Đời Quân Ngũ

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Đời Quân Ngũ

    beleo
    beleo
    Binh nhất
    Binh nhất

    Tổng số bài gửi : 57
    Join date : 03/04/2014

    Đời Quân Ngũ Empty Đời Quân Ngũ

    Bài gửi by beleo Sat Apr 05, 2014 8:43 am

    Theo Đức Cường
    Nhập ngũ

    Tốt nghiệp cấp III năm 1976 song mãi năm 1977 tôi mới nhập ngũ. Đó là câu chuyện dài không trọn vẹn với tôi. Ngày 15 tháng 11 năm 1977, ngay khi giao quân xong đồng chí xã đội trưởng mới đưa tôi giấy báo nhập học trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật Vinh (tức trường đại học sư phạm kỹ thuật Vinh bây giờ). Và nói: “Gia đình anh đông con trai, hiện không có ai ở trong quân đội nên anh phải nhập ngũ đợt này. Hãy cầm giấy báo để sau này hoàn thành nghĩa vụ về học”. Tôi im lặng cầm chẳng một lời cảm ơn và đưa ngay cho người nhà đưa tiễn cầm về.
       Thời đó chuyện như vậy là bình thường, còn bây giờ là sai luật. Song bạn bè tôi đi đợt đó rất đông vì vậy tôi cũng hăm hở lên đường.
       Do hiệp đồng có sự cố nên 4 ngày sau chúng tôi mới hành quân bộ vào binh trạm Hưng Lộc. Trong thời gian 4 ngày, chúng tôi học tập hợp và động tác lên, xuống ba lô. Chúng tôi trọ ở xóm 12 xã Nghi Trung huyện Nghi Lộc. Bây giờ, quân của xã nào xã nấy phải cử dân quân nữ ra phục vụ, lo cơm nước trong thời gian đó.
       Chúng tôi chỉ biết đơn vị nhập ngũ là sư 10 quân đoàn 3, đóng ở Phú Khánh. Đoàn tuyển quân rất tuyệt mật về nhiệm vụ của đơn vị mà sau này tôi mới biết toàn quân đoàn đang tác chiến tại biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh.
       Chuyện nhập ngũ của tôi thật đơn giản nhưng nó đã quyết định bước ngoặt cuộc đời tôi, bởi 32 năm sau tôi mới rời bộ quân phục và đã trải qua bao vất vả hy sinh ở chiến trường cũng như bao kỷ niệm trong đời quân ngũ.
       Tạm biệt quê hương Nghi Lộc yêu dấu, tạm biệt thành phố đỏ thân thương, đoàn xe chở tân binh rời binh trạm lao hối hả về phía Nam. Đất nước vừa hoà bình được 2 năm, trong 1000 người ra đi hôm đó không ai biết được mặt trận Tây Nam đang chờ họ và không ai có thể nghĩ rằng ngày trở về đoàn quân đầy thương tích đó thiếu 270 người. Vâng! Họ đã vĩnh viễn nằm vào lòng đất mẹ khi tuổi còn xanh, họ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc tại mặt trận Tây Nam.
    Quân trường Lam Sơn
    Những người lính thời đó, ai cũng thường nghe những băng đĩa thuộc dòng  nhạc vàng về người lính do ca sỹ Thanh Tuyền (chế độ Sài Gòn cũ) hát. Trong đó, có bài hát nổi tiếng “Giờ này anh ở đâu” có lời: “Giờ này anh ở đâu, dục Mỹ hay Lam Sơn…”
        Vâng ! Đó là hai trại lính lớn của chế độ Nguỵ quyền Sài Gòn ở khá gần nhau thuộc Ninh Hoà tỉnh Phú Khánh cũ. Đặc biệt là căn cứ huấn luyện lớn - căn cứ Lam Sơn.
       Chúng tôi huấn luyện 3 tháng tại quân trường Lam Sơn, nơi doanh trại trước đây chuyên huấn luyện thám báo và biệt kích Mỹ. Xung quanh được bao bọc bởi 7 lớp hàng rào dây thép gai, giữa các lớp là mìn các loại và ống bơ báo động để chống đặc công của ta chưa được rà phá còn nguyên. Trên 1 số áp phích, bờ tường vẫn còn khẩu hiệu của chế độ cũ chưa xoá hết. Ví như ở cửa ra vào mỗi trại lính đều có quy định: “Khi Việt cộng tiến công phải:
    -   Ở yên tại chỗ, không chạy đi lại lộn xộn
    -   Không kêu la, không bật đèn sáng.
    -   Chiến đấu theo mệnh lệnh chỉ huy.”
    Đại loại như thế. Đạn các loại nhiều vô kể nhất là đạn R15. Mũ sắt nguỵ quăng lung tung, lính ta lấy làm gàu múc nước tắm, tưới rau. Nước tắm không đủ vì vậy đơn vị phải rà mìn mở đường xuống suối tắm. Chỉ cần bước ra khỏi phạm vi chiều ngang 2m là tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Thực tế có chiến sĩ vô kỷ luật không chấp hành quy định vượt qua hàng rào đã bị mìn ríp tiện ngang bàn chân. Nếu giẫm phải mìn râu tôm thì coi như “xong”. Những  câu chuyện huấn luyện tân binh ở quân trường Lam Sơn thì kể cả ngày không hết, hẹn các bạn dịp khác vậy. 3 tháng sau, tất cả chúng tôi hành quân vào mặt trận Tây Nam. Một số ít ở lại quân đoàn bộ và các đơn vị trực thuộc, đa số đều bổ sung vào F320A. Sư đoàn lúc này đang tác chiến tại Lò Gò, Xoan Giũa, Đà Ha thuộc huyện Tân Biên Tỉnh Tây Ninh. Chỉ sau một đêm khi quân bổ sung chưa hết đã có đồng hương thương vong trở ra và chúng tôi nghiễm nhiên trở thành cựu binh
    beleo
    beleo
    Binh nhất
    Binh nhất

