Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam

    vnmilitary
    vnmilitary
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 54
    Join date : 26/01/2022

    Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam Empty Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam

    Bài gửi by vnmilitary Wed Sep 07, 2022 7:55 pm

    I. LỰC LƯỢNG VŨ TRANG THỜI PHONG KIẾN

    1- Lực lượng vũ trang thời các Vua Hùng

    Theo truyền thuyết, nhân dân ta qua hình ảnh Thánh Gióng đã cưỡi ngựa sắt, nhổ cọc tre chống giặc Ân thắng lợi (Phù Đổng thiên vương).

    2- Lực lượng vũ trang thời Triệu Đà

    Tổ chức kiểm kê hộ khẩu để tuyển lính và thu thuế, năm 111 (trước công nguyên), kháng chiến chống quân Hán.

    3- Lực lượng vũ trang thời nhà Ngô

    Mỗi sứ quân có quân đội riêng, năm 945-967, Đinh Bộ Lĩnh thắng 12 sứ quân, thống nhất đất nước, tự xưng là Đinh Tiên Hoàng.

    4. Lực lượng vũ trang nhà Đinh (968-980)

    Sau khi Đinh Bộ Lĩnh liên kết, thần phục và dẹp loạn được các sứ quân khác, chấm dứt nạn cát cứ của 12 sứ quân, thống nhất đất nước (968), mở đầu chế độ phong kiến tập quyền và thời kỳ giành độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước. Lực lượng vũ trang (quân đội) đã được Đinh Bộ Lĩnh tổ chức lại một cách thống nhất thành lực lượng vũ trang của nhà nước phong kiến tập quyền Đại Cồ Việt.
    Toàn quân được tổ chức thành 10 đạo, tương ứng với 10 đạo hành chính trên toàn quốc (mỗi đạo hành chính có một đạo của quân đội). Với nguyên tắc biên chế tổ chức cơ bản như sau:

    Mỗi đạo biên chế 10 quân
    Mỗi quân biên chế 10 lữ
    Mỗi lữ biên chế 10 tốt
    Mỗi tốt biên chế 10 người.

    Cứ xét theo biểu biên chế này thì Quân đội nhà Đinh có tới 100.000 người, nhưng trên thực tế số dân Việt Nam vào cuối thế kỷ X, nhà Đinh khó có thể tổ chức một đội quân có số lượng đầy đủ như nguyên tắc biên chế này.
    Trong Quân đội nhà Đinh có một bộ phận làm nhiệm vụ đặc biệt để bảo vệ triều đình (cơ quan nhà nước phong kiến tối cao), được gọi là quân Điện tiền (lực lượng này có khoảng 2.000 người, là những binh lính được lựa chọn từ những người ưu tú trong toàn quân).
    Tổng chỉ huy quân đội được gọi là Thập đạo tướng quân (tướng đứng đầu 10 đạo quân).
    Trang bị của Quân đội nhà Đinh chủ yếu là giáo mác, gươm đao, cung tên, những loại vũ khí “lạnh”.

    5. Lượng vũ trang thời Tiền Lê (980-1009)

    Sau khi Thập đạo tướng quân của nhà Đinh là Lê Hoàn được tôn làm vua thay Đinh Toàn còn quá nhỏ tuổi để đối phó với nguy cơ xâm lược Đại Việt của nhà Tống (Trung Quốc), ông đã có một số thay đổi trong cơ cấu tổ chức lực lượng  vũ trang của mình so với quân đội nhà Đinh được chuyển thuộc sang nhà Tiền Lê một cách tự nhiên.

    Quân đội Tiền Lê được tổ chức thành hai lực lượng chính là quân Cấm vệ và quân Vương hầu.
    Quân Cấm vệ (còn gọi là quân Điện tiền hay quân Túc vệ), là lực lượng thường trực, nòng cốt của Quân đội Tiền Lê và của triều đình. Lực lượng này được biên chế, tổ chức khá hoàn chỉnh từ năm 986, trên cơ sở đổi mới quân Điện tiền của nhà Đinh. Quân Cấm vệ có khoảng 3.000 người, được lựa chọn trong các đơn vị quân đội, hàng năm được bổ sung từ những trai tráng khoẻ mạnh. Quân Cấm vệ gồm có hai bộ phận chính, quân Tuỳ long làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ nơi vua ở và làm việc, quân Tứ sương làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài các vòng thành ở kinh đô Hoa Lư.

    Đứng đầu lực lượng quân Cấm vệ là một viên tướng có chức danh Điện tiền chỉ huy sứ, giúp việc cho Điện tiền chỉ huy sứ có Phó Điện tiền chỉ huy sứ, đồng thời trực tiếp chỉ huy bộ phận quân Tứ sương.
    Các binh sĩ trong lực lượng  Cấm quân đều phải thích trên trán ba chữ “Thiên tử quân” để phân biệt với các lực lượng khác trong quân đội.

    Quân vương hầu (còn gọi là quân Vương phủ), đây là những đội quân riêng của những người được nhà vua phong tước vương. Lực lượng này được hình thành từ khoảng năm 981-995, khi Lê Hoàn (Lê Đại Hành) phong tước cho một số thái tử, hoàng tử, con nuôi của vua và được cử trấn trị ở các địa phương.

    Quân Vương hầu là lực lượng nòng cốt ở các đạo (đơn vị hành chính được tổ chức dưới thời nhà Đinh vẫn được duy trì dưới thời Tiền Lê). Lực lượng này tuy là quân riêng của các vương hầu, song về nguyên tắc vẫn thuộc quyền điều khiển của nhà vua.
    Khi có việc chinh chiến, triều đình sẽ hạ chiếu gọi thanh niên đinh tráng bổ sung cho quân đội.
    Quân đội Tiền Lê được xây dựng theo phương hướng “thuỷ-bộ hoá”. Cơ động chủ yếu bằng thuyền. Tác chiến chủ yếu dựa trên sông, biển và trên bộ.

    Trang bị quân đội nhà Tiền Lê so với quân đội dưới thời nhà Đinh nhìn chung chưa có sự cải tiến và đổi mới gì lớn, “vũ khí lạnh” vẫn chủ yếu như giáo mác, gươm đao, cung nỏ, mộc gỗ, lao tre…

    Dưới thời Tiền Lê do nhà nước chú trọng xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông thuỷ bộ, đặc biệt là nhà nước phong kiến Tiền Lê đã cho đào nhiều sông ngòi nối liền các sông từ phía bắc đến Thanh Hoá-Nghệ An, nên quân đội có thể cơ động khá nhanh. Đây được coi là mô hình xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
    Quân đội Tiền Lê đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ nhất năm 981 của nhà Tống (Trung Quốc), do Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy.

