Bộ đội PK-KQ tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Bộ đội PK-KQ tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng

    avatar
    tranphi
    Binh nhì
    Binh nhì

    Tổng số bài gửi : 11
    Join date : 30/09/2013

    Bộ đội PK-KQ tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng Empty Bộ đội PK-KQ tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng

    Bài gửi by tranphi Wed Oct 09, 2013 1:31 pm

    QĐND Online – Trong thời chiến hay thời bình, Bộ đội PK-KQ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhận được tin Đại tướng từ trần, nhiều tướng lĩnh đã và đang công tác tại Quân chủng PK-KQ không khỏi bàng hoàng, xúc động. Phóng viên Báo QĐND Online đã ghi lại tình cảm của các tướng lĩnh PK-KQ với Đại tướng, Tổng Tư lệnh kính yêu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc…
    Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động Trung tướng Phạm Tuân:
    Đại tướng luôn gần gũi, sâu sát, quan tâm đến sự phát triển của Bộ đội Không quân
    Những năm đầu thành lập, Không quân là một Binh chủng kỹ thuật còn non trẻ, song đã nhận được sự quan tâm rất sâu sát của Đại tướng, về cả tổ chức lực lượng, bồi dưỡng lực lượng và xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu.
    Còn nhớ cuối năm 1972, khi tôi đang chiến đấu trong đội hình của Đoàn không quân Sao Đỏ, nhưng vẫn được biết Đại tướng đã trực tiếp xuống Quân chủng PK-KQ, kiểm tra, chỉ đạo cách đánh máy bay B-52 trong chiến dịch chống tập kích chiến lược đường không của Mỹ bằng B-52 ra Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận.
    Đêm 27-12-1972, khi tôi bắn rơi chiếc B-52 trên bầu trời Sơn La, thì ngay sáng sớm ngày 28, Đại tướng đã có thư khen gửi Bộ đội Không quân, điều đó đã tạo nên nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với chúng tôi.
    Đầu năm 1972, Đại tướng trực tiếp lên sân bay Nội Bài thăm Đoàn không quân Sao Đỏ. Đại tướng trò chuyện với các phi công về tình hình quốc tế, chiến trường miền Nam và cho biết sắp tới chúng ta mở một chiến dịch rất lớn ở miền Trung, Không quân phải có mặt để chi viện cho chiến trường nhằm bẻ gãy các cuộc phản công của địch, đồng thời đánh B-52, bảo vệ bộ binh của ta. Khi chiến dịch bắt đầu, Đại tá Đào Đình Luyện, Tư lệnh Binh chủng Không quân, đã giao nhiệm vụ cho tôi “Đồng chí bay phải đuổi được B-52, trên đã chuẩn bị tất cả các bãi, bay hết dầu thì nhảy dù, có lực lượng ở dưới hỗ trợ”. Chính tầm nhìn xa trông rộng và tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng trước chiến dịch này đã giúp chúng tôi làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng làm nhiệm vụ và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong chiến dịch.
    Đầu tháng 1-1973, Đại tướng lại đến thăm Đoàn không quân Sao Đỏ, nghe phi công báo cáo cách đánh máy bay B-52. Sau khi tôi kể chuyện mình đã tiếp cận rất gần, sau 3 lần liên tục nhận lệnh bắn tôi mới xạ kích, Đại tướng hỏi ngay “Có phải đồng chí truyền đạt cho phi công Vũ Xuân Thiều kinh nghiệp tiếp cận gần” (phi công Vũ Xuân Thiều khi đánh B-52 trên vùng trời Thanh Hóa đã tiếp cận gần B-52. Chiếc B-52 bị tiêu diệt song anh cũng hy sinh - pv). Câu hỏi của Đại tướng khiến tôi thêm khâm phục, bởi là Tổng chỉ huy, song Đại tướng vẫn nhớ chi tiết, cụ thể những trận đánh của Bộ đội Không quân. Điều đó cho thấy, mặc dù ở vị trí Tổng tư lệnh, song Đại tướng vẫn rất quan tâm đến chiến sĩ chúng tôi.
    Tháng 3-1979, sau khi được tuyển vào đội bay vũ trụ, tôi được gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại tướng. Khi giao nhiệm vụ cho tôi, Đại tướng ân cần dặn dò với những lời hết sức giản dị: “Các cậu là phi công chiến đấu, đã góp phần vào chiến công chung. Bây giờ các cậu đi học cùng với các nước, làm sao phải thể hiện được bản lĩnh con người Việt Nam; để cho thế giới biết được rằng chúng ta không chỉ biết đánh giặc, mà còn biết xây dựng đất nước”.
    Sau này huấn luyện tại Trung tâm vũ trụ Gagarin, Đại tướng đã đến thăm chúng tôi một số lần. Tháng 7-1980, trước khi chúng tôi bay vào vũ trụ, Đại tướng lại sang thăm, trò chuyện, thăm hỏi tình hình cụ thể của chúng tôi và yêu cầu tùy viên quân sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô quan tâm, giúp đỡ chúng tôi. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, Đại tướng ân cần dặn dò: “Đây là đại diện đầu tiên  của Việt Nam bay vào vũ trụ. Chuyến bay nằm trong chương trình với một số nước, vì vậy các đồng chí phải học tập nghiêm túc, quan hệ với bạn thật tốt; đồng thời học hỏi bạn về khoa học kỹ thuật để sau này trở về phục vụ tốt hơn đất nước chúng ta”.
    Ngày 23-7-1980, trước chuyến bay vào vũ trụ, Đại tướng, khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ lại sang Liên Xô gặp, động viên chúng tôi. Ngồi trong buồng kính, chúng tôi được Đại tướng nhẹ nhàng dặn dò qua Mi-crô: “Tôi thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam, sang tiễn đội bay Việt-Nga chuẩn bị bay vào vũ trụ. Tôi chúc các đồng chí thành công; nâng tầm đoàn kết của các dân tộc ở tầm cao mới”.
    Ngồi trong buồng kính, tôi vô cùng xúc động. Tôi cởi chiếc gương trên tay (dùng để soi, cài khuy cổ áo phi hành gia) tặng Đại tướng, vì vẫn còn chiếc dự bị. Tôi vô cùng xúc động đã được tặng Đại tướng một món quà nhỏ, trước khi bay vào vũ trụ.
    Sau này, nhân sinh nhật lần thứ 95 của Đại tướng, tôi khi đó đã công tác ở Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cùng đoàn cán bộ vào thăm, chúc sức khỏe Đại tướng và báo cáo với Đại tướng kế hoạch tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cục Quân giới. Thư ký của Đại tướng thông báo chúng tôi được trò chuyện với Đại tướng 5 phút. Khi hết thời gian, chúng tôi đứng dậy chào Đại tướng, song Đại tướng bảo chúng tôi ngồi lại, rồi hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình của những cán bộ đầu tiên của Cục Quân giới nay ra sao. Bao nhiêu năm đã trôi qua, song Đại tướng vẫn nhớ, vẫn quan tâm đến những cán bộ đầu tiên của Cục. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
    Dẫu biết “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật, song sự ra đi của Đại tướng khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Những ngày này, tôi càng nhớ hơn về những kỷ niệm trong mỗi lần được gặp Đại tướng; nhớ sự quan tâm của Đại tướng dành cho các chiến sĩ Không quân.

