Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

    Hải Quân Việt Nam
    Hải Quân Việt Nam
    Binh nhất
    Binh nhất

    Tổng số bài gửi : 52
    Join date : 23/12/2013

    Thượng tướng Hoàng Minh Thảo Empty Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

    Bài gửi by Hải Quân Việt Nam Fri Sep 09, 2022 12:43 pm

    Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tên thật là Tạ Thái An, quê tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động (vốn là vùng đất Đăng Châu, Vĩnh Động, Kim Thi xưa).
    Thượng tướng, Giáo sư Khoa học Quân sự, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo (25/10/1921-08/09/2008), nguyên Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng Việt Nam), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên.
    Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều huân huy chương cao quý khác. Đặc biệt ông được Nhà nước Việt Nam tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình về Nghệ thuật quân sự.
    Đại tá (1948), Thiếu tướng (1959), Trung tướng (1974), Thượng tướng (1984)
    Mọi người đều ấn tượng với hình ảnh của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nhất là ở cặp lông mày rậm và xếch ngược lên trên rất hiếm gặp.
    Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tên thật là Tạ Thái An, quê tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động (vốn là vùng đất Đăng Châu, Vĩnh Động, Kim Thi xưa). Đây là vùng đất nghèo nhưng giàu truyền thống, là nơi xuất thân của 8 vị tướng lĩnh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, trong đó có những vị thuộc hàng công thần dựng nước như Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên…
    Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ông phải ra vùng Hòn Gai, Quảng Ninh làm nghề thợ may. Và vùng đất Mỏ là nơi chôn nhau cắt rốn của cậu bé Tạ Thái An. Đầu năm 1930, các đồng chí Quốc dân Đảng tại Quảng Ninh của cha ông bị đàn áp, bắt bớ nhiều. Cha ông đành phải bỏ Hòn Gai đến Lạng Sơn tá túc, còn ông phải theo mẹ về quê. Để nuôi con, mẹ ông hàng ngày cứ sớm tinh mơ là quảy quang gánh đến các vườn rau, mua cất rồi đem đi các chợ bán vất vả, toan lo kiếm miếng cơm. Được vài năm, khi cha ông đã ổn định, Tạ Thái An lên Thất Khê sống với cha và được đi học lại, 10 tuổi ông mới chính thức đi học lại lớp một.
    Sau khi hoàn thành lớp nhất (tương đương với lớp 5 hiện nay), Tạ Thái An được cha gửi xuống Hà Nội ở nhờ một người quen ở 29 Hàng Bồ để học tiếp trung học Trường Thăng Long. Cũng trong quãng thời gian này, trong những lần về Lạng Sơn nghỉ hè, ông giác ngộ cách mạng qua những đợt tham gia buổi tuyên truyền của Đảng. Năm 1937, Tạ Thái An được xếp vào danh sách cảm tình Đảng tại cơ sở Đảng ở Lạng Sơn và tham gia Đoàn thanh niên dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức. Hồi đó, ông lấy bí danh hoạt động là Tạ Quang, còn cái tên Hoàng Minh Thảo thì mãi đến năm 1945 mới ra đời và gắn bó với ông từ đó cho đến nay.
    Năm 1939, ông mới có dịp trở về quê hương lần thứ 2 chịu tang mẹ. Sau khi chu toàn cho mẹ, ông trở lại trường và từ đó cuộc đời ông hoàn toàn được hiến dâng cho cách mạng. Năm 1941, ông tham gia Việt Minh, và là một trong năm người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc. Cuối năm 1944, ông tham gia gây dựng cơ sở chính trị và xây dựng lực lượng du kích ở vùng biên giới Lạng Sơn.
    Tháng 1/1945, ông tham gia Ban phụ trách công tác biên giới của Tổng bộ Việt Minh, và tháng 5/1945 đảm nhận chức Ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy lâm thời Lạng Sơn. Từ tháng 8/1945 đến năm 1949, ông là phái viên của Bộ Quốc phòng ở các tỉnh duyên hải tả ngạn sông Hồng, giữ chức Khu trưởng Chiến khu III – là vị Khu trưởng trẻ tuổi nhất, Phó Tư lệnh Liên khu III. Năm 1948, trong đợt phong quân hàm đầu tiên, ông được phong quân hàm Đại tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
    Cuối năm 1949, ông được đề bạt làm Tư lệnh Liên khu IV. Năm 1950, Đại đoàn 304 Anh hùng (Đoàn Vinh Quang) được thành lập tại Thanh Hóa, ông được cử làm Tư lệnh của Đại đoàn. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đòan do ông chỉ huy là một trong năm Đại đoàn chủ lực tham gia chiến dịch lịch sử này. Từ năm 1954 đến năm 1966, ông là Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng Trường Quân sự trung cao cấp, Phó Giám đốc Học viện Quân chính, Giám đốc Học viện Quân sự.
    Từ tháng 11/1966, ông đảm đương trọng trách Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, đến năm 1967 là Tư lệnh. Tháng 8/1974, ông là Phó Tư lệnh Quân khu V. Đến tháng 3/1975, ông là Tư lệnh chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Một chiến dịch bậc thầy về nghệ thuật nghi binh. Một cú đấm chiến lược làm thay đổi nhanh chóng cục diện chiến trường của mùa Xuân 1975. Và đây cũng là đỉnh cao trong sự nghiệp binh nghiệp của ông.
    Sau giải phóng, từ tháng 5/1976 đến năm 1989, ông là Viện trưởng Học viện Quân sự trung cao cấp, Viện trưởng Học viện Quân sự cao cấp. Năm 1987, ông kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng. Năm 1990 ông giữ chức Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm quân sự, là Ủy viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ông được phong hàm Giáo sư khoa học quân sự năm 1986, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1988…
    Là một nhà khoa học, một tướng lĩnh tài năng, GS Hoàng Minh Thảo vừa trực tiếp chỉ huy tác chiến, vừa tổng kết khoa học những vấn đề chiến thuật và chiến lược quân sự để viết thành những cuốn sách có giá trị lớn phục vụ trực tiếp cho chiến đấu, góp phần vào thắng lợi trên nhiều chiến trường. Các công trình của ông đã được các nhà xuất bản như Quân đội nhân dân, Chính trị quốc gia in, phát hành và đã trở thành những tài liệu quý giá không chỉ trong nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự mà còn là tài liệu phục vụ đào tạo, huấn luyện các sĩ quan, cán bộ lãnh đạo quân đội và các nhà nghiên cứu quân sự.
    Cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam gồm 8 cuốn sách của GS Hoàng Minh Thảo đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
    Ông viết cuốn: “Học tập khoa học quân sự Xô viết” – cuốn sách đầu tiên trong Cụm công trình này từ khi là Hiệu trưởng Trường Quân sự trung cao, làm công tác huấn luyện quân sự cho cán bộ quân đội. Cuốn sách thứ hai của ông được xuất bản ngay tại chiến trường Tây Nguyên với tựa đề ‘’Tổ tiên ta đánh giặc’’. Cũng ở chiến trường, trong những năm 1973-1974 ông hoàn thành cuốn: “Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa”. Còn năm cuốn sau ông viết ở Hà Nội, khi là Viện trưởng Học viện Quốc phòng và Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự. Cụm công trình này được hoàn thành trong vòng hơn 40 năm, từ năm 1958 đến năm 2001.

      Hôm nay: Sat May 11, 2024 2:46 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]