Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa

    khesanh
    khesanh
    Binh nhất
    Binh nhất

    Tổng số bài gửi : 60
    Join date : 01/12/2013

    Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa Empty Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa

    Bài gửi by khesanh Tue Nov 04, 2014 9:19 pm

    NHỮNG ƯỚC NGUYỆN VÀ ĐỂ CÓ MỘT CHUYẾN ĐI.


       Những háo hấc cho ngày lên đường của một chuyến đi về chiến trường xưa của các anh lính Trung đoàn Tu Vũ quê Thanh Oai cứ nhích lại dần. Những cú điện thoại của các CCB từ Hà Nội và những làng quê đất Lụa Thanh Oai gửi về đầu dây cho cô CB đất lúa  chẳng kể giờ, ngày. Ai cũng háo hấc đến tột đỉnh cho một chuyến đi.


         Bởi rằng! Cũng từ cái mùa hè đỏ lửa ấy đến nay. Các anh đã đi hết cuộc chiến tranh và rời áo lính trở về quê hương trong cuộc sống bộn bề. Trong số các anh còn lại hôm nay. Có người thì cũng có một cuộc sống tạm đủ đầy. Nhưng cũng còn hoàn cảnh có anh thì vẫn trong cơn lận đận. Ngần nấy năm trôi đi cứ nhè nhẹ chẳng dừng. Bốn mươi mốt năm quá nửa đời người đâu có ngắn. Có người thì cũng đã sớm trở về cùng tiên tổ. Người còn lại bây giờ , tóc các anh đã điểm bạc hai màu sương trắng.


          Mỗi năm lại thêm mỗi tuổi. Bước chân đi như chậm lại. Trên má mỗi người lại thêm một nếp nhăn. Chẳng hiểu sao? Năm nào cũng vậy. Cứ ngày gặp nhau là lại rét đến thấu xương. Vậy nhưng ai ai cũng mong sao cho đến ngày gặp mặt. Gặp nhau bao chuyện nhà, chuyện cửa. Ai cũng ước mơ có một ngày kia mình ước được một lần trở lại chiến trường xưa. Để một lần được ngắm lại dòng sông Thạch Hãn. Để được ngắm cho rõ cái bến Vượt Tích Tường năm xưa rộng hẹp thế nào? Và để được một lần được tận tay thắp nén hương thơm cho người đồng đội và nhìn lại cái thành cổ năm xưa đất thấm đỏ màu máu của mình và đồng đội.  Nghe nói nơi ấy bây giờ đã là một màu xanh thành cổ. Ngồi bên nhau ai cũng đau đáu khi chưa đưa được hết các bạn của mình về đất Mẹ. 


         Ngày mồng 6-4 năm nay các anh đã được toại nguyện. Đây là một niềm vui không tưởng và cơ hội thật hiếm hoi trên đời. Nó như một giấc mơ huyền thoại mà có thật. Các anh lính Thanh Oai đã được đi về chiến trường xưa theo ước nguyện. 


         Để có chuyến đi này CB cùng các anh lính Thanh Oai cảm ơn anh liên lạc của CCB e88 nguyendoantho đã dày công tìm kiếm đồng đội. Anh là nhịp cầu nối liền cho các anh lính e88-f308 của Thanh Oai  với ban liên lạc của CCB trung đoàn 88 F308. Từ đây anh doanthọ đã có nhưng thông tin và lời dề nghị theo nguyện vọng của CCB Thanh oai. Thật may mắn các anh đã được sự quan tâm vô bờ của Thiếu tướng Lê Xuân Thu. Đại Tá Đào Thấn. Đại Tá Kỳ  các anh Nguyên là ban chỉ huy của e88 trong những ngày hè đỏ lửa chiến đấu và bảo về thành cổ Quảng Trị.


      Và người cuối cùng như anh nguyendoantho đã giới thiệu trên trang “sư đoàn quân tiên phong”. Đó là gia đình Anh Đàm Hữu Thiết là nhà tài trợ chính, là một yếu tố quyết định cao nhất cho chuyến đi này. Chị Phiến vợ anh Thiết cũng là một người phụ nữ thật tuyệt vời mà tôi đã được gặp trong chuyến đi đầy tình nghĩa.


        Tất cả các anh những người trong ban lãnh đạo của chuyến đi này và người liên lạc nguyendoantho đầy năng động. Họ là những người lính năm xưa. Chất lính ấy hôm nay vẫn  còn nguyên vẹn. Họ đều  có Tâm, có Tầm và tràn trề tình người để tạo thuận lợi cho những cựu binh còn khó khăn hơn có được một chuyến đi. 


