Nhìn lại sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2013

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Nhìn lại sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2013

    Vincent9x
    Vincent9x
    Super Moderator
    Super Moderator

    Tổng số bài gửi : 60
    Join date : 29/11/2013

    Nhìn lại sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2013  Empty Nhìn lại sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2013

    Bài gửi by Vincent9x Fri Nov 29, 2013 1:15 pm

    Liệu Trung Quốc có đang tiếp tục đẩy mạnh những yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp chính trị, kinh tế và quân sự theo cái cách mà nước này đã từng làm năm ngoái không? Câu trả lời là có. Robert Sutter và Chin-hao Huang cho rằng chính những lợi thế đang ngày càng rõ ràng mà nước này có trước các đối thủ của mình sẽ dẫn đến một cách tiếp cận hung hăng hơn trong tương lai.
     

    Nhìn lại sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2013  Pla12
    Hải quân lục chiến của Quân Giải phóng Nhân dân
    Thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh hải được ghi nhận lần đầu tiên trong các vụ đối đầu với Philippines ở Biển Đông và với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông trong năm 2012, và điều này được tiếp tục trong năm 2013. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, các bình luận mang tính ủng hộ, hoạt động quân sự và bán quân sự, sự phát triển kinh tế và bộ máy quản lý được cải thiện đều hướng đến một sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, khiến chính sách này sẽ có tác động đáng kể đến các quốc gia láng giềng của Trung Quốc và các cường quốc có liên quan khác, bao gồm cả Mỹ. Sự thành công của Trung Quốc trong việc đẩy mạnh quản lý đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và sự cương quyết nói chung trong những yêu sách lãnh thổ bành trướng suốt dọc bờ biển nước này là một trong những lý do hàng đầu lý giải cho việc tại sao chính sách mới của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục và được tăng cường. Hầu như không có chính phủ nào đủ sẵn sàng để đương đầu với điều này.
    Lý giải cho sự dịch chuyển trong chính sách đối ngoại Trung Quốc
    Sự dịch chuyển trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là vấn đề quan trọng nhất trong một thập kỷ qua. Trung Quốc luôn nói rằng họ duy trì chính sách đối ngoại một cách nhất quán, tuy nhiên thực tế cho thấy rằng chính sách đối ngoại của họ luôn có sự dịch chuyển và thay đổi, đi kèm với những hệ quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với các quốc gia láng giềng. Mao Trạch Đông nổi tiếng với việc thay đổi chính sách đối ngoại, Đặng Tiểu Bình cũng liên tục có những điều chỉnh nhằm đạt được lợi thế trong mối quan hệ tam giác Mỹ - Xô - Trung. Sau Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung vào việc tăng cường mối quan hệ truyền thống với các quốc gia lân cận ở Châu Á. Một sự thay đổi lớn đã diễn ra vào giữa những năm 1990 khi những phản ứng tiêu cực từ hành động quyết đoán về quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan và Biển Đông trong năm 1995 đã khiến nước này phải trấn an các quốc gia láng giềng bằng cái gọi là “Khái niệm An ninh Mới”, mặc dù Mỹ và các đồng vẫn là mục tiêu và chịu sự chỉ trích gay gắt từ Trung Quốc. Bắc Kinh cuối cùng cảm thấy buộc phải thay đổi một lần nữa vào thời điểm đầu thế kỷ mới để chuyển sang cách tiếp cận “trỗi dậy hòa bình”, và sau đó là “phát triển hòa bình” nhằm cố gắng trấn an Mỹ, các đồng minh của Mỹ, và các quốc gia Châu Á láng giềng khác. Việc tập trung vào hòa bình, phát triển và hợp tác đã được chào đón và tiếp tục là trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, đi cùng với nó, Trung Quốc liên tục sử dụng các biện pháp ép buộc và đe dọa vượt xa so với mức độ “chấp nhận được” trong tiêu chuẩn quốc tế và thêm vào đó là những biện pháp khác để hỗ trợ các yêu sách biển rộng lớn của nước này.