    6. Lực lượng vũ trang nhà Lý (1010-1225)

    Lý Công Uẩn, Điện tiền chỉ huy sứ (người đứng đầu quân cấm vệ nhà Tiền Lê) được tôn lên làm vua thay Lê Long Đĩnh (chết tháng 10-1009), lập nên triều đại nhà Lý kéo dài 215 năm.

    Nhà Lý đã tập trung củng cố, xây dựng và phát triển nhà nước quân chủ trung ương tập quyền về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang để sẵn sàng đối phó với nguy cơ bị xâm lược từ phương Bắc.
    Quân đội nhà Lý được chuyển thuộc từ quân đội nhà Tiền Lê sang, về cơ bản, tổ chức biên chế không có sự thay đổi lớn. Lực lượng vũ trang của nhà Lý được tổ chức theo nguyên tắc Thân quân là lực lượng thường trực chuyên nghiệp và Sương quân là lực lượng bán chuyên nghiệp.

    Lực lượng thường trực chuyên nghiệp được tổ chức thành hai bộ phận: quân Cấm vệ của triều đình và quân Vương hầu của các hoàng tử, thân vương, đại thần ở các lộ, châu, phủ.

    Dưới thời Lý, quân Cấm vệ được tổ chức biên chế không thống nhất, tuỳ theo từng đời vua. Quân Cấm vệ có các quân (vệ), biên chế mỗi quân (vệ) có từ 200 đến 500 người. Triều vua Lý Thái Tổ (1010-1028), trong lực lượng quân Cấm vệ có 6 vệ, mỗi vệ biên chế 500 người, triều vua Lý Thái Tông (1028-1054), quân Cấm vệ tổ chức thành 10 vệ, mỗi vệ biên chế 200 người, còn triều vua Lý Thánh Tông (1054-1072), quân Cấm vệ được tổ chức thành 16 vệ, mỗi vệ biên chế 200 người…

    Đứng đầu quân Cấm vệ là Điện tiền chỉ huy sứ. Căn cứ vào độ tin cậy và sự tài nghệ, quân Cấm vệ được chia làm hai loại: quân Ngự tiền và quân Điện tiền. Quân Ngự tiền làm nhiệm vụ bảo vệ nơi ở của vua, còn quân Điện tiền bảo vệ cấm thành.
    Các đơn vị quân Ngự tiền dưới quân được tổ chức thành các đô, hoả, còn các quân (vệ) của lực lượng  khác được tổ chức thành các giáp, mỗi giáp biên chế 15 người.

    Cũng như quân đội Tiền Lê, quân đội nhà Lý các binh sĩ phục vụ trong lực lượng  quân Cấm vệ đều được thích trên trán chữ “Thiên tử quân”. Quân Vương hầu (quân địa phương) theo quy định của triều đình, mỗi nơi chỉ được tổ chức một lực lượng khoảng 500 người, khi có sự biến chiến tranh, lực lượng  này được phát triển nhanh chóng về số lượng và đặt dưới sự điều hành thống nhất của nhà vua.
    Lực lượng bán chuyên nghiệp được gọi là Sương quân (Tứ sương), được tổ chức ở kinh đô và các địa phương, chủ yếu làm nhiệm vụ phục dịch hay canh gác vòng ngoài các cổng thành. Binh sĩ phục vụ trong lực lượng  này luân phiên nhau về làm ruộng để tự túc sau mỗi kỳ hạn được gọi tập trung, thông thường mỗi đợt gọi vào phục dịch và canh gác khoảng 1-2 tháng. Chính sách này dưới thời Lý được gọi là “ngụ binh ư nông” (gửi lính trong dân).

    Thời bình nhà Lý chỉ duy trì một lực lượng vũ trang thường  trực cần thiết, chú trọng phân hạng dân đinh trong cả nước. Với chính sách này, nhà Lý có thể huy động một lực lượng lớn đinh tráng vào quân đội trong một thời gian ngắn khi có chiến tranh xảy ra.
    Quân đội Lý có sự chuyển hoá phân thành quân thuỷ và quân bộ. Lực lượng thuỷ binh được trang bị nhiều chủng loại thuyền có khả năng cơ động và tác chiến dài ngày trên biển, trên sông và cả tác chiến thuỷ-bộ.

    Quân bộ được xây dựng theo hướng chính quy, tăng sức cơ động để có thể đối phó được với các đội quân thạo đánh bộ khi chiến tranh xảy ra.

    Trong thời bình, quân đội nhà Lý rất được chú trọng huấn luyện cả về kỹ năng chiến đấu và các hình thức chiến đấu cũng như tăng cường trang bị vũ khí cho quân đội.

    Trang bị vũ khí trong lực lượng  vũ trang dưới thời Lý vẫn là “vũ khí lạnh” song đã có bước phát triển so với quân đội các thời kỳ trước đó, khả năng cơ động cao hơn.

    Quân đội Lý đã đánh thắng quân đội Tống ngay trên đất Tống trong chính sách “tiên phát chế nhân” và khi quân Tống xâm lược Đại Việt lần thứ hai (1075-1077), do Lý Thường Kiệt tổng chỉ huy.
    vnmilitary
    vnmilitary
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 54
    Join date : 26/01/2022

    Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam Empty Re: Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam

    Bài gửi by vnmilitary Wed Sep 07, 2022 7:55 pm

    7. Lực lượng vũ trang nhà Trần (1226-1499)

    Nhà Lý suy tàn, nhà Trần nối ngôi lập nên triều đại Trần kéo dài gần 300 năm.
    Để đối phó với nạn nhiễu loạn trong nước có từ cuối đời Lý và mối đe doạ của đế chế Nguyên-Mông, nhà Trần đặc biệt chú ý đến xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị đất nước sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.

    Quân đội Trần được cải cách nhanh chóng và kiên quyết. Hầu hết các tướng lĩnh phục vụ trong triều đại Lý đều bị thải loại và thay vào đó là các tướng lĩnh thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần. Binh sĩ thuộc lực lượng Cấm quân dưới triều Lý cũng được thay thế bằng các đinh tráng đồng hương, thân thuộc nhà Trần để tăng độ tin cậy và sự trung thành với một triều đại mới.
    Nhà Trần đã gọi nhiều đinh tráng vào quân đội thường trực làm tăng nhanh lực lượng  vũ trang chính quy, tăng khả năng huy động nhân lực cho quân đội khi có chiến tranh.

    Về mặt cơ cấu tổ chức, nhà Trần đã dần hoàn thiện được cơ cấu tổ chức, biên chế, chất lượng và chú trọng nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự, cũng như trang bị kỹ thuật quân sự.
    Nhà Trần về cơ bản vẫn duy trì nguyên tắc tổ chức quân đội như thời Lý: Thân quân đối với quân thường trực chuyên nghiệp và Sương quân đối với lực lượng bán chuyên nghiệp.

