Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ

    Admin
    Admin
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 94
    Join date : 26/09/2013

    Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ Empty Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ

    Bài gửi by Admin Mon Sep 30, 2013 5:50 pm

    Trang chủ Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ ArrowTâm tình CCB Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ ArrowChuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ
    Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ
    Chiến tranh kết thúc 38 năm, ông đã nhiều lần vào thăm lại chiến trường Quảng Trị, viếng các nghĩa trang nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ của nhiều đơn vị, nhiều miền quê trên mọi miền trong đó có các đồng đội của Trung đoàn 27- B5 để thắp hương, tưởng nhớ các đồng đội đã nằm lại tại chiến trường.
           Cuối năm 1973 khi cả Trung đoàn 27 ra Thanh Hóa để thành lập Quân đoàn 1 và tổng kết chiến tranh, huấn luyện, xây dựng lực lượng chính quy, sẵn sàng cơ động trên khắp chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc. Thời gian này ông đang là trợ lý chính trị Tiểu đoàn 2-E27, được Trung đoàn gọi lên một tháng để cùng tổng hợp công tác chính sách, trong đó tổng hợp toàn bộ liệt sỹ hy sinh trong chiến đấu của Trung đoàn từ năm 1968-1973 ở chiến trường B5- Quảng Trị, số liệt sỹ toàn Trung đoàn sau 40 năm qua ông còn nhớ, tuy không chính xác tuyệt đối và không nắm hết danh sách từng liệt sỹ, nhưng cơ bản vẫn nhớ được. Khi thăm viếng nhiều nghĩa trang của tỉnh Quảng Trị để tìm lại đồng đội mình ông đã cơ bản vào hết các nghĩa trang nhưng ông và rất nhiều đồng đội khác đều chung một thắc mắc: Tại sao đồng đội Trung đoàn 27-B5 chiến đấu liên tục tại chiến trường tỉnh Quảng Trị (hơn 5 năm), hy sinh khá nhiều mà tìm mãi vẫn khó gặp được đồng đội của mình yên nghỉ trong các nghĩa trang, thật xót xa và đau buồn. Tìm về Trung đoàn được biết: Liệt sỹ của Trung đoàn hy sinh đưa ra mai táng bờ bắc sông Bến Hải, cơ bản đã được huyện Vĩnh Linh quy tập vào các nghĩa trang, trong đó chủ yếu là nghĩa trang Hồ Xá, năm 2005 nghĩa trang Hồ Xá được nâng cấp, nhưng liệt sỹ của Trung đoàn 27-B5 rất nhiều song là những liệt sỹ chưa biết tên.
    Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ Han02
       Nhân dân, chính quyền địa phương và đồng đội về lại thực địa     
    Liệt sỹ chiến đấu hy sinh năm 1972 (bảo vệ Thị Xã và Thành Cổ Quảng Trị được F320b, nay là F390 tổ chức quy tập năm 1978 đưa được một số vào nghĩa trang xã Hải Trường, Hải Thượng và Hải Phú, trong đó xã Hải Phú đều là những liệt sỹ chưa biết tên,  trên bia mộ đều ghi là F320. Còn lại đại đa số đồng đội, liệt sỹ của Trung đoàn 27-B5 hy sinh qua các năm đang nằm lại tại các chiến trường của tỉnh Quảng Trị, đến nay hơn 40 năm gần như đã hòa tan vào lòng đất theo thời gian, chỉ có một số đã được nhân dân tỉnh Quảng Trị quy tập vào các nghĩa trang bằng nhiều trường hợp như: Dò mìn tìm sắt vụn, canh tác trong vườn gặp được đã đưa vào các nghĩa trang, nhưng hầu hết đều liệt sỹ chưa biết tên.