    Những bình luận được đưa ra từ phía Trung Quốc mang hàm ý hết sức rõ ràng. Các quốc gia láng giềng và các cường quốc có liên quan khác nếu chấp nhận những yêu sách của Trung Quốc sẽ được hứa hẹn một mối quan hệ hòa bình và hợp tác hai bên cùng có lợi, cùng thắng. Đối với những nước không chấp nhận, bao gồm cả những đồng minh của Mỹ là Philippines và Nhật Bản, họ phải đối mặt với sự ép buộc và đe dọa nặng nề, chỉ thiếu việc sử dụng sức mạnh quân sự để đối đầu trực tiếp. Các hành động can thiệp Mỹ nhằm chống lại hành vi ức hiếp, vốn bị chỉ trích nặng nề từ các nhà bình luận Trung Quốc, đã trở nên thưa thớt hơn trong năm qua. Hầu hết chính phủ các nước liên quan đều đã nhận ra công thức hợp tác “cả hai cùng thắng” của Trung Quốc, đó là các chính phủ nước ngoài phải tránh những hành động được coi là vô cùng nhạy cảm với Trung Quốc - những hành động liên quan đến vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, và hiện nay những “vấn đề vô cùng nhạy cảm này” đã được mở rộng bao gồm cả các tranh chấp biển dọc theo bờ biển Trung Quốc.
    Quyết tâm mạnh mẽ và năng lực ngày một cải thiện
    Vào ngày 31/7, trong một bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận về việc Trung Quốc tiến lên thành cường quốc biển, Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc. Theo tường thuật của truyền thông chính thức về bài phát biểu, ông Tập vẫn tiếp tục đường lối gần đây, nhấn mạnh việc Trung Quốc theo đuổi chính sách “phát triển hòa bình” với các quốc gia láng giềng và các cường quốc có liên quan khác; tuy nhiên ông sẽ bảo vệ một cách mạnh mẽ những gì Trung Quốc xem là lợi ích biển ngày một quan trọng .
    Những bình luận ủng hộ từ các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc cho rằng nguồn gốc lập trường của ông Tập xuất phát từ các quyết định của giới lãnh đạo tại Đại hội Đảng Cộng sản Toàn quốc Lần thứ 18 diễn ra vào năm ngoái, và theo nhìn nhận của các nhà bình luận, đó là “Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả sức mạnh – chính trị, ngoại giao, kinh tế, pháp luật, văn hóa và quân đội – để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích biển của mình.” Việc nhấn mạnh quyết tâm này đã được phân tích trong Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc được xuất bản một năm hai lần vào ngày 30/4 bởi giám đốc Học viện Khoa học Quân sự. Ông giám đốc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân trong việc hỗ trợ cơ quan chấp pháp trên biển, hỗ trợ các hoạt động đánh bắt thủy sản và khai thác dầu khí của Trung Quốc trong khu vực biển yêu sách dọc theo bờ biển của nước này. Một phóng sự khá dài trên tờ Trung Hoa Nhật Báo ngày 2/8 cũng đã nhấn mạnh bài phát biểu của ông Tập về việc ủng hộ phát triển khả năng chiến đấu xa bờ của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân và khen ngợi khả năng “vượt qua” cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Philippines để có được sự tiếp cận tự do hơn và cũng để thực hiện các chiến dịch quân sự ở bờ tây Thái Bình Dương. Vào ngày 27/8, Thủ tướng Lý Khắc Cường tái khẳng định quyết tâm “không thể lay chuyển” của Trung Quốc trong các vấn đề chủ quyền và lãnh thổ khi tiếp đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhân chuyến thăm của ông tới Trung Quốc. Bình luận chính thức về buổi làm việc đã nhắc lại những chỉ trích dành cho phát biểu của ông Lý Hiển Long vào tháng 5 về những hậu quả quốc tế tiêu cực đối với Trung Quốc nếu nước này theo đuổi “cách tiếp cận không hòa bình” trong các tranh chấp lãnh thổ.
    Các bình luận nước ngoài thì lại nhấn mạnh thời điểm mà ông Tập đưa ra bài phát biểu, đó là vào đêm 1/8 – ngày diễn ra lễ kỷ niệm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc và ngay trước thềm một cuộc họp quan trọng của lãnh đạo cấp cao tại khu nghỉ dưỡng trên bờ biển Beidaihe vào tháng 8 để quyết định một loạt các chính sách quan trọng cho Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào mùa thu tới. Họ cho rằng ông Tập đã đạt được mục đích trong việc tăng cường vị thế lãnh đạo của mình và kiểm soát các quyết định chính sách bằng cách giữ vững quyết tâm kiên định đối trong các vấn đề lãnh thổ.
    Các vấn đề đáng quan tâm khác liên quan đến Biển Đông trong giai đoạn trên bao gồm:
    ·         Hải quân Quân giải phóng Nhân dân vào cuối tháng 5 đã sử dụng tàu từ ba hạm đội của mình để tiến hành một cuộc tập trận chung trên Biển Đông, đây là cuộc tập trận ba hạm đội đầu tiên kể từ năm 2010.