    Lực lượng quân thường trực chuyên nghiệp bao gồm quân Cấm vệ, quân Các lộ và quân Vương hầu.
    Quân Cấm vệ được xây dựng theo hướng chính quy để làm nhiệm vụ bảo vệ vua, triều đình ở kinh đô và thái thượng hoàng ở quê hương nhà Trần, đồng thời sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước khi có chiến tranh xảy ra.

    Bộ phận trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ vua, thái thượng hoàng và triều đình được lựa chọn theo một tiêu chuẩn rất chặt chẽ và khắt khe để bảo đảm độ tin cậy tuyệt đối với nhà Trần. Lực lượng này, thường chỉ tuyển từ các đinh tráng khoẻ mạnh nhất, biết võ nghệ thuộc con em họ Trần ở quê hương (lộ Thiên Trường) và ở những địa phương có công giúp họ Trần (các lộ Long Hưng, Trường Khoái, Trường Yên, Kiến Xương).

    Bộ phận thứ hai của quân Cấm vệ được gọi là Du quân, có nhiệm vụ canh gác vòng ngoài kinh thành, được tuyển chọn từ những đinh tráng khoẻ mạnh ở một số địa phương.

    Trong những năm đầu nhà Trần biên chế, tổ chức quân Cấm vệ thành 6 quân, mỗi quân gồm 2 vệ (tả, hữu). Sau đó (khoảng năm 1267), quân Cấm vệ được biên chế thành các quân và đô. Mỗi quân biên chế 30 đô, mỗi đô biên chế 80 người.

    Đến đời Phế Đế (1377-1388), quân Cấm vệ biên chế tổ chức gồm khoảng 20 quân và 5 đô độc lập.
    Chỉ huy mỗi quân, vệ là một võ tướng, mỗi đô là một chánh (phó). Trong mỗi đô có một số chức quan nhỏ để giúp việc như theo dõi tình hình và đảm bảo hậu cần.

    Quân Cấm vệ thuộc quyền quản lãnh của Thượng thư sảnh do Đại hành khiển đứng đầu, từ năm 1342, thuộc quyền quản lãnh của Khu mật viện do Hành khiển tri khu mật viện đứng đầu.
    Quân Cấm vệ cũng được thích trên trán ba chữ như dưới triều Lý “Thiên tử quân”, nhưng từ 1323 trở đi thì chỉ có quân sĩ thuộc các đô Cấm vệ độc lập mới được thích trên trán quân hiệu của mình.

    Quân Các lộ (quân địa phương) là tổ chức vũ trang mới được hình thành dưới triều Trần, nhiệm vụ chính là bảo vệ địa phương, công cụ quyền lực của bộ máy chính quyền nhà nước ở các lộ. Tổ chức hành chính quốc gia dưới triều Trần gồm 12 lộ, mỗi lộ có 1 quân và 20 đô phong đoàn để giữ gìn an ninh và trật tự an toàn cho địa phương.

    Những vị trí quan trọng, triều đình cho phép biên chế lực lượng vũ trang địa phương được nhiều hơn nơi khác theo quy định chung (ví như lộ Sơn Nam có tới 4 quân, lộ Hải Đông có 2 quân). Đứng đầu tổ chức quân sự của mỗi lộ là một viên Tổng quản.
    Quân Vương hầu dưới thời nhà Trần phát triển mạnh, triều đình cho phép mỗi vương hầu được tổ chức một đội quân riêng lên tới 1.000 người (theo quy chế do triều đình ban hành năm 1254, gấp đôi quân số thời Lý).

    Lực lượng bán chuyên nghiệp gọi là Sương quân (còn gọi là quân Tứ sương) được tổ chức ở kinh đô và các địa phương trong cả nước, hệ thống biên chế tổ chức trong các đơn vị Sương quân gồm có các đô, mỗi đô biên chế 10 ngũ, mỗi ngũ có số lính từ 5-8 người. Quân lính biên chế trong lực lượng  này sau mỗi thời hạn làm nhiệm vụ canh gác vòng ngoài thành hoặc phục dịch được luân phiên trả về các gia đình để làm ruộng tự túc, khi cần lại gọi vào quân ngũ, như chính sách “ngụ binh ư nông” dưới thời Lý (kết hợp nghĩa vụ binh dịch với sản xuất tự túc của các đinh tráng, khi cần nhà nước lại huy động bổ sung vào các sắc lính).

    Nhà Trần lần đầu tiên trong lịch sử đã thực hiện chế độ đăng ký đinh tráng (như một kiểu đăng ký nghĩa vụ quân sự ngày nay) cho tất cả các đinh tráng, để khi có chiến sự sẵn sàng huy động được nhanh nhất lực lượng bổ sung cho quân đội.
    Đăng ký đinh tráng theo ba hạng: thượng, trung, hạ (tương đương như nhất, nhì, ba) và tuỳ theo tính chất của mỗi đơn vị và loại quân mà gọi bổ sung. Ví dụ như hạng thượng (nhất) gồm những đinh tráng là người thuộc dòng dõi họ Trần ở quê hương, được gọi bổ sung cho các đơn vị Cấm quân mang phiên hiệu Thiên, Thánh, Thần; đinh tráng đăng ký ở hạng trung (nhì) bổ sung cho các đơn vị thuộc đội quân các lộ, còn đinh tráng đăng ký ở hạng hạ (ba) gọi sung vào quân các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm hay phục vụ như chèo thuyền, khuân vác…

    Nguyên tắc (đường lối chỉ đạo) xây dựng lực lượng  vũ trang dưới thời nhà Trần là “quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (số lượng ít nhưng phải tinh nhuệ). Để thực hiện được nguyên tắc này, nhà Trần đã cho mở các trung tâm huấn luyện quân sự ở nhiều nơi để huấn luyện tướng lĩnh, thực hành binh pháp, rèn luyện võ nghệ, thường xuyên duyệt đội ngũ, điển hình là trung tâm Giảng Võ đường ở kinh thành Thăng Long (Hà Nội).

    Trước khi đưa quân đội vào chiến đấu, nhà Trần thường triệu tập quân về một nơi để “tổng diễn tập” nhằm thống nhất quân lệnh, cách đánh, hiệp đồng chiến đấu.
    Quân đội Trần là quân đội đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam có được một hệ thống lý luận quân sự thống nhất trong toàn quân với các bộ binh thư có giá trị như: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư do Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài soạn thảo để toàn quân học tập.

