Ngày 11/12, CIA đã trao tặng “Huân chương chữ thập” - phần thưởng cao quý nhất của ngành tình báo nước này cho John Downey và Richard Fecteau, 2 đặc vụ đã từng bị Trung Quốc giam giữ trong suốt 20 năm.
Toán đặc vụ Mỹ sập bẫy
Phát biểu trong buổi lễ trao thưởng bí mật được tổ chức vào một ngày cuối tháng 11 vừa qua, Giám đốc CIA John Brennan cho biết, trong lúc thực hiện nhiệm vụ xâm nhập không phận Trung Quốc năm 1952, chiếc máy bay chở toán đặc vụ, trong đó có John Downey và Richard Fecteau đã bị hỏa lực phòng không Trung Quốc bắn rơi.
Cuối năm 1952, với mong muốn nhanh chóng phá vỡ sự bế tắc trong chiến tranh Triều Tiên, mở ra “Chiến trường thứ 2” tại Trung Quốc, CIA đã tung các đặc vụ người gốc Hoa vào lãnh thổ Trung Quốc bằng đường không, liên lạc với các lực lượng “vũ trang chống Cộng” trong Đại Lục.
Tối ngày 29-11-1952, nhóm đặc vụ đã được một chiếc máy bay vận tải C-47, cất cánh tại sân bay Suwon của Hàn Quốc, bí mật vượt quãng đường hơn 800km về hướng huyện An Đồ - Tỉnh Cát Lâm - Trung Quốc nhằm mục đích chi viện trang bị cho toán nhân viên tình báo nằm vùng, đã xâm nhập vào Trung Quốc thời gian trước đó.
2 ông John Downey và Richard Fecteau trong buỗi lễ trao Huân chương
Tuy nhiên, Mỹ không hề biết phân đội này sớm đã bị cơ quan an ninh Trung Quốc bắt giữ, kết quả là chiếc máy bay của họ đã trở thành “Thiêu thân lao vào lửa”, bị pháo cao xạ của Giải phóng quân Trung Quốc bắn rơi. Những thành viên khác ngồi ở phía trước máy bay đều chết ngay từ những loạt đạn đầu, hai ông John Downey và Richard Fecteau thoát chết vì ngồi ở khoang phía sau của máy bay, nhưng bị binh lính Trung Quốc bắt giữ.
Sau năm 1949, do bị mất toàn bộ mạng lưới điệp viên ở Đại Lục nên Cục tình báo Trung ương Mỹ không có cách nào khám phá được những gì đã xảy ra với toán đặc vụ. Sau thời gian dài mất liên lạc, CIA cho rằng mọi người đều đã chết và dựng lên một kịch bản, thông báo với người thân trong gia đình là họ đã tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay dân dụng.
Richard Fecteau trong một lần khám sức khỏe tại Trung Quốc năm 1955
AFP cho biết, 2 năm sau vụ đột nhập, mọi việc tưởng chừng sẽ dần trôi vào quên lãng thì Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố, còn hai đặc vụ còn sống sót trong vụ đột nhập năm 1952 là John Downey và Richard Fecteau nhưng họ đang bị Đại Lục giam cầm vì tội làm gián điệp, xâm nhập trái phép lãnh thổ Trung Quốc.
Sự tưởng thưởng muộn màng
Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, với mục đích hạn chế tầm ảnh hưởng của Moscow, chính sách “Ngoại giao bóng bàn” đã tạo ra bước đột phá quan trọng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Đội bóng bàn của 2 nước đã trở thành mũi tên xuyên thủng “bức tường thù địch” giữa Mỹ và Trung Quốc, đánh dấu thời kỳ tan băng trong quan hệ giữa 2 địch thủ đối lập về ý thức hệ.
Ông John Downey sau khi được trả tự do (Ảnh chụp năm 1973)
Bắt đầu từ đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã ấm lên rất nhiều nhờ chiến lược “Ngoại giao bóng bàn”, đỉnh điểm của nó là chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972. Vì vậy, sau chuyến thăm Bắc Kinh của ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông Henry Kissinger, hai nhân viên tình báo của CIA được Đại Lục phóng thích dưới dạng “trục xuất khỏi lãnh thổ” Trung Quốc vào năm 1971.
Trong buổi lễ tôn vinh 2 cựu đặc vụ, Giám đốc CIA John Brennan tuyên bố, Huân chương này được trao tặng nhằm tôn vinh lòng trung thành của những nhân viên tình báo có những “cống hiến to lớn về đạo đức và tinh thần” cho cơ quan tình báo Mỹ. Trong thời gian bị giam cầm kéo dài 20 năm, họ không hề cung cấp một tin tức tình báo nào cho cơ quan an ninh Trung Quốc để bóc gỡ mạng lưới tình báo của CIA tại Đại Lục.
Hình ảnh giới thiệu bộ phim tài liệu nội bộ về 2 ông mới được CIA công khai
Đặc biệt là tấm gương của đặc vụ Richard Fecteau, ông đã trụ vững trước những đòn tấn công tâm lý của nhân viên thẩm vấn Trung Quốc, thậm chí đã làm rối loạn công tác điều tra của Trung Quốc bằng việc cung cấp số lượng lớn tên tuổi các nhân viên tình báo Mỹ “giả”. Những cái tên trong danh sách quả thực là có tồn tại, nhưng hóa ra họ đều là đồng đội cũ của ông trong đội bóng bầu dục của trường đại học Boston.
Trong cuốn “CAT: Bí mật bị lãng quên” do Đài Loan mới xuất bản cho biết, khi bị bắt, cả 2 đặc vụ Jon Downey và Richard Fecteau đều mới ngoài 20 tuổi và vừa tốt nghiệp đại học, vụ xâm nhập Trung Quốc là lần đầu tiên họ thực hiện một điệp vụ ở nước ngoài. Khi được trao trả tự do, 2 cựu đặc vụ này đã ngoài 40 tuổi, còn vào thời điểm được trao tặng phần thưởng tháng 11 vừa qua, 2 ông đều đã trên 80 tuổi.
Toàn Thắng (Tổng hợp từ AFP/AP)