KỶ NIỆM 40 NĂM TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG THÁNG

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    KỶ NIỆM 40 NĂM TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG THÁNG

    chinhtrivn
    chinhtrivn
    Học viên
    Học viên

    Tổng số bài gửi : 6
    Join date : 10/12/2013

    KỶ NIỆM 40 NĂM TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG THÁNG Empty KỶ NIỆM 40 NĂM TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG THÁNG

    Bài gửi by chinhtrivn Thu Apr 10, 2014 6:21 pm


    KỶ NIỆM 40 NĂM TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG THÁNG
    12/1972 – 12/2012




    Sở thú” Hà nội


    Vào những năm chống chiến tranh phá hoại cuả không quân Mỹ ở miền Bắc, nhà tù Hỏa Lò Hà Nội được chọn làm nơi giam giữ phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Các phi công tù binh hài hước gọi là “khách sạn Hilton”. Nhưng ở Hà Nội còn hai nơi giam giữ phi công Mỹ nữa mà ít người biết đến. Một ở số nhà 17 phố “nhà binh” Lý Nam Đế, phi công Mỹ đặt biệt danh :“Đồn điền”. Địa điểm thứ hai ở 73 Nguyễn Trãi, trong khuôn viên của Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng Trung ương, gọi tắt là Fafim, nay là Công ty Xuất nhập khẩu và Phát hành phim Việt Nam. Chẳng hiểu lý do gì, tù binh giặc lái gọi là “Sở Thú”.

    Năm 1980, tôi được phân công về làm việc tại phòng biên tập tuyên truyền Công ty Fafim Việt Nam. Kế bên là phòng biên dịch, nơi đạo diễn Đặng Nhật Minh có một thời từng làm việc. Lần đầu tiên đến cơ quan, tôi không khỏi ngỡ ngàng, trong bốn quận nội thành chật hẹp mà vẫn có một “công viên mini” đẹp đến thế. Một không gian rộng tới vài nghìn mét vuông, cây cối um tùm. Những cây xà cừ cổ thụ hai người ôm không xuể, tỏa bóng mát khắp sân vườn. Ở giữa khuôn viên, một chiếc bể hình chữ nhật, được xây chìm theo kiểu bể bơi khá rộng, dài. Xung quanh bể là vườn hoa, cây cảnh. Đan xen, thấp thoáng với những cây ăn quả, hồng xiêm, vú sữa vv, được chăm sóc rất cẩn thận.

    Phòng làm việc là những dãy nhà cấp bốn xếp theo hình chữ nhật ở vòng ngoài. Bên hiên nhà, những dãy nhãn thẳng tắp, quả trĩu cành. Phía đông và nam của khuôn viên là Xí nghiệp bánh mì và Nhà hát múa rối Trung ương nằm trên đường Tàu Bay (Nay là đường Trường Chinh), bị tách biệt với Fafim bởi hai cái ao rất rộng và những bờ tường cao ken kín thép gai. Nhưng ngạc nhiên hơn cả là những tháp canh đứng sừng sững, phá vỡ sự thanh bình vốn có của một công viên .

    Bước vào phòng làm việc, đập vào mắt là hai cánh cửa, phía trước và sau, được ghép bằng những tấm gỗ dày, nặng nề đu mình trên nhưng chiếc bản lề ngoại cỡ. Trên mỗi cánh cửa có một lỗ vuông như kiểu trại giam. Thật lạ!

    Đem thắc mắc hỏi các đồng nghiệp lớn tuổi. Họ nói:




    • Cậu mới về không biết, cơ quan trước đây đã từng được trưng dụng làm trại giam phi công Mỹ trong chiến tranh.



    Ngạc nhiên thật. Một cơ quan văn hóa bỗng chốc thành nhà tù và rồi từ nhà tù lại trở về cơ quan văn hóa mà chẳng cần thay đổi công năng cả về xây dựng lẫn tổng quan kiến trúc.

    Chả trách, sau khi bình thường hóa quan hệ Việt –Mỹ, nhân một chuyến công tác, cục trưởng cục điện ảnh Nguyễn Thụ tới Ha-oai, trước diễn đàn ông phát biểu: “ Trụ sở của ngành phát hành phim Việt Nam chính là trại giam phi công Mỹ trước kia và nay vẫn nguyên vẹn như xưa ”. Cả hội trường ồ lên kinh ngạc. Ta còn thấy lạ nữa là Tây.