    Quân Trần đã có sự phát triển lực lượng thuỷ binh khá mạnh, với đội thuyền chiến lên tới hàng ngàn, mỗi thuyền chiến biên chế từ 50-60 người gồm có lính chèo thuyền và lính trực tiếp chiến đấu.
    Quy mô lực lượng thuyền chiến của Quân đội Trần khá lớn, được phân thành các loại, như Đại chiến thuyền (thuyền lầu, thuyền chở quân đổ bộ…); Trung thuyền (các thuyền đối thuỷ, để chống chọi với thuỷ quân địch); và Khinh thuyền (các loại thuyền nhỏ làm nhiệm vụ trinh sát liên lạc).

    Trang bị của Quân đội Trần chủ yếu vẫn là “vũ khí lạnh” như cung nỏ, gươm, giáo, lao, mộc đồng thời đã có bước phát triển mới, các đơn vị thuỷ binh được trang bị hoả khí hình ống, tương tự như hoả đồng, hoả tiễn của thời kỳ sau.
    Quân đội Trần đã có sự chuyển hoá thành hai lực lượng (binh chủng) chủ yếu là bộ binh (chiến đấu trên bộ) và thủy binh (chiến đấu trên sông, biển). Nhưng sự chuyển hoá này chưa cao, nhìn chung vẫn là một quân đội tác chiến hỗn hợp thủy-bộ, quân đội cơ động chủ yếu vẫn bằng thuyền.

    Quân đội Trần có số quân cao nhất vào thời kỳ có chiến tranh chống quân Nguyên-Mông xâm lược nước ta lần thứ hai (1284) khoảng 300.000 người.
    Lực lượng vũ trang thời Trần đã từng ba lần đánh tan các đạo quân Nguyên Mông xâm lược nước ta vào những năm 1258, 1285 và 1287-1288, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

    8. Lực lượng vũ trang nhà Hồ (1400-1407)

    Quân đội nhà Hồ thực chất là quân đội Trần chuyển sang, đã được Hồ Quý Ly-người nắm hầu hết quyền hành nhà Trần 30 năm cuối của triều đại này-cải cách một cách mạnh mẽ.

    Cùng với những cải cách mạnh bạo trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội, Hồ Quý Ly rất chú trọng tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, đẩy mạnh xây dựng quân đội để đề phòng sự xâm lăng của đế chế phong kiến phương Bắc.
    Quân đội Hồ được tổ chức thành hai lực lượng: quân triều đình và hương quân. Hồ Quý Ly bãi bỏ quân của các vương hầu (lực lượng  vũ trang địa phương) được tổ chức dưới thời nhà Tiền Lê, nhà Lý và nhà Trần.

    Quân Triều đình đóng ở kinh đô và các lộ trong cả nước. Được biên chế và tổ chức thành các đơn vị như quân, vệ, đội. Tuỳ theo tính chất và nhiệm vụ cụ thể, mỗi quân biên chế gồm 4 vệ hoặc 6 vệ; mỗi vệ biên chế gồm 16 đội, mỗi đội biên chế có 18 người. Nhưng các đơn vị trung quân thì được biên chế đến 20 đội, còn đại quân tới 30 đội.

    Quân triều đình được tổ chức thành hai lực lượng bộ binh và thuỷ binh như dưới thời nhà Trần song được chuyên hoá sâu hơn, đã đặt các chức chỉ huy chuyên hoá hai loại quân này, như thuỷ quân tướng và bộ quân tướng. Nhưng sự chuyển hoá này vẫn chưa đạt tới mức độ phân chia thành hai binh chủng rõ rệt. Nhìn chung quân đội Hồ vẫn là một quân đội hỗn hợp thuỷ-bộ, trong đó quân thuỷ ngoài chức năng tác chiến thuỷ-bộ còn làm nhiệm vụ cơ động cho quân triều đình bằng các đội thuyền binh.

    Hương quân, còn gọi là Hương binh (bán vũ trang), đóng quân ở các làng xã, nhưng lực lượng này không được tổ chức chặt chẽ, triều đình chỉ định những người có chức sắc tại địa phương để trông coi.

    Nhà Hồ thực hiện chế độ đăng ký nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên và đăng ký dân đinh từ 15-60 tuổi trong cả nước. Lực lượng quân triều đình lúc cao điểm lên tới trên 200.000 người (1402).

    Trang bị quân đội Hồ như thời Trần; riêng quân thuỷ được trang bị một số thuyền chiến lớn, trong đó có một số thuyền gắn súng thần cơ-một loại vũ khí đúc bằng đồng hoặc sắt, có nhiều cỡ, cỡ lớn để trên giá đỡ đặt trên hai bánh xe thuận tiện cho cơ động gọi là súng thần công, loại nhỏ mang vác vai hay trên giá gỗ gọi là súng hoả mai; đạn của loại súng này hình cầu làm bằng đá, gang đúc hoặc đồng, nạp phía trên miệng súng, uy lực công phá lớn có khả năng xuyên phá và sát thương cao.

    Quân đội Hồ đã bị tan rã trước cuộc tấn công xâm lược nước ta của quân Minh vào năm 1407.
    vnmilitary
    vnmilitary
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 54
    Join date : 26/01/2022

    Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam Empty Re: Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam

    Bài gửi by vnmilitary Wed Sep 07, 2022 7:56 pm

    9. Lực lượng vũ trang thời Hậu Lê (1418-1788):

    Lực lượng vũ trang Hậu Lê trải qua 3 thời kỳ khác nhau, do vậy về tổ chức biên chế cũng có sự khác biệt nhất định trong các giai đoạn lịch sử đó.

    Giai đoạn thứ nhất (1418-1427): lực lượng tham gia đội quân khởi nghĩa-nghĩa quân Lam Sơn-lúc ban đầu khoảng 2.000 người, tới khi kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng chống quân Minh xâm lược, khôi phục nền độc lập tự chủ cho đất nước, quân đội Lam Sơn có khoảng 250.000 người.

    Quân khởi nghĩa Lam Sơn được tổ chức thành các vệ, trong đó có 14 vệ quân Thiết đột, và các đội thuỷ binh, kỵ binh (ngựa chiến) và tượng binh (voi chiến). Binh sỹ trong quân đội Lam Sơn đều là những người tự nguyện (nghĩa binh), tự giác đứng dưới cờ nghĩa của Lê Lợi để chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

    Giai đoạn thứ hai (1428-1527), (Lê Sơ): quân khởi nghĩa Lam Sơn được tổ chức lại thành lực lượng vũ trang của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền dưới các triều vua Lê, theo cơ cấu hành chính phù hợp với bộ máy chính quyền các cấp.