         CB đã rất vui được chuyền cành theo bước các anh. Từ cảm xúc của mình CB xin được từ từ kể lại hành trình của năm ngày trên chuyến xe đi trên những cung đường vào những ngày sau.
    NHỮNG CHUYỆN KỂ VÀ HÀNH TRÌNH VỀ MỘT CHUYẾN VỀ CHIẾN TRƯỜNG XƯA VỚI CÁC CCB E88- F308 THANH OAI.
                                                  SƯ ĐOÀN QUÂN TIÊN PHONG 




    Tâm trạng trước chuyến đi của người đất lúa.


          Nắng chiều đã nghiêng. Hàng Sấu ven đường bóng đã ngả dài nằm gối đầu nhau trên  suốt hành lang đường Lý Bôn. Tạm xa quê lúa Thái bình tôi lên chuyến xe chiều  mang nhãn hiệu Hoàng Long ra Hà Nội. Tới bến Giáp bát tôi đi  thêm một chặng xe Buýt  nữa. Vào tới thành phố Hà Đông khi cả thành phố đã trắng ngời điện sáng. Ngồi trên xe buýt có bao nhiêu những cú điện của các anh đồng đội  từ thành phố Hà Đông, rồi từ trong thị trấn Kim Bài liên tục hỏi CB rằng  giờ này em đã tới đâu? Sao mà em lại lên muộn thế! 


           Các anh cựu binh của Thanh Oai chỗ nào cũng muốn đón CB về nhà mình nghỉ để mai tiện đi xe. Tôi thấy xúc động vô cùng. Đã mấy mươi năm rồi mà các anh vẫn không quên, vẫn dành cho CB một tình cảm chan chứa tình đồng đội. Tôi cũng còn đang đấu tranh xem quyết định sẽ về đâu. Chuyến xe buýt đã dẽ vào đường Nguyễn Trãi hướng đi về phía thành phố Hà Đông. Trong tiếng động cơ xe và tiếng ồn ào của đường phố tôi đã thấy một giọng phụ nữ nhỏ nhẹ qua máy điện thoại nghe cứ chập chờn khi nghe rõ, lúc xa xăm Câu nói tôi nghe rõ nhất và cũng đã nhận ra người đó.
    -   Chị vào nhà em nghỉ sáng mai hai em cùng đi. Em đã nấu cơm cả rồi. Chị xuống xe lát nữa anh nhà em ra đón chị. Đó là giọng nói trẻ trung của vợ anh Tú. Hương vợ anh Tú lại là người cùng quê Lúa với tôi. Hơn nữa tôi lại cùng là bạn lính thời huấn luyện với chị gái của cô ấy. Một quan hệ tình cảm có  thêm sự gần gũi hơn và  tôi đã nhận lời và quyết định dừng lại ở điểm xe Buýt Bách Hóa Hà Đông.


    Cũng đã lâu rồi không gặp lại nên sau bữa cơm tối thật vui vẻ.  Tôi cùng gia đình anh Tú có bao nhiêu chuyện hàn huyên. Đêm Hà Đông trôi đi nhè nhẹ. Đêm  đã về khuya mà tiếng ồn ào của đường phố vẫn lọt vào tận trong ngõ nhỏ. Giấc ngủ trong đêm tôi thấy cứ chập chờn, chập chờn., thấp thỏm và mong sao cho trời nhanh sáng. Mong sao cho nhanh được gặp lại anh lính quê Lụa năm nào trên chuyến xe đi về chiến trường xưa vào sáng ngày mai.


    NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA CHUYẾN ĐI.


         4 giờ 15 phút. Tôi cùng anh Tú đón taxxi tới Bưu Điện Hà Đông nơi điểm đón của đoàn. Chiếc Xe taxxi màu xanh lá mạ đã đưa tôi và anh Tú tới điềm hẹn. Đường phố lúc này cũng còn vắng. Lác đác vài chiếc taxxi chạy qua đón khách sớm. Bên hàng cây vỉa hè bên kia đường mấy bác hàng nước đang lục tục dọn chỗ kê bàn chắc họ đang chuẩn bị cho một ngày mới bán hàng như thường nhật. 


        Bước xuống xe mà lòng tôi vui đến lâng lâng. Chợt cơn gió lạnh đầu tiên của đợt gió mùa đã bắt đầu cuồn cuộn thổi về. Những hàng cây ven đường cành lá xoắn xuýt quấn vào nhau xôn xao theo chiều gió. Vô số những chiếc lá rời cành cuốn theo cơn gió rồi lăn tròn, nhảy nhót  đuổi nhau trên khắp mặt đường. Nhìn những chiếc lá lăn tròn nhảy nhót nó như đùa dỡn với nhau cùng vui với lòng mình hôm nay là vậy.