    Có lẽ duy chỉ có mấy cái nhà vệ sinh được thay đổi. Một cái ngay đầu hồi phòng làm việc của tôi. Nó được một họa sĩ biến thành cái xưởng vẽ Apphich quảng cáo, nhưng giữa phòng, vẫn còn một chiếc bệt vô duyên ngoan cố không chịu di dời. Cho dù, vị họa sĩ nọ đã khéo léo giấu nó dưới gầm bàn. Thời gian sau, ông chuyển công tác, tôi tiếp quản cái xưởng vẽ đó. Thật là tiện, một mình đọc sách, học ngoại ngữ, ăn trưa và sáng tác. Tha hồ bay bổng chữ nghĩa trong không gian chật hẹp đó. Mỗi tháng định mức một bài giới thiệu phê bình phim. Gần mười năm, ngót trăm bài từ cái toilet ấy mà ra. Bây giờ đọc lại vẫn thấy “được”. Còn hơn khối bài của các bạn trẻ ngồi phòng máy lạnh đương thời.

    Nhiều lúc tôi cứ lăn tăn tự hỏi, không biết vì sao ta lại chọn nơi này để giam giữ phi công. Nó rất gần bộ não của quân chủng phòng không không quân, đặt ngay sát sân bay Bạch Mai, dọc đường Tàu Bay. Phải chăng ta muốn không quân Mỹ mỗi lần định oanh kích vào căn cứ quân sự ấy không dám vội vàng. Vào những năm 1966-1967 khi không quân Mỹ tập trung đánh cầu Long Biên, tôi đã thấy các phi công tù binh được huy động ra đầu cầu đào tăng-xê. Mặc dù bị một chiến sĩ mang quân hàm xanh đuổi, tôi vẫn cố nán lại xem viên phi cồng đang đào hầm trú ẩn bằng một chiếc xẻng cá nhân bé như chiếc thìa và vét đất bằng nắp của một chiếc ăngo lớn cỡ bàn tay. Người hắn vừa cao lại vừa to. Có lẽ phải một tháng mới xong được một cái hầm. Cũng chẳng cần vội vàng mà làm gì. Những ngày ấy bầu trời rất yên ắng.

    Một lần tha thẩn trong vườn sau dãy nhà, tôi nhặt được một chiếc còng. Ừ, có lẽ đôi khi cũng phải dùng biện pháp mạnh với lũ giặc lái này để cho chúng vào khuôn phép. Nhưng có một biện pháp nhẹ nhàng và hữu hiệu hơn mà anh hùng không quân Phạm Tuân kể, nhân một dịp rẽ qua phòng làm việc của chúng tôi. Anh bảo: “Mấy thằng giặc trời hồi giam ở đây cũng bướng lắm. Để đưa chúng vào kỷ luật cũng không dễ. Một lần, một chiến sĩ trong tổ hậu cần và cấp dưỡng hiến kế. Bọn phi công rất sợ món bí đỏ. Cứ mỗi lần thấy món bí đỏ trên bàn ăn là chúng lại rú lên. Vậy thì khi chúng “láo lếu”, ta lại liên tục phục vụ lũ con giời này món súp bí ngô”.

    Quả thật, tù binh phi công Mỹ sợ màu đỏ của món bí này chẳng kém gì màu đỏ của đạn súng phòng không. Chúng rất thông minh nên hiểu ngay vấn đề. Anh em quản giáo chẳng cần nhiều lời. Món bí đỏ chẳng khác gì cái thẻ đỏ trong môn thể thao bóng đá, anh em chỉ việc “show” ra, các “cầu thủ trên không Hoa Kỳ” biết ngay đã phạm luật.

    Chính ngài Peter Peterson, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ đầu tiên tại CH XHCN Việt Nam sau khi hai nứơc bình thường hoá quan hệ ngoại giao, cũng đã từng bị phạt món bí đỏ ấy.