    Quân đội Hậu Lê giai đoạn này được tổ chức thành 5 đạo, theo 5 đạo hành chính trên cả nước, dưới đạo theo từng cấp là các trấn (lộ), phủ, huyện (châu), xã. Quân ở mỗi đạo đều đặt dưới quyền cai quản của quan Hành khiển (viên quan này cai quản mọi mặt ở địa phương mình, kể cả quân sự).

    Quân đội Hậu Lê được tổ chức thành hai lực lượng: quân Cấm vệ (ở kinh đô) và quân ở các đạo.

    Quân Cấm vệ được tổ chức thành các quân, có 11 quân, gồm 6 quân Ngự tiền bảo vệ vua và 5 quân Thiết đột bảo vệ kinh thành và cơ động chiến đấu. Ngoài ra còn một số vệ, đội thuỷ binh, tượng binh, kỵ binh và pháo binh.

    Quân ở các đạo cũng được tổ chức thành các vệ. Mỗi đạo được biên chế từ 5-6 vệ. Mỗi vệ gồm 5 sở, mỗi sở có 20 đội, mỗi đội có 20 người. Như vậy, mỗi đạo theo biên chế này có số quân khoảng 10.000-12.000 người. Quân của các đạo đặt dưới quyền chỉ huy của quan Tổng quản. Quân đội Hậu Lê dưới thời Lê Thái Tổ (1428-1433) có khoảng 100.000 người.

    Thời kỳ này, nhà Lê thi hành một chính sách luân phiên binh lính ở các đạo làm nhiệm vụ “trực chiến”. Các đạo luân phiên nhau thường trực, 5 đạo chia thành 5 phiên, 1 phiên trực còn 4 phiên tham gia sản xuất tại địa phương.

    Đến thời Lê Thánh Tông có nhiều cải cách về tổ chức hành chính và quân đội (1460-1496). Đặt ra chức Ngũ phủ quân (1466) để thống nhất chỉ huy quân đội ở 5 đạo trong cả nước. Đến năm 1470, nhà Lê tổ chức lại các đơn vị hành chính, chia toàn quốc ra làm 13 đạo thay vì 5 đạo trước đó. Quyền hành trước đó tập trung vào một chức quan Hành khiển nay được chia sẻ cho 3 ty, gồm có: ty Thừa phụ trách các công việc về hành chính, tài chính và tư pháp; ty Hiến làm nhiệm vụ giám sát các công việc trong đạo; và ty Đô cai quản việc quân sự.

    Quân đội tổ chức thống nhất trong toàn quân thời kỳ này gồm các vệ. Quân Cấm vệ ở kinh đô, được biên chế dưới vệ có các ty, còn ở 13 đạo (thường mỗi đạo chỉ có 1 vệ) có các sở Thiên hộ và Bách hộ, với quân số khoảng 5.000-6.000 người. Một số đạo do vị trí địa lý và có tầm quan trọng hơn các địa phương khác được tổ chức lực lượng Giang hải tuần kiểm. Quân ở các đạo do ty Đô quản lý dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng binh sứ.

    Tuy đã phân chia khá rõ nét thành các đơn vị bộ binh, thuỷ binh, kỵ binh và tượng binh, song thời kỳ này về cơ bản, quân đội Hậu Lê vẫn là quân bộ và quân thuỷ. Quân thuỷ đã có sự phát triển khá nhanh chóng về nhiều mặt, như tổ chức, số lượng tầu thuyền, quân số nhưng vẫn chưa hình thành được bộ máy chỉ huy riêng biệt và nhiệm vụ chủ yếu là để tuần tra, vận chuyển lương thực và cơ động quân đội. Thời bình, quân thuỷ được tổ chức thành các vệ như quân bộ với biên chế mỗi vệ có 10 hoả chiến thuyền và 2 tiểu tiêu thuyền (một loại thuyền nhỏ làm nhiệm vụ tuần tra, cảnh giới). Trang bị vũ khí cho mỗi vệ thuỷ binh gồm có 1 hoả đồng đại tướng quân (loại vũ khí cực lớn đương thời), 10 hoả đồng lớn, 12 hoả đồng hạng trung và 80 hoả đồng hạng nhỏ. Lực lượng thuỷ quân trên mỗi chiến thuyền được phân công nhiệm vụ rất cụ thể tới từng người như là các số trong một đơn vị pháo thời hiện đại.

    Các đơn vị pháo binh, kỵ binh và tượng binh chỉ được biên chế trong các đơn vị ở kinh đô.

    Quân đội Hậu Lê đã có sự phát triển nhanh trên phương diện chính quy hoá bằng hệ thống Điều lệnh huấn luyện và chiến đấu. Với bộ binh (bộ trận) gồm 42 điều, với kỵ binh (mã trận) gồm 27 điều, với thuỷ binh (thuỷ trận) gồm 31 điều và tượng binh (tượng trận) gồm 22 điều.
    Quân số thời bình trong thời kỳ này nhà Hậu Lê có khoảng 160.000 người, và thi hành một chính sách luân phiên thay nhau về địa phương sản xuất để tự túc lương thực, giảm gánh nặng cho ngân quỹ triều đình.

    Thời kỳ này nhà Hậu Lê thi hành chế độ tuyển quân dựa trên việc kiểm kê dân số và chế độ lập sổ hộ tịch, cứ 3 năm làm một lần gọi là tiểu điền và 6 năm làm một lần gọi là đại điền. Dân đinh từ 18 tuổi trở lên được phân làm 6 hạng:

    - Tráng hạng, người khoẻ mạnh, để bổ sung vào quân thường trực ở kinh đô;

    - Quân hạng, để làm quân dự bị;

    - Dân hạng, trong điều kiện bình thường không phải gọi vào quân ngũ.

    - Lão hạng, những người già trên 50 tuổi;

    - Cố hạng, những người bị bệnh tật, đau ốm;

    - Cùng hạng, lớp người nghèo khổ tận đáy xã hội.

    Giai đoạn thứ ba (1533-1788), (Lê Trung Hưng): đây là thời kỳ nhà Hậu Lê rơi vào tình trạng suy yếu, khủng hoảng chính trị-xã hội, xảy ra hai cuộc nội chiến kéo dài là nội chiến Lê-Mạc (1527-1592), nội chiến Trịnh-Nguyễn (1627-1672). Nhà Hậu Lê lúc này chỉ là bù nhìn, thực chất quyền hành nằm trong tay các chúa Trịnh, do vậy về thực chất quân đội Hậu Lê là quân đội của các chúa Trịnh.
    Giai đoạn này quân đội được tổ chức thành hai bộ phận, gồm: Binh thị hậu, lực lượng tin cậy của các chúa Trịnh làm nhiệm vụ bảo vệ kinh thành và Ngoại binh, lực lượng làm nhiệm vụ cơ động, đóng quân ở ngoài kinh đô và các nơi hiểm yếu.

