Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên)

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên)

    cuuchienbinhvn
    cuuchienbinhvn
    Hạ Sĩ
    Hạ Sĩ

    Tổng số bài gửi : 129
    Join date : 01/10/2013

    Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên) Empty Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên)

    Bài gửi by cuuchienbinhvn Sun Jun 29, 2014 10:50 am

    Ngày 23 tháng 10 năm 1965, trung đoàn bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên) đã đánh trận vận động phục kích trên đường 21, tiêu diệt hầu hết lực lượng cứu viện đồn Plei Me của địch.
    I. TÌNH HÌNH CHUNG

    A. Địa hình, thời tiết
    Đường 21 là đường giao thông nội tỉnh, từ ngã ba Phú Mỹ chạy qua đồn biệt kích Plei Me (do Mỹ – QL VNCH kiểm soát) rồi vòng về phía đông nam nối với đường 14 ở Phú Nhơn, có chiều dài khoảng 45km. Ngoài đường không, đây là con đường bộ duy nhất có thể cơ động lực lượng tiếp tế, ứng cứu, hành quân giải tỏa cho Plei Me và các cuộc hành quân nống ra vùng giải phóng của ta ở phía tây nam Plei Ku.
    Đường 21 chạy vắt qua Các đỉnh đồi nên nền đường thường cao hơn hai bên, rộng từ 6 đến 8 mét, bằng đất đá, bị xuống cấp, nhưng vẫn cơ động được xe cơ giới. Trận địa phục kích được nhọn ở khu vực từ bắc điểm cao 601 đến điểm cao 538, có độ dài khoảng 4km (Nay thuộc ba xã: Ia Tô, Ia Me và Ia Pia huyện Chư prông, tỉnh Gia Lai), cách thị xã Plei Ku trên 30km về phía nam và cách đồn Plei Me trên 10km về phía bắc.
    Đoạn đường phục kích có nhiều dốc thoải với bốn quả đồi nối tiếp nhau từ bắc xuống nam: 601, Blou, Cây độc lập, 538, có giá trị khống chế và án ngữ, nếu ta chiếm được sẽ cắt đứt đường cơ động, chặn đứng đoàn xe địch, vừa có thế chia cắt, vừa có thế bao vây tiêu diệt gọn.
    Phía đông đường là bình độ 500, có nhiều đồi thấp nối tiếp nhau, bao phủ là các vạt gai xấu hổ và cây non xen kẽ các nương rẫy của dân trong các bản ” hợp pháp”, “công khai” do địch kiểm soát. Cách đường vài trăm mét trở ra, rừng cây to dần. Phía tây đường cũng có rừng non, nương rẫy, các nơi có thể giấu quân rất hẹp nên phải ngụy trang giữ bí mật hết sức cẩn thận chu đáo. Hầu hết các vị trí xuất phát tiến công đều thấp hơn mặt đường, nên ta phải đánh từ dưới lên.
    Dọc hai bên đường đều có suối rộng, suối Ia Thyoa ở phía đông đường, suối Ia Meur ở phía tây đường. Các suối này chạy song song và cách mặt đường từ vài trăm mét đến 1-2km, lòng suối rộng từ 10 – 20 mét, nước chảy xiết, phải bắc cầu mới qua được.
    Thời tiết Tây Nguyên chia làm hai mùa rõ rệt, thời gian tác chiến vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô nên trời nhiều mây thỉnh thoảng vẫn mưa to, hạn chế đến tầm quan sát và hành động chiến đấu của ta và địch.
    Tóm lại khu vực tác chiến từ điểm cao 601 đến 538 có đường 21 đi qua, địa hình tương đối trống trải, đường chạy qua các đỉnh đồi, hai bên bằng phẳng thấp dần rất thuận lợi cho địch sử dụng xe tăng máy bay. Khi phục kích, ta phải ém quân cách xa đường từ 2-3km, chuẩn bị trận địa, đường cơ động rất tỉ mỉ công phu, ngụy trang và giữ bí mật tốt vẫn có thể giữ được yếu tố bất ngờ.
    B. Tình hình địch
    Plei Me là đồn biệt kích ở phía tây nam Plei Ku khoảng 40km, được tên tướng ngụy Vĩnh Lộc, tư lệnh quân đoàn 2 liệt vào loại vị trí biên phòng mạnh và hiểm yếu cùng với các đồn Đức Cơ, Plei Giăng, Tou Mơ Rông tạo thành tuyến ngăn chặn bảo vệ Plei Ku và con đường 14 chiến lược. Nếu ta đánh Plei Me, buộc địch phải đưa quân đến cứu viện theo đường không và đường 21.
    Ngày 19 tháng 10 năm 1965, trung đoàn 33 vây hãm đồn Plei Me, diệt tiền đồn Chư Hô mở màn chiến dịch, thực hiện nhiệm vụ vây điểm để đơn vị bạn diệt viện. Đúng như ta nhận định, sáng ngày 23 tháng 10, địch dùng chiến đoàn 3 thiết giáp, tiểu đoàn 21 biệt động quân và tiểu đoàn 1 trung đoàn 42 do tên trung tá chiến đoàn trưởng Nguyễn Trọng Luật chỉ huy tiến theo đường 21 đến giải vây cho đồn Plei Me. Đồng thời, địch dùng trực thăng đổ tiểu đoàn 22 biệt động quân xuống Plei Me To, đưa sở chỉ huy tiền phương biệt khu 24 do một tên đại tá chỉ huy đến Phú Mỹ.
    Chiến đoàn 3 là chiến đoàn cơ giới duy nhất của biệt khu 24 lúc đó, gồm ba chi đoàn: xe M113, xe tăng với tổng số trên 40 xe tăng, M113 và nhiều xe chở đạn, xăng dầu… Các đơn vị xe tăng, bộ binh biệt động quân và trung đội pháo 105mm (hai khẩu), đi cùng có quân số trang bị đầy đủ, đều đã tham chiến ở Tây Nguyên. Tổng số quân địch khoảng trên 1.000 tên.
    Mặc dù quân đông, trang bị nhiều, hỏa lực mạnh, được máy bay pháo binh chi viện, dọn đường và trinh sát nhưng quân địch hành quân rất thận trọng, tiến quân chậm. Đề phòng ta phục kích, trước khi hành quân từ 2-3 ngày địch dùng máy bay trinh sát lùng sục bắn phá dọn đường 21, cho một đại đội thám báo càn quét lùng sục hai bên đường từ Ogri đến Plei Me, đổ tiểu đoàn 22 biệt động quân xuống Chư Vôn (cách phía nam trận địa ta 3km).
