NỖI BUỒN MÀU DA CAM

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    NỖI BUỒN MÀU DA CAM

    cuuchienbinhvn
    cuuchienbinhvn
    Hạ Sĩ
    Hạ Sĩ

    Tổng số bài gửi : 129
    Join date : 01/10/2013

    NỖI BUỒN MÀU DA CAM Empty NỖI BUỒN MÀU DA CAM

    Bài gửi by cuuchienbinhvn Wed Apr 02, 2014 5:14 pm

    Tin bà Thảo được hưởng trợ cấp phơi nhiễm chất độc màu da cam lan nhanh hơn tốc độ âm thanh. Hôm kia, bà vừa ở huyện về, dựng cái xe đạp cà khổ ở hiên nhà, giở vội cái quyết định hưởng trợ cấp với tiền truy lĩnh tháng trước ra, đọc đi đọc lại, cứ ngỡ trong mơ, rồi bà cất biến vào tủ khóa lại.

    Từ nay bà đổi đời rồi. Mỗi tháng được gần hai triệu chứ có ít đâu? Làm ruộng cả tháng cũng chẳng được đến thế. Bà tính: 500 gửi tiết kiệm phòng lúc nhỡ nhàng này. 500 nghin đồng đong luôn ba yến gạo cho chắc ăn. Còn lại bà mua thêm thuốc thang tẩm bổ, lo tiền hiếu hỷ quanh năm.. Cứ tạm tính thế. Bà thấy người cứ lâng lâng, nhẹ nhõm làm sao. Thật cũng bõ công những năm tháng vất vả ở một cung đường đông Trường Sơn ác liệt năm nào. Những trận bom như cơm bữa, những cơn sốt rét rụng gần hết tóc. Mùa mưa, quần áo lúc nào cũng ướt át hôi hám. Những ngày đến tháng thật khốn khổ. Ghẻ lở, hắc lào, đứa nào đứa ấy trông như hoa gấm. Rồi hy sinh mất mát. Chính bà đã chôn cất bao đồng đội. Giờ đây tuổi già bệnh tật, chẳng biết ai còn ai mất. Nghe nói, cái Hường cái Thúy chẳng chồng con gì, cứ quanh năm đi lại sớm khuya một mình. Bà còn may mắn gấp vạn chúng nó, chồng con đàng hoàng. Mà dạo ấy, bom đạn đã đành, nhưng khổ nhất vẫn là thiếu thốn tình cảm. Cả một trung đội Thanh Niên xung Phong chẳng có một mống đàn ông nào. Thỉnh thoảng một vài đoàn quân đi qua, đêm đêm những chiếc xe bịt bùng vượt ngầm dưới ánh chập chờn của pháo sáng, của lửa cháy rần rật bên cánh rừng vì bom tọa độ. Chỉ nghe thấy tiếng đàn ông chứ có mấy khi nhìn thấy mặt. Mà sao tiếng đàn ông nghe trầm hùng và ấm áp thế. Những lúc ấy cả trung đội như hóa rồ, cười nói giòn tan . Mệt mỏi và bom đạn biến đi đâu hết. Cũng có mấy mối tình đơm hoa với mấy chàng lái xe ngổ ngáo nhưng chẳng bao giờ kết trái. Những chiếc xe cứ lầm lũi chui vào màn đêm rồi mất hút. Những ngày dài khắc khoải đợi chờ. Những đêm mưa rừng, lạnh lẽo, nằm ôm nhau đứa khóc, đứa cười chẳng hiểu ra làm sao cả.

    Mươi năm nay bà Thảo bị bệnh tiểu đường hành hạ. Ban đầu bà chỉ thấy khát nước . Càng uống càng khát, người cứ rộc đi, mệt chẳng buồn cầm cái chổi. May có cái thẻ bảo hiểm, đi khám, họ bảo bà bị rối loạn chuyển hóa đường huyết, khuyên bà không nên ăn nhiều. Bệnh này là bệnh của nhà giàu. Khốn nạn, bà có giàu có và tham ăn tục uống gì cho cam. Nghe cô bác sĩ đáng tuổi con bà nói như dạy trẻ bà lộn cả ruột. Bệnh này không chữa được, sống chung thân với nó, thuốc thang đều đặn, nếu không, bị biến chứng, rụng chân, mù mắt, tắc tim đột quị vv. Nghe mà rợn hết cả người.

    Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Đúng là “ Tái Ông thất Mã”, họa phúc biết về đâu? Đùng một cái, bệnh tiểu đường được liệt vào hơn chục căn bệnh do bị phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh.