    ·         Phóng sự chính thức về việc Trung Quốc tăng cường lực lượng an ninh biển đã ghi nhận vào ngày 1/7, quân số lực lượng an ninh biển hợp nhất theo kế hoạch đã được Quốc hội Trung Quốc thông qua vào tháng 3 nằm ở mức 16.300 người. Vào ngày 22/7 và 23/7, các hãng truyền thông Trung Quốc và nước ngoài đưa tin về việc Trung Quốc đưa Lực lượng Bảo vệ Bờ biển mới hợp nhất của nước này vào hoạt động ở vùng Biển Đông và các vùng biển khác với 16.000 nhân sự được chia thành 11 hạm đội. Theo một vài nhà phân tích Trung Quốc và các chuyên gia nước ngoài, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc chính thức sẽ được trang bị vũ khí tương tự như đối với các tàu thuộc lực lượng này của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
    ·         Một báo cáo từ Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc vào tháng 5 cho biết kinh tế biển Trung Quốc hiện đóng góp 9,6% vào GDP của nước này, và sẽ đạt 13% GDP vào năm 2020 và nhiều khả năng sẽ lên mức 18% GDP vào năm 2030. Bình luận chính thức về báo cáo nhấn mạnh trữ lượng dầu ở Biển Đông, cho rằng nó chiếm 33% tổng trữ lượng dầu của Trung Quốc. Về vấn đề này, theo báo cáo của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, “Trung Quốc không hề khai thác dầu ở Biển Đông, trong khi các quốc gia láng giềng đã xây dựng hơn 200 dàn khoan dầu khí ở đây.”
    ·         Vào ngày 6/5, theo Tân Hoa Xã, một hạm đội gồm 30 tàu cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu viện trợ và tàu vận chuyển đã rời Đảo Hải Nam trong 40 ngày để thực hiện đánh bắt cá ở khu vực tranh chấp tại Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông để “khai thác tài nguyên tại các vùng biển xa bờ theo một cách hệ thống.”
    ·         Vào ngày 23/7, Tân Hoa Xã đưa tin về việc Trung Quốc sẽ thực hiện chuyến khảo sát tài nguyên đảo lần thứ hai, bao gồm 10.000 “đảo thuộc chủ quyền” trong vòng 5 năm tới. Cuộc khảo sát mới này được cho rằng là cần thiết để Trung Quốc hình thành bản “kế hoạch chiến lược” cho việc phát triển kinh tế biển đối với các đảo trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (2016-2020).
    ·         Phóng sự từ các hãng thông tấn chính thức cho thấy việc phát triển quan hệ thương mại giữa đảo Hải Nam và thành phố Tam Sa mới thành lập có trụ sở tại đảo Phú Lâm nằm trong khu vực tranh chấp Quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông đang liên tục được mở rộng. Các bến tàu dân sự đã được xây dựng, hai tàu du lịch thường xuyên đưa dân Trung Quốc đi thăm đảo, một tàu viện trợ có thể chở hành khách đã thực hiện 70 chuyến đến Tam Sa trong năm ngoái, một tàu viện trở mới sẽ sẵn sàng để được đưa vào sử dụng trong năm 2014, và dịch vụ hàng không nối Hải Nam với Tam Sa sử dụng hai máy bay thủy phi cơ 19 chỗ đang đợi sự phê duyệt của Chính phủ.
    Hòa bình, phát triển, và những chuyển biến chậm chạp của Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông
    Thông điệp từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các bình luận có uy tín đã khẳng định một thực tế gần đây về quyết tâm đồng nhất của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các yêu sách và tăng cường lợi ích ở Biển Đông song song với việc đảm bảo ý định hòa bình nhấn mạnh phát triển cùng có lợi, miễn là các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc không bị thách thức. Trong bài phát biểu ngày 31/7 tại Bộ Chính trị, Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc “yêu hòa bình,” cam kết “phát triển hòa bình”, ủng hộ việc “gác tranh chấp để cùng khai thác” trong khu vực tranh chấp, và kêu gọi giải quyết các tranh chấp biển thông qua biện pháp ngoại giao và chính trị. Vị sĩ quan cấp cao của PLA đại diện cho Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La hàng năm ở Singapore đã phát biểu về cam kết của Bắc Kinh đối với hòa bình, phát triển và hợp tác chung.
    Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã đảm nhiệm vai trò chính trong việc quản lý các bất đồng và tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Trong tháng 8, Vương Nghị đã thực hiện một chuyến đi tới các nước Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Đây là chuyến thăm tiếp theo sau chuyến đi tháng 5 – chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao – tới Indonesia, Thái Lan, Singapore, và Brunei; và chuyến thăm tới Brunei vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 để thực hiện các cuộc trao đổi sâu rộng với những người đồng cấp Đông Nam Á tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc – ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Diễn đàn Khu vực ASEAN. Ông Vương đã thực hiện một chuyến thăm đặc biệt kéo dài 14 giờ tới Campuchia vào ngày 21/8, bởi khi ông Vương ghé thăm khu vực vào đầu tháng 8, những người đứng đầu chính phủ Campuchia còn đang quá bận rộn, chủ yếu là do hệ quả của cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Campuchia hồi tháng 7, theo tường thuật của các hãng thông tấn chính thức Trung Quốc.
    Điểm nhấn của Vương Nghị là sự phát triển tích cực trong quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh rằng quan hệ với ASEAN “đã và đang luôn luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc” và kêu gọi những tiến triển mới sau 10 năm “đối tác chiến lược.” Ông Vương kêu gọi đẩy mạnh hợp tác thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc và thúc đẩy liên kết kinh tế giữa hai bên. Những bình luận mang tính ủng hộ cho rằng thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt mốc 400 tỷ USD trong năm 2012, và lượng khách du lịch, công tác và di chuyển giữa Trung Quốc và ASEAN đã lên tới mức 15 triệu lượt trong cùng năm.
    Đối mặt với những chỉ trích, đôi lúc khá nặng nề, về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất từ các quan chức Philippines, và lời kêu gọi từ Mỹ và các cường quốc quốc tế, khu vực khác về việc đạt được tiến triển trong xử lý tranh chấp bằng cách thông qua một bộ quy tắc ứng xử (COC), ông Vương tỏ ra thận trọng, khuyến khích hợp tác chặt chẽ hơn, và nhấn mạnh không nên vội vã trong quá trình dẫn đến một bộ quy tắc ứng xử khả thi. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia vào tháng 5, ông Vương khẳng định Trung Quốc nhất trí với Indonesia trong việc Trung Quốc và ASEAN nên “từng bước xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cùng lúc thực thi có hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002.” Ông tuyên bố Trung Quốc mong muốn thảo luận xây dựng COC trong khuôn khổ Nhóm Công tác chung Trung Quốc – ASEAN về thực thi DOC. Ông này cũng đã nhận được sự ủng hộ của Indonesia đối với đề nghị của Trung Quốc về việc thiết lập một Nhóm những Chuyên gia Hàng đầu bao gồm đại diện từ Trung Quốc và các quốc gia ASEAN để giải quyết các vấn đề về COC và các vấn đề liên quan khác.
    Ngoại trưởng Philippines đã chỉ trích Trung Quốc một cách nặng nề trong Hội nghị ASEAN – Trung Quốc ở Brunei vào cuối tháng 6. Về phần mình, ông Vương cũng chỉ trích việc Philippines chiếm đóng khu vực tranh chấp Bãi Cỏ Mây và đưa những tranh chấp ở Biển Đông ra tòa trọng tài Liên Hợp Quốc. Theo Tân Hoa Xã, Hội nghị hồi tháng 6 đã đi đến một tuyên bố về việc Trung Quốc và ASEAN sẽ tổ chức một hội nghị vào tháng 9 tại Trung Quốc bao gồm “Hội nghị Cấp cao Lần thứ 6 và Nhóm Công tác chung về Thực thi DOC” và các bên tham gia sẽ tổ chức “tham vấn chính thức về COC trong khuôn khổ thực thi DOC.” Ông Vương khẳng định quy trình để tiến tới một bộ quy tắc ứng xử cần phải được xây dựng dựa trên lòng tin có được từ DOC, cái mà ông cho rằng Philippines đã vi phạm bằng những hành động của họ trên Biển Đông và với tòa trọng tài Liên Hợp Quốc.
    Trong chuyến thăm tới Đông Nam Á vào tháng 8, ông Vương nhấn mạnh rằng: một mặt Trung Quốc không cho phép những vấn đề lãnh thổ làm ảnh hưởng tới tình hình hợp tác chung giữa Trung Quốc và ASEAN. Mặt khác, ông khẳng định tiến trình dẫn đến COC cần phải được lặp đi lặp lại, bàn luận kỹ càng và xây dựng từng bước. Ông cảnh báo tiến trình này có thể bị gián đoạn bởi hành động từ các bên tranh chấp như Philippines và có thể thất bại trong việc thực thi những “điều kiện cần thiết” của DOC. Các bình luận chính thức mang tính ủng hộ từ phía Trung Quốc bày tỏ sự nghi ngờ sâu sắc về việc Philippines và các quốc gia khác tìm cách sử dụng COC để hạn chế tự do hành động của Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông. Với mục đích ám chỉ Mỹ và các nước khác, các bình luận chính thức cho rằng “những cường quốc bên ngoài khu vực” đang can thiệp vào tiến trình COC và khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn “dưới chiêu bài tự do hàng hải.” Trong bối cảnh đó, ông Vương đề xuất một thỏa thuận về “lộ trình” khả thi để đạt được COC trong quá trình thực thi DOC như một mục tiêu cơ bản.
    Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và ASEAN tại Bắc Kinh vào ngày 29/8 kỷ niệm 10 năm quan hệ “đối tác chiến lược” ASEAN – Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nhấn mạnh hợp tác kinh tế đang phát triển giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á. Ông cũng nhấn mạnh quy trình liên tục trong việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC ở Biển Đông với bước tiếp theo là Hội nghị Cấp Cao lần thứ 6 và Nhóm Công tác Chung về việc Thực thi DOC lần thứ 9.
    Khẩu chiến Trung Quốc-Philippines; sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật dành cho Manila
    Giai đoạn này nổi bật với các cáo buộc và đổ lỗi qua lại, công khai rộng rãi giữa các quan chức Trung Quốc và Philippines về tranh chấp Biển Đông. Cuộc chiến này đã gợi cho chúng ta nhớ lại những cuộc khẩu chiến lâu dài trong các tranh chấp trước đây giữa Bắc Kinh với Moscow, Washington, Đài Bắc, Hà Nội và New Dehli. Cũng trên các phương tiện truyền thông, Trung Quốc bày tỏ lo ngại về sự ủng hộ của Mỹ và Nhật dành cho  Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc.
    Đối đầu Trung Quốc-Philippines
    Tiêu điểm của sự chú ý nằm ở các tuyên bố đáp trả lẫn nhau về Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Người Philippines gọi là Bãi cạn Ayungin và người Trung Quốc gọi là Bãi cạn Nhân Ái, bãi cạn này dài 15km và rộng 5km, nằm gần Bãi Cỏ Rong, khu vực cả hai bên đều yêu sách, và được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên đáng kể. Vào ngày 10/5, chính phủ Philippines gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila về việc Trung Quốc triển khai “trái phép và có tính chất khiêu khích” một tàu Hải quân và một tàu hải giám tới khu vực gần Bãi cạn. Khoảng một tuần sau, một quan chức địa phương của Philippines nói với báo chí rằng một tàu dân sự chở vị quan chức này và 150 dân thường đã bị một tàu chiến Trung Quốc truy đuổi khi tàu của Philippines đang đi gần Bãi Cỏ Mây. Vào cuối tháng 5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng với Đại sứ Trung Quốc tại Manila đã lên án việc Philippines đặt một tàu chiến cũ tại Bãi Cỏ Mây vào năm 1999 và tiếp tục triển khai một lực lượng nhỏ thủy quân lục chiến tại đây. Đại diện Bộ Ngoại giao nói rằng Bắc Kinh “không bao giờ chấp nhận các nỗ lực bất hợp pháp của Manila nhằm chiếm lấy Bãi cạn và rằng các tàu của Trung Quốc có quyền tuần tra tại đó”. 
    Đã có nhiều cuộc gặp gỡ giữa quan chức hai nước tại các diễn đàn khác nhau mùa hè vừa rồi, thậm chí Philippines còn có thể tiếp viện cho Lực lượng thủy quân lục chiến trên chiếc tàu chiến cũ mà không gặp phải bất kỳ sự cản trở nào của Trung Quốc. Cuộc đối đầu giữa hai bên bước sang giai đoạn mới khi vào cuối tháng 8, Tổng thống Philippines Benigno hủy bỏ chuyến đi tham dự Hội chợ Thương mại Trung Quốc-ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc được lên kế hoạch từ trước vào ngày 3/9, sau khi Trung Quốc đưa ra các yêu cầu mà theo như ông Aquino mô tả là “những điều không thể chấp nhận”. Trước giới truyền thông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến chuyến thăm của Tổng thống Aquino mà nói rằng đang có những “trở ngại” trong quan hệ và thúc giục Philippines khắc phục những khó khăn này.