          Các liệt sỹ chiến đấu giải phóng và bảo vệ quê hương, lúc hy sinh được đơn vị an táng vào lòng đất taị nơi hy sinh, (ở đâu cũng là lãnh thổ Việt Nam) thì chắc chắn được đất mẹ Việt Nam che chở và đùm bọc, nhưng về tâm linh những gia đình mất người thân, thì mẹ, vợ và các con đã khóc cạn nước mắt lúc nhận được tin báo tử, nay vẫn mãi chờ mong, nhiều gia đình đã mất bao thời gian, công sức và tiền của để tìm kiếm người thân khắp các chiến trường nhưng đều vô vọng, chỉ được một số ít may mắn tìm được hài cốt đưa về quê hương, về với tổ tiên ông bà.
          Với ông sau khi rời Trung đoàn đi học, sau đó thuyên chuyển nhiều đơn vị công tác nên chưa có điều kiện tìm kiếm đồng đội, mãi mấy năm gần đây được Đảng, Nhà nước, Quân đội và đơn vị cho nghỉ hưu mới có điều kiện vào lại chiến trường nghiên cứu ,truy tìm và kết nối thông tin để giúp các gia đình tìm kiếm người thân. Nhưng hiện nay do thời gian quá lâu, môi trường thay đổi, hầu hết bị mất dấu vết nên rất khó cho công tác tìm kiếm liệt sỹ, hơn nữa ông cũng đã có tuổi nên tự nguyện, tự túc, hạn chế về thời gian, kinh tế và sức khỏe, chủ yếu đi một mình vào rừng núi rất khó khăn. Ba năm gần đây ông đã giúp cho rất nhiều gia đình tìm được người thân, kể cả bằng thử AĐN, đã góp phần giảm bớt nỗi đau cho nhiều thân nhân gia đình liệt sỹ.
         Có rất nhiều chuyện để nói trong tìm kiếm liệt sỹ, nhưng hiện nay ông cũng chưa tự giải thích được, mà chỉ hiểu rất đơn giản để so sánh là: Trên đời này cũng có người khỏe, người yếu, người nhanh nhẹn hoạt bát, người chậm chạp vụng về, người khôn khéo thông minh, người lù khù lú lẫn, người bình tĩnh kiên trì, người hấp tấp nóng vội, có người tâm đức hiền lành, lại có người độc ác điêu ngoa nhưng ông tin Âm sao Dương cũng vậy. 
          Ông kể mẩu chuyện có thật, nói không ngoa, vì nói ngoa sẽ không xứng đáng với vong linh các liệt sỹ bởi liệt sỹ khi đang sống rất trung thực, vô tư và hồn nhiên, trong chiến đấu thì rất anh dũng và quả cảm, không tiếc xương máu, tính mạng, sẵn sàng hy sinh thân mình cho quê hương, cho Tổ Quốc bình yên. Rất nhiều chuyện trong tìm kiếm liệt sỹ sau chiến tranh chẳng ai giống ai, ông kể kết quả hành trình tìm kiếm người thân và liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ.
          Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ: Sinh: 1948- NN: 12/1969- B1/CS- C15-E27- Hy sinh ngày 09/02/1971 (giấy báo tử)- quê xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tĩnh Hà Tĩnh. Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ hy sinh thực tế chiều tối ngày 07/02/1971 tại cao điểm 230, an táng tại khe Đá Bông xã Hướng Hiệp, huyện Hướng Hóa, nay là huyện Đắc KaRông, Quảng Trị (hy sinh còn có: liệt sỹ Phạm Sỹ Quế Đại đội trưởng: quê xã Diễn Phúc, Diễn Châu, nghệ An và liệt sỹ Tạ Hồng Huệ: quê xã Diễn Thắng, Diễn Châu, Nghệ An đều là C3-D2-E27, các ngày sau đó C3 hy sinh 2 đ/c, là liệt sỹ: Nguyễn Xuân Nam, quê: xã Thạch Linh, Thạch Hà, Hà Tĩnh và liệt sỹ: Nguyễn Văn Trường, quê: xã Hồng Long, Nam Đàn, Nghệ An. C3-D2-E27 được Trung đoàn và Mặt trận giao nổ súng trận đánh đầu tiên cho toàn chiến dịch Đường 9- Nam Lào lúc 01 giờ sáng ngày 08 tháng 2/1971, chiến đấu phục kích chặn đánh xe vận chuyển bằng đường bộ lên khe Sanh- Nam Lào của Mỹ- Ngụy (trận này C3-D2-E27-B5 bắn cháy 9 xe vận chuyển quân sự, tiêu diệt gần 100 tên bộ binh đi hộ tống) ta không hy sinh ai, chỉ bị thương nhẹ 5 đ/c. Lúc này ông là đài trưởng máy 2w đi cùng C3 để phục vụ liên lạc chiến đấu (đ/c Bùi Xuân Các Tiểu đoàn trưởng chỉ huy).
    Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ Han03
    Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ Han04
    Khe đá Bông xã Hướng Hiệp
    Các liệt sỹ C3-D2-E27 lúc hy sinh thuộc đơn vị quản lý không khó để kết nối liên lạc cho các gia đình, còn liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ thì không phải đơn vị quản lý, khi hy sinh đơn vị chỉ nhớ tên là Lan (trinh sát mặt trận D31-B5), hôm đó có 3 đ/c trinh sát dẫn đường cho C3-D2-E27 chiến đấu. Sau khi trinh sát bố trí  trận địa chiến đấu xong thì 2 đ/c về địa bàn quan sát, nắm địch, còn 1 người ở lại C3-D2 anh em hay gọi là Lan. (Thời gian trên trinh sát Mặt trận và trinh sát Trung đoàn được giao nhiệm vụ bám nắm hoạt động của địch trên đường 9, các cao điểm hành lang chúng đóng quân, để phục vụ cho chỉ huy và các đơn vị chiến đấu). Sau gần 40 năm, 5 liệt sỹ trên đã được C3-D2-E27-B5 an táng ngay taị trận địa chưa được quy tập, các gia đình mất người thân sau chiến tranh đã rất nhiều lần vào chiến trường tìm kiếm nhưng không có kết quả, (vì sau chiến tranh đồng đội C3-D2-E27-B5 qua năm tháng chiến đấu có rất nhiều thay đổi, có người hy sinh, nên không nhớ được ai còn, ai mất, đặc biệt liên lạc được người trực tiếp an táng các liệt sỹ lại càng khó khăn hơn). Từ năm 2008 ông đã vào chiến trường tìm, khu vực trên nhưng đã thay đổi rất nhiều, cao điểm 230 ngày xưa nay đã được dân trồng cây bạch đàn và đã  nhiêu lần thu hoạch nên rất khó tìm kiếm. Tháng 4/2010 ông đã kết nối liên lạc được 4 gia đình liệt sỹ C3-D2-E27-B5, sau đó liên lạc biết được đ/c Sum (trung đội phó-C3-D2 quê Thạch Hưng, Thạch Hà- Hà Tĩnh, người trực tiếp an táng các liệt sỹ duy nhất còn sống sau chiến tranh), mừng quá và ông đã tổ chức kết nối 4 gia đình C3-D2-E27-B5 vào chiến trường tháng 7/2010 (còn gia đình liệt sỹ Lan thực tế lại là liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ vẫn chưa liên lạc được). Khi vào chiến trường thì được người dân canh tác tại nơi an táng liệt sỹ Hồ Văn, khi dò mìn thấy máy báo tín hiệu và đào lên phát hiện có hài cốt liệt sỹ, đã báo cho chính quyền địa phương, tháng 7/2008 chính quyền cùng đơn vị F968 đã quy tập được 5 ngôi về an táng tại nghĩa trang đường 9 và ông cùng mọi người đều khẳng định là liệt sỹ C3-D2-E27-B5 và tiếp tục về ban quản lý nghĩa trang đường 9 tìm hồ sơ, được anh Hoài giám đốc BQL cung cấp 5 ngôi mộ: Số 111-112-113-114-115- tại lô 13 nghĩa trang Quốc gia Đường 9 (mộ chưa biết tên), tìm được 5 ngôi tuy chưa xác định được ai ở ngôi mộ nào nhưng tất cả 4 gia đình