    Tổng số bài gửi : 57
    Join date : 03/04/2014

    Đời Quân Ngũ Empty Re: Đời Quân Ngũ

    Bài gửi by beleo Sat Apr 05, 2014 8:43 am

    Hồi âm bài “Bám trụ kiên cường”

    Tôi quê Nghi Lộc – Nghệ An, nhập ngũ 11/1977. Sau khi vào mặt trận, tôi được huấn luyện nghiệp vụ trinh sát tại chiến trường và sau đó bổ sung vào đại đội 20 trinh sát Sư đoàn 320-Quân đoàn 3. Đúng như bài “Bám trụ kiên cường” đã viết. Mờ sáng, địch tấn công vào đội hình chốt giữ của Tiểu đoàn 4. Địch có sự hỗ trợ của xe tăng nên không bao lâu tuyến phòng ngự bị vỡ và tiểu đoàn 4 phải rút lui về tuyến sau.
       Những ai ở sư đoàn bộ Sư đoàn 320-Quân đoàn 3 trong năm 1979 có lẽ không ai quên câu chuyện Sư đoàn bộ bị địch bao vây. Chỉ một giờ sau khi địch tấn công, bộ binh của D4 chạy toán loạn vào Sư đoàn Bộ. Đạn cối của địch bắn theo làm thị trấn hoang tàn chìm ngập trong khói lửa. Lúc này tất cả cán bộ chiến sĩ sư đoàn bộ đều ra công sự chiến đấu. Năm chiếc xe tăng của Lữ đoàn 273 tăng cường cho sư đoàn chỉ kịp cơ động ngắn đến các trục đường chính dẫn vào thị trấn và trở thành năm lô cốt chiến đấu – quyết tâm bảo vệ sư đoàn bộ đến cùng. Đại đội 20 trinh sát chúng tôi nằm sát bên phải đường 3, phía nam sư đoàn bộ. Chúng tôi thấy rõ địch, tốp thì vận động theo đường mương vào, tốp thì len lỏi qua các gốc cây thốt nốt ngoài đồng vào thị trấn. Phía bên phải đường 3 đối diện đơn vị tôi là trận địa pháo tầm xa Đ74 của Lữ đoàn 40 tăng cường. Do bộ binh Tiểu đoàn 4 chạy tràn qua địa phận pháo vào đại đội chúng tôi làm nhiều người dao động, một số chiến sĩ pháo chủ đích bỏ pháo chạy. Tôi còn nhớ như in hình ảnh người đại đội trưởng C20 trinh sát của chúng tôi tên là Lê Thanh Trung, quê ở Thanh Hoá (sau này anh lên phòng trinh sát Sư đoàn 3 và nay đã nghỉ hưu) đứng trên mặt đường 3 cầm súng AK giương cao tuyên bố: “Tất cả trở lại chiến đấu, chạy qua đường là chúng tôi bắn”. Nhìn thấy, chúng tôi nằm chiến đấu ngay cạnh đường,lấy vệ đường 3 làm công sự, các đồng chí có phần yên tâm và quay trở lại trận địa pháo. Chính các đồng chí này, ngay sau đó đã dùng pháo tầm xa bắn thẳng vào đội hình chiến đấu của địch. Sau này, tôi được biết câu chuyện dùng pháo binh tầm xa bắn thẳng này được viết vào cuốn “Lịch sử Lữ đoàn 40 pháo binh Quân đoàn 3”
       Sau gần 3 giờ tiến công chính diện vẫn không tiến vào thị trấn được. Lúc này địch đánh vu hồi nhiều hướng. Cả sư đoàn bộ, phía trước, phía sau ở đâu cũng nổ súng đánh địch. Xe tăng địch gầm rú điên cuồng, chạy đi chạy lại hòng làm hoang mang tinh thần chiến đấu của bộ đội ta chứ không dám dẫn bộ binh vào vì sợ ta mai phục bắn cháy.
       Sau gần một ngày bao vây sư đoàn bộ với sự hiểm trợ của xe tăng, địch đã không thể chiến được thị trấn để hành quân về hướng Ta Keo nên khoảng 5 giờ chiều, địch phải rút lui.
       Cũng vào thời điểm đó, chúng tôi thấy hai chiếc xe tăng của ta cùng một đơn vị bộ binh Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 đánh vận động từ hướng nam theo trục đường 3 lên để giải vây cho Sư đoàn song thực tế lúc này địch vừa rút quân.
       Ngay hôm đó bộ phận trinh sát kỹ thuật của chúng tôi (dùng máy PRC25 nghe thoại tiếng của địch) phát hiện đây là một cuộc hành quân lớn của một trung đoàn bộ cơ giới của địch bị ta đánh chia cắt nay phải đánh vượt đường 3 để về lại đội sư đoàn, sau đó sẽ đánh chiếm thị xã Ta Keo.
       Năm 2005, tôi có dịp ghé thăm sư đoàn ở Gia Lai. Tôi đã mượn đọc cuốn lịch sử truyền thống Sư đoàn đồng bằng (F320) mới biên soạn lại và cuốn sách đó có một trang để viết về câu chuyện Sư đoàn Bộ bị bao vây và phá vây này.