    Bà Thảo cậy cục đủ mối quan hệ, quà cáp, làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp chất độc màu da cam, nộp lên xã, huyện rồi thành phố. Đắng đẵng hơn hai năm trời, đi lại không đếm được bao nhiêu lần. Riêng tiền thử máu cũng dễ đến mấy tạ thóc. Cũng may, cuối cùng giời cũng thương tình…

    Cũng lạ, sao cả làng biết tin nhanh thế. Có lẽ tại con Thơm ruột để ngoài da, chắc lại khoe với mấy đứa cùng sinh họat thanh niên đây. Về bà cho một trận. Mà cái làng này cũng thật đáng ghét. Toàn rỗi hơi. Bất kể nhà ai có chuyện gì, chó chết, gà toi, hôm trước chưa đến hôm sau người già con trẻ đã biết cả.

    Ôi! Chỉ tại mấy cái quán đầu làng thôi. Từ hồi rộ lên phong trào bán đất, vùng ven đô quê bà thay đổi nhiều quá. Những thằng choai choai tóc vàng hoe phóng xe máy bạt mạng trên đường. Quán xá mọc lên như nấm. Đâu cũng thấy “Bia hơi Hà Nội”. Lũ đàn ông lười nhác ngồi cả ngày, mặt đỏ phừng phừng miệng nói oang oang. Ông nào cũng như đại gia. Tiêu hết tiền bán đất rồi thì ăn cám. Mà bia Hà Nội gì chứ, sáng nào bà chả thấy mấy thằng chở bia từ Phủ Lỗ xuôi về. Lại còn mấy cái quán gội đàu , Ka ra kê kê gì đó ầm ĩ cả làng. Gội đầu gì. Đầu thì ít mà đít thì nhiều. Đám đàn ông cứ thập thò trước cửa hàng có mấy con bé mắt xanh mỏ đỏ như từ trên trời rơi xuống vậy.

    Tự dưng thấy bực mình, bà Thảo lững thững ra cái quán chè xanh còn lại duy nhất đầu làng làm một cốc cho hạ hỏa. Đi ngang qua mấy cái quán, bà nghe thấy tiếng gọi ơi ới, ngoảnh lại. Thì ra con mẹ Phấn bán tạp hóa. Ngày thường có nhỡ nhàng, bà mua chịu chai dầu lạng muối, mặt mụ nhăn như khỉ. Hôm nay sao lại đon đả thế.

    - Bà Thảo ơi, không mở hàng cho em chút gì à…

    - Không dám, sợ dữ vía bà lại trách
    Bà Thảo đáp lại giọng mát mẻ.

    - Gớm, có tiền rồi có khác, chẳng thèm nhìn mặt ai

    Mụ Phấn cố với thêm một câu.

    Thế có lộn ruột không? Hơn triệu bạc chứ có nhiều nhặn gì mà vênh mặt với ai. Chẳng buồn đáp lại bà Thảo bước vội.

    Lão Dần bán bia thò đầu ra nhăn nhở:

    - Bà chị vào làm một vại cho mát ruột. Bom mới đấy, có tiền tiết kiệm làm gì, không khéo anh nhà lại mang đi gội đầu hết.

    Nói xong hắn cười hềnh hệch rất thô bỉ.

    Ngữ ấy nói làm gì cho phí lời, bà ngồi xuống cái ghế băng quán trà xanh. Cụ Thanh “Điếc” ngồi bán nước dưới gốc bàng này có đén nửa thế kỷ rồi. Từ hồi bà Thảo còn cắp sách đến trường. Giờ bà Thanh đã thành cụ già nhăn nheo, răng rụng gần hết, đã thế còn nghiện trầu. Lúc nào cụ cũng có cái cối đồng con con, luôn tay ngoáy ngoáy.

    Thấy bà Thảo cụ nói oang oang, gớm răng còn vài chiếc mà sao nói khỏe thế:

    - Nghe nói chị được hưởng trợ cấp, mấy triệu một tháng sống hết đời. Sướng thế?

    - Có hơn triệu thôi cụ ạ, người ta cứ vống lên thế.
    Bà Thảo đáp lại.

    - Thôi cũng mừng cho chị, khối người cũng hết thời son trẻ ở chiến trường mà có được đồng nào đâu?

    - Cũng còn phải căn cứ vào ché độ chính sách cụ ạ.

    Bà Thảo đáp lại.

    Đưa cốc nước chè xanh nghi ngút khói cho bà Thảo, cụ Thanh lại tiếp lời:

    - Nhưng tôi hỏi khí không phải, nghe nói cái chất độc ấy ảnh hưởng đến đời con đời cháu phải không?

    Bà Thảo giẫy nẩy:

    - Ấy chết, ai bảo cụ thế. Tôi chỉ bị tiểu đường không ảnh hưởng gì đến con cháu cả.

    Cụ Thanh lại nói:

    - Không ảnh hường gì sao người ta cho chị nhiều tiền thế. Mà tôi có biết đâu, nghe thằng Dự con lão Dần bảo thế. Nó bảo con cái sau này đẻ ra mắt to như ốc nhồi, miệng dãi dớt, đầu như cái ấm giỏ ủ chè. Chính vì thế mà nó không yêu cô Thơm nhà chị nữa..

