Tổ bay sống mãi trong lòng nhân dân, đồng đội

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Tổ bay sống mãi trong lòng nhân dân, đồng đội

    Lính hậu cần
    Lính hậu cần
    Binh nhì
    Binh nhì

    Tổng số bài gửi : 28
    Join date : 21/12/2013

    Tổ bay sống mãi trong lòng nhân dân, đồng đội  Empty Tổ bay sống mãi trong lòng nhân dân, đồng đội

    Bài gửi by Lính hậu cần Sat Jul 12, 2014 12:06 am

    Tổ bay sống mãi trong lòng nhân dân, đồng đội
    QĐND - Thứ năm, 10/07/2014 | 22:58 GMT+7
    QĐND Online – Giữa mùa hạ, những cơn mưa rào bất chợt ập xuống tưởng như phần nào làm nguôi ngoai nỗi buồn nặng trĩu trong lòng những người lính bay ở Đoàn không quân Ba Vì (Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng PK-KQ). Nhưng không phải, nỗi nhớ, niềm thương những phi công tài hoa, dũng cảm, đã ra đi trong chuyến bay định mệnh sáng 7-7, vẫn cồn cào trong con tim và khối óc những người lính bay, thợ kỹ thuật và cán bộ, chiến sĩ nơi đây…
    Những chiến sĩ bay say mê cống hiến
    Trong bếp ăn phi công của Đoàn Ba Vì, từ nay trống 3 chỗ ngồi. 3 khẩu phần ăn, 3 chiếc bát, 3 đôi đũa, sẽ không bao giờ được sử dụng nữa. Sự ra đi của Đại tá Hoàng Lại Long- Phó tham mưu trưởng, Thiếu tá Lê Văn Việt- dẫn đường kiêm phi công Phi đội 2 và Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Thanh- cơ giới trên không Phi đội 1, đã để lại khoảng trống to lớn trong lòng đồng đội, nhất là những người đã cùng các anh sát cánh trên bầu trời. Thương nhớ, cảm phục, tự hào cứ đan xen. Bởi bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, bằng những trải nghiệm, các anh hiểu, 3 đồng đội của mình đã hy sinh cao cả.
    Đại tá Đàm Văn Toản, Chính ủy Trung đoàn 916 nghẹn ngào chia sẻ: Đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa thể tin là các anh ấy đã hy sinh. Chúng tôi đã mất đi những người đồng đội chân thành, mất đi một tổ lái dũng cảm, trình độ và giàu kinh nghiệm.
    Tổ bay sống mãi trong lòng nhân dân, đồng đội  060714hha3411062684
    Đại tá Hoàng Lại Long (mặc quân phục thường dùng mùa đông) giao nhiệm vụ cho một tổ bay.
    Nếu chỉ nhớ về Đại tá Hoàng Lại Long là một phi công giỏi, một giáo viên bay nhiệt huyết với các lứa học trò thôi thì chưa đủ, mà tôi muốn nói nhiều hơn thế nữa về anh. Anh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có ông nội là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp; bố mẹ đều là công chức đã nghỉ hưu ở xã Cát Thành, Trực Ninh, Nam Định. Sau 4 tháng nhập ngũ, từ tháng 12-1978 đến tháng 4-1979, Hoàng Lại Long là chiến sĩ trinh sát đặc công, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau đó anh được cử đi học tại trường dự khóa bay, rồi về huấn luyện bay tại Trường Sĩ quan Không quân và về Trung đoàn 916 công tác từ năm 1984 đến nay. Hơn 30 năm công tác tại Trung đoàn, anh luôn nhiệt tình phấn đấu, hăng say cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc, trưởng thành qua các cương vị từ lái phụ đến Phó tham mưu trưởng Trung đoàn. Ở cương vị nào anh cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
    Thật đáng khâm phục, ngày đầu quân ngũ, là lính bộ binh, anh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thì đến khi là phi công, anh là lái chính loại trực thăng Mi-24, tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Campuchia trong năm 1988.
    Với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, Hoàng Lại Long đã thực hiện thành công rất nhiều nhiệm vụ quan trọng như tham gia bay cứu hộ, cứu nạn tại miền Trung; bay dập lửa và phòng phòng chống cháy rừng; bay diễn tập...và gần đây nhất là chỉ huy bay khắc phục sự cố sập cầu treo ở huyện Tam Đường (Lai Châu).        
    Hơn 30 năm trong nghề, anh đã bay trên rất nhiều loại máy bay như Mi-8, 24, 17, 171, 172, với số giờ bay tích lũy hơn 1.600 giờ. Từ năm 1999 đến nay, anh đã trực tiếp huấn luyện, đào tạo cho gần 100 học viên bay trực thăng của Quân chủng PK-KQ và nước bạn Campuchia.