liệt sỹ C3-D2-E27-B5 đã rất mừng. Khi đơn vị an táng không có sơ đồ mộ chí nên không xác định được liệt sỹ nào thuộc ngôi mộ nào, buộc phải làm thủ tục xin thử AĐN cho cả 5 ngôi mộ. Kết nối thông tin 4 liệt sỹ của C3-D2-E27-B5 để lấy mẫu phẩm đối chứng  rất nhanh cho các gia đình, còn liệt sỹ trinh sát chưa biết tên chính xác là ai, quê người thân gia đình ở đâu, vì vậy cả 4 gia đình C3- D2 phải chờ đợi. Thực sự tìm liệt sỹ là cả một gian nan cho ông trong 3 năm ròng, vì: Khi hy sinh mọi người nhớ là liệt sỹ Lan ở trinh sát mặt trận (D31-B5). Tìm về D31-B5 sau chiến tranh đã bàn giao về Quân Khu 4nên ông phải về QK4 liên lạc, danh sách liệt sỹ QK4 rất nhiều nên rất khó tìm nhưng rất may khi về D31-QK4 gặp được cháu Cường con anh Gứng(CTV-D3-E27) là Tiểu đoàn trưởng, cháu liền cho một chính trị viên lên phòng Chính Sách -QK4 làm việc, tìm đúng tuần lễ nhưng không có liệt sỹ nào tên Lan hi sinh trong tháng 02/1971- chỉ có 1 liệt sỹ tên Lan hi sinh tháng 8/1971 (liên lạc qua anh Nguyễn Xuân Quy là trinh sát D31-B5 cũ, nay là cán bộ Tuyên giáo tỉnh Quảng Trị đã nghỉ hưu, được anh cung cấp liệt sỹ Lan đã hi sinh tại Cùa tháng 8/1971), như vậy liệt sỹ Lan D31-B5 đã được xác định rõ, phải tập trung tìm liệt sỹ trinh sát Trung đoàn 27. Ông đã nhờ đến anh Phùng (nguyên đại đội trưởng trinh sát trung đoàn) liên lạc hết các trinh sát trung đoàn còn sống sau chiến tranh, tìm và nhớ lại liệt sỹ tên là Lan, ba tháng sau được anh Phùng cung cấp có một rinh sát Trung đoàn tên Lan còn sống, sau chiến tranh sang Liên Xô học tập và hiện nay đang sinh sống tại Đà Nẵng, anh Lan nhớ lại trận đó có 2 người tên Lan, một là trinh sát mặt trận và anh cũng tên Lan là trinh sát Trung đoàn, còn một người nữa anh không nhớ tên, quê ở đâu không rõ. Cũng thời gian trên ông đã đăng ký thông tin mục (nhắn tìm người thân Liệt Sỹ) đến các cơ quan và tổ chức như: Hội Hỗ Trợ Gia Đình Liệt Sỹ Việt Nam, đài VOV, báo CCB Việt Nam, VTV1 thường trú tại Quảng Trị, các cơ quan tỉnh Quảng Trị, các CCB ở Quảng Trị , đặc biệt cả các ban liên lạc E27 các địa phương nhưng tất cả đều không có hồi âm. Không nản lòng, ông tiếp tục tìm kiếm trong danh sách Liệt Sỹ của Trung đoàn có liên quan trong thời gian này, khu vực chiến đấu của Trung đoàn có 19 liệt sỹ hy sinh (trong đó cả liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ). Phương pháp của ông là: Nhờ tổng đài 1080 cung cấp số máy các địa phương của liệt sỹ , từ các địa phương kết nối với các gia đình liệt sỹ, khi gặp được các gia đình liệt sỹ phải quan tâm đến giấy