Mặt trận Biên giới Tây Nam (P2.1)

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Mặt trận Biên giới Tây Nam (P2.1)

    cuuchienbinhvn
    cuuchienbinhvn
    Hạ Sĩ
    Hạ Sĩ

    Tổng số bài gửi : 129
    Join date : 01/10/2013

    Mặt trận Biên giới Tây Nam (P2.1)  Empty Mặt trận Biên giới Tây Nam (P2.1)

    Bài gửi by cuuchienbinhvn Wed Apr 02, 2014 5:07 pm

    CHUYẾN TÀU QUÂN SỰ
    Có bốn đứa cùng lớp, cùng đơn vị thì bị tách thành hai nhóm. Khi lên tàu yên vị, tôi với thằng T.Anh ngồi cạnh nhau. Còn thằng Bình với thằng Hiệp ngồi hình như ở toa khác. Các cửa toa đóng lại. Lát sau con tàu bắt đầu chuyển bánh. Hàng lính cảnh vệ, và những người thân hôm đó vô tình lên thăm bộ đội, ráng ở lại đến cuối chiều chờ phút chia ly trên sân ga… lùi dần, lùi dần…
    Đến ga Nam Định, tàu dừng một lát ngắn. Rất đột ngột, bố T.Anh xuất hiện ở ngay đầu toa. Chúng tôi cùng chạy đến. Ông đã từng học ngành đường sắt ở Bắc Kinh. Lúc đó, ông làm cán bộ điều độ tại ga Hàng Cỏ nên biết rõ hành trình của các chuyến tàu. Chỉ ông mới có đủ trách nhiệm và quyền hạn cần thiết để lên toa quân sự này. Người cho chúng tôi một ít tiền và dặn rằng: anh em chúng mày, dù ở đâu cũng phải phải bao bọc lấy nhau.
    Bố nó cũng như bố tôi thôi! Mấy tháng trước, khi vừa thi xong nghỉ hè. Chúng tôi toàn đạp xe lang thang ngoài đường, đi chơi về muộn. Chổng mông tắm ở máy nước công cộng cho khỏi nóng. Khuya mới về nhà nó lục cơm nguội ăn, rồi lăn ra nền ngủ. Sự hiện diện của ông tại toa này, như nhắc rằng những ngày hè cuối cấp đó còn tươi rói. Rồi ông xuống tàu, lên chuyến tàu tránh ngay tại đó ngược trở lại Hà Nội. Tôi vẫn nhớ lúc đó trời còn chưa tối hẳn, mặc dù đèn hành lang trên ga đã sáng. Nước mắt anh em tôi giàn giụa…
    Đêm đó là một đêm thật buồn. Đồng bằng tối đen. Có những chấm vắng đèn đêm xa lắc, trôi ngược chầm chậm qua cửa sổ, trong tiếng bánh xe lăn ù ù...Cây đàn guitar thằng Bình Hàng Giấy mới đưa cho tôi trên sân vận động còn nguyên trên xích đông kia. Cây đàn này đã cùng chúng tôi đã hát bài Guantanamera, với bộ trống do con trai ông Cát Huyền Minh số 11 Hàng Giấy chơi trong hội diễn cuối cấp. Hy vọng là thằng Bình còn giữ hình ảnh cây đàn đó trong những tấm hình học sinh sót lại. Nếu còn thì tôi sẽ đưa lên đây như một tri ân. Nhưng từ nay, cây đàn này sẽ sống một cuộc sống khác. Để rồi nó vỡ tan hoang trong một cú đập mà tôi, trong một lúc tuyệt vọng, đã vạng không thương tiếc vào cái cột nhà sàn bên bờ sông của một đất nước khác: bờ sông Niếc Lương.
    Quãng chừng khuya, tàu đang chạy chậm, chuẩn bị vượt cầu Hàm Rồng thì rầm rầm dồn toa, khựng lại bất ngờ. Có tiếng hô, tiếng quát mấy toa dưới. Đó là mấy ông lính đào ngũ sử dụng phanh khẩn cấp trong toa để dừng tàu. Họ quăng ba lô qua cửa sổ, cũng theo cửa đó tuồn ra rồi mất hút trong bóng đêm. Không ai truy đuổi theo cả. Nhốn nháo một lúc rồi tàu lại chuyển bánh… Đến sáng hôm sau thì tất cả cái sự buồn vỡ bích quy hôm trước tan biến. Khung cảnh bên đường luôn thay đổi. Tàu chạy qua những vùng đất trước tôi chỉ biết qua sách vở, khiến lòng người háo hức. Đường sắt Quảng Bình có những đoạn chạy lút giữa những đồi gianh cao ngập đầu người. Những đoạn đường đất heo hút cắt ngang, có những em bé chỉ mặc áo mà không mặc quần, nheo nhóc đứng trông theo đoàn tàu. Những cầu sắt nhỏ, bắc qua những lạch nước bỗng réo lên ù ù khi tàu vượt qua. Sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu xanh biếc. Chỉ có những con ngòi sâu vùng thượng du mới có cái màu xanh thủy tinh đặc biệt ấy… Chắc mọi người còn nhớ là hồi đó chúng ta thường có những cuốn lịch bỏ túi xinh xắn. Bìa thường in cành đào hay hình một cô gái đẹp. Trong cuốn lịch đó có một mục thống kê các ga trên tuyến đường sắt Thống nhất từ Hà nội đến Sài gòn và độ dài từng cung đường.