    Đội hình hành quân của địch bố trí thành ba đoàn cách nhau vài trăm mét. Đoàn đi đầu có xe tăng, M113 và hơn một đại đội bộ binh xen kẽ. Tên chiến đoàn trưởng và cố vấn Mỹ đi cùng đoàn thứ hai, có xe tăng, M113 và hai đại đội bộ binh đi cùng. Đoàn thứ ba, ngoài lực lượng xe tăng, M113, bộ binh còn có trung đội pháo 105mm, xe chở đạn, chở xăng, hậu cần đi cùng. Tốc độ hành quân của địch luôn thay đổi, đang chạy nhanh đột ngột dừng lại, đổ quân đi bộ, dùng hỏa lực bất ngờ bắn vào những nơi nghi ngờ, có khi xe tăng M113 dàn hàng ngang vừa tiến vừa bắn hoặc đột ngột dừng rồi cụm lại trên các đỉnh đồi như chuẩn bị trú quân.
    Khi bị ta tiến công, địch dựa vào xe tăng, M113 cơ động nhanh, hỏa lực mạnh có bộ binh yểm trợ kiên quyết ngăn chặn, bắn chia cắt đội hình phía sau của ta, có khi dàn hàng ngang phản kích rồi nhanh chóng cơ động chiếm các điểm cao có lợi, cụm lại đánh trả, rồi gọi máy bay pháo binh chi viện hỏa lực hoặc đổ bộ giải tỏa.
    Ngoài lực lượng ở Phú Mỹ, Plei Ku, Bàu Cạn, đồn Bó, Chư Vôn và máy bay pháo binh chi viện, bọn địch hành quân trên đường 21 còn được lực lượng sư đoàn ky binh bay số 1 của Mỹ từ An Khê, Bàu Cạn… sẵn sàng đổ bộ ứng cứu.
    Tóm lại, định có quân số đông, hỏa lực mạnh, phương tiện hiện đại, cơ động nhanh, tiến quân thận trọng, luôn cảnh giác đề phòng ta phục kích. Nhưng tinh thần binh lính dao động, dễ bị rối loạn, chia cắt và bị tiêu diệt, nếu ta tiến công mạnh, đồng loạt liên tục và bất ngờ, triệt để đánh gần trên toàn trận địa.
    C. Tình hình ta
    Trung đoàn bộ binh 320 là trung đoàn chủ lực đầu tiên từ miền Bắc vào chiến trường Tây Nguyên từ tháng 9 năm 1964, do đồng chí Tô Đình Khản làm trung đoàn trưởng và đồng chí Nguyễn Chức làm chính ủy. Khi tham gia chiến dịch Plei Me, trung đoàn có ba tiểu đoàn bộ binh (966, 635, 334) và các phân đội hỏa lực bảo đảm: súng cối, ĐKZ, phòng không, thông tin, trinh sát, công binh, quân y, vận tải. Vũ khí trang bị mang vác gọn nhẹ, hỏa lực chống tăng mạnh, bao gồm: ĐKZ 75mm, B40, cối 81mm, 12,7mm, đại liên, trung liên, AK, CKC, lựu đạn, thủ pháo, mìn chống tăng.
    Sau hơn một năm chiến đấu ở phía tây Gia Lai, trung đoàn đã phối hợp cùng đơn vị bạn và đánh độc lập nhiều trận lớn nhỏ, trong đó có những trận quy mô toàn trung đoàn như: trận phục kích ở đèo Thanh Bình (1-6-1965), bao vây Đức Cơ (tháng Cool và trận vận động tiến công ngày 9 tháng 8 năm 1965. Qua quá trình chiến đấu, cán bộ chiến sĩ đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm, nhất là đánh vận động phục kích giao thông, quen dần địa hình thời tiết hiểu đối tượng tác chiến, hiệp đồng và quan hệ chặt chẽ với đơn vị bạn, chính quyền địa phương, dân quân du kích và nhân dân.
    Tháng 8 năm 1965, trung đoàn nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Plei Me. Đây là chiến dịch đầu tiên của quân và dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, nên các đơn vị tham gia chiến dịch được Bộ tư lệnh Mặt trận quan tâm, tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Trước khi vào chiến dịch, đơn vị đã tiến hành đại hội Đảng các cấp, quán triệt phương châm cách đánh “vây điểm, diệt viện”, xây dựng quyết tâm diệt gọn chiến đoàn QL VNCH, thực hiện khẩu hiệu: “gặp Mỹ là đánh, tìm Mỹ mà diệt”. Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, đấu tranh căng thẳng giữa tư tưởng tích cực và tiêu cực, quyết tâm và do dự, cuối cùng nhân tố tích cực đã thắng. Mỗi cán bộ đảng viên, đoàn viên và quần chúng đều xáy dựng được tinh thần dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ. Rút kinh nghiệm thắng trận đánh trước, trung đoàn làm tốt đợt chỉnh huấn, tập trung giải quyết những khó khăn trong cách đánh phục kích đoàn xe cơ giới có bộ binh hộ tống trên địa hình đoạn đường 21 do đơn vị đảm nhiệm. Sau đợt chỉnh huấn và huấn luyện bổ sung, lập trường tư tưởng, trình độ kỹ chiến thuật của bộ đội được củng cố và nâng cao, ai cũng phấn khởi nhận nhiệm vụ, sẵn sàng bước vào trận chiến đấu mới rất gay go và ác liệt.
    Cùng đánh địch trong đội hình và thế trận chung của chiến dịch có trung đoàn 33 vây ép đánh địch ở Plei Me, trung đoàn 66 mới vào đến chiến trường đánh địch ở khu trung tuyến, các phân đội đặc công, bộ đội địa phương, du kích huyện 5 của tỉnh Gia Lai, nghi binh quấy rối địch ở Đức Cơ, Tân Lạc, Bầu Cạn, Phú Mỹ, Phú Nhơn… nhằm phân tán, chia cắt địch, phối hợp với các đơn vị chủ lực Mặt trận. Ngoài ra trung đoàn 320 còn được đu kích hoạt động trong các làng “hợp pháp” dọc hai bên đường 21 giúp đỡ đưa đường, trinh sát nắm địch…
    Tóm lại, trung đoàn 320 là đơn vị có kinh nghiệm đánh vận động phục kích giao thông, được Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận quan tâm chỉ đạo giúp đỡ, đánh địch trong thế trận chung của chiến dịch. Cán bộ chiến sĩ được chỉnh huấn và huấn luyện bổ sung chu đáo, có thời gian chuẩn bị dài, nắm được địa hình và đối tượng tác chiến. Mặc dù còn một số khó khăn như” tư tưởng ngại đánh cơ giới địch, đánh độc lập đánh lớn, địa hình ít thuận lợi… nhưng cán bộ chiến sĩ rất phấn khởi, có ý chí quyết tâm cao, có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
    cuuchienbinhvn
    cuuchienbinhvn
    Hạ Sĩ
    Hạ Sĩ

