Những người lính Việt Nam trong mắt cựu binh Mỹ

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Những người lính Việt Nam trong mắt cựu binh Mỹ

    Hoa Ban Tím
    Hoa Ban Tím
    Super Moderator
    Super Moderator

    Tổng số bài gửi : 82
    Join date : 04/10/2013

    Những người lính Việt Nam trong mắt cựu binh Mỹ Empty Những người lính Việt Nam trong mắt cựu binh Mỹ

    Bài gửi by Hoa Ban Tím Mon Oct 07, 2013 7:51 pm

    (CATP) LTS: Chỉ sau khi thất bại trong cuộc chiến ở Việt Nam năm 1975, người Mỹ mới thực sự tìm hiểu về kẻ thù của mình.
    Nhà thơ Hữu Thỉnh (bìa trái), Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam một lần đến Mỹ
    Tính đến năm 2009, có khoảng hơn 4.000 đầu sách viết về chiến tranh Việt Nam và những điều liên quan đến cuộc chiến này. Một trong những đề tài được quan tâm nhất của những cựu binh Mỹ là hình ảnh các chiến sĩ giải phóng quân. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã làm việc với nhiều nhà thơ, nhà văn, giáo sư Mỹ là cựu binh trong 20 năm nay. Ông gửi cho Báo CATP một ghi chép về cái nhìn của những cựu binh Mỹ về chiến tranh Việt Nam và những người lính Việt Nam. Báo CATP xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
    Kỳ 1: Chơi bóng rổ với Việt cộng
    Tôi muốn mở đầu loạt ghi chép này bằng bài viết với cái tít là tên bài thơ Chơi bóng rổ với Việt cộng của Kevin Bowen, nhà thơ, giáo sư văn chương Đại học Massachusetts và là cựu binh Mỹ. Kevin đã đóng quân ở núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Bài thơ được viết trước khi quan hệ Việt Nam và Mỹ được bình thường hóa. Đó là một năm trước cửa ngôi nhà của Kevin ở khu Dochester, Boston xuất hiện một Việt cộng - ông Nguyễn Quang Sáng.
    Bìa cuốn sách Chơi bóng rổ với Việt cộng
    Kevin đến Việt Nam trong nghĩa vụ quân dịch. Ông đóng quân ở núi Bà Đen, Tây Ninh một năm rồi trở về Mỹ, vào trường đại học. Trong những ngày nghỉ, Kevin đi bán trái cây. Năm 1972, ông gom toàn bộ tiền bán trái cây đi Paris. Ông đến đó để chờ đợi kết quả của Hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam. Nhưng kết quả của Hội nghị Paris đã làm ông thất vọng. Người Mỹ vẫn can thiệp vào cuộc chiến tranh ấy và nước Việt Nam vẫn bị chia cắt. Ông trở về Boston, bắt đầu sáng tác thơ về cuộc chiến tranh mà ông đã tham gia, đã phản chiến và làm thơ về đất nước, con người Việt Nam.
    Sau đó, Kevin Bowen làm Giám đốc Trung tâm William Joiner, một nơi nghiên cứu về hậu quả chiến tranh và xã hội của Đại học Massachusetts. Hầu hết các thành viên của trung tâm này là những cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Đây là trung tâm đầu tiên ở Mỹ đã tìm cách làm cho người Mỹ hiểu về kẻ thù của mình ở một phía khác - phía bên trong con người họ. Năm 1987, vượt qua mọi đe dọa và khó khăn, Kevin đã đưa nhà văn Việt cộng đầu tiên đến Mỹ. Đó là nhà văn Lê Lựu. Ông muốn người Mỹ được trực tiếp cảm nhận kẻ thù của mình. Rồi sau đó, những nhà văn Việt Nam vốn xuất thân là những người lính trong cuộc chiến tranh, đã đến Mỹ. Họ đến đó không phải để nói về chiến thắng của họ. Họ đến để bằng nhiều cách nói về con người Việt Nam.
    Nguyễn Quang Thiều đọc thơ ở Boston, Mỹ
    Trong khi quan hệ giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ còn rất căng thẳng thì Kevin đã tìm cách đưa các nhà văn Cộng sản Việt Nam đến Mỹ. Với tôi, Lê Lựu là một trong những vị Đại sứ hòa bình đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ. Lê Lựu, một người lính, một nhà văn, một người Việt Nam đã mang đến Mỹ thông điệp về văn hóa, về khát vọng hòa bình và lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam. Người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một Việt Nam khác ngoài một Việt Nam của những cuộc chiến tranh liên miên trong đoạn trường của lịch sử. Rồi sau Lê Lựu là các nhà văn, nhà thơ khác. Cùng với các nhà văn, nhà thơ đến Mỹ là những tác phẩm văn học Việt Nam bắt đầu được giới thiệu ở Mỹ. Kevin và Trung tâm William Joiner của ông đã làm những việc đó. Và đối với những người Mỹ còn chưa hiểu Việt Nam hoặc còn mang trong lòng thù hận nào đó thì Kevin đã trở thành kẻ thù của họ. Một số người Mỹ đã gọi điện đến nhà Kevin đe dọa tính mệnh các con ông, thậm chí đe dọa sẽ hiếp vợ ông. Ông thực sự hoảng sợ. Ông đã đổi số điện thoại, giấu địa chỉ nhà. Rồi ông đổi chỗ ở. Ngày Lê Lựu ở Mỹ, Kevin và một số thành viên của Trung tâm William Joiner đã giấu Lê Lựu như những gia đình cách mạng trong kháng chiến giấu cán bộ của mình. Và nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một trong những Việt cộng đã đến đất nước của kẻ thù.