    Tôi chúi mũi vào đó để tra tên ga xép, biết mình đang đi qua đâu. Năm ngoái, chuyến đi xa nhất về phương nam theo cơ quan bố đi nghỉ mát là mới chỉ đến Sầm Sơn, Thanh Hóa. Vậy nên tôi gần như ôm chặt cái cửa sổ, mắt hút hết cảnh vật trên đường… Một phác thảo theo ấn tượng còn lại:
    Cầu Hiền Lương bé tí.
    Cửa Tùng bên tay trái xa kia.
    Nơi đó cách đây 18 năm,
    Nửa đêm bố đạp xe ra Hồ Xá.
    Đánh điện về nhà đặt tên cho mình.
    Lịch kịch! Rình rình…
    Quảng Trị cát trắng...
    Những ruộng ớt đỏ.
    Những con đường vắng.
    Những nhà tôn tạm bợ không người.
    “Đây là ga Huế!”.
    Các công tằng tôn nữ mập và hơi đen.
    Vị trà đá uống chưa quen.
    Lăng Cô: năm hào được một đống ghẹ luộc.
    Hải Vân đệ nhất hùng quan
    Hổn hển hai đầu tàu kéo đẩy.
    Chui hầm tối.
    Lính mồm reo...
    Mắt chợt khóc vì đầy bụi.
    Chẳng cái ngu nào giống cái ngu này!
    Đà Nẵng tàu chạy giật lùi.
    Tam Kỳ: đồồng rỡi một coong gà.
    Dịch mãi mới ra
    Eng nói thế
    Bố thằng tây nó hiểu!
     