    Tổng số bài gửi : 129
    Join date : 01/10/2013

    Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên) Empty Re: Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên)

    Bài gửi by cuuchienbinhvn Sun Jun 29, 2014 10:53 am

    II. TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU
    A. Chủ trương, ý định của Bộ tư lệnh chiến dịch Plei Me Mặt trận Tây Nguyên
    Tháng 10 và 11 năm 1965, ta mở chiến dịch Plei Me, nhiệm vụ được Bộ Tổng tư lệnh xác định như sau: “Tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, tiếp tục làm tan rã một bộ phận quân QL VNCH, đánh bại kế hoạch tiến công mùa khô của chúng, mở rộng vùng đứng chân của ta, làm chủ đại bộ phận rừng núi và nông thôn, nhất là vùng núi có ý nghĩa chiến lược”. Quyết tâm chiến dịch được chia làm ba giai đoạn. Trong giai đoạn 1, trung đoàn 33 tiến hành vây ép đồn Plei Me, buộc địch phải đưa chiến đoàn QL VNCH ứng cứu, để trung đoàn 320 phục kích tiêu diệt trên đường 21. Giai đoạn 2 hai trung đoàn 33 và 320 tập trung lực lượng, cơ động đánh quân Mỹ – QL VNCH đổ bộ và dùng hỏa lực tiếp tục uy hiếp đồn Plei Me, đồng thời làm lực lượng dự bị chiến dịch. Giai đoạn 3 gồm hai phương án: Phương án 1: Đánh quân Mỹ tự ra ứng cứu, phương án 2: Kéo quán Mỹ ra ứng cứu và tổ chức đánh, trong cả hai phương án các trung đoàn 33, 320, 66 tập trung tiêu diệt quân Mỹ.
    B. Nhiệm vụ của trung đoàn bộ binh 320
    Trong giai đoạn 1 của chiến dịch, trung đoàn 320 có nhiệm vụ vận động phục kích tiêu diệt địch trên đường 21 (cả bọn đi ứng cứu Plei Me và bọn địch từ Plei Me rút chạy), đánh quân đổ bộ đường không trong phạm vi phụ trách, khi tình huống có lợi thì phát triển về hướng trung đoàn 33, đồng thời phối hợp đánh mìn đường 21 từ Phú Mỹ đến Plei Ngol Ho, hoàn thành trận then chốt thứ nhất của chiến dịch Plei Me, buộc quân Mỹ phải đổ quân cứu viện để ta tiêu diệt.
    C. Công tác chuẩn bị
    Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vây ép Đức Cơ và đánh một trận vận động tiến công tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch ở khu vực ngã ba Lệ Thanh, ngày 9 tháng 8, trung đoàn 320 lui về phía tây nam củng cố và nhấn nhiệm vụ đánh địch trên đường 21 trong chiến dịch Plei Me.
    Được sự quan tâm giúp đỡ của Mặt trận, có thời gian chuẩn bị tương đối dài, nên trung đoàn 320 tổ chức chuẩn bị chiến đấu rất tỉ mỉ, chu đáo. Trung đoàn tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, các cấp bộ đảng mở hội nghi học tập quán triệt lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nghị quyết đảng ủy Mặt trận, tập trung vào cách đánh “Vây điểm, diệt viện”, xây dựng quyết tâm tiêu diệt chiến đoàn QL VNCH, dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ trận đầu, giải quyết tư tưởng ngại tác liệt, sợ cơ giới, bom pháo địch, xây dựng lòng tin đánh thắng Mỹ. Các phân đội được củng cố về tổ chức, bổ sung quân số, vũ khí đạn dược, huấn luyện cách đánh vận động phục kích giao thông, đánh cơ giới địch…
    Song song với quá trình chuẩn bị, đơn vị tổ chức đoàn cán bộ từ trung đoàn đến đại đội đi chuẩn bị chiến trường và nắm địch. Sau khi nghiên cứu thực địa, thảo luận phương án tác chiến trên sa bàn nhiều lần, cuối cùng đã chọn trận địa phục kích dài 4km có đường 21 chạy qua, từ điểm cao 601 đến điểm cao 538, trong đó đoạn quyết chiến điểm được xác định dài 3km từ điểm cao 601 đến đồi Cây độc lập. Các trận địa ém quân của lực lượng chặn đầu (tiểu đoàn 635), khóa đuôi (tiểu đoàn 334) và dự bị (tiểu đoàn 966) được chuẩn bị chu đáo, có hầm khá vững chắc, ngụy trạng chu đáo. Mỗi đại đội đều làm từ hai đường xuất kích trở lên. Các con đường được bí mật chuẩn bị luồn lách dưới tán lá rừng non, thành đường ống, chui trong những vạt gai xấu hổ ken dày, từ khu vực tập kết réo ra sát đường. Do điều kiện địa hình, nên các trận địa tiến công cũng là vị trí xuất phát xung phong.
    Trước khi đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa, các đài quan sát, mạng thông tin liên lạc, các kho hậu cần… đã triển khai xong, giữ được bí mật, bảo đảm cho chỉ huy các cấp kịp thời chỉ đạo các phân đội vào chiếm lĩnh. Trong quá trình chuẩn bị, trung đoàn được thủ trưởng và cơ quan chiến dịch trực tiếp góp ý tham gia và thông qua, nên quyết tâm chiến đấu của đơn vị rất chu đáo và sát thực tế. Khi chờ địch, các phân đội tiếp tục hoàn chỉnh bổ sung phương án chiến đấu, đắp sa bàn, hiệp đồng và quán triệt nhiệm vụ sâu sắc đến từng tổ chiến đấu và mỗi chiến sĩ.