        Gió như đã mạnh lên. Tôi định tìm chố khuất gió để nép mình cho đỡ lạnh. Rồi chợt nhìn ra phía lùm cây xum xuê phía trước sân nhà bưu điện. Lờ mờ qua ánh điện chập chờn từ phía bên kia đường phố hắt sang tôi thấy một tốp người đang đứng đó.
    Tôi nói với Tú! Có lẽ cũng người của đoàn mình đi đấy anh ạ!. Và tôi đoán đã không sai. Đó là cặp đôi hoàn hảo của gia đình anh doantho. Và thêm hai người cựu binh của e 88. Anh Vĩnh, anh Sinh. Qua anh doantho giới thiệu tôi được làm quen với chị Quy phu nhân của anh. Tôi đã thật là vui và lúc này tôi cảm như đã không còn thấy gió lạnh ngoài trời khi tôi nhận được từ chị một ánh mắt nhìn, một cái nắm tay và một nụ cười đầy thân thiện. 


        Chiếc xe màu mận tím còn mới long lanh đi từ phía thành phố Hà Nội về đang chầm chậm dần rồi dừng lại ven đường. Tôi quay sang chị Quy.
    -  Đúng là chiếc xe của đoàn đi rồi chị ạ! 
    Và cánh cửa xe được mở. Một thanh niên trẻ trung, dáng thư sinh, bước ra. Một giọng nói ngọt ngào chất giọng của người Hà Nội.
    - Cháu xin chào các cô và các chú! Cháu mời các cô, các chú lên xe ạ! Cả chủ ngữ vị ngữ đủ cả chẳng thiếu từ nào. Lời chào hỏi đầu tiên của hướng dẫn viên du lịch đã gây cho tôi một ấn tượng đẹp đầu tiên của một chuyến đi. Bước lên xe trước mắt tôi đã có ba người phụ nữ và năm người đàn ông. Thoáng trông thấp toáng dưới ánh đèn mờ của nhà xe tôi thầm đoán họ đã là tuổi anh và tuổi chị của mình rồi.
    -   Em chào các anh các chị.
    Những câu đáp chào của các bác đầy thiện cảm.
    -   Chào đồng chí nữ CCB. 
    -   Vào ghế ngồi đi em! 
    -   Chúng tôi lên trước nên ngồi trên tý đấy nhé! Tôi cười.
    -    Dạ! Không sao đâu ạ! Cũng còn có rất nhiều chỗ cũng ở phía trên đây ạ!. 
    Tôi cũng đã chọn một chỗ ngồi hợp lý để có thể khi xe chạy trên đường dài mình sẽ được ngắm cảnh thiên nhiên bên ngoài được tận hơn
     
         Xe tiếp tục đi tới điểm đón Kim bài đó là một điểm đón các anh trung tâm nhất hôm nay.
    Anh liên lạc của đoàn đi nguyendoantho dáng người thấp bé nên chỉ cần hơi nghiêng người mà đã lách được khỏi ra cửa xe và lăng xăng xuống đường cùng với các anh trong ban liên lạc của Thanh Oai xếp  sắp tổ chức cho mọi người lên xe được thuận lợi hơn.


           Không khí ở một góc nhỏ của thị trấn Kim Bài sáng nay thật là rộn rã. Trông các anh ai cũng trang nghiêm trong bộ quân phục truyền thống năm xưa. Trên ngực lấp lánh những tấm huy chương có ngôi sao vàng lấp lánh. những gương mặt đầy tự tin trong khí thế hào hùng như năm nào các anh hành quân vào trận.  Xếp hàng một đi lên. Lòng xe chật ních tiếng cười, nói  của các anh. Những nụ cười rạng rỡ tay bắt, mặt mừng chào hỏi các thủ trưởng thủ trưởng của mình, bạn mình đã lâu ngày không được gặp lại. Tôi đã chủ động đứng lên vẫy tay để chào các anh và cũng để  báo cáo với các anh biết được rằng con Chích Bông nhỏ xíu ngày xưa đã có ở trên xe. Ai cũng vui đến tột đỉnh và một lần được nắm lấy tay Chích bông. 
          Một anh CCB đến nắm chặt bàn tay của Chích Bông. 
    -    Ái chà chà! Chào Chích bông! Em vẫn rắn rỏi lắm. Phải đi với các anh thế này mới vui chứ. Vẫn nhớ đến đồng đội lắm! Anh lắc lắc cái bàn tay tôi. Tốt rồi…Tốt rồi. Tôi vẫn còn nhớ đấy là anh Thìn. Anh là một chàng trai quê Lụa năm xưa. Anh có nước da đen khỏe mạnh và giọng nói vang vang nhưng đầy truyền cảm. Nụ cười trên môi anh không để lại một chút ưu tư. Người con trai ấy năm xưa đã có một lời hứa và tình yêu đầu đời cháy bỏng với một cô gái thật xinh xắn, dịu hiền nơi đóng quân của Làng Vân Trụ.