    CĂN CỨ LONG BÌNH
    Hành trình xuyên Việt băng xe lửa kết thúc ở ga Hố Nai. Xe tải đón về Long Bình. Ấn tượng nhất là cái cổng lớn ghép bằng những tấm ghi thô sơ, trông xấu thậm tệ. Sau mấy ngày đi tàu, mồ hôi chua loét. Cả đoàn tranh nhau ra cái giếng to tắm giặt. Lần đầu tiên biết nhai bo bo toàn tòng. Những hạt bo bo màu nâu nấu cứng, nhai lép bép trong miệng. Vậy mà mỗi đứa cũng chỉ kịp hớt hai bát là nhẵn nhụi. Ở ngoài Bắc chúng tôi ăn cơm độn ngô vàng. Còn trong này là bo bo. Lương thực cho lính như vậy là có khác nhau theo từng vùng.
    Chúng nó bảo ở đây gần Sài gòn lắm rồi. Những đứa có họ hàng, người nhà, gửi đồ lại cho nhóm cạ rồi tếch đi chơi luôn. Không biết có đứa nào tếch thẳng không? Tôi không có ai quen biết nên nằm lại. Vét mấy đồng còn lại theo ra cổng ăn đậu phụng chiên da cá, uống nước rau má.
    Cái nước rau mà hàn tính đó, nó xỏ tôi một vố sau này. Kể luôn là thế này: Hồi ra viện sư đoàn, trốn về Sài gòn cùng thằng Trung thì có đến ở nhà bác nó tá túc chờ tàu. Nhà chật, lại đông người. Gồm có hai bác, hai cô con gái trạc tuổi tôi. Lại thêm tôi với thằng Trung thành 6 người trong một diện tích khoảng 10m2. Tôi với thằng Trung ngủ trên gác lửng cùng ông bác. Còn bác gái với hai cô ngủ tầng trệt. Hồi cơm chiều xong, ra ngõ làm ly rau má mát lạnh cho khoái khẩu. Đến đêm thì bụng đau quặn, sôi ùng ục. Cá mắm Căm pu chia tẩn nhau với nước rau má lạnh Sài thành dữ dội. Đành ôm bụng đi xuống nhà cầu. Lối đi lại phải qua giường các quý bà. Thế mới bất tiện.
    Đêm đó tôi diễu qua diễu lại cái giường đó không dưới 5 lần...Nhưng điều đó không tệ bằng cái thứ âm thanh trung thực, lại không phải tiếng vĩ cầm do tôi, đúng hơn là do rau má, phát ra từng đợt qua cái cửa tạm kề giường ngủ bằng tấm ri đô. Mặc dù tôi đã cố gắng vận hết sức để giảm thiểu volume. Báo hại là hình như càng cố gắng, khi buột ra thì nó càng vang vọng đến tàn tệ. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy xấu hổ nhục nhã. Huống hồ là khi đó mới hai chục tuổi đời sĩ diện chứ mấy. Khổ quá! Ở Sài gòn cũng có cái khổ của Sài gòn. Đâu cũng có những nỗi khổ riêng.Thôi tiếp câu chuyện cho chóng quên.
    Được mấy bữa thì xe quân sự đến đón. Cái xe ca trong này cũng khác xe ngoài Bắc. Nó dài ngoẵng và xanh xanh đỏ đỏ rất vui mắt. Lúc đó cũng chẳng biết mình được đón đi đâu. Chỉ biết xe thẳng hướng Sài gòn là thấy sướng. Nhưng nó chỉ chạy đến Thủ Đức thì rẽ phải. Chẳng thấy hòn ngọc Viễn đông trong mong ước đi qua. Dần dần thì chỉ thấy rừng cao su mút mắt. Cảm giác nữa là đường quá nhẵn, quá tốt, khác hẳn những con đường thơ ấu đầy ổ gà ngoài Bắc. Hồi nhỏ đi sơ tán theo viện bố, tôi hay được ngồi ké ghế trước cái com- măng- ca đít vuông của ông. Đường Hà nội lên Vĩnh phúc có 50 km mà nó chạy mất đến 3 tiếng lận. Đây thì xe cứ vù vù lướt êm cuốn mù bụi vàng. Bên đường thoáng qua, những quán nước có những nải chuối tây treo lủng lẳng. Thêm một nhận xét là chuối rẻ như cho, và toàn một loại chuối tây.
     
