sư đoàn kỵ binh số 1 và một chiến đoàn dù ngụy bị mất sức chiến đấu. Ta làm chủ thị trấn Tân Cảnh một đêm.
    Chiến dịch Đắc Tô 1 tháng lợi đã “Ghi thêm vào trang sử quyết thắng của dân tộc ta những nét vàng son chói lọi… Là một trong những chiến thắng lớn nhất mở đầu Đông – Xuân quyết thẳng 1967 – 1968 của miền Nam anh hùng”1 (Xã luận báo Quân đội nhân dân, ngày 29 tháng 11 năm 1967).
    Cùng với chiến thắng ở Lộc Ninh trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, chiến thắng Đắc Tô 1 góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của hai miền; đẩy đế quốc Mỹ lún sâu thêm vào thế lúng túng về chiến lược, chiến thuật; đẩy chiến lược “Tìm diệt” của Mỹ tới thất bại. So với chiến dịch Plây-me, Sa Thầy, trong chiến dịch Đắc Tô 1 cả ta và địch đều tung vào lực lượng lớn và tinh nhuệ. Mỹ ngụy đã cho lữ đoàn dù 173 con cưng sừng sỏ của quân đội Mỹ, có truyền thống từ đại chiến thế giới lần thứ II, phải bỏ dở cuộc càn ở Phú Yên, để lên Tây Nguyên cứu nguy cho sư đoàn bộ binh 4 Mỹ nhưng đã bị đánh quỵ.
    Về phía ta, qua thử thách ở chiến dịch Đắc Tô, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương của Tây Nguyên đã trưởng thành rõ rệt về đánh tập trung, hiệp đồng lớn, nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng chiến dịch; hiệp đồng giữa các lực lượng, các hướng trong chiến dịch và các hướng trên toàn chiến trường. Phối hợp chặt chẽ đã tạo nên sức mạnh đánh vào toàn bộ đội hình quân địch, buộc lực lượng chúng luôn luôn bị phân tán.
    Về nghệ thuật quân sự đã nâng cao thêm một bước mới, xây dựng và vận dụng tương đối hoàn chỉnh chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp chốt”, làm cho quân Mỹ choáng váng khiếp sợ trước cách đánh mới này của ta.
    Với thế trận chiến dịch hoàn chỉnh, vận dụng các cách đánh truyền thống như: Tập kích bằng xung lực, tập kích bằng hỏa lực, tổ chức mạng lưới phòng không đánh máy bay địch… ta đã làm cho địch luôn bị bất ngờ, bị động cả về chiến thuật và kỹ thuật.
    Hình thức vận dụng điểm chốt chiến thuật (tiểu đội, trung đội, đại đội) kết hợp với cơ động binh lực chiến thuật (đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn) và chốt chiến dịch (tiểu đoàn) kết hợp với cơ động binh lực chiến dịch (trung đoàn, sư đoàn) đã tạo điều kiện để vây diệt nhiều đại đội, tiểu đoàn địch trong một trận hoặc liên tiếp nhiều trận ở cùng một địa điểm.
    Nghệ thuật chiến dịch ở Đắc Tô đã phát triển lên một bước mới hình thành khu quyết chiến chiến dịch và tập trung binh lực tiêu diệt địch lớn ở khu quyết chiến.
    Chiến thuật phân đội nhỏ cũng phát triển. Hình thức chốt gồm nhiều điểm chốt liên kết (của tiểu đoàn 6), hoặc chốt nhỏ (điểm cao 882, 875, 1243), hoặc đánh xong trụ lại đánh chồng (đánh bồi) như ở điểm cao 724, hoặc chốt nhỏ kết hợp hỏa lực pháo, cối khống chế địch, bảo đảm cho lực lượng cơ động vận động tiến công tiêu diệt địch (tiểu đoàn 2 và đại đội 7 của trung đoàn 174), dùng phân đội nhỏ kiềm chế tiêu hao địch (điểm cao 530) phát triển rất phong phú.
    Công tác bảo đảm hậu phương, bảo đảm thương binh, tử sĩ, bảo đảm tuyến cơ động và vận chuyển vật chất được thực hiện tốt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.
    2. Tuy nhiên ở Đắc Tô 1, ta đã bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt lực lượng lớn của địch (tiêu diệt chiến dịch).
    Một là: Do chưa kiên quyết tập trung lực lượng kịp thời (như ở đồi 875 bỏ lỡ cơ hội diệt lữ đoàn dù 173 đau hơn nữa). Đó là chưa cơ động tập trung trung đoàn 320 của sư đoàn 1, đánh vào phía sau các đơn vị lữ đoàn dù 173 đang đánh lấn điểm cao 875. Ta mới chỉ tập trung được hai trung đoàn là 174 và 66 đánh vào lữ đoàn dù 173.
    Hai là: Trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến tập trung của cán bộ trung đoàn, sư đoàn, trong điều kiện chiến dịch dài ngày, liên tục, ác liệt, tình huống phức tạp… còn hạn chế.
    Ba là: Nghệ thuật xử trí tình huống chiến dịch của Bộ tư lệnh chiến dịch còn thiếu sót: chỉ huy còn thiếu tập trung lực lượng, không kịp thời điều động trung đoàn 320 (thiếu) đánh vào phía sau đội hình của lữ đoàn dù 173.
    Bốn là: Kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, binh vận còn yếu, chưa lợi dụng được kết quả lớn của thẳng lợi quân sự để đẩy mạnh đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng.
    Sau chiến dịch Đắc Tô 1, những hạn chế trên đây đã được khắc phục. Sự khôn khéo nghi binh lừa địch, cùng với chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp chốt” ra đời đã tạo nên một sức mạnh mới để lực lượng vũ trang Tây Nguyên tiếp tục đánh Mỹ và thắng Mỹ lớn hơn.

    Sponsored content

    Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967 Empty Re: Chiến dịch tiến công Đắc Tô 1967

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Mon May 13, 2024 6:29 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]