           Đi hết cuộc chiến tranh anh đã trở về tìm lại mối tình đầu đằm thắm ấy và cô gái của làng vân Trụ vẫn chờ cho đến ngày anh trở về và họ đã nên duyên. Anh Thìn đã quá mặn mà với xứ Thanh nên anh có nguyện vọng lập nghiệp tại quê hương của vợ. Bây giờ CB được nghe các anh kể lại. Cứ vào ngày 4-1 hàng năm thì dù cho có gió thét, mưa gào thì anh cũng vẫn chẳng có quan tâm và mặc nó.  Anh Thìn vẫn  từ 4 giờ sáng cùng chiếc xe máy từ Thanh Hóa lên đường về Thanh oai để gặp mặt những người đồng đội và cũng một lần thăm lại quê hương. Thế thì hôm nay trên chuyến xe trở lại chiến trường xưa này thì làm sao có thể thiếu được anh Thìn.


          Trong một không gian nhỏ của lòng xe chật hẹp mà đầy ắp những người và những tiếng cười và  tiếng nói. Tôi chỉ biết gật đầu chào lại các anh bằng nụ cười và một cái bắt tay. 
    Những phút giao lưu gặp gỡ ban đầu đã qua nhanh. Trật tự trên xe đã được ổn định. Tiếng động cơ xe chuyển bánh đã bắt đầu.  Xe  bắt đầu chuyển bánh đi theo con đường 21b ra con đường có tên  gọi thật thiêng liêng.  Đường mòn Hồ Chí Minh. 
    khesanh
    khesanh
    Binh nhất
    Binh nhất

    Tổng số bài gửi : 60
    Join date : 01/12/2013

    Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa Empty Re: Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa

    Bài gửi by khesanh Tue Nov 04, 2014 9:20 pm

    NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA CHUYẾN ĐI. ( tiếp theo)

      Xe đã đi hết con đường 21B. Bắt đầu ra đường mòn Hồ Chí Minh. Mỗi người cựu binh trên xe cũng đã hoàn thành nhiệm vụ một xuất ăn sáng mà ban tổ chức đoàn đi đã lo sẵn ăn tại trên xe.  Các cựu binh đã ổn định và đặc biệt các anh em ruột của mọi người lúc này cũng đã đoàn kết lại. Anh Đàm Hữu Thiết. Người đã tài trợ kinh phí cho cả 42 thành viên trên chuyến xe đi hôm nay. Anh Thiết đã thay mặt ban tổ chức đoàn tuyên bố lý do đồng thời anh cũng là người giới thiệu từng thành viên chủ chốt lãnh đào của chuyến đi và những trợ lý không thể thiếu cho chuyến đi cùng bốn chị phu nhân của các anh. Một giọng nói thật nhẹ nhàng đầy truyền cảm và đầy chia sẻ với những người CCB e88 Thanh Oai hôm nay còn đang bộn bề với cuộc sống hiện tại. Một nguyện vọng thiết tha và là niềm mơ ước bấy nay của anh em CCB e88 – F308 của Thanh Oai đã tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa. 

         Qua Phần anh Thiết giới thiệu các bác trong ban lãnh đạo đoàn . Mọi người rất vui và thấy tự tin thêm nhiều khi biết đoàn trưởng chuyến đi này là anh Lê Xuân Thu nguyên là Thiếu tướng. Anh là con đẻ của e88 là một chính trị viên đại đội nghệ thuật khéo léo lãnh đạo và trực tiếp tham gia bảo vệ vững chắc thành cổ trong 81 ngày đêm. Các phó đoàn anh Đào Thấn nguyên là đại tá. Anh Trần Trọng Kỳ nguyên là Đại Tá. Các anh đều là những người trong ban chỉ huy, là những người đã trực tiếp cùng với lính trận của Trung Đoàn 88 –F308  chỉ huy và chiến đấu anh dũng trong suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã đi vào lịch sử. 

          Còn hôm nay khi trở về với đời thường các anh ấy lại đang trở thành những ông chủ của các doanh nghiệp lớn thật là những người Mưu trí dúng cảm trong chién đấu. Giỏi giang trên thương trường. Những ông chủ này đều có tâm, có tầm và có tình. Là những con người đáng kính trọng.