    CĂN CỨ TRẢNG LỚN
    Cho đến khi chuyển từ trạm Long Bình về cứ của Sư đoàn 9 ở Trảng Lớn, Thị xã Tây Ninh năm 1978, tôi - một binh nhì 18 tuổi đời vẫn chưa có hình dung nào về chiến tranh trên bộ, về những ngày tháng mình sẽ đi qua cùng trung đoàn mình được bổ sung vào.
    Thị xã Tây Ninh, một thị xã biên giới xinh xắn và xanh ngắt nằm yên tĩnh giữa một vùng đất đỏ. Đoàn xe quân sự vừa dừng bánh, các dì, các em chìa tận cửa xe mời mua những bịch nước mía đá, những gói kẹo đậu phộng... “Mía ghim! Mía ghim....Năm hào một cây mía ghimm...”. Xe lôi, xe thổ mộ ngược xuôi. Toà Thánh Cao Đài, chợ Long Hoa người đi lại nhộn nhịp. Đám đông dân chúng thỉnh thoảng điểm sắc lính áo xanh. Trong một vài quán cóc, dăm ba thương binh chống nạng hoăc băng tay trắng toát, phì phèo điếu thuốc rê trên môi, nhìn theo đoàn lính mới ra chiều thông cảm...
    Chúng tôi được gom vào tiểu đoàn 31, một tiểu đoàn với chức năng huấn luyện bổ sung của sư đoàn tại căn cứ . Nhưng những ngày ở đó, cũng không có huấn luyện được thêm gì. Quanh khu căn cứ, có một đội quân đầu nậu thu gom "ve chai" các đồ thải, vật dụng chiến tranh, quân cụ...Tôi thấy hồi đó toàn các anh em lính cũ nằm trông cứ ở Trảng Lớn suốt ngày đi kiếm đồ trong căn cứ, giấu gom một chỗ. Đêm mang qua lỗ thủng hàng rào bán. Tấm ghi lót đường băng có giá nhất. Kế đến là tôn, cọc rào thép gai có các tai móc, cát tút đạn 105mm...Sau mót hết rồi thì đào dây điện. Thỉnh thoảng bị vệ binh rượt, bắn đùng đùng, quăng cả ghi mà chạy. Vệ binh phục ở các đường rào thủng "dân sinh" này là chắc ăn. Thu lại được thì cũng bán nhậu nốt.
    Tiểu đoàn trưởng vệ binh sư 9 năm 78 tên là đại uý Thanh Nga. Ông này lúc nào cũng có mùi rượu. Nhớ cả anh Lan đội trưởng vệ binh cổng Trảng Lớn nữa... Một hôm, tôi đang ngồi uống nước mía, cái áo mút mang đi từ ở nhà khoác buộc trên cổ thì ông ấy với mấy thằng lính vệ binh xộc vào. À! Thằng này định bán quân trang! Bắt nhốt cho tao! Tội nghiệp cái thời đó! Cái áo mút cũng phải được mấy chục. Và nó không phải là quân trang mà ở nhà mang đi mặc trong quân phục cho khỏi lạnh. Thế là mình vào "boong ke", vốn là cái thùng dù tiếp vận Mỹ, chật và nóng điên người. Còn cái áo thu được thì tụi nó bán, nhậu ngay lúc đó. Cà tưng cà tưng lên rồi thì ném đá hoặc lấy thanh sắt đập vào thành boong ke làm chói ù hết tai. Nhậu tàn thì chúng nó thả tôi ra. Ông Thanh Nga lại còn ca mấy câu vọng cổ nữa, rồi chúng nó cười ầm cả lên...Tôi lủi thủi đi về tiểu đoàn huấn luyện. Ức nghẹn họng, nước mắt cứ giàn giụa vì từ bé đến lớn chưa bao giờ bị cư xử bất công như thế.
    Cái nhớ nữa ở Trảng Lớn là ổ bánh mỳ suất buổi sáng của lính. Cái bánh mỳ nho nhỏ thơm dậy mùi men đặc biệt. Nhất là khi nó vừa được dỡ ra từ bao tải còn nóng hôi hổi. Suất sáng điểm tâm này chúng nó liếm một phát hết nửa cái. Còn mình cứ dè dặt nhấm nháp. Cái bánh mỳ thơm, bột trắng và vỏ giòn tan, hơn loại bánh mỳ mậu dịch mà chúng tôi gặm suốt những năm thơ ấu. Nhớ sang cả cái lúc tụi tôi 4 đứa Tùng, Vinh, Anh, Thọ trong năm học lớp 9, trong một lần trốn tiết. Đổi 8 cái tem lương thực 250g lấy 8 cái bánh mỳ sừng bò, rồi lên hàng cây cơm nguội trụi lá mùa đông trên khách sạn Thắng Lợi gặm. Từ đó kết giao thành hội VAT. Bây giờ, cả bốn đứa đều vào vùng biên giới Tây nam này.

      Hôm nay: Fri May 17, 2024 3:41 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]