     
    Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt:
    Tấm gương của Đại tướng sẽ mãi trường tồn
    Chiều mùng 4 -10, tôi vô cùng bàng hoàng khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi. Có lẽ, chỉ những người từng trải qua chiến tranh mới cảm nhận hết được giá trị của hòa bình, mới hiểu hết được công lao to lớn của Đại tướng đối với dân tộc ta hôm nay. Tuy tôi không được gần gũi Đại tướng nhiều nhưng kể từ lúc là chiến sĩ cho đến khi làm cán bộ, lúc nào cũng thấy hình ảnh Đại tướng là một người anh cả, một vị lãnh đạo tối cao trong Quân đội luôn luôn ở bên mình.
    Cuối tháng 12-1972, nhằm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lân cận, Đại tướng đã chỉ thị: Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B-52, làm cơ sở để huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo.
    Chỉ vài giờ sau khi chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên cánh đồng Phủ Lỗ (Đông Anh, Hà Nội), Đại tướng đã gửi điện chúc mừng Đoàn tên lửa Thành Loa. Đêm 22-12-1972, tự vệ Thủ đô bắn rơi chiếc F-111 đầu tiên. Ngay sáng hôm sau, Đại tướng đã đến tận trận địa chúc mừng và kịp thời động viên các chiến sĩ. Với sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đại tướng, quân và dân miền Bắc đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 của Mỹ, làm nên chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không.
    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi trực tiếp chiến đấu ở ngoài chiến trường luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy.  Cùng với động viên, khích lệ anh em chúng tôi tiếp tục chiến đấu, Đại tướng luôn là người tính toán cẩn trọng để đảm bảo an toàn tính mạng cho từng người lính. Bởi thế, không chỉ là một vị tướng tài năng xuất chúng mà Đại tướng còn giàu tình yêu thương con người, biết tiếc thương từng giọt máu của người chiến sĩ.
    Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả đời cống hiến cho dân tộc, cả đời vẫn giữ được sự điềm tĩnh, lạc quan trong cả chiến tranh lẫn thời bình. Sự ra đi của Đại tướng khiến những người cựu chiến binh như chúng tôi mất đi một người chỉ huy, một người anh cả của quân đội. Nhưng tấm gương anh dũng bất khuất, trọn đời vì nước vì dân mà Đại tướng sẽ còn mãi trường tồn.