           Phần cuối lời giới thiệu của anh Thiết đã làm CB xúc động mà thấy giật mình. Ánh mắt anh nhìn về phía hàng ghế nơi có CB ngồi cùng nụ cười thân thiện. Vẫn là giọng nhỏ nhẹ anh giới thiệu với đoàn.
       Còn trong đoàn đi của chúng ta hôm nay còn có một vị khách mời rất đặc biệt mà tôi đã được nghe các anh lính Thanh Oai đã nói về em rất nhiều. Phần giới thiệu cụ thể về em xin nhường cho anh Quân trong ban liên lạc của Thanh Oai sẽ giới thiệu.  Trước hết xin mời em đứng lên cho mọi người được nhìn thấy. Tôi đã đứng lên trong tiếng vỗ tay của cả đoàn đi. 

        Anh Quân CCB của e88 Thanh Oai đã thay mặt anh em Thanh Oai lên phát biểu cảm tưởng và cũng là phần giới thiệu từng người trong đoàn CCB đi hôm nay của Thanh Oai. Anh Quân trong hồi xúc động . Anh nghẹn ngào nói rằng!  Để có chuyến đi hôm nay những người cựu binh e88 Thanh oai  cảm ơn rất nhiều về những gì mà các anh trong ban liên lạc của e88 đã giành cho các anh. Các anh trong ban liên lạc đã tìm lại được một đàn con của e88 Thanh Oai lưu lạc bấy nay chưa tìm được chốn về nhà. Và một phần thưởng thật cao quý cho tất cả các anh , những người còn sống có một chuyến đi đầy ý nghĩa này. 

       Anh Quân nói cũng đã dài. Tôi cứ ngỡ anh Quân sẽ miễn phần giới thiệu nữa về cô CB. Nhưng anh vẫn không quên và vẫn nhắc lại rằng. Cô CB ngày ấy!  Cô ấy bé lắm. Cái hình ảnh cô CB đội cái mũ tai bèo đứng bên bếp lò cầm cái xẻng chia cơm cho chúng tôi ăn. Anh lại nghẹn ngào. Có lẽ lúc ấy cái ký ức thời trai trẻ của anh lại dội về. Quay sang phía tôi  anh cười.!
    -   Xin mời CB đứng lên lần nữa cho mọi người nhìn rõ hơn nào! 
    Lần thứ hai tôi đứng lên trong tiếng vỗ tay của các anh.  Tôi đã gần như bật khóc. Anh Vĩnh đã nói to. Từ hôm nay CB luân chuyển mỗi buổi ngồi một ghế cùng với các anh. Câu nói vui thôi. Nhưng nó đã nói lên rằng tình cảm của các anh vẫn dành cho CB gần gũi, thân thiện đến làm sao!

          Chiếc xe vẫn vun vút lao nhanh trên đường mòn Hồ Chí Minh. Xe qua đất Xuân Mai, xe lướt nhanh trên từng cung đường trên đất Hòa Bình. Hai bên đường phong cảnh thật nên thơ, Núi non hùng vĩ. Những mái nhà sàn chênh vênh trên sườn núi. Những cô gái Mường xinh đẹp sao hôm nay cũng dậy sớm từ lúc màn sương vẫn chưa tan. Họ đang đi lên phía những nương Ngô xanh mướt. 

        Phút giây trên xe tôi thấy như lắng đi những tiếng ồn ào. Tôi đứng lên cho thoải mái một chút và một lần nhìn lại suốt hai hàng ghế đến cuối xe để chiêm nghiệm lại từng khuôn mặt của các anh. Người thì đang  ngủ gà ngủ gật. Người thì thức nhưng nét mặt như suy tư đang nhìn ra phía bên ngoài như để tận hưởng cảnh đẹp của núi rừng Lương Sơn.

        Ừ phải rồi! Những khuôn mặt kia. Những khuôn mặt ngày xưa của các anh mình vẫn còn hình dung lại. Mình vẫn còn nhớ cả mặt nhớ được cả tên! Chỉ còn khác hôm nay trông mái tóc ai giờ cũng đã hai màu. Đã 41 năm trôi đi rồi còn gì nữa. Quá nửa đời người cũng dài  phải không các anh? Nhìn lại các anh tôi thấy rưng rưng, cổ như nghèn nghẹn lại. bao nhiếu ký ức xa xưa lại ùa về chật ních trong tôi.