báo tử để kiểm tra đối chứng, rồi dùng phương pháp loại trừ dần, bằng phương pháp này trong năm 2010 ông đã liên lạc được 19 thân nhân gia đình liệt sỹ nhưng vẫn chưa xác định được liệt sỹ cần tìm, trong đó cả chủ tịch xã và người làm công tác TBXH xã Kỳ Phú trả lời không có liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ tại địa phương,chỉ có liệt sỹ Hoàng Văn Ngọ, liệt sỹ này hy sinh trước Nguyễn Văn Ngọ 2 năm, hơn một năm sau, cuối tháng 11/2011- 4 gia đình C3-D2-E27-B5 không chờ đợi được nữa và yêu cầu ông tiến hành xin sở LĐTB &XH tỉnh Quảng Trị khai quật cả 5 ngôi lên để thử AĐN đối chứng với 4 gia đình. Kết quả 4 gia đìnhthân nhân liệt sỹ C3-D2-E27 chính xác 100%, và được Hội Hỗ trợ Gia Đình Liệt Sỹ Việt Nam trao kết quả ngày 31/12/2011, tất cả các gia đình ai cũng mừng. Đợt trao kết quả hôm ấy được đánh giá là chính xác nhất từ trước đến nay. Sau đó vào trả lại mẫu phẩm của liệt sỹ và khắc dấu đặt tên trên bia mộ đầy đủ danh tính cho 4 liệt sỹ tại nghĩa trang song vẫn còn một liệt sỹ chưa có danh tính và cũng chưa biết gia đình nào, quê quán ở đâu, (trên bia mộ) xin BQL nghĩa trang tạm ghi danh liệt sỹ tên Lan hy sinh ngày 07/02/1971 làm cho ông vẫn ăn chưa ngon, ngủ không  yên,  phải quyết tâm tiếp tục tìm kiếm. Ông tiếp tục vào E27- F390-QĐ1- 2 lần để tìm, kể cả truy lục hồ sơ quản lý quân nhân đang sống, trong đó tập trung tìm C15-TS Trung đoàn, trong danh sách trích ngang C15 có Nguyễn Văn Ngọ được điều về từ E271 tháng 8/1970, quê quán, năm sinh, nhập ngũ, cấp bậc, chức vụ và ngày hy sinh  trùng với giấy báo tử, riêng sổ gốc có chi tiết hy sinh tại cao điểm 230 (an táng tại Khe Duyên), từ khe Duyên đến cao điểm 230 gần 4 km, vì vậy ông ưu tiên tìm là liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ. Tiếp tục vào chiến trường dịp 27/7/2012 (chuyến đi có cả vợ và con gái ông cùng đi), lần này vào là tìm được ngay liệt sỹ Nguyễn Xuân Hằng, hy sinh trong hầm chỉ huy D2-E27-B5 gồm 13 liệt sỹ ở Nại Cửu Bắc, sau đó về nghĩa trang đường 9  để thắp hương cho đồng đội, trước mộ tạm gọi liệt sỹ tên Lan: Ông thắp hương khấn vái và bảo liệt sỹ có linh thiêng hãy báo cho ông:  Liệt sỹ tên là gì, quê quán ở đâu, để báo cho gia đình, người thân của liệt sỹ vào chăm sóc, hương khói và di chuyển về quê hương, về với tổ tiên ông bà, chứ nằm ở đây buồn lắm, trong lúc đó ở quê hương mọi người trong gia đình đang mỏi mòn trông đợi, mẹ già, con cái, anh chị em đã cạn nước mắt, nay nước mắt đã không còn để khóc, vì tìm mãi mà vẫn không thấy mộ phần liệt sỹ nằm ở đâu.