    Vai trò của Mỹ và Nhật
    Các quan chức Trung Quốc có xu hướng né tránh đề cập đến việc Mỹ và Nhật tăng cường hỗ trợ cho quân đội Philippines, ủng hộ cho vụ Philippines kiện yêu sách Biển Đông của Trung Quốc ra tòa trọng tài Liên Hợp Quốc, và kêu gọi đẩy nhanh quá trình thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử COC dựa trên luật pháp tại Biển Đông. Các quan chức Trung Quốc không có các phản ứng gay gắt đối với tuyên bố cứng rắn yêu cầu Trung Quốc tránh việc đe dọa và ép buộc trong tranh chấp biển của Tổng thống Obama trong cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung hàng năm vào tháng 7. Họ cũng tỏ ra dè dặt sau các phát ngôn tương tự tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel tại Đối thoại Shang-ri La vào tháng 6 và của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 7. Tương tự như vậy, các quan chức Trung Quốc cũng không phản ứng trực tiếp trước việc Phó Tổng thống Joe Biden thúc giục các bên đẩy nhanh quá trình xây dựng COC trên Biển Đông trong một chuyến công du tới khu vực vào tháng 7.
    Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng không chính thức của Trung Quốc, có các bài bình luận chỉ trích trực tiếp Mỹ và Nhật vì đã hỗ trợ quân sự cho Philippines cũng như chỉ trích việc các tàu Mỹ đến thăm và có các cuộc diễn tập quân sự định kỳ với chính phủ Philippines – những động thái được cho là góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh giữa Philippines và Nhật, Mỹ nhằm đương đầu với Trung Quốc. Các phương tiện thông tin chính thức của Trung Quốc cũng phản ứng mau lẹ và có cái nhìn tiêu cực đối với việc các nhà lãnh đạo Philippines tiết lộ vào ngày 31/7, máy bay do thám của Mỹ đã cung cấp “thông tin tình báo quan trọng” về các tàu của Trung Quốc tại Biển Đông cho phía Manila. Các quan chức Trung Quốc cũng hối thúc gắt gao Mỹ “kiềm chế không thực hiện thêm bất cứ điều gì có thể làm phức tạp thêm tình hình” trong tranh chấp biển; chính phủ Trung Quốc cũng kịch liệt phản đối nỗ lực của các quốc gia bên ngoài muốn đẩy nhanh quá trình xây dựng COC tại Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn chính thức lên án và phản đối một Nghị quyết của Thượng viện Mỹ được đưa ra vào cuối tháng 7 bày tỏ quan ngại trước các động thái của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp biển, trong đó có khu vực Biển Đông.
    Lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh ổn định với Trung Quốc, xây dựng quan hệ với Mỹ
    Việt Nam, quốc gia có cũng có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, đi theo cách thức ôn hòa và khéo léo hơn so với Philippines trong quan hệ với Trung Quốc. Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sang thăm Trung Quốc và có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 19-21/6. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi hai ông lên cầm quyền. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Việt Nam trong giai đoạn này, nó đến trong bối cảnh các phương tiện truyền thông chính thức đề cập nhiều đến các tiến triển trong mối quan hệ trên nhiều mặt giữa hai bên và tránh đề cập tới các động thái có thể làm phức tạp thêm cho tranh chấp trên Biển Đông. Trước cuộc gặp giữa hai Chủ tịch nước, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chỉ đạo Trung Quốc-Việt Nam về Hợp tác Song phương, với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn Việt Nam và Ủy viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì dẫn đầu đoàn Trung Quốc, đã diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 11/5. Chương trình tham vấn thứ 7 giữa Trung Quốc-Việt Nam về quốc phòng và an ninh cũng được tổ chức tại Bắc Kinh vào 3/6 với sự tham gia của một Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam và một Phó Tổng tham mưu trưởng của PLA.
    Tại cuộc gặp giữa hai Chủ tịch nước, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc Trung Quốc và Việt Nam “thúc đẩy” tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Biển Đông. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Trung Quốc được ghi dấu bằng các thỏa thuận đẩy nhanh việc hợp tác cùng phân định các vùng nước và thúc đẩy khai thác chung tại khu vực bên ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, và tiến hành các cuộc đàm phán về các chủ đề liên quan đến biển nhưng “ít nhạy cảm” như bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, công tác cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai. Về tranh chấp Biển Đông, cả hai phía thống nhất “giữ hòa khí” và “tránh thực hiện các hành động gây phức tạp thêm hoặc leo thang tranh chấp.” Một đường dây nóng giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam giúp quản lý các vụ việc tại Biển Đông đã được thiết lập sau các cuộc đàm phán quốc phòng vào tháng 6, trong khi đó một đường dây nóng về các tranh chấp nghề cá cũng được thiết lập sau cuộc gặp giữa hai Chủ tịch nước. Xu hướng hợp tác và đề cao sự ổn định tiếp tục được duy trì với chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Việt Nam trong chuyến công du Đông Nam Á của ông vào tháng 8.