         Các anh ơi! Hôm nay là ngày mồng 6 tháng 4. Những ngày này của 41 năm về trước, các anh có biết không?  Bọn em đang đắp lại cái bếp lò ở gần bến nước của làng Vân Trụ để chuẩn bị đón các anh đi dã ngoại về. Chiều tà em ngồi bên bến nước cứ bâng khuâng, nhơ nhớ. Thế là tính từ hôm các anh lên đường đi hành quân dã ngoại đến nay đã quá nửa tuần trăng vậy mà vẫn chưa thấy các anh về.  Bọn em và cả dân làng Vân Trụ buồn xao xác. Chỉ mong sao ngày các anh về cho làng Vân Trụ được nhộn nhịp lên. Để lại có những đêm trăng CB và các bạn lính nhọ đít  lại được nghe những giọng hò sông Mã ngọt ngào của các chàng trai quê Lụa với các cô gái thật đáng yêu của làng vân trụ trên dốc Đồi Đôi.

        Thế rồi chiến tranh miền Bắc lại bắt đầu. Bầu trời và mặt đất của xứ Thanh đã thành những cơn bão lửa. Đạn bom, chết chóc thương đau. Bọn em đã được lệnh lên đường hành quân đuổi theo đơn vị. Lát nữa thôi em sẽ kể câu chuyện mà các anh ngày xưa đã chưa được biết. Hôm ấy cũng vào một chiều Hè. Gió Lào nắng gắt. Em đã xuýt nữa thì đã vĩnh viến nằm lại bên Cầu Chuối cùng 40 cân cà. Trong lúc em nằm nhìn những loạt bom rơi. Em đã nghĩ đến cái chết cho mình. Em đã khóc gọi Mẹ. Gọi người Yêu. Gọi các anh lính C2. Gốc sim đã làm rách chiếc áo xuân hè và làm em chảy máu ở sườn lưng. May mà em vẫn còn sống. Để hôm nay đã cùng được đi với các anh vào nơi ngày xưa các anh đã từng chiến đấu.

          Còn với các anh! Thì cho tận đến bây giờ em cũng vẫn không thể quên đi cái chiều hè năm ấy. Lại cũng là lúc Hoàng Hôn đã nghiêng nắng. Bảy nữ hậu cần bọn em đã đứng dóng hàng ở cái đầu Đình ven đầm Sen của làng Đồng Phú để tiễn các anh đi vào trận trong những giọt nước mắt chảy dài lăn vào miệng em mà vẫn thấy còn mặn chát đến bây giờ. Rồi cuôc chiến vẫn kéo dài suốt mấy năm sau. 

          Ngày Thống Nhất người mất người còn. Ai còn sống thì đã trở về với bao bộn bề của cuộc sống hiện tại. Người thì vể quê xây tổ ấm. Người thì tha phương tim chốn mưu sinh.  Dòng xoáy cuộc đời khiến chúng mình đã lưu lạc giữa nhau. 

          Cho tận 39 năm sau khi tìm gặp lại. Bọn em mới giật mình rằng!  Thì ra cái chiều Hè năm ấy. Những cô gái nuôi quân đã tiễn các anh đi vào 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Nơi có những trận chiến đầy cam go, ác liệt. Và các anh. Những chàng trai quê Lụa khi lên đường lúc ấy đã không còn cái phiên hiệu C2,D612.F338. nữa  mà các anh đã trở thành người lính đầy dũng mãnh thuộc E88. F308. Một sư đoàn quân Tiên Phong ngày ấy. Mỹ, Ngụy mới nghe tên mà đã thấy kinh hoàng. Một khoảng trời Thành Cổ phút chốc đã biến thành những cơn bão lửa. Cái chết luôn cận kề  người lính. Đêm qua những người lính ấy bơi qua sông Thạch Hãn vào Thành mà sáng nay không thấy ai trở ra. Đó là một nhẽ rất thường của người lính Thành Cổ.

        Cũng thật may cho số phận các anh hôm nay vẫn còn lại.  Các anh còn được trở về. Để mới có ngày hôm nay mình lại được cùng nhau đi trên chuyến xe đầy tình, đầy nghĩa. Anh em chúng mình sẽ vào thắp tuần hương tri ân cho các anh lính C2 ngày ấy còn nằm lại. Và một lần tìm lại tên cho các anh vẫn còn trong đó chưa về.
    khesanh
    khesanh
    Binh nhất
    Binh nhất

    Tổng số bài gửi : 60
    Join date : 01/12/2013

    Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa Empty Re: Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa

    Bài gửi by khesanh Tue Nov 04, 2014 9:20 pm

    NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA CHUYẾN ĐI.(Tiếp theo)

      Bữa cơm trưa ở Thành phố Vinh thật ngon miệng. Thời gian dừng lại không nhiều nhưng cũng đủ cho mọi người có cơ hội làm quen nhau hơn trong bữa ăn. Chị Quy phu nhân của anh doantho thì tôi đã trở thành thân thiện rồi. Bây giờ tôi lại được làm quen với các chị Hà, Chị Hạnh vợ anh Kỳ phó đoàn. Người thứ tư tôi được làm quen nữa đó là phu nhân của anh Hữu Thiết. Chị giới thiệu với tôi chị tên là Phiến.  Chị Phiến thật dễ gần. Thế là mấy chị em đã được biết tên nhau và bắt đầu thân thiện.