    Chuyện kể! Hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ Han05
    Liệt sỹ ( tạm gọi là Lan) tại nghĩa trang    
    Sau chuyến đi Quảng Trị ra nghỉ ngơi 2 ngày, ngày thứ 3 đúng 2 giờ chiều (giờ làm việc hành chính) là bắt đầu liên lạc, lần này chỉ tập trung liên lạc với quê liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ. Thật lạ là nhờ tìm gia đình Nguyễn Văn Ngọ xã Kỳ Phú (qua điện thoại gặp được cả chủ tịch xã, văn phòng ủy ban, người trực tiếp làm công tác TBXH) đều được trả lời là: Ở xã Kỳ Phú không có Nguyễn Văn Ngọ mà chỉ có Hoàng Văn Ngọ, liệt sỹ này hy sinh trước 2 năm, làm ôngphân vân hay là mình vẫn ghi sai quê quán. Ông tiếp tục điện nhờ giúp đỡ và hỏi thêm thế ở xã Kỳ Phú sau chiến tranh có chia tách sát nhập gì không, cô gái làm chính sách TBXH trả lời cháu không biết và ông bảo cô hỏi giúp những người cao tuổi xem. Một lát sau cô gái điện và nói: Chú ơi, xã Kỳ Phú sau chiến tranh chia tách sát nhập liên quan đến 5 xã gồm: Gốc là xã Kỳ Phú, liên quan chia tách và sát nhập với các xã là: Xã Kỳ Khang, Kỳ Giang, Kỳ Xuân, Kỳ Đồng, ông hỏi cô gái: Xã nào (có thôn hoặc đội) liên quan đến nhiều lần lặp đi lặp lại trong chia tách sát nhập, cô trả lời chỉ có xã Kỳ Đồng lúc này ông nhờ cô gái cung cấp số điện thoại những người làm công tác chính sách TBXH của 4 xã còn lại gồm: Xã Kỳ Xuân cô Thoan, số máy: 0975 247 600, Kỳ Giang Cô Diễm, số máy: 01668 150 966, Kỳ Khang Cô Vinh, số máy: 0982 676 479, anh Sơn làm văn phòng, số máy: 01215 117 699: Xã Kỳ Đồng cô Hường, số máy: 0978 940 359, Giang làm văn phòng, số máy: 0976 554 145, cô Vân làm chính sách, số máy: 0989 485 560 (trong đó tập trung là xã Kỳ Đồng). Tiếp tục ông liên lạc đến hết 5 xã, nhưng 5 xã đều trả lời: Xã này cũng không có liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ. Riêng xã Kỳ Đồng ông nhờ và yêu cầu cô gái làm chính sách TBXH tên Vân giữ liên lạc ra tận đài tượng niệm liệt sỹ của xã để đọc (ông bảo chữ to dễ đọc), lần 1 cô gái trả lời vẫn không có liệt sỹ Ngọ, ông yêu cầu đọc lại lần 2, chú ý đọc cho kỹ, cô gái đọc xong và trả lời: Vẫn không có liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ. Ông thất vọng mất không cả buổi chiều, vợ đang nấu cơm chiều, nghe ông điện thoại suốt buổi chiều mà vẫn không có kết quả, liền có một câu làm ông thêm nản lòng: Thôi cho rồi, mất tiền triệu rồi đó. Ông thẩn thờ, lúc này đã gần18 giờ chiều và cố vớt vát lần cuối cùng, lần này ông điện cho anh Sơn văn phòng xã Kỳ Khang và nói một câu (anh thông cảm tôi khẳng định quê gốc xã Kỳ Phú chắc chắn 100% có liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ, nhưng không hiểu sao và có lẽ tất cả đều quan liêu hết) và nhờ anh giúp bằng cách: Chép lại trích ngang liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ rồi phô tô ra nhiều bản sao cho đủ 5 xã, mỗi xã có bao nhiêu thôn thì cứ mỗi thôn mỗi tờ, sau đó nhờ trưởng thôn (hoặc đội) thông tin giúp thế nào cũng đến gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ, anh Sơn đồng ý giúp.