    Binh thị hậu được biên chế tổ chức thành các đơn vị Bộ binh thị hậu, Thuỷ binh thị hậu. Trong kinh đô còn có một lực lượng  gọi là quân Nội điện làm nhiệm vụ bảo vệ, phục dịch vua Lê.

    Ngoại binh cũng được tổ chức ra hai lực lượng  như Binh thị hậu là Bộ binh ngoại binh và Thuỷ binh ngoại binh.

    Đơn vị tổ chức của quân bộ (kể cả Binh thị hậu và Ngoại binh) là dinh (hay còn gọi là doanh), cơ, đội. Nhưng ba loại tổ chức biên chế này không có quan hệ thống thuộc với nhau. Số lượng biên chế cũng tuỳ thuộc vào từng loại quân. Dinh có khoảng từ 160-800 người, cơ có khoảng 200-500 người, đội có khoảng 150-275 người.

    Đơn vị cơ sở của thủy quân là thuyền. Tuỳ từng loại thuyền to nhỏ và tính chất mà có biên chế từ khoảng 20-86 người; một số thuyền hợp lại thành một cơ hoặc đội thuyền. Thuỷ binh dưới thời vua Lê chúa Trịnh có khoảng 500-600 chiến thuyền. Mỗi chiến thuyền lớn được trang bị 3-5 pháo.

    Ngoài lực lượng chính quy đóng ở kinh đô, các nơi hiểm yếu, quân đội Hậu Lê thời kỳ này còn có các lực lượng quân địa phương như Hương binh ở vùng đồng bằng, được tổ chức thành các Tổng đoàn gồm 4-6 xã, mỗi xã lấy 10 người, do một huyện lại chỉ huy để canh phòng tại địa phương; và Thổ trước binh ở vùng rừng núi.

    Từ 1742, chúa Trịnh cho đặt thêm một tổ chức gọi là Vệ binh ở 4 trấn gần kinh thành Thăng Long, mỗi phủ được tổ chức 1 vệ gồm một số cơ, mỗi cơ có 400 người và một số đội, mỗi đội có 300 người, do Tuần phủ chỉ huy. Lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ địa phương và khi cần gọi đi cùng quân chính quy để đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống lại triều đình. Từ năm 1753, vệ binh được giải thể cho về làm ruộng và chỉ được gọi lại khi có công việc thật cần thiết.

    Lực lượng thường trực giai đoạn này của quân đội Hậu Lê có khoảng 120.000 người. Chính sách bổ sung quân được thực hiện theo chế độ binh dịch làm nghĩa vụ bắt buộc, từ 1727 bổ sung bằng chế độ tuyển mộ được trả lương và phục vụ trong quân ngũ lâu dài đối với lực lượng chính quy.

    Trang bị quân đội Hậu Lê đã được cải tiến hơn quân đội các thời trước đó nhờ có quan hệ với một số nước phương Tây. Quân đội đã được trang bị những loại vũ khí có nguồn gốc phương Tây như súng quá sơn, đạn hồ điệp tử và quả nổ,…

    Quân đội Hậu Lê đã bị quân Tây Sơn đánh tan khi tiến ra Bắc Hà lần thứ nhất, năm 1789.



    vnmilitary
    vnmilitary
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 54
    Join date : 26/01/2022

    Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam Empty Re: Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam

    Bài gửi by vnmilitary Wed Sep 07, 2022 7:56 pm

    10. Lực lượng vũ trang nhà Mạc (1525-1592)

    Lợi dụng sự ươn hèn của vua Lê Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung người nắm toàn bộ binh quyền nhà Lê đã cướp ngôi vua của nhà Lê và lập nên triều nhà Mạc.

    Quân đội Mạc thực chất là quân đội Hậu Lê, cơ cấu tổ chức, thành phần, lực lượng và hệ thống tổ chức vẫn được nhà Mạc giữ nguyên như cũ, ngoại trừ một số thay đổi về mặt nhân sự, như thay thế các tướng chỉ huy và bộ phận bảo vệ hoàng thành để tăng độ tin cậy.
    Trong lực lượng quân Cấm vệ, nhà Mạc cho tổ chức thêm 4 vệ mới để chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ hoàng thành.

    Trong lực lượng vệ quân các đạo, ở ty Đô nhà Mạc đặt ra 3 chức quan võ để trông coi việc quân là Chỉ huy sứ, Chỉ huy đồng tri và Chỉ huy thiêm sự thay vì chức Tổng binh sứ thời Lê sơ.

    Để đối phó với nội chiến Lê-Mạc và sự chống đối các quan lại phù Lê, nhà Mạc luôn duy trì một lực lượng quân thường trực trên 100.000 người và thực hiện chế độ tuyển quân chủ yếu ở 4 trấn xung quanh kinh thành Thăng Long.

    Từ giữa thế kỷ 16, địa bàn cai quản của nhà Mạc mất dần vào tay nhà Lê, chỉ còn lại 4 trấn xung quanh kinh đô Thăng Long, nên quân đội Mạc co lại về tổ chức, chỉ còn lại quân Cấm vệ và quân 4 đạo chia theo khu vực địa lý 4 trấn quanh kinh thành là Đông, Tây, Nam, Bắc.

    Năm 1592, bị quân đội Hậu Lê đánh cho đại bại phải rút lên cát cứ vùng Cao Bằng, Lạng Sơn và bị đánh tan vào năm 1667.

    11. Lực lượng vũ trang Tây Sơn (1789-1802)

    Lực lượng vũ trang của nhà nước phong kiến Việt Nam triều đại Tây Sơn được tiếp nối từ nghĩa quân khởi nghĩa Tây Sơn do anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ lãnh đạo.

    Nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã được tổ chức theo hướng thuỷ-bộ hoá dưới quyền thống lĩnh của Nguyễn Huệ vào giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa. Quân được tuyển từ các dân tộc gồm nhiều tầng lớp xã hội thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ ngày nay. Lực lượng phát triển rất nhanh nhờ được sự ủng hộ của nhân dân, lúc đầu khoảng 3.000 người, sau phát triển tới 26.000 người.

    Lực lượng quân khởi nghĩa Tây Sơn gồm quân bộ và quân thuỷ, có nhiều thuyền chiến và voi chiến, được tổ chức chặt chẽ; có thể tác chiến được cả thuỷ và bộ. Hệ thống tổ chức quân đội dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ rất phù hợp với một quân đội lấy hình thức tác chiến tấn công là chủ yếu.

    Quân thuỷ được coi trọng đặc biệt trong huấn luyện và tác chiến, là một binh chủng phát triển mạnh và có khả năng chiến đấu cao dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Quang Trung-Thuỷ binh được phân chia theo chức năng, gồm 4 lực lượng:

    - Các đơn vị tác chiến trên biển, được trang bị các đại chiến thuyền có nhiều đại bác và chở được nhiều quân.