         Trời chiều đã hửng nắng. Chiếc xe màu mận đã chia tay với đường mòn Hồ Chí Minh. Xe đã bắt đầu đi theo Quộc Lộ số Một. Trên xe vẫn là những chương trình ca nhạc và những câu chuyện kể tự phát vẫn diễn ra xôi động  làm quên đi bao mệt mỏi của đường dài. Hai tiếng đồng hồ trôi đi nhanh chóng nhà xe đã cho đoàn dừng lại nghỉ ngơi. Bước xuống xe. Một cảnh đẹp hiện ra đến mê hồn. Rặng phi lao trên cồn cát vi vu trong gió lộng. Ngoài phía biển xa đến hết tầm nhìn. Những con sóng bạc đầu từ ngoài khơi cứ chồm lên đuổi nhau rồi sóng nhỏ dần, nhỏ dần  cho tận khi sóng xô vào bờ cát  Một vùng trời biển mênh mông rộng đến khôn cùng. Tất cả đoàn ào xuống mặc cho gió lạnh đều chạy ùa ra trước biển. Những bước chân chạy trên bãi cát đã tạo đà cho gió cuốn theo những hạt cát trắng bay bụi mù khắp khoảng không gian. Các anh lính cựu binh Thanh oai những người của miền cận núi rừng hôm nay được về với Biển ai cũng háo hấc như muốn thời gian giải lao ở đây được kéo dài thêm để mà ngắm Biển . Anh Tú thật miệt mài với cái máy quay. Anh như muốn quay lấy tất cả vùng Biển Trời nơi đây. Anh đang cố thu tất cả những con sóng xô ngoài biển cả vào trong chiếc máy nhỏ của mình. 

           Mấy anh em ngồi nói chuyện. Tú luôn nói trong xúc động. 
    -   Đúng là bao nhiêu năm trôi đi. Sau ngày Thống Nhất rời áo lính anh được về trường học. Khi ra trường là cuộc đời công tác của anh bắt đầu gắn liền với công trình Thủy Điện Sông Đà. Thời công tác anh cũng được đi nhiều suốt từ Nam ra Bắc với các công trình. Nhưng có lẽ chẳng có cuộc đi nào có ý nghĩa bằng và vui bằng cuộc trở lại chiến trường xưa cùng với đồng đội đã một thời gian khổ thế này!  

    Anh lái xe trẻ vẫn cần mẫn  làm bạn với vô lăng.  Xe vẫn bon bon đi trên đường. Qua lăng kính tôi vẫn chăm chú nhìn ra phía Biển. Bống phía đầu xe giọng hát hùng tráng của anh Văn Báu, anh Đức Trọng  lại vút lên” Vượt Đèo Ngang nào bạn ơi...Tay lái ta rộn lên lời ca….Hợi cô gái… trên đất Lam Hồng.” Cả xe nhốn nháo đứng lên nghiêng ghé. Có tiếng ai phía sau.
    -   Đến Đèo Ngang rồi phải không? 
    Hôm nay xe không còn phải vượt đèo . Xe đã đi xuyên qua Hầm Đèo . Một con đường đầy trí sáng tạo bằng khoa học hiện đại.  Anh Tú nói với mọi người . Đây là một công trình do Tổng công ty của anh thi công. Trực tiếp thi công là Sông Đà 10. xe đi qua hầm . một cảm giác mát đến lạnh người. Cửa hầm đèo bên kia là sang đất Quảng Bình. 
       