    Mặc dù địa hình không thuận lợi cho ta, nhưng do làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, nên trung đoàn 320 đã khắc phục được những hạn chế và triệt để tận dụng lợi thế của địa hình, những sơ hở của địch, đưa đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa đúng kế hoạch, giữ được yếu tố bí mật bất ngờ.
    D. Quyết tâm chiến đấu
    1. Ý định chiến đấu:
    a. Tư tưởng chỉ đạo: Nắm chắc địch, chuẩn bị chu đáo, hiệp đồng chặt chẽ, kiên trì chờ địch, tiến công mãnh liệt, đột phá liên tục, thọc sâu chia cắt, bao vây chặt, tiêu diệt gọn, tích cực đánh máy bay và lực lượng ứng cứu, lui quân nhanh, bí mật, chuẩn bị đánh tiếp những trận sau.
    b. Mục tiêu tiến công chủ yếu: Đoàn xe cơ giới địch bị ùn tắc ở khu vực quyết chiến điểm từ bắc điểm cao 601 đến đòi Cây độc lập. Mục tiêu tiến công thứ yếu là đoàn xe địch đi đầu từ điểm cao 538 đến nam đồi Cây độc lập.
    c. Cách đánh: Bí mật xây dựng trận địa phục kích ở phía tây đường 21, ém quân sẵn chờ địch tới, cơ động nhanh, phân đội chặn đầu nổ súng chặn đoàn xe địch ở điểm cao 538, các mũi, các hướng vừa nổ súng đánh địch, vừa nhanh chóng chiếm đồi Cây độc lập, đồi Blou và điểm cao 601, dùng hỏa lực cối, ĐKZ, B40 … bắn mãnh liệt vào đoàn xe và bộ binh địch ùn tắc trên đường. Bộ đội đồng loạt xung phong đánh vào đội hình địch, kết hợp giữa thọc sâu chia cắt với bao vây chặt, tiêu diệt gọn từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Vừa đánh địch hành quân đường bộ, vừa tích cực đánh địch bổ bộ đường không và máy bay địch, bảo vệ đội hình chiến đấu, lui quân nhanh, bí mật.
    d. Tổ chức đội hình, sử dụng lực lượng: Toàn trung đoàn tổ chức thành đội hình hai thê đội và lực lượng dự bị chống tăng.
    - Thê đội 1 gồm hai tiểu đoàn bộ binh tăng cường và hai đại đội súng máy phòng không: tiểu đoàn 635, 334, đại đội cao xạ 1 và 22.
    - Thê đội 2 gồm một tiểu đoàn bộ binh thiếu: tiểu đoàn 966 (thiếu đại đội 7).
    - Đội dự bị chống tăng: Một đại đội ĐKZ (thiếu 1 trung đội).
    2. Nhiệm vụ của các phân đội:
    a. Tiểu đoàn 334: Được tăng cường một đại đội cối 81mm, một khẩu ĐKZ 75mm, một khẩu B40 là lực lượng thê đội 1 có nhiệm vụ đánh địch ở đoạn quyết chiến điểm và khóa đuôi, bố trí trận địa ở mé tây và tây nam khu vực đồi Tròn (tọa độ 20.19.7), phạm vi chiến đấu từ bắc điểm cao 601 đến nam đồi Blou. Đội hình bố trí cụ thể như sau: Đại đội bộ binh 2 (tức 14) bố trí trận địa khóa đuôi đối diện với điểm cao 601, đại đội 13 đối diện đoạn đường từ nam điểm cao 601 đến đồi Blou, đại đội 15 làm lực lượng dự bị ở gần chỉ huy tiểu đoàn. Hỏa lực ĐKZ, cối 81mm, súng máy 12,7mm bố trí phía tây đường. Vị trí chỉ huy tiểu đoàn ở phía sau đại đội 2 và 13.
    b. Tiểu đoàn 635: Được tăng cường hai khẩu ĐKZ 75mm, một khẩu ĐKZ 57mm, hai khẩu B40, là lực lượng thê đội 1 có nhiệm vụ chặn đầu đoàn xe và đánh địch ở phía nam đoạn quyết chiến điểm, bố trí trận địa ở mé tây khu vực đồi Siêu (tọa độ 18.12.9), phạm vi chiến đấu từ điểm cao 538 đến bắc đồi Cây độc lập. Đội hình bố trí cụ thể như sau: Đại đội bộ binh 1 làm nhiệm vụ chặn đầu, bố trí ở nam điểm cao 538, có một tiểu đội đối diện phía đông đường, đại đội bộ bỉnh 2 bố trí ở phía tây đoạn đường chạy qua phía bắc điểm cao 538 đến nam đồi Cây độc lập đại đội bộ binh 3 bố trí phía tây đồi Cây đội lập. Vị trí chỉ huy tiểu đoàn và hỏa lực cối, phòng không bố trí phía sau đại đội 1, 2, 3.
    c. Tiểu đoàn 966 (thiếu đại đội bộ binh 7): Làm nhiệm vụ thê đội 2, sẵn sàng vào phát triển tiến công trên hướng tiểu đoàn 334 và 635, đánh địch ở đoạn quyết chiến điểm hoặc đánh địch ùn lại ở ngã ba Ogri và đánh địch đổ bộ đường không… Vị trí chỉ huy ở tây nam điểm cao 725 (Chư Mréa).
    d. Đại đội cao xạ 1 và 22: Bố trí phía sau đội hình tiểu đoàn 334, và 635 phía tây đường, có nhiệm vụ đánh máy bay địch bay thấp bảo vệ đội hình chiến đấu của trung đoàn và chi viện bộ binh đánh xe thiết giáp, bộ binh địch.
    e. Đại đôi ĐKZ 75 (thiếu một trung đội): Làm nhiệm vụ dự bị chống tăng của trung đoàn, sẵn sàng phát triển đánh xe tăng địch ở đoạn quyết chiến điểm, đứng chân phía sau tiểu đoàn 334 và 635.
    3. Một số nội dung chính về hiệp đồng, bảo đảm:
    a. Hiệp đồng:
    Trước ngày 17 tháng 10, toàn trung đoàn hành quân từ vùng tây bắc núi Chư Pông (điểm cao 732) vòng về phía tây nam rồi tiến sang hướng đông vào chiếm lĩnh trận địa ở phía tây đường 21. Đến 18 giờ ngày 17 tháng 10 hoàn thành chiếm lĩnh, sau đó vừa củng cố xây dựng công sự, vừa sẵn sàng chiến đấu. Các phân đội ngụy trang giữ bí mật tuyệt đối Thông tin liên lạc chỉ sử dụng hữu tuyến điện và chạy chân.