    Thiếu tướng Phan Thanh Giảng, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ:
    Bộ đội PK-KQ tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng
    Mặc dù đã tiên lượng Đại tướng sẽ về với Bác Hồ, do tuổi tác của Đại tướng đã cao, nhưng khi nhận được tin Đại tướng từ trần, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ nói chung, bản thân tôi nói riêng rất đau xót, hẫng hụt.
    Đại tướng, “Người Anh cả” của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, không chỉ là một vị tướng tài được nhân dân ta yêu mến, quý trọng mà còn được cả thế giới khâm phục. Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nói chung và của Bộ đội PK-KQ nói riêng.
    Trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã chỉ huy Bộ đội Phòng không, mà trực tiếp là Bộ đội Pháo cao xạ, chiến đấu dũng cảm, bám sát yểm trợ các đơn vị bộ binh tiến công; dùng hoả lực phòng không bao vây không phận, tiến tới cắt đứt cầu hàng không-con đường vận tải và tiếp tế duy nhất của địch ở Điện Biên Phủ, làm cho quân địch hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại đoàn bộ binh bao vây, áp sát, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến Bộ đội PK-KQ. Đại tướng đã cùng với Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, chỉ đạo từng phương án chiến đấu, từng cách đánh cụ thể của Bộ đội PK-KQ. Đặc biệt, trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Đại tướng đã đến tận Sở chỉ huy Quân chủng, chỉ đạo xây dựng phương án đánh B-52 và theo dõi, chỉ đạo sâu sát, động viên kịp thời bộ đội trong toàn bộ chiến dịch. Ngay sau khi Bộ đội Tên lửa bắn rơi máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội, ngày 22-12-1972, Đại tướng đến thăm và động viên Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361).
    Chính sự quan tâm của Đại tướng đã tạo thêm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh; là nguồn cổ vũ, động viên bộ đội PK-KQ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí chấp nhận hy sinh để quyết đánh và quyết thắng. Bộ đội PK-KQ có được những chiến công, có được sự trưởng thành như ngày hôm nay, phải khẳng định có vai trò hết sức to lớn và sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
    Bày tỏ lòng tiếc thương và sự kính trọng với Đại tướng của chúng ta, trong những ngày tới, Quân chủng PK-KQ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng hiểu rõ cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp to lớn của Đại tướng đối với dân tộc; cũng như đóng góp của Đại tướng đối với sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân chủng PK-KQ anh hùng.
    Toàn Quân chủng PK-KQ sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đảng ủy-Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ sẽ chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ theo dõi chương trình tang lễ Đại tướng qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức lập bàn thờ Đại tướng ở cấp từ trung đoàn trở lên, để cán bộ, chiến sĩ PK-KQ được dâng hương tưởng niệm Đại tướng.
    Biến đau thương thành hành động cách mạng, Bộ đội PK-KQ sẽ tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc, không để bị bất ngờ vì các tình huống trên không.

      Hôm nay: Mon May 13, 2024 5:09 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]