    - Các đơn vị tác chiến sông-biển, được trang bị các chiến thuyền loại vừa có gắn đại bác.

    - Các đơn vị tuần tiễu được trang bị các chiến thuyền nhỏ, làm nhiệm vụ tuần phòng và đánh cắt giao thông đường thuỷ.

    - Các đơn vị tiên phong, được trang bị các loại thuyền buồm loại nhẹ làm nhiệm vụ đi đầu trong các cuộc thuỷ chiến.

    Lực lượng thuỷ binh quân Tây Sơn thuộc vào loại lớn lúc đó so với thuỷ binh các nước trong khu vực, với hàng trăm chiến thuyền các loại, trong đó có nhiều thuyền đại hiệu được trang bị tới 66 khẩu đại bác bắn đạn 12 kg và biên chế 700 quân. Mỗi thuyền đại hiệu được coi là một đơn vị chiến thuật cơ bản (tương đương một cơ của bộ binh), vừa như là một pháo thuyền.

    Quân bộ gồm bộ binh, tượng binh, kỵ binh, pháo binh, được biên chế theo nguyên tắc “ngũ ngũ chế” thành đội (60-100 người), 5 đội thành 1 cơ (300-500 người), 5 cơ (và một số đội) thành 1 đạo (gồm 1.500-2.500 người), 5 đạo (và một số cơ) thành 1 doanh (gồm khoảng 15.000 người). Doanh và đạo là những đơn vị hỗn hợp có cả các thành phần bộ binh, pháo binh, kỵ binh và tượng binh (như đơn vị bộ đội hợp thành của quân đội hiện đại). Những đơn vị này được trang bị hoả lực mạnh, có khả năng cơ động cao và sức tấn công lớn, khả năng chiến đấu hiệp đồng giữa các bộ phận và lực lượng tốt.

    Về trang bị, ngoài vũ khí lạnh thông thường, quân đội Tây Sơn còn được trang bị nhiều hoả khí như đại bác, súng hoả mai, hoả cầu, hoả hổ… với số lượng khá lớn. Đặc biệt, súng đại bác của quân đội Tây Sơn có nhiều loại gắn trên các chiến thuyền có cỡ nòng tới 140 và 160 mm, nặng gần 4 tấn một khẩu.

    Quân đội Tây Sơn lúc cao nhất lên tới 100.000 người. Kỷ luật quân đội nghiêm minh, được huấn luyện tốt, tinh thần chiến đấu cao (vào giai đoạn Quang Trung chỉ huy).
     
    Để thuận tiện cho việc gọi quân thời chiến hay thay quân thời bình, dưới thời vua Quang Trung đã chia dân đinh ra làm 4 hạng:

    - Vi cập bách, từ 9-17 tuổi;

    - Tráng hạng, từ 18-55 tuổi;

    - Lão hạng, từ 56-60 tuổi;

    - Lão nhiêu, từ 61 tuổi trở lên.
    vnmilitary
    vnmilitary
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 54
    Join date : 26/01/2022

    Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam Empty Re: Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam

    Bài gửi by vnmilitary Wed Sep 07, 2022 7:56 pm

    12. Lực lượng vũ trang nhà Nguyễn (1558-1945):

    Triều đại nhà Nguyễn được bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm (anh rể) tâu với vua Lê Anh Tông cho vào trấn thủ đất Thuận Hoá.

    Quân đội nhà Nguyễn được tính từ khi lực lượng vũ trang tập đoàn phong kiến các chúa Nguyễn cát cứ ở phía nam cho đến khi nhà nước phong kiến triều Nguyễn bị lật đổ trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

    Quân đội Nguyễn trải qua hai thời kỳ tổ chức và xây dựng.

    Thời kỳ thứ nhất (1558-1777):

    Khi Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) mang quân đi trấn thủ Thụân Hoá và kết thúc lúc Nguyễn Phúc Thuần (Định Vương) bị tử trận trước quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy ở Long Xuyên.

    Ban đầu, quân đội đi theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá có khoảng 3.000 người. Từ năm 1600, được xây dựng theo hướng quân đội của một nhà nước phong kiến. Lực lượng vũ trang nhà Nguyễn lúc này gồm có: bộ binh, thuỷ binh, pháo binh, tượng binh. Lực lượng bộ binh và thuỷ binh được coi như quân thủy – bộ, lấy thuỷ binh làm lực lượng bảo đảm cho cơ động với một đội binh thuyền khoảng 200 thuyền chiến và nhiều thuyền vận tải chở quân và lương thực, lực lượng chiến đấu chính là bộ binh.

    Quân số thường trực có khoảng 40.000 người, khi chiến sự xảy ra (trong nội chiến Trịnh-Nguyễn) quân đội Nguyễn lên tới 100.000 người.
    Hệ thống tổ chức Quân đội Nguyễn gồm có: dinh, cơ, đội, thuyền.

    Trang bị, ngoài vũ khí truyền thống như quân đội các thời trước, quân đội Nguyễn đã được trang bị một số loại vũ khí mới như hoả pháo, súng hoả mai, quả nổ ném (tạc đạn)… tự sản xuất dưới sự giúp đỡ của người Bồ Đào Nha.

    Quân Nguyễn đã 7 lần giao chiến lớn với quân của chúa Trịnh và phần lớn đã tan rã trước quân khởi nghĩa Tây Sơn trong những năm 1772-1777.

    Thời kỳ thứ hai (1778-1945): Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, những năm đầu quân Nguyễn chỉ còn lại một bộ phận ít ỏi ở đồng bằng Nam Bộ, do Nguyễn Ánh cầm đầu. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc (một cha cố đạo Thiên chúa giáo) và người Pháp, Nguyễn Ánh tổ chức lại lực lượng vũ trang của mình (trong đó có cả quân đánh thuê), chống lại nhà Tây Sơn và giành thắng lợi vào năm 1802.

    Nguyễn Ánh lên ngôi vua và lấy niên hiệu Gia Long, quân đội Nguyễn được xây dựng theo mô hình nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Quân đội Nguyễn trong thời kỳ này trải qua hai giai đoạn khác nhau, ứng với hai thời kỳ của vương triều Nguyễn. Giai đoạn đầu là quân đội của một vương triều độc lập tự chủ, giai đoạn sau là quân đội của một quốc gia phong kiến bị mất quyền tự chủ, hoàn toàn lệ thuộc vào chủ nghĩa thực dân Pháp đô hộ.