    Từ ngày 19 tháng 10, khi trung đoàn 33 vây ép đồn Plei Me, lực lượng trinh sát nắm chắc mọi diễn biến của địch từ Phú Mỹ đến bắc Plei Me, báo cáo thường xuyên kịp thời về sở chỉ huy trung đoàn, các phân đội sẵn sàng xuất kích.
    Thông tin liên lạc thông suốt. Trong quá trình chờ địch, các phân đội vừa nắm địch, vừa hoàn chỉnh quyết tâm chiến đấu vừa củng cố công sự, đường xuất kích, vừa thảo luận tìm cách đánh hay.
    Khi địch xuất hiện trên đường 21, trung đoàn căn cứ vào hướng, tốc độ và lực lượng cụ thể của đoàn xe địch và khoảng cách từ nơi ém quân của các phân đội tới mặt đường, để ra lệnh cho từng đơn vị xuất kích. Khi đội hình đi đầu của địch tới điểm cao 538, đại đội 1 làm nhiệm vụ chặn đầu nổ súng bắn vào những chiếc xe đi đầu làm hiệu lệnh nổ súng tiến công. Ngay lập tức hỏa lực súng cối, ĐKZ, B40… diệt xe tăng, bộ binh và bắn chế áp đội hình hành quân của địch. Các đại đội vừa đánh địch, vừa cơ động đánh chiếm các điểm cao. Đại đội 1 chiếm điểm cao 538, đại đội 2 và 3 chiếm đồi Cây độc lập, đại đội 13 chiếm đồi Blou, đại đội 2 tiểu đoàn 334 chiếm điểm cao 601. Dựa vào thế đánh từ trên cao xuống và lực lượng vu hồi, các đại đội chia cắt, bao vây và tiêu diệt lực lượng địch trên khu vực được phân công, hiệp đồng chặt chẽ với các phân đội bạn tiêu diệt toàn bộ quân địch. Lực lượng dự bị sẵn sàng bước vào chiến đấu. Súng máy cao xạ tích cực đánh máy bay địch. Thông tin liên lạc sử dụng tất cả các phương tiện: hữu tuyến, vô tuyến, vận động, tín hiệu.
    Nếu địch co cụm hoặc tháo chạy, các phân đội trên hướng đó bao vây chặt, dùng hỏa lực chế áp, rồi tổ chức xung phong tiêu diệt địch. Nếu lực lượng địch đông thì ghìm chặn địch lại, để lực lượng dự bị của trung đoàn đến phối hợp tiến công tiêu diệt.
    Sau khi diệt toàn bộ quân địch trên đường, các phân đội khẩn trương lùng sục, bắt tù binh, thu vũ khí, giải quyết thương binh, tử sĩ. Lực lượng cảnh giới, phòng không sẵn sàng đánh địch, rồi bí mật rời khỏi trận địa lui về vị trí đứng chân ở phía tây đường, sẵn sàng đánh trận phục kích tiếp theo hoặc đánh địch đổ bộ đường không trong khu vực.
    b. Bảo đảm:
    Chỉ huy và nắm địch: Trung đoàn tổ chức hệ thống thông tin liên lạc xuống các tiểu đoàn, phân đội hỏa lực và đài quan sát bằng cả ba phương tiện: hữu tuyến, vô tuyến và chạy phân. Riêng hữu tuyến điện tổ chức hai đường dây: một đường trực tuyến và một đường vu hồi. Vô tuyến điện dùng máy 2 W-PRC10, chỉ sử dụng khi nổ súng.
    Trung đoàn tổ chức ba đài quan sát ở gần sở chỉ huy và hai đầu bắc và nam trận địa (bắc ngã ba Ogri, Chư Vôn) nắm địch từ ngã ba Phú Mỹ (cách 10km) đến bắc Plei Me. Các tiểu đoàn có tổ trinh sát nắm địch ở khu vực được phân công. Ngoài ra, còn có một đài trinh sát vô tuyến theo dõi thông tin vô tuyến của địch.
    Đường cơ động: Do địa hình trống trải, ta phải ém quân xa đường từ 2-3km, nên mỗi tiểu đoàn làm nhàu đường cơ động, bí mật từ vị trí giấu quân đến vị trí xuất phát xung phong. Mỗi đại đội có hai đường, ngụy trang chu đáo, luồn dưới các bụi cây nhỏ, có nhiều đoạn được chuẩn bị thành đường ống rất công phu đi dưới các vạt cây xấu hổ kín đáo. Các đường cơ động được chuẩn bị từ trước ngày 18 tháng 10 (ngày N).
    Phòng pháo, phòng không: Tại vị trí giấu quân và xuất phát xung phong đều có công sự, ngụy trang chu đáo. Các trận địa phòng không của hai đại đội 12,7mm bố trí sau đội hình triển khai của hai tiểu đoàn 334 và 635, gần sở chỉ huy trung đoàn. Các phân đội chủ động dùng đại liên, trung liên, AK bắn máy bay bay thấp của địch bảo vệ đội hình.
    Hậu cần: Trung đoàn tổ chức một kho lâm thời có đủ gạo, đạn cho toàn đơn vị đánh địch dài ngày. Quân y tổ chức hai tuyến sơ phẫu và hoàn phẫu, sau đó chuyển thương binh về tuyến sau. Các đại đội đều có y tá, cáng thương, chiến sĩ có bông băng cá nhân.
    4. Vị trí chỉ huy và các mốc thời gian
    Sở chỉ huy trung đoàn ở bình độ 530, phía đông ngã ba suối (tọa độ 19.12.3) làm việc từ 18 giờ ngày 17 tháng 10 năm 1965. Tùy theo tình hình cụ thể, trung đoàn cử cán bộ xuống tăng cường cho các hướng.
    - Ngày 17 tháng 10 năm 1965: chiếm lĩnh xong trận địa.
    - Chiều 19 tháng 10: sẵn sàng đánh địch.
    cuuchienbinhvn
    cuuchienbinhvn
    Hạ Sĩ
    Hạ Sĩ