       Sau này là sĩ quan quân đội, ngẫm nghĩ lại cuộc chiến đấu đó, tôi thấy đây là một bài học lớn cho chỉ huy trong việc tác chiến phòng ngự, cho việc bố trí đóng quân thời chiến và sử dụng hoả lực. Việc Tiểu đoàn 4 bỏ trận địa chạy là một điều dễ hiểu vì cuộc chiến không tương quan lực lưỡng. Địch có một Trung đoàn có xe tăng yểm trợ, ta chỉ có một Tiểu đoàn không đủ như biên chế (bị thương+sốt rét+hy sinh chưa được bổ sung kịp+…) chiến đấu trong điều kiện tạm dừng nên công sự tạm thời sơ sài. Bố trí đội hình chiến đấu và chi viện lẫn nhau chưa thể là phương án tối ưu. Hơn nữa lần đầu tiên bộ binh ta chiến đấu với địch có xe tăng hỗ trợ nên tinh thần dao động, bỏ chạy là tất yếu.
       Việc không cho xe tăng ta cơ động đánh địch xuất phát từ nhiệm vụ  chính là bảo vệ bằng dược Sư đoàn Bộ. 5 xe tăng trở thành năm lô cốt hoả lực mạnh phong toả mọi ngả đường địch không thể tiến công nổi. Người chỉ huy trực tiếp bố trí 5 xe tăng hôm đó là thủ trưởng tên là Kỷ, Lữ đoàn 40 xe tăng Quân đoàn 3 đi tăng cường cho Sư đoàn 320. Sau này ông là Tư lệnh bộ đội tăng thiết giáp. Xét về lực lưỡng khi địch đánh vào sư đoàn bộ, ta và địch ngang nhau.
       Địch tiến công một Trung đoàn có xe tăng hỗ trợ. Ta có một Tiểu đoàn công binh, một Tiểu đoàn thông tin, một đại đội vệ binh, một đại đội trinh sát, năm xe tăng và một Tiểu đoàn đã mất sức chiến đấu. Kết quả ta đã đánh tan một cuộc hành quân lớn của địch, làm thất bại âm mưu tập trung lực lưỡng để tạo thế. Sau trận chiến đấu này 4 tháng, sư đoàn 320 hành quân ra phía bắc nhận nhiệm vụ mới. Những người lính trẻ chúng tôi tạm biệt Đất nước chùa tháp với bao kỉ niệm vui buồn. Ra sân bay vào buổi đêm, 11h30’ lên máy bay Au-22 do kíp lái toàn người Nga chỉ huy. Ba giờ sau, chúng tôi đã xuống sân bay Nội Bài, người bắt tay đầu tiên khi xuống cầu thang là Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến.
    Administrator
    Administrator
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 8
    Join date : 21/01/2014

    Đời Quân Ngũ Empty Re: Đời Quân Ngũ

    Bài gửi by Administrator Sat Apr 05, 2014 9:11 am

    cảm ơn đ/c Baoleo đã có những bài viết hay đóng góp cho diễn đàn, mong đ/c tiếp tục phát triển

    Sponsored content

    Đời Quân Ngũ Empty Re: Đời Quân Ngũ

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Fri May 17, 2024 5:47 am

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]