       Xe vẫn lao nhanh trên những nẻo đường năm xưa.  Nhìn qua lăng kính những cồn cát trắng phau. Vậy mà những cây Phi Lao vẫn xanh rì trong cát bỏng. Tôi đang lâng lâng trong ý nguyện của mình. Chuyến này đi mình sẽ xin đoàn mấy phút thôi để gặp lại người thương binh ấy!  CB mới chỉ tìm lại được anh ấy sau 41 năm qua máy điện thoại cách đây mới có 4 ngày. Câu hát năm xưa mình đã từng ngồi hát cho anh nghe! “ Nếu ai hỏi vì sao…….Quảng bình….. quê ta ơi giữ lấy đất trời mà ta yêu quý….”  Ngày ấy mình chỉ hát cho anh Thương Binh nghe bài hát ấy có một đoạn thôi mà sao dài mãi đến bây giờ. Tôi rất thương người thương Binh ấy! Tôi không hình dung ra được người ấy bây giờ. Chỉ hình dung lại một người TB nhỏ nhắn, có nước da xanh mái vì cơm nắng. Hai chân không nhấc được lên khỏi mặt giường. Mình đã rất vui khi biết tin anh ấy vẫn còn đang sống mà còn cả một gia đình hạnh phúc Thật đúng là chỉ có sức mạnh và lý trí của con người đã vượt lên tất cả.

           Qua cầu Sông Gianh. Là lúc hoàng Hôn cuối ngày. Ông  mặt trời tròn như cái mâm đỏ lựng nằm ở sát  chân trời. Giải đất đất  Miền Trung mà lại có được một khoảng không rộng mênh mông nhìn thấu tận chân trời quả là hiếm hoi.

        Qua Hồ Xá khi trời vừa tối. Có lẽ những bài hát của các anh Văn Báu, Đức Trọng thường hát những bài hát nói trên địa danh nơi mình đang đi tới.  Bài hát “ Câu hò bên bến Hiền Lương “ Đã lại được vút lên. “Tình này ta xây đắp nên thủy chung không bao giờ phai………” Câu hát cuối cùng vừa dứt. Chiếc xe từ từ dừng lại.  Bến Hiền Lương đã tới. Ai cũng háo hấc được nhìn tận lên cột cờ. Nhìn lên bầu trời. Trong không gian mờ tối những tôi vẫn nhìn thấy rất rõ lá cờ Tổ Quốc đang tung bay giữa bầu trời tự do đầy gió lộng. Đêm cuối tháng nên đã vắng vầng trăng, những vì sao đêm nay cũng thưa thớt. Vậy mà ai cũng thi nhau chụp ảnh làm kỷ niệm.Cả đoàn đã không có ai lên xe để sang qua cầu mới. Các anh dnắm chặt tay nhau để lần đầu tiên đi qua cây cầu Hiền Lương ngày xưa đã đi vào lịch sử để sang bờ Nam. Cầu tối lắm đoàn đi đã nhờ vào ánh sáng của những cái điện thoại phát ra.

         Trong ánh sáng lờ mờ. Là người cuối cùng của đoàn đi trên cầu Hiền Lương. Tôi đặt từng bước chân chậm rãi đi trên từng thanh gỗ gập ghềnh. Buâng khuâng tôi nhìn xuống dòng sông Bến Hải mà bần thần. Sao dòng sông kia không rộng lắm? Cây cầu bắc qua cũng không dài! Vậy mà sao bao năm cây cầu vẫn phải chia đôi. Sông Bến Hải nhỏ thôi mà vẫn phải chia đôi dòng nước. Cảnh con xa cha, vợ phải xa chồng.  Hai cái loa truyền thanh đã cũ kỹ hôm nay nó đã trở thành kỷ vật để nhớ mãi một thời. Hai loa kia chẳng nhỏ bé chút nào. Nó cũng là một loại vũ khí không kém mạnh mẽ đã góp phần cho thắng lợi mà không hề đổ máu. Cũng từ âm thanh của hai chiếc loa này. Những tiếng gọi tha thiết của những người Mẹ, Những người chị động viên các con em mình hãy quay trở về với Tổ Quốc. Đêm Đêm chương trình tiếng hát gửi về Nam gửi đến các anh lính Cộng Hòa. Qua giọng hát của chị Thanh Huyền, chị Thu Hiền sâu lắng. Tiếng gọi của các Mẹ, các chị cùng với tiếng hát từ bờ Bắc đã bay sang làng Cát. Bay tới tận Cà Mau. Lời Mẹ và những bài ca đã gieo vào lòng những người lính Cộng Hòa cái day dứt. Khiến họ bừng tỉnh nhìn về non sông và đã rời hàng ngũ địch trở về với cách mạng. 

          Tạm biệt cầu Hiền Lương trong không gian đã tối. Đoàn chúng tôi ltiếp tục lên xe đi về hướng Nam. Tai tôi vẫn như văng vẳng" Câu hò bên bến Hiền Lương"

    Sponsored content

    Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa Empty Re: Những ngày tháng 4. CCB e88 - F308 Thanh Oai trở lại chiến trường xưa

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Fri May 17, 2024 10:15 am

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]