    Tổng số bài gửi : 129
    Join date : 01/10/2013

    Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên) Empty Re: Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên)

    Bài gửi by cuuchienbinhvn Sun Jun 29, 2014 10:53 am

    III. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU VÀ Ý NGHĨA
    A. Diễn biến chiến đấu
    1. Giai đoạn hành quân chiếm lĩnh trận địa, chờ địch đến
    Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị , ngày 17 tháng 10 năm 1965 trung đoàn 320 từ vị trí tập kết ở Plei Bon Ga hành quân về phía đông, thứ tự tiểu đoàn 966, 334, 635, đại đội ĐKZ, các đại đội phòng không đi cùng các tiểu đoàn được tăng cường. Buổi chiều ngày 17, bộ đội lần lượt vào chiếm lĩnh trận địa. Đêm 17 và sáng ngày 18 hoàn thành công sự đường cơ động, ngụy trang chu đáo, sẵn sàng nổ súng.
    Theo kế hoạch của Bộ tư lệnh chiến dịch, trung đoàn 33 sẽ nổ súng đánh đồn Plei Me vào ngày 18 tháng 10, nhưng sau đó lúc thời gian nổ súng vào 4 giờ ngày 19 tháng 10. 19 giờ ngày 19 tháng 10, bộ đội địa phương tỉnh Gia Lai đã nổ súng nghi binh vào đồn Đức Cơ, Tân Lạc. 22 giờ 54 phút trung đoàn 33 nổ súng vây lấn đồn Plei Me, chiếm tiền đồn Chư Hô trong vòng 6 phút. Cùng lúc, đại đội cối của Mặt trận và tổ công binh cũng triển khai đánh vào ngã ba Phú Mỹ.
    Trong ngày 19 tháng 10, địch chưa xuất hiện trên đường 21.
    Ngày 20 tháng 10, một đại đội thám báo ngụy chia thành nhiều tốp nhỏ từ ngã ba Ogri sục sạo hai bên đường 21, rồi tiến về Plei Me, nhưng chúng không phát hiện ra trận địa của ta.
    9 giờ ngày 21 tháng 10, địch đổ tiểu đoàn 91 biệt kích xuống làng Khớp cách trận địa ta 5km về phía nam, đồng thời dùng trực thăng nghi binh trên hướng đồn Bo, cách phía tây trận địa tiểu đoàn 966 khoảng hơn 2km. Cũng trong ngày 24 tháng 10, biệt khu 24 đưa chiến đoàn 3 thiết giáp, tiểu đoàn 21 biệt động quân đến tập kết ở ngã ba Phú Mỹ.
    Ngày 22 tháng 10, đơn vị bạn xiết chặt vòng vây xung quanh đồn Plei Me diệt nhiều địch, tên đại úy đồn trưởng bị thương. Trên đường 21, xuất hiện một tiểu đoàn bộ binh địch cùng 34 xe cơ giới từ Phú Mỹ tiến về hướng trận địa của ta, nhưng đến ngã ba Ogri chúng đột nhiên quay lại.
    Trong quá trình chờ địch, các tiểu đoàn vừa tổ chức cảnh giới, sẵn sàng xuất kích, vừa tranh thủ hiệp đồng trên sa bàn, bàn bạc cách đánh hay, vừa tiếp tục hoàn chỉnh quyết tâm vừa động viên bộ đội kiên trì chờ địch.
    2. Giai đoạn nổ súng:
    Ngày 23 tháng 10: 8 giờ, biệt khu 24 triệu tập tên trung tá Nguyễn Trọng Luật chiến đoàn trưởng chiến đoàn 3 thiết giáp về Plei Ku họp và nhận lệnh hành quân cứu viện cho đồn Plei Me. 10 giờ tên đại tá và chỉ huy sở tiền phương biệt khu 24 do hắn cầm đầu chuyển đến Phú Mỹ, máy bay trực thăng đổ tiểu đoàn 22 biệt động quân xuống Plei Me To.
    11 giờ đài quan sát của trung đoàn báo cáo: Một xe Jeep từ Plei Ku chạy xuống Phú Mỹ, bọn lính ở đây nhốn nháo có hiện tượng di chuyển. Cùng lúc đó tên chỉ huy trưởng chiến đoàn 3 nhận được lệnh chỉ huy lực lượng hành quân (gồm chiến đoàn 3, tiểu đoàn 21 biệt động quân và tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 42) tiến theo đường 2 1 và phải đến ngoại vi Plei Me trước khi trời tối.
    12 giờ đội hình hành quân của địch xuất phát từ Phú Mỹ rồi theo đường 21 tiến về trận địa ta. Đoàn đi đầu có xe tăng, xe bọc thép và khoảng một đại đội biệt động quân, đoàn thứ hai ngoài xe tăng, xe bọc thép, hai đại đội biệt động quân còn có chỉ huy chiến đoàn và cố vấn Mỹ đi cùng, đoàn thứ ba có xe bọc thép, xe kéo pháo (2 khẩu 105mm) xe chở xăng, hậu cần cùng hai đại đội bộ binh (một đại đội biệt động quân, một đại đội của tiểu đoàn 1 trung đoàn 42), đi sau là hai đại đội bộ binh còn lại của tiểu đoàn 1 trung đoàn 42. Đội hình hành quân của địch kéo dài khoảng 5km, mỗi đoàn cách nhau 500m. Chúng tiến quân rất thận trọng vừa đi vừa thăm dò. Khi đến ngã ba Ogri chúng đột ngột dừng lại. Lúc 13 giờ 50 phút, trinh sát trung đoàn 320 phát hiện có hơn 48 xe địch tiến cách ngã ba Ogri 1km.
    14 giờ 03 phút, trung đoàn trưởng Tô Đình Khản lệnh cho tiểu đoàn 635 và 334 bí mật xuất kích, từ vị trí ém quán tiến ra trận địa xuất phát xung phong. Tiểu đoàn 966 sẵn sàng cơ động. Nhưng lúc 14 giờ 17 phút, địch đột ngột dừng lại, nên các tiểu đoàn được lệnh tạm dừng. 14 giờ 19 phút, có 19 xe địch dừng lại ở phía bắc trận địa ta, bộ binh từ trên xe xuống đi bộ. 14 giờ 32 phút, có thêm tám xe đến ngã ba Ogri. 5 phút sau, địch bắn phá dọn bãi ở Chư Vôn, rồi làm trận địa súng cối ở đó.