    Bà Thảo ức nghẹn tới cổ. Thằng mất dậy. Từ hồi bố nó bán mảnh đất ra mở quán bia, nó cứ nhông nhông chẳng làm ăn gì. Nghe nói còn ăn trộm cả tiền của bố nó đánh bạc hết. Đã thế còn suốt ngaỳ chui vào cái quán gội đầu. Con Thơm nhà bà sợ quá cắt đứt quan hệ . Thế mà nó lại còn dám dựng đứng dựng ngược lên như vậy. Bà phải làm cho ra nhẽ. Bực quá bà đứng dậy ra về. Tý nữa thì quên cả trả tiền cốc chè tươi.

    Về đến nhà, bà nghe tiếng con Thơm đang thút thít trong buồng. Thấy bà, nó càng khóc to hơn. Bà Thảo chẳng hiểu chuyện gì. Nó chạy ra vừa nói vừa khóc :

    - Mẹ trả ngay cái sổ trợ cấp chất độc da cam cho huyện đi. Thế này thì con chết mất, cả làng cả xã họ bảo con sẽ đẻ ra quái thai. Còn ai dám lấy con nữa.

    Ôi tưởng chuyện gì, bà mắng con:

    - Mày ngu lắm. Da cam cũng có dăm bẩy dường. Mẹ mày chỉ bị tiểu đường tuyp II, y bạ ghi rõ rành rành đây này, làm sao mà quái thai được.

    - Con lạy mẹ, làm sao mà mẹ đi giải thích cho cả làng cả tổng được. Cái thằng Dự mất dậy đi đâu nó cũng bô bô: “ Bỏ của chạy người, rồi tý nữa thì bị lừa”.

    Con Thơm tức tưởi

    Đến nước này thì bà Thảo không chịu nổi nữa. Bà cầm cuốn sổ y bạ chạy đến quán bia nhà lão Dần.

    Thằng Dự đang khua tay múa chân với một lũ bạn cùng phường ngưu, mã. Trông thấy bà nó im bặt.

    Bà chỉ vào mặt nó chửi:

    - Đồ khốn nạn. Không ăn được thì đạp đổ. Mày vu oan giáng họa gì nhà bà. Mày đọc cuốn y bạ này xem bà bị bệnh gì nào…

    Thằng Dự vênh mặt lên:

    - Tôi việc chó gì phải đọc. Bà bị bệnh gì thì bà biết. Tôi chỉ biết khoa học người ta bảo thế.
    - Khoa cái mả mẹ may, câm mồm đi

    Điên tiết xông vào nó bà gào lên. Những người hiếu kỳ xúm lại can ngăn.

    Bà Thảo chìa cuốn sổ y bạ ra trước mọi người :

    - Bà con xem này, tiểu đường tuyp II .

    Những khuôn mặt mụ mị vì bia cứ ngơ ngác, chẳng hiểu cái gì. Thôi thừa hơi mà nói với chúng. Quay lại thằng Dự bà đe:

    - Con bà có trắc trở gì thì bà không để yên cho mày đâu.

    Bà quay về. Không khí trong nhà nặng nề như có tang. Chẳng ai nói với ai câu gì. Thế có bực mình không, người nhà còn vậy thì biết nói với ai bây giờ.

    Từ đấy hễ có việc phải qua mấy cái quán đầu làng, bà Thảo cứ thấy ngài ngại. Người ta đang chuyện trò rôm rả, tay chỉ trỏ. Hình như họ đang nói chuyện về bà về chất độc màu da cam ảnh hưởng đến cả đời chắt chít…

    Đi đâu bà Thảo cũng mang theo cuốn sổ y bạ. Hễ có dịp là bà lại giải thich cho người gặp bất chợt trên đường về căn bệnh đái đường. Họ kiên nhẫn nghe bà nói. Nghe vậy thôi chứ họ có hiểu gì đâu. Mà không ảnh hưởng gì thì sao chính phủ lai cho bà ấy nhiều tiền thế ?

    Một sớm, con Thơm khăn gói rời nhà ra đi. Nó bảo vào Bình Dương xin việc…Ở ngoài này thì chết già mất. Ai còn dám lấy nó nữa kia chứ.

    Bà Thảo buồn lắm. Chiều chiều người ta lại thấy bà ra hàng chè xanh dưới gốc cây bàng, tay lúc nào cũng cầm cái túi trong có cuốn sổ y bạ.

    Bà ngồi thế, dễ đếm gần năm nay, từ khi cành bàng khẳng khiu nhú những chiếc búp xanh biêng biếc. Cho đến lúc, những chiếc lá ngả sang mầu da cam, ưỡn ẹo rời cành gieo mình trong gió sớm báo hiệu mùa thu về, mang theo một nỗi buồn man mác, nỗi buồn màu da cam.


    Ngày 20, tháng 10 năm 2012
    Nhữ Nguyên

      Hôm nay: Fri May 17, 2024 6:38 am

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]