Một sự khởi đầu mới

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Một sự khởi đầu mới

    QDND.VN
    QDND.VN
    Học viên
    Học viên

    Tổng số bài gửi : 1
    Join date : 19/07/2015

    Một sự khởi đầu mới Empty Một sự khởi đầu mới

    Bài gửi by QDND.VN Sun Jul 19, 2015 1:49 pm

    Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Hoa Kỳ
    QĐND - Ngay trên đất nước Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cuộc gặp gỡ với đại diện các tổ chức, tầng lớp xã hội người Việt Nam và Hoa Kỳ... Những buổi nói chuyện thân tình ấy đã mang đến cho đồng bào Việt Nam và bạn bè Hoa Kỳ cái nhìn đúng và đầy đủ hơn về một đất nước giàu lòng nhân ái, ngày càng dân chủ và đang phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó là sự đánh thức lương tâm, khơi dậy trách nhiệm để mỗi tổ chức, cá nhân có “nhận thức đúng, hành động đúng”, tích cực đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nước nhà, mở ra chương mới trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
    Hãy lắng nghe “tiếng lòng” Tổ quốc!
    Trong chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi “giật mình” khi điểm lại: Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đến 8 cuộc làm việc, gặp gỡ, trò chuyện với đại diện các tổ chức, giai tầng xã hội người Việt Nam ở Hoa Kỳ.
    Một sự khởi đầu mới 07042015dung21823242824
    Cán bộ, nhân viên và người Việt ở Oa-sinh-tơn chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, nói chuyện.  
    Được biết, trước chuyến thăm, khi thống nhất chương trình lần cuối, có ý kiến tỏ ra băn khoăn, đề xuất nên “gộp” một số cuộc gặp gỡ với các tổ chức, đối tượng kiều bào, lưu học sinh lại với nhau vì lịch trình hoạt động của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam khá dày. Thế nhưng, trước mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là được nói chuyện với đông đảo kiều bào, được gặp gỡ từng thành phần xã hội để tận mắt chứng kiến cuộc sống, lắng nghe đồng bào nói và nói để đồng bào nghe..., mọi lịch trình chuyến thăm được giữ y như ban đầu.
    Tại thành phố Oa-sinh-tơn và Niu Y-oóc, ở mỗi cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có mặt đông đủ đại biểu các tầng lớp xã hội, đại diện cho hơn 1,5 triệu người Việt trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Tại Niu Y-oóc, tối 9-7 (giờ địa phương, tức sáng 10-7 giờ Việt Nam) hàng trăm kiều bào và lưu học sinh đã không quản đường xá xa xôi, vượt hàng trăm ki-lô-mét từ khắp mọi nơi trên đất nước Hoa Kỳ, hội tụ về khán phòng ở Khách sạn Waldorf Astoria để được gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí, có đoàn kiều bào Ca-na-đa bay đến Hoa Kỳ vì không thể bỏ lỡ một cuộc gặp ý nghĩa.
    Là người chứng kiến, tham dự mọi cuộc gặp gỡ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, cho biết: Bao giờ cũng vậy, sau bài phát biểu, Tổng Bí thư lại ân cần đến bắt tay, thăm hỏi về đời tư, tìm hiểu nguyện vọng của từng người. Đặc biệt, những cuộc trò chuyện này không chỉ dành riêng cho những công dân Việt Nam yêu nước mà còn dành sự công bằng, lịch thiệp cho cả những người bất đồng chính kiến, còn biểu hiện tư tưởng đối lập. Với thành phần khá “đa dạng”, nhưng ở bất cứ cuộc gặp gỡ nào, câu chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay không ngớt của các đại biểu có mặt trong khán phòng. Và có lẽ, những tiếng vỗ tay còn lan sâu, tỏa ra đến với mỗi kiều bào không có dịp tham dự, về với mỗi công dân trên đất nước Việt Nam cách xa Hoa Kỳ “vạn dặm xa xôi”...