    Tôi đã ở trong ngôi nhà của Kevin nhiều lần. Tôi vẫn còn nhớ trên sân sau nhà Kevin dựng một cái cột có túi lưới để chơi bóng rổ. Hầu như các nhà văn Việt Nam đến nhà Kevin cũng thử ném bóng đôi lần vào những buổi chiều với những cựu binh Mỹ. Nhưng đó không phải một cuộc thi đấu bóng rổ. Đó là lúc những cựu binh Mỹ và những người Mỹ khác bắt đầu quan sát kẻ thù của họ. Họ cố tìm ra điều gì đã làm cho những người lính Việt Nam có thể chịu đựng những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ và chết chóc một cách kỳ lạ như vậy. Và trong bài thơ này, Kevin, hay có thể nói cách khác là những người Mỹ, đã tìm ra một trong những câu trả lời ấy:
    Chúng ta đứng nhìn ông im lặng
    Quần soóc, áo phông, dép, tóc hoa râm
    Ông nhìn chúng ta mỉm cười
    Đó là món quà để con người hạ súng
    Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long
    Nụ cười của nhà văn, người lính Nguyễn Quang Sáng chính là khát vọng về hòa bình của người Việt Nam. Bruce Weigl, một nhà thơ Mỹ danh tiếng với bài thơ Bom na-pan viết về sự tàn phá man rợ của chiến tranh. Bài thơ Bom na-pan được đọc và giảng dạy trong hầu hết các trường học ở Mỹ. Sau khi nghe bài thơ của Kevin, Bruce đã nói với tôi: “Chỉ có khát vọng hòa bình mới dập tắt được chiến tranh. Người Việt Nam đã dập tắt rất nhiều cuộc chiến tranh bằng khát vọng hòa bình của họ”. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều lần Kevin đọc bài thơ “Chơi bóng rổ với Việt cộng” ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Ở đâu, bài thơ đó cũng được người nghe đón chào một cách đặc biệt. Một lần ở thư viện Boston, Kevin đọc bài thơ này. Sau khi nghe xong bài thơ, một cựu binh Mỹ đã đến ôm lấy tôi, ứa nước mắt nói: “Hãy đến nhà tôi chơi bóng rổ và ăn tối”. Có rất nhiều cựu binh Mỹ sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về vẫn sống với những ám ảnh về cuộc chiến. Nhưng khi đọc bài thơ của Kevin, có người đã nói họ có thể cất những ám ảnh đau buồn về cuộc chiến đó và nghĩ tới tương lai. Bởi những Việt cộng như Nguyễn Quang Sáng kia đã nở nụ cười với họ. Đấy chính là tâm hồn và lòng vị tha của người Việt Nam. Sau đó Kevin đã xuất bản một tập thơ mang tên “Chơi bóng rổ với Việt cộng”. Hầu hết những bài thơ trong tập thơ đó ông viết về Việt Nam với Thành Cổ Loa, với trà sen, với một đêm rằm Trung thu ở Hà Nội, với những đêm nghe hò Huế trên sông Hương... Tất cả những bài thơ đó đều mang hơi thở thẳm sâu của tâm hồn Việt Nam.
    Chơi bóng rổ với Việt cộng
    Tặng Nguyễn Quang Sáng
    Một chiều xa trong chiến tranh
    Khi chúng ta đang rạp mình phục kích
    Những người đàn ông, đàn bà
    Kẻ thù của chúng ta và trâu bò của họ
    Hòa lẫn vào cây cỏ đất đai
    Lúc đó chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới
    Người đàn ông tóc hoa râm đi dép
    Chiều nay đến ngồi dưới mái nhà ta
    Hút thuốc lá Gô-loa
    Và uống bia nhãn Mỹ
    Cơn ho chiều cắt ngang câu chuyện
    Khi ông kể về một ngày kháng chiến
    Năm 1954
    Ông đã làm ra sao để đánh lừa lính Pháp
    Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
    Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
    Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
    Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao
    Ông nâng chân trái lên
    Hai cánh tay lượn từ sau ra trước
    Quả bóng bay theo quỹ đạo cầu vồng
    Một, hai, ba... rồi mười lần trúng đích.
    Chúng ta đứng nhìn ông im lặng
    Quần soóc, áo phông, dép, tóc hoa râm
    Ông nhìn chúng ta mỉm cười
    Đó là món quà để con người hạ súng
    Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long
    Và ở những nơi khác nữa chúng ta nghe
    Lời ông thì thầm như thở
    Còn có thể thắng thêm vài quả nữa.
    Nguyễn Quang Thiều dịch

      Hôm nay: Sat Apr 27, 2024 11:30 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]