    Trước bối cảnh này, những sự cố giữa Việt Nam và Trung Quốc có xu hướng bị phớt lờ. Ngày 20/5, vụ việc một tàu cá Việt Nam bị các tàu Trung Quốc bao vây và gây khó dễ đã khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phản đối vào ngày 27/5; tuy nhiên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ ngay lập tức những lời buộc tội này. Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội vào 2/6 đã được cảnh sát kiểm soát. Vào ngày 6/7, báo chí Việt Nam cho biết các tàu cá Việt Nam đã bị các thủy thủ của tàu tuần tra nghề cá Trung Quốc tấn công hai lần, với các hành động đánh đập, cướp và phá hỏng tàu cá.
    Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng ngầm bày tỏ quan ngại với Trung Quốc và khiến giới truyền thông phải chú ý khi một đoạn trong bài phát biểu dẫn đề của ông tại buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La vào 31/5 đã cảnh báo song không chỉ đích danh những hành động có liên quan đến sự quyết đoán gần đây của Trung Quốc trong tranh chấp biển. Cụ thể: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.”
    Hà Nội cũng nhận ra nhu cầu cần làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc. Carlyle Thayer, David Brown, và các chuyên gia khác nhận định rằng cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Obama vào ngày 25/7 - lần đầu tiên kể từ năm 2007. Việt Nam mới có chuyến thăm cấp cao như vậy tới Mỹ - chỉ được chuẩn bị trong khoảng thời gian rất ngắn. Đằng sau câu chuyện đó là việc Hà Nội tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ để cân bằng với sức ép hiện có hoặc sức ép sẽ có trong tương lai đến từ phía Trung Quốc.
    Lực lượng tuần duyên Philippines sát hại ngư dân Đài Loan – những hậu quả nghiêm trọng
    Vụ ngư dân Đài Loan bị bắn chết diễn ra vào ngày 9/5 tại khu vực chồng lấn đặc quyền kinh tế 200 hải lý giữa Philippines và Đài Loan tại Biển Đông. Các báo cáo ban đầu cho biết lực lượng Philippines đã nổ súng khi tàu đánh cá Đài Loan cố gắng đuổi theo tàu tuần tra Philippines. Đài Loan nói rằng đây là cáo buộc không có căn cứ và buộc tội phía Philippines đã sử dụng vũ lực quá mức cho phép.
    Khi mà Manila đang lảng tránh việc nhận trách nhiệm và chưa biết hành động gì tiếp theo, Đài Bắc đã đưa ra bốn yêu cầu: một lời xin lỗi, một cuộc điều tra và trừng phạt những người có trách nhiệm, bồi thường cho gia đình ngư dân bị thiệt mạng, và tổ chức các cuộc đàm phán về một hiệp định nghề cá giúp ngăn chặn các sự cố tương tự. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, vào ngày 11/5, yêu cầu phía Philipppines phải đáp ứng yêu cầu của Đài Loan nếu không sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, trong đó đáng chú ý có việc ngừng tiếp nhận lao động Philippines tại Đài Loan. Chính quyền của ông Mã đã áp đặt các lệnh trừng phạt vào 15/5. Trong đó có việc ngừng cấp visa cho các lao động Philippines tại Đài Loan, đưa ra cảnh báo cho các du khách Philippines khi đi du lịch tới Philippines, hoãn các cuộc trao đổi cấp cao, và dừng các cuộc trao đổi song phương về kinh tế cũng như các thỏa thuận hợp tác đang có. Vào ngày 16/5, Hải quân, Không quân và Tuần duyên Đài Loan đã cuộc diễn tập quân sự quy mô tại nơi gần khu vực xảy ra sự cố giữa hai bên.
    Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc ủng hộ hoàn toàn lập trường của Đài Loan. Nhân dân Nhật báo (Phiên bản nước ngoài) vào ngày 11/5 đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Văn phòng Nội vụ của Chính phủ Đài Loan đều bày tỏ quan ngại sâu sắc, yêu cầu phía Philippines “ngay lập tức” tiến hành điều tra và đưa ra lời giải thích. Bài báo nói rằng “các ngôn từ đanh thép” và “yêu cầu rõ ràng” của Trung Quốc cho thấy sự quan tâm của nước này tới “các đồng bào Đài Loan” và đối lập với “sự yếu kém trong xử lý các vấn đề trên biển” của phía Philippines.