    Một lần ghé lại thăm nơi “lưu trú” khi xưa, ông vào phòng làm việc của chúng tôi, đóng cửa lại kêu: “My dear! Help me, save me please!”( Em yêu, làm ơn giúp anh, cứu anh với). Chả là hôm ấy phu nhân ngài đại sứ cũng đi cùng. Tất cả đều cười rất vui vẻ.

    Thỉnh thoảng một vài đoàn làm phim nước ngoài ghé qua cơ quan tôi, họ làm phim về tù binh phi công bị giam giữ trong chiến tranh. Lúc ấy chúng tôi tạm phải nghỉ việc mất cả buổi. Mà cũng lạ, chẳng thấy đoàn làm phim trong nước nào ghé qua. Có lẽ “Sở Thú” chẳng có ý nghĩa gì với các nghệ sĩ Việt Nam. Đáng tiếc!

    Nhờ có các cựu phi công tù binh đi cùng các đoàn làm phim Mỹ, tôi cũng biết thêm nhiều thông tin khá thú vị. Chẳng hạn như, phòng làm việc của chúng tôi, dưới nền xi măng có những vết đục thành hàng chéo đều đặn mà tôi cứ ngỡ để tăng ma sát. Hóa ra không phải. Tù binh đục để đánh dấu từng ngày bị giam giữ, khắc khoải đếm từng ngày, mong ngóng được tự do. Hay cái bể giữa khuôn viên không phải dành cho họ bơi lội, mà để phòng hỏa hoạn, Fafim trước kia còn nhiều phim cháy, phim không an toàn vv.

    Vào giữa những năm 1990, tôi được chuyển lên làm thư ký tổng giám đốc. Đang thời kỳ đổi mới rầm rộ, tổng giám đốc được điều từ miền Nam ra. Ông quyết định mở cửa cơ quan ra mặt đường số 19 Nguyễn Trãi, sẽ xây một trụ sở mới sáu tầng. Cơ quan bàn hướng kinh doanh dựa vào lợi thế đắc địa và diện tích rộng của khuôn viên. Tôi hiến cho ông một kế. Hay là biến khuôn viên thành một địa điểm du lịch lịch sử, nơi đã từng giam giữ phi công Mỹ, khối khách du lịch trong và ngoài nước hiếu kỳ tới thăm, ta mở dịch vụ có thu phí. Ông nhìn tôi đầy kinh ngạc nói: “Cậu có điên không đấy. Một khi thành di tích lịch sử cấp quốc gia, bị quản lý thì có mà mất không cả đất”. Tôi tịt ngòi. Từ hồi cận kề với tổng giám đốc đầy quyền uy, tôi mới hiến được một cái kế hay ho đến thế. Từ đấy, hễ bàn đến kinh doanh, tôi lại tránh xa như tù binh phi công Mỹ nhìn thấy canh bí đỏ.

    Cuối năm 1999, công viên mini cơ quan tôi bị phá bỏ để xây một trung tâm văn hóa, thể thao hiện đại. “Sở Thú” Hà Nội bị xóa sổ.

    Giờ đây, Trung tâm văn hóa thể thao lại được thay thế bằng một quần thể kiến trúc hoành tráng. Một tòa nhà 23 tầng sừng sững mọc lên.

    Tôi cũng đã về hưu, mỗi lần có việc đi ngang qua Ngã Tư Sở lại ngước mắt ngắm tòa nhà chọc trời. Đúng là “xây dựng hơn mười” ngày xưa. Nhưng tôi vẫn thấy tiêng tiếc và thầm so sánh. Một tòa nhà 23 tầng với một di “tích lịch sử cấp quốc gia” cái nào giá trị hơn?

    Nhưng thôi, buồn làm chi, tiếc làm chi. Đến “Khách sạn Hilton” còn bị tháp Hà Nội đè nữa là cái “Sở Thú” mấy ai biết tới này.

    Hoài cổ đến lẩn thẩn, rõ là chuyện của mấy cụ về hưu.


    Tháng 11, năm 2012
    Như Thìn




    Dưới đây là ảnh “Sở Thú” Hà Nội chụp cuối năm 1999. Phần nhiều cây đã bị chặt bỏ, ao bị lấp để xây trụ sở mới kế bên.






    KỶ NIỆM 40 NĂM TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG THÁNG Hanoizoo

      Hôm nay: Thu May 09, 2024 10:35 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]