    14 giờ 43 phút, toán địch đi đầu đã đến điểm cao 601, 16 phút sau toàn bộ tiểu đoàn địch đi bộ cùng 19 xe tăng và M113 đã vào trong trận địa phục kích của ta; đồng thời đoàn xe thứ 2 gồm 14 chiếc M113 và xe tăng, cũng đang tiến vào trận địa. 15 giờ 29 phút, đoàn xe thứ ba gồm 16 chiếc cũng xuất hiện.
    15 giờ 37 phút, khi địch tới đồi Blou, trung đoàn trưởng lệnh cho tiểu đoàn 635 xuất kích, sau 5 phút là tiểu đoàn 334. 15 giờ 51 phút, hai đại đội 2 và 3 của tiểu đoàn 635 tiến cách đường 800m, ít phút sau vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát xung phong. 16 giờ, toàn bộ thê đội 1 của trung đoàn chiếm lĩnh xong, giữ được bí mật, an toàn. 16 giờ 27 phút, đại đội trưởng đại đội 1 tiểu đoàn 635 lệnh cho một trung đội vượt sang phía đông đường làm nhiệm vụ đối diện.
    16 giờ 30 phút, đoàn xe đi đầu của địch dừng lại ở đồi Cây độc lập Trung đoàn lệnh cho toàn đội hình giữ nguyên vị trí. Do thời gian xuất kích kéo dài gần 150 phút (14 giờ 4 phút đến 16 giờ 30 phút), nên tinh thần của bộ đội rất căng thẳng, nhưng do chấp hành nghiêm mệnh lệnh, nên yếu tố bí mật bất ngờ vẫn giữ được đến phút chót.
    16 giờ 33 phút, địch bất ngờ ném bom xuống điểm cao 538, nơi đội hình đại đội 1 triển khai, làm một tiểu đội thuộc trung đội đối diện và hai chiến sĩ khác bị thương vong. 16 giờ 47 phút, đoàn xe đi đầu tiếp tục di chuyển, khi còn cách trận địa đại đội chặn đầu khoảng 200m, xe địch bất ngờ nổ súng bắn mạnh vào đội hình phục kích của ta làm một khẩu ĐKZ, hai khẩu trung liên và một khẩu B40 bị hỏng, một số chiến sĩ thương vong.
    16 giờ 52 phút, đại đội 1 nổ súng, bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu và bắn hỏng chiếc thứ hai, chặn đứng đội hình tiến quân của địch. 16 giờ 57 phút, toàn tiểu đoàn 635 nổ súng, hai phút sau tiểu đoàn 334 cũng nổ súng. Súng máy cao xạ tích cực đánh máy bay địch.
    Trên hướng tiểu đoàn 635: Mặc dù địch rất đông, lại bị bom pháo địch sát thương, nhưng các chiến sĩ đại đội 1 chặn đầu đã dũng cảm chiến đấu chặn đứng đoàn xe địch. 17 giờ, các chiến sĩ đại đội 2 và 3 tiểu đoàn 635 xung phong ra mặt đường chia cắt đội hình, diệt nhiều xe và bộ binh địch. Nguyễn Văn Hàng đã bình tĩnh bắn cháy năm xe M113, Nguyễn Văn Lãng chiến sĩ B40 bắn ba phát diệt ba xe tăng, Lương Văn Bạt bắn hai phát diệt hai chiếc M48. Thấy khẩu B40 ở vị trí thấp không bắn được, trung đội trưởng Khôi của đại đội 3 đã lấy thân mình làm giá súng bắn cháy hai xe tăng. Một mũi tiến công của đại đội 3 xông ra mặt đường, chiến đấu rất dũng cảm, diệt nhiều địch, có chiến sĩ bị thương nặng vẫn không chịu rời trận địa, tiếp tục ở lại đánh địch.
    Lực lượng địch bị tiêu diệt phần lớn, số còn lại vừa điên cuồng chống trả, vừa co cụm về phía đông đường. Bộ phận đối diện hoang mang, không dám nổ súng, nên khoảng 10 xe tăng, M113 và gần một đại đội bộ binh địch chiếm đồi Cây độc lập chống trả quyết liệt. Tuy chưa chiếm được đồi Cây độc lập, nhưng tiểu đoàn 635 vẫn báo cáo là đại đội 2 và 3 đã chiếm được đồi. Thấy địch vẫn còn, nên trung đoàn trưởng lệnh cho tiểu đoàn 635 tổ chức tiến công đánh chiếm ngay đồi Cây độc lập. Sau nhiều lần xung phong, nhưng tiểu đoàn vẫn không chiếm được, hai đại đội trưởng, hai đại đội phó, một chính trị viên đại đội bị thương và một số chiến sĩ hy sinh. Một trung đội thuộc đại đội 3 tiến ra đến đường, nhưng cũng bị hỏa lực cơ giới địch đẩy lùi. Do tổ chức tiến công yếu, bộ đội bị thương vong nhiều, nên tiểu đoàn 635 phải tạm dừng, không đánh chiếm được đồi Cây độc lập.
    Trên hướng tiểu đoàn 334: Mũi khóa đuôi do đại đội 2 (tức đại đội 14) đảm nhiệm, vận động cách đường 150-200m, thấy đoàn xe phía sau của địch đang co cụm ở đỉnh điểm cao 601 (với ý định ở lại đó trong đêm), ta vẫn giữ được bí mật. Trước tình hình đó, đại đội trưởng hội ý với chính trị viên để quyết định nhanh chóng chuyển từ đánh phục kích sang bao vây tập kích cụm địch ở điểm cao 601.
    Vì các trung đội đang vận động trên hai hướng chưa đến kịp, nên đại đội trưởng giao nhiệm vụ cho phân đội hỏa lực, chính trị viên xuống giao nhiệm vụ và động viên hai trung đội bộ binh vừa vận động lên, quyết tâm: “Bám sát địch coi tiếng súng như mệnh lệnh chiến đấu, có tiếng súng nổ thì vận động đến đó hiệp đồng”. Sau ít phút, các trung đội triển khai làm hai mũi từ hướng tây và tây bắc tiếp cận địch. Đại đội cao xạ đánh máy bay phản lực bảo vệ đội hình chiến đấu.