    Căng thẳng Đài Loan-Philippines bắt đầu hạ nhiệt với thỏa thuận bắt đầu các cuộc điều song song của các nhà chức trách Philippines và Đài Loan vào cuối tháng 5. Các điều tra viên Philippines vào giữa tháng 6 cho biết họ đã đề nghị truy tố hình sự, yêu cầu bồi thường từ các thủy thủ của tàu Tuần duyên Philippines, và họ đang đợi quyết định cuối cùng của Tổng thống Aquino. Trong khi đó, các cuộc đàm phán song phương sơ bộ về quyền đánh bắt cá đã đi tới thỏa thuận vào ngày 15/6 yêu cầu hai bên tránh việc sử dụng vũ lực khi tuần tra tại các khu vực đánh bắt cá để tránh các sự việc tương tự vụ việc ngày 9/5 tái diễn.
    Vào ngày 9/8, tranh chấp đã được giải quyết với việc người đứng đầu văn phòng quản lý quan hệ với Đài Loan của Philippines đã được cử đi với vai trò một phái viên của Tổng thống tới để gửi lời xin lỗi của cá nhân Tổng thống tới gia đình của ngư dân bị nạn. Hai bên cũng đồng ý về khoản bồi thường cho gia đình ngư dân bị nạn, tuy nhiên con số cụ thể không được tiết lộ. Đài Loan cũng hài lòng với việc Philippines truy tố những người có trách nhiệm và tổ chức các cuộc đàm phán về thỏa thuận nghề cá, và nước này sau đó đã gỡ bỏ 11 lệnh trừng phạt được đưa ra vào tháng 5. Các phương tiện truyền thông cho biết hàng nghìn  (ước tính lên đến 30000) công nhân Philippines tại Đài Loan bị cắt hợp đồng trong 3 tháng lệnh trừng phạt được đưa ra; điều này đã có tác động đến ngành công nghiệp công nghệ cao của Đài Loan, ngành phụ thuộc nhiều vào những công nhân Philippines có kỹ năng tiếng Anh tốt.
    Quan hệ Trung Quốc-Myanmar
    Quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar có những diễn biến mới trong 4 tháng qua, nổi bật nhất là sáng kiến của chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty quốc doanh của họ tại Myanmar tham gia vào các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tháng 6, Ủy viên Quốc vụ viện của Trung Quốc Dương Khiết Trì có chuyến thăm chính thức tới Nay Pyi Daw và gặp gỡ các quan chức cấp cao để bàn thảo về triển vọng của các dự án nông nghiệp và mở rộng các khoản vay tài chính vi mô giúp giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại Myanmar. Đặc biệt, ông Dương kêu gọi “cải thiện hợp tác trong sinh kế của người dân,” và nói rằng Trung Quốc muốn giúp Myanmar phát triển kinh tế xã hội, xây dựng bệnh viện và các phòng khám tại các cộng đồng nông thôn.
    Những sáng kiến mới nhất có lẽ là nhằm xoa dịu sự hoài nghi và phản đối của công luận Myanmar về bản chất bóc lột trong các dự án lớn của Trung Quốc. Ví dụ, việc khai trương đường ống dẫn dầu và khí đốt dài 500 dặm và mở cửa cảng biển nước sâu gần vịnh Bengal đã vấp phải sự phản đối của công chúng về các tác động tới môi trường của đường ống dẫn dầu và các nhà máy năng lượng cũng như về việc các công ty Trung Quốc không đưa ra các khoản đền bù thỏa đáng cho việc sử dụng đất của người nông dân cho dự án đường ống dẫn dầu. Trong những tháng gần đây, các cuộc biểu tình của người dân và các vụ tấn công vào các công ty và trụ sở của Trung Quốc tại Myanmar đã khiến các quan chức cấp cao của họ phải lưu tâm hơn đến mong muốn của người dân. Đặc phái viên của Trung Quốc tới Myanmar, Wang Yingfan, đã nói chuyện với một vài công ty quốc doanh của Trung Quốc về các trách nhiệm dân sự doanh nghiệp và các quan chức của sứ quán cũng khuyến khích các doanh nghiệp của Trung Quốc tại Myanmar thu hút sự ủng hộ và thường xuyên tiếp xúc với  cộng đồng địa phương.
    Robert Sutter là giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Khoa Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học George Washington, Washington DC. Chin-Hao Huang là nghiên cứu sinh ngành Khoa học Chính trị tại Đại Học Nam California. Bài viết này được đăng lần đầu tiên trong tạp chí Comparative Connections, ấn phẩm được xuất bản theo quý bởi Pacific Forum, CSIS.
    Người dịch: Việt Tiệp
    Hiệu đính: Kim Minh

      Hôm nay: Fri May 10, 2024 8:42 am

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]