    Giai đoạn 1 (1802-1883), quân đội Nguyễn có cơ cấu tổ chức như các triều đại trước nó, gồm các lực lượng bộ binh, thuỷ binh, tượng binh, kỵ binh, pháo binh. Cơ cấu tổ chức và hệ thống chỉ huy khá hoàn chỉnh.

    Quân đội Nguyễn chia làm hai bộ phận chính quy, một bộ phận đóng ở kinh đô gọi là Vệ binh, có nhiệm vụ chính là bảo vệ Kinh thành Phú Xuân (Huế). Hệ thống tổ chức và biên chế cơ bản gồm có:

    - Doanh biên chế 5 vệ;

    - Vệ biên chế 10 đội, đứng đầu vệ là Vệ uý;

    - Đội biên chế 5 thập, đứng đầu đội là Suất đội;

    - Thập biên chế 10 ngũ, do Chánh đội trưởng chỉ huy;

    - Ngũ gồm 5 người, do Ngũ trưởng chỉ huy.

    Vệ binh quân Nguyễn có khoảng 40.000 người. Trong lực lượng Vệ binh lại được chia làm 3 loại: Thân binh (hầu cận vua và bảo vệ cấm thành), gồm 1 doanh và 4 vệ độc lập; Cấm binh làm nhiệm vụ quân cơ động và bảo vệ Kinh thánh gồm 6 doanh và một số vệ, đội độc lập như những “binh chủng chuyên môn, kỹ thuật”: tượng binh, kỵ binh, thuỷ binh; Giản binh hay Tinh binh gồm một số vệ và đội thuộc các phủ, huyện, nha…

    Vệ binh thường tuyển những người Đàng Trong, đến năm 1885 thì lực lượng này tan rã, chỉ còn lại một số nhỏ gọi là Thân binh để hầu cận các vua của triều Nguyễn từ sau khi nhà Nguyễn hoàn toàn đầu hàng quân Pháp xâm lược.

    Cơ binh là lực lượng  đóng giữ các tỉnh, lộ, trấn (một số tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… còn có các vệ thuộc lực lượng  Cấm binh do quan tỉnh trực tiếp chỉ huy song lệ thuộc vào các doanh trại ở kinh đô). Cơ binh tổ chức theo hệ thống:

    - Doanh đứng đầu là quan đề đốc;

    - Liên cơ đứng đầu là quan lãnh binh;

    - Cơ (tương đương vệ) đứng đầu là chưởng cơ hay quản cơ;

    - Dưới cơ là các tổ chức đội, thập, ngũ.

    Đội quân Cơ binh của quân đội Nguyễn thời kỳ đầu có quân số khoảng 150.000 người, đến cuối thời kỳ này (1880) quân số này giảm đi đáng kể, ở miền Bắc còn khoảng 60.000 người.

    Ngoài hai lực lượng chính là Vệ binh và Cơ binh, quân đội Nguyễn còn có lính trạm và lính lệ. Trong giai đoạn này, các lực lượng  như thuỷ binh, tượng binh, pháo thủ binh được xây dựng như những binh chủng chiến đấu.

    Thuỷ binh được chú trọng phát triển với trên 200.000 người và một đội thuyền binh lên tới khoảng 800 chiếc không kể các thuyền làm nhiệm vụ vận tải. Trong lực lượng  thuỷ binh Nguyễn thời kỳ này đã có những chiến thuyền được thiết kế theo kiểu chiến thuyền của châu Âu, trang bị mỗi thuyền 36 pháo. Có 200 pháo thuyền trang bị từ 16-22 pháo. 100 đại chiến thuyền với 50-70 mái chèo được trang bị pháo và cự thạch pháo. Còn lại khoảng 500 chiến thuyền có khoảng 40 mái chèo và trang bị 1 pháo loại súng thần công.

    Thuỷ quân cũng được tổ chức thành các đơn vị gọi là doanh như bộ binh. Mỗi doanh được biên chế gồm một số vệ (cơ), dưới cơ là các đội thuyền. Thuyền là đơn vị chiến đấu cơ sở. Tuỳ theo từng loại thuyền mà có số lượng quân khác nhau, trung bình mỗi thuyền chiến đấu có 50-60 người. Đứng đầu lực lượng thuỷ binh quân đội Nguyễn thường là Thuỷ sư đô đốc.

    Lực lượng tượng binh ban đầu tổ chức thành 1 doanh gồm có 5 vệ với 50 thớt voi ở kinh đô và 7 cơ ở những tỉnh mà triều Nguyễn xét thấy quan trọng. Sau đó số lượng voi giảm dần và tượng binh cũng co hẹp lại chỉ còn 2 vệ ở kinh đô và một vài cơ ở một số tỉnh.

    Lực lượng pháo thủ binh cũng được tổ chức thành các doanh, dưới doanh là vệ (cơ), mỗi vệ gồm một số đội. Biên chế mỗi vệ pháo thủ binh gồm 500 quân và trang bị 10 súng thần công, 200 súng điều sang; với các đơn vị đội biên chế 50 quân và 1 súng thần công. Đối với các đội, cơ pháo thủ binh thuộc lực lượng cơ binh của các tỉnh trực tiếp quản lý lệ thuộc doanh Thần cơ của triều đình về các mặt huấn luyện, trang bị vũ khí.

    Về trang bị, quân đội Nguyễn khá phát triển. Nhiều đơn vị được trang bị hoả khí như ống phun lửa, quả nổ, súng điều sang (gồm thạch cơ điều sang, thần cơ điều sang, bắc cơ điều sang), pháo (súng thần cơ, thần công thiết bác).

    Chế độ tuyển binh được thực hiện bằng cách gọi đinh tráng. Thời hạn tại ngũ được xác định tùy theo sắc lính và địa phương tuyển quân. Thời hạn phục vụ trong quân ngũ là 10 năm đối với binh lính được tuyển từ các tỉnh thuộc Nam Kỳ và từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, 15 năm ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà. Tuổi tối đa phục vụ trong quân đội thường trực là 50 (quy định này có từ năm 1868). Quan võ được tuyển chọn từ các kỳ thi võ.

    Binh lính được cấp ruộng ở quê, hưởng lương ăn và một ít tiền.

    Dưới thời từ Minh Mạng đến Tự Đức, quân đội Nguyễn có khoảng 120.000 người. Tuy nhiên sức chiến đấu của quân đội Nguyễn yếu kém do trang bị lạc hậu so với quân đội các nước đương thời, huấn luyện kém và triều đình ít quan tâm. Quân đội Nguyễn trong giai đoạn này đã bị quân xâm lược Pháp đánh bại và để đất nước rơi vào sự đô hộ của thực dân Pháp.

    Sponsored content

    Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam Empty Re: Quá trình hình thành và phát triển các tổ chức quân sự ở Việt Nam

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Thu Mar 28, 2024 8:49 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]