    17 giờ 04 phút, đại đội trưởng chỉ huy hỏa lực bắn dồn dập, chính xác vào cụm địch ở điểm cao 601, bộ binh từ hai hướng tây và tây bắc nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí xuất phát xung phong. Khi tiếp cận, thấy địch có mấy chục xe tăng, M113… (dự kiến của đại đội là địch có từ 4-5 xe tăng, M113), cùng lúc đó chúng phát hiện và bắn chặn quyết liệt vào đội hình của đại đội 2. Chính trị viên đại đội hô to: “Xe cụm lại nhiều là thời cơ tột cho đại đội ta lập công”. Lời động viên phát ra đúng lúc, đã có tác dụng cổ vũ cán bộ chiến sĩ ‘bất chấp bom đạn dũng cảm xung phong đánh vào đội hình địch. Khẩu đội ĐKZ bắn cháy liền bốn xe địch. Cùng lúc đó khấu B40 bắn phát đầu tiên diệt một xe M113, trung đội trưởng Thông đã động viên bộ đội nhanh chóng xông lên tiêu diệt địch, rồi dẫn đầu đội hình xung phong kết hợp với mũi trung đội 2 do đồng chí Tình trung dội trưởng chỉ huy, đánh thọc sâu vào đội hình địch, cắt đôi cụm quân địch ở điểm cao 601. Các chiến sĩ áp sát xe địch, đánh gần. Xe địch bốc cháy sáng rực một góc trời. Sau hơn một giờ chiến đấu, đại đội 2 đã diệt gọn cụm xe tăng, M113 và bộ binh địch ở điểm cao 601, phá hủy trên 30 xe các loại, hai pháo 105mm, diệt và bắt trên 200 tên địch, ta hy sinh bảy đồng chí và bị thương 13 đồng chí.
    Cũng trong thời gian đó, đại đội 13 tiến vào khu vực đồi Blou, nhưng do nắm địch không kỹ, nên báo cáo tiểu đoàn là địch ở đồi Blou rất đông. Thấy vậy, lúc 1 7 giờ 4 phút tiểu đoàn trưởng cũng báo cáo lên trung đoàn là đại đội 13 đang chiến đấu rất ác liệt ở đó, địch còn rất đông, và đề nghị đưa đại đội 15 dự bị vào chiến đấu. Nhưng khi lên đến đỉnh đội Blou thấy không có địch, đại đội trưởng đại đội 13 lại báo cáo lên trên: ở thung lũng Blou, còn rất nhiều địch (nhưng thực ra không có địch). Nghe đại đội 13 báo cáo như vậy, tiểu đoàn trưởng lệnh cho cối 8 1 mm bắn dồn dập vào thung cũng, đồng thời lệnh cho đại đội 13 dùng hai trung đội đánh xuống. Sau khi cối bắn 26 quả, hai trung đội xung phong vào thung lũng Blou, nhưng ở đó không có địch. Cùng lúc đó đại đội bộ binh của tiểu đoàn 966 cũng được lệnh cơ động về thung lũng Blou chi viện cho tiểu đoàn 334 đánh địch.
    Lúc 17 giờ 13 phút, tiểu đoàn 334 báo cáo lên trung đoàn là đã chiếm được thung lũng Blou. Trung đoàn trưởng lệnh cho tiểu đoàn dùng đại đội 13 đánh lên đồi Cây độc lập chi viện cho tiểu đoàn 635. Nhưng đại đội 13 đã không chấp hành mệnh lệnh đó, tự động tiến về phía điểm cao 601.
    18 giờ 30 phút ngày 23 tháng 10, quân địch trong trận địa của trung đoàn đã cơ bản bị tiêu diệt, chỉ còn lại sáu xe tăng và một số bộ binh địch (trong đó có tên chiến đoàn trưởng và cố vấn Mỹ) co cụm ở đồi Cây độc lập, bốn xe khác cụm lại ở bắc điểm cao 538, hai đại đội thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 42 và một số xe khác ở bình độ 600 (gần ngã ba Ogri). Trước tình hình đó, trung đoàn quyết tâm: nhanh chóng tiêu diệt quân địch co cụm ở trong trận địa (đồi Cây độc lập và bắc điểm cao 538), sau đó phát triển về phía bắc diệt địch ở bình độ 600. Lực lượng đánh địch ở đồi Cây độc lập gồm đại đội 8 (thuộc tiểu đoàn 966), hai trung đội của đại đội 15, đại đội 2 và 3 của tiểu đoàn 635, đại đội cối 81mm, một trung đội ĐKZ 75mm, một trung đội 12,7mm và toàn bộ hỏa lực của tiểu đoàn 635 do đồng chí tham mưu phó trung đoàn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 635 và tiểu đoàn phó tiểu đoàn 334 chỉ huy. Các phân đội còn lại của tiểu đoàn 334 bám sát địch ở bình độ 600, sẵn sàng tiến công.
    2 giờ ngày 24 tháng 10, lực lượng đánh địch ở đồi Cây độc lập nổ súng. Nhưng do nắm địch không chắc, tổ chức chiến đấu chậm, hành động của bộ đội bị địch phát hiện, chúng bắn chặn quyết liệt, trung đội đi đầu thương vong, làm cho cán bộ chỉ huy dao động, chỉ dùng cối bắn vào đồi Cây độc lập, không tổ chức xung phong đánh chiếm.
    Sáng ngày 24 tháng 10, hai tổ B40 phục kích ở phía bắc đồi Cây độc lập đã ba lần nổ súng bắn vào xe địch cơ động trên đường. Địch dùng trực thăng bốc tên trung tá chiến đoàn trưởng và mấy tên cố vấn Mỹ ở đồi Cây độc lập về Plei Ku. Trong đêm 24 tháng 10, đại đội 3 thuộc tiểu đoàn 635 được lệnh đánh chiếm đồi Cây độc lập, nhưng cán bộ do dự, bộ đội đi lạc đường, nên đến sáng vẫn không nổ súng được phải tự động rút về.
    3. Giai đoạn kết thúc trận đánh:
    Các đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phục kích đánh địch trên đường 21 và lực lượng đổ bộ trong khu vực, nên trung đoàn cho các tiểu đoàn bí mật lui về vị trí ém quân ở phía tây đường, củng cố công sự ngụy trang, bổ sung đạn dược, giải quyết thương binh tử sĩ, rút kinh nghiệm và sẵn sàng xuất kích.

    Sponsored content

    Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên) Empty Re: Trận vận động phúc kịch đường 211 (đường 6B) của Trung đoàn Bộ binh 320 (Mặt trận Tây Nguyên)

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Sun Apr 28, 2024 8:35 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]