           Gần 7 giờ tối có cô gái tên là Dung, số máy: 0985 540 446 gọi điện thoại báo: Có phải chú đang cần tìm gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ phải không, ông trả lời, đúng rồi tôi đang rất cần tìm gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ, nhưng cả buổi chiều liên quan đến 5 xã đều trả lời là không có liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ: Cô gái giọng nói nhẹ nhàng, chú ơi! cháu là Dung ở xã Kỳ Khang, người trong họ của liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ, mẹ của liệt sỹ tên là Hoàng Thị Doàn hiện đang sống gần 100 tuổi rồi (99 tuổi), hiện nay là đội 4 xã Kỳ Đồng, liệt sỹ có 1 cô con gái tên là Nguyễn Thị Thủy đã lấy chồng ra Nghệ An, vợ của liệt sỹ sau khi chồng mất 4 năm thì lấy chồng khác và sinh thêm được 3 con, liệt sỹ còn có 2 cô em cùng ở quê lúc này ông mừng quá và cám ơn cô gái, nhờ cô báo tin cho mẹ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ, thông tin cho con gái liệt sỹ biết và nhanh chóng liên lạc với ôngđể được hướng dẫn làm thủ tục thử AĐN. Xong ông điện cho cô gái làm chính sách TBXH xã Kỳ Đồng, tôi nhờ và yêu cầu cô ra lại đài tượng niệm đọc lần nữa. Cô chạy ra đọc và trả lời: Chú ơi có liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ đây rồi, vậy cô xem mẹ liệt sỹ có được nhận tiền chính sách của con không. Cô gái điện lại và bảo: Chữ liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ to đùng mà lúc nãy không thấy, giống như liệt sỹ che mắt cháu hay sao ấy, các chế độ liệt sỹ cháu vẫn trả đều cho mẹ chú ạ. Chưa có mẫu phẩm thử đối chứng nhưng linh tính mách bảo ông rằng: Người dưới mộ (chưa biết tên) chắc chắn là liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ.
           Đến 9 giờ 30 phút tối con gái liệt sỹ là Nguyễn Thị Thủy, chồng là Tuấn (thị trấn huyện Tân Kỳ) điện cho ông giọng rung rung đầy xúc động: Chú ơi; cháu chưa biết có đúng là bố cháu hay không, nhưng chú cho cháu được xem chú như là bố của cháu (vì bố cháu chỉ có một mụn con là cháu thôi), cháu đã điện về cho bà nội rồi, 2 bà cháu đã khóc nức nở, không phải khóc về buồn đâu, mà khóc vì quá xúc động. Năm 2010 bà cháu 97 tuổi mà vẫn vào chiến trường tìm con, tìm gần hết cả tỉnh Quảng Trị mà không biết con đang nằm ở đâu. Nghe nói có chú Nguyễn Xuân Quy trước là lính trinh sát Mặt Trận biết rất nhiều thông tin và địa bàn, gia đình có nhờ chú dẫn đường và tìm giúp, cuối cùng cũng đành chịu.  Sau đó chú Quy khuyên an ủi và động viên gia đình vào khe Duyên xã Hướng Hiệp, huyện Đắc Ka Rông lấy một nắm đất xem như đã tìm được hài cốt con rồi, để đưa về quê hương khói. Năm nay bà cháu đã 99 tuổi rồi (bà bị ngã chấn thương não, chân chậm phải dùng đến gậy mà vẫn luôn nhắc đến con, biết rằng không còn đủ sức để đưa được con về với quê hương, với ông bà tổ tiên), cháu cũng đã liên lạc với các chú ở E27-B5 để tìm thông tin về bố cháu như: Chú Nguyễn Phúc Sinh ở Hà Nội, Chú Tới ở Thái Bình, Chú Gứng cùng quê và chú Quy ở Quảng Trị, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. Vậy là ông hướng dẫn lấy mẫu phẩm đối chứng của mẹ liệt sỹ ( bà cháu), 1 trong 2 cô em ruột liệt sỹ và giấy giới thiệu, giấy ủy quyền của địa phương gặp ông càng nhanh càng tốt (ông cho biết: Mộ liệt sỹ đã được khai quật lên 2 lần, 1 lần lấy mẫu phẩm, 1 lần trả lại mẫu phẩm, chỉ còn chờ mẫu của thân nhân gia đình để đối chứng). Sau 3 ngày cháu Thủy, Tuấn đưa mẫu phẩm trực tiếp gặp ông, ông làm việc với Hội Hỗ Trợ Gia Đình Liệt Sỹ Việt Nam, và bàn giao mẫu phẩm cho viện công nghệ sinh học. Một tháng có kết quả: Chính xác 100%, may mắn, quá mừng và xúc động vì suốt 3 năm trời tìm kiếm khắp nơi mà không có phản hồi và nếu không có sự kiên trì của buổi chiều hôm 29/7/2012 thì có lẽ ông đã bỏ cuộc, và còn lâu mới tìm được gia đình để xác định danh tính cho liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ.