    Thượng tá Nghiêm Quang Khải, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 916, người đã cùng học tập, công tác cùng Hoàng Lại Long hơn 30 năm cho biết: “Điều tôi khâm phục nhất là ý chí và nghị lực của anh. Đời thường anh sống chan hòa, cởi mở, chân thành với đồng chí đồng đội. Trong thực hiện nhiệm vụ, anh luôn cương trực và quyết đoán”.
    Thiếu tá Lê Thanh Việt sinh năm 1978 ở Trực Ninh, Nam Định. Là một phi công trẻ ham học hỏi, anh đã được phong phi công cấp 3 khi mới 32 tuổi, với số giờ bay tích lũy hơn 660 giờ. Còn cơ giới trên không, Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1976 tại Phúc Thọ (Hà Nội) là một người thông minh, hoạt bát. Học xong cao đẳng kỹ thuật không quân năm 2000, anh trở về công tác tại Trung đoàn 916. Từ một cán bộ làm chuyên môn kỹ thuật mặt đất, nhưng bằng sự tìm tòi sáng tạo cũng như năng khiếu bay, anh đã được tổ chức điều động lên thực hiện nhiệm vụ cơ giới trên không. Trên cương vị mới, anh luôn phát huy được tố chất và năng lực của mình. Tính đến thời điểm hy sinh, Nguyễn Văn Thanh đã tích lũy bay được hơn 540 giờ…
    Tổ bay sống mãi trong lòng nhân dân, đồng đội  060714hha32110626276
    Anh Nguyễn Văn Sang và gia đình vẫn bàng hoàng, thương xót trước sự ra đi của các chiến sĩ trên chiếc trực thăng gặp nạn.
    Hành động dũng cảm
    Trở về từ hiện trường vụ tai nạn máy bay, Thượng tá Nguyễn Văn Kim, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 916, người có hơn 30 năm kinh nghiệm huấn luyện bay và thực hiện nhiều nhiệm vụ, đã từng xử lý các tình huống phức tạp, chia sẻ rằng: “Căn cứ vào sơ đồ đường bay và chứng kiến hiện trường, tôi đã hình dung ra sự dũng cảm của tổ bay. Mặc dù máy bay đang gặp sự cố, đứng trước giây phút sinh tử ấy mà các anh vẫn bình tĩnh, cố gắng đưa máy bay ra khỏi khu vực đông dân cư, thà hy sinh tính mạng bản thân chứ quyết không để ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân”.
    Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Lương Văn Lâm, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 916 thì cho rằng, để xử lý tình huống ngặt nghèo đó, các thành viên tổ bay, đặc biệt là phi công lái chính phải thực sự là người có bản lĩnh, giàu kinh nghiệm, giỏi về chuyên môn mới tránh được thiệt hại như vậy.
    Anh Nguyễn Văn Sang, ở thôn 9, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Dậu, tiểu thương buôn bán ở Chợ Hòa Lạc, là những người chứng kiến chiếc máy bay Mi-171 lâm nạn hôm đó vẫn chưa hết bàng hoàng. Họ kể: Khi chúng tôi nhìn thấy chiếc máy bay thì nó đã ngay trên đỉnh đầu mình, chỉ cách mặt đất chưa đầy 20m, đang chao đảo gầm rú. Những tưởng nó phải rơi ngay xuống chợ, hoặc lao vào dãy nhà dân ở thôn 11. Chắc chắn các chú phi công đã phải điều khiến máy bay lách qua khe của 3 ngôi nhà 3 tầng rồi mới rơi xuống đất.
    Nói đến đây, chị Dậu vội đưa tay lên quệt hai hàng nước mắt đang lăn dài trên má.
    Tổ bay sống mãi trong lòng nhân dân, đồng đội  060714hha33110626476
    Chị Nguyễn Thị Dậu chia sẻ, nếu tổ lái không dũng cảm điều khiển máy bay ra xa chợ Hòa Lạc, sẽ có nhiều người bị thiệt mạng.
    Khi nhận ra tôi sắp rời đi, một số người dân đã níu tôi lại để được bộc bạch tâm sự đang chất chứa trong lòng. Họ bảo, bà con nhân dân chúng tôi thực sự khâm phục và biết ơn tinh thần hy sinh quả cảm của các chú phi công. Nếu các chú ấy không hành động cao cả như thế, không biết có bao nhiêu người dân ở đây sẽ không còn cơ hội sống sót.
    Rồi không ai bảo ai, họ đều tâm sự với tôi, rằng tổ bay của chiếc Mi-171 xứng đáng là những anh hùng giữa thời bình…
    Ngày 11-7, tổ bay cùng 15 chiến sĩ ưu tú đã hy sinh sẽ trở về lòng đất mẹ. Thời gian sẽ qua đi! Thời gian sẽ có thể xóa nhòa nhiều thứ, song tôi vẫn cho phép mình tin rằng, các anh-những chiến sĩ ưu tú của QĐND Việt Nam sẽ mãi mãi sống trong lòng dân, trong lòng đồng đội. Và nhân dân sẽ mãi nhớ về một tổ bay, với hành động quả cảm, anh hùng…
    Bài, ảnh: NGUYỄN HUY CƯỜNG

      Hôm nay: Wed May 15, 2024 5:39 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]