          Ngày 19/10/2012 gia đình nhờ ông vào làm việc với sở LĐTB & XH tỉnh Quảng Trị để khắc tên trên bia mộ, cũng rất may khi đề xuất lý do: Mẹ gần 100 tuổi đang rất mừng khi tìm được con và mong được ôm con lần cuối trước khi ra đi, gia đình neo người vì chỉ một cô con gái, Sở LĐTB & XH tỉnh Quảng Trị cũng xúc động và đồng ý để gia đình được đưa hài cốt liệt sỹ về quê luôn ngày 20/10/2012 (theo quy định khi khắc tên trên bia mộ liệt sỹ có danh phải chờ một tháng, thì thân nhân gia đình mới được di chuyển về quê). Khi liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ di chuyển về quê đã được các ban nghành của xã, gia đình, họ tộc và bà con địa phương tổ chức đón và làm lễ truy điệu rất long trọng, trang nghiêm và đầy xúc động, được huyện tổ chức làm lễ truy điệu tại nghĩa trang huyện, trong đó có nêu liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ là liệt sỹ đầu tiên của huyện sau chiến tranh tìm được hài cốt đưa về quê hương an táng bằng phương pháp thử AĐN. Gia đình, họ tộc và nhân dân địa phương rất cám ơn và khâm phục sự kiên trì của ông đã có công rất lớn tìm được liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ bởi ông đã liên lạc thông báo cho địa phương xã Kỳ Phú  nhờ tìm gia đình từ tháng 5/2010, nhưng địa phương trả lời không có liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ và gần 3 năm sau bao nhiêu thời gian ông tìm kiếm thông tin, tiếp tục lên lạc về nhờ địa phương cung cấp thông tin gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ và lần này liên quan đến 5 xã nhưng lại được 5 xã của 5 địa phương đều báo là không có liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ. Nhưng trên thực tế liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ vẫn có trong danh sách đang quản lý tại địa phương xã Kỳ Đồng, mẹ liệt sỹ vẫn đang sống gần 100 tuổi, vẫn hưởng chế độ thì đây là chuyện đáng nhớ của ôngtrong hành trình tìm kiếm thông tin gia đình, liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ. Như vậy toàn bộ liệt sỹ C3-D2-E27-B5 hy sinh trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 đã được tìm kiếm hết và đưa về với gia đình và quê hương.
        Hành trình tìm kiếm liệt sỹ ông kể trên đây là chuyện có thật 100%. Ban biên tập web  http://trungdoan27.com.vn chân thành cảm ơn đồng đội Nguyễn Như Hân, nguyên Đại tá Quân đội đã nghỉ hưu đơn vị D2- E27- B5 (Nay D5-E27-F390-QĐ1). Chúng tôi mong nhận được nhiều chuyện kể hành trình đi tìm mộ liệt sỹ và các trận đánh hay của đồng đội làm phong phú thêm thông tin trên web http://trungdoan27.com.vn
    Mọi thông tin xin gửi về email: trungdoan27hcm@gmail.com
     

     
    Ghi chép chuyện kể:
    PV. Trần Đình

      Hôm nay: Fri Mar 29, 2024 7:17 am

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]