    Một sự khởi đầu mới 07042015dung219232428224
    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và người Việt ở Oa-sinh-tơn.
    Hết sức chân tình, cởi mở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ điều mà hầu như ai cũng thấm thía: Chúng ta là người Việt Nam, dù quá khứ như thế nào, dù chúng ta đang ở đâu thì hãy thương yêu lấy nhau vì chúng ta là “con Lạc, cháu Hồng”. Tổng Bí thư trân trọng bày tỏ lòng biết ơn đối với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ đã có những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước.
    Với những quan điểm khác biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thẳng thắn: Tổ quốc lúc nào cũng dang rộng cánh tay đón nhận tất cả những người con của mình. Dù khác nhau về chính kiến nhưng đừng bao giờ để điều đó ảnh hưởng đến trách nhiệm công dân. Hãy đoàn kết lại, cùng chung nhau xây dựng đất nước Việt Nam mạnh giàu. Đó là “tiếng lòng Tổ quốc” mà mỗi công dân phải có trách nhiệm lắng nghe!
    Bài nói chuyện của Tổng Bí thư ở mỗi cuộc gặp có khác nhau về nội dung, văn phong, ngữ điệu, cách tiếp cận... nhưng có một điểm chung là sức mạnh lay động tâm thức người nghe, bởi lẽ nó đã đụng chạm đến một vấn đề cốt tử: Lòng yêu nước của những người Việt Nam.
    Chị Nguyễn Đài Trang, Giáo sư ngành Ngoại thương, Việt kiều Ca-na-đa, chia sẻ: Những bài nói, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gây xúc động mạnh đối với cộng đồng kiều bào, có tác dụng như lời hiệu triệu hướng về Tổ quốc. Chúng tôi biết, trong suốt chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, đã có rất nhiều dấu ấn lịch sử và những tình cảm chân thành như thế!
    Dấu ấn Việt Nam trong lòng Hoa Kỳ
    Cũng thật ấn tượng, trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đến 5 buổi tiếp xúc, làm việc với Lãnh đạo các tôn giáo, đại diện Viện Liên kết toàn cầu, các nhà khoa học Trường Đại học Ha-vớt, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, nhóm trí thức trẻ... Qua các cuộc trò chuyện, hình ảnh về một đất nước Việt Nam tươi đẹp hiện lên đầy đủ hơn trong ánh nhìn và ý nghĩ của bạn bè Hoa Kỳ.
    Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: Cách đây 20 năm, có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ lại có thể vượt qua nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay. Thế nhưng chúng ta đã làm được, và chính những bước tiến dài trong 20 năm quan hệ hữu nghị đã giúp chúng ta hiểu nhau hơn.
    Thật đúng như vậy, những tưởng, đất nước Việt Nam cách xa Hoa Kỳ đến nửa vòng Trái Đất, với hơn 20 giờ bay, thì công dân Hoa Kỳ chỉ biết về một Việt Nam của quá khứ (!) Nhưng không, phần đa người dân Hoa Kỳ hiện tại đều biết và hiểu về đất nước, con người Việt Nam hôm nay. Ngài Giôn Mắc Au-líp (Joln Mc Auliff), Giám đốc điều hành Quỹ hòa giải và phát triển Hoa Kỳ là một ví dụ. Ông từng sống ở Hà Nội nên có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Mấy chục năm về trước, ông đã cháy bỏng mong ước đưa nhiều sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập để về xây dựng đất nước. Giờ đây, khi được biết có hơn 16.500 sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ, ông xem đó là niềm hạnh phúc lớn của bản thân và là điều tốt cho nhân dân hai nước trong tương lai.
    Một sự khởi đầu mới 07042015dung220232427852
    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp mặt thân mật cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
    Tiến sĩ Giêm R.Co-cô-ran (James R.Corcoran), Đại học Hawaii, Cựu binh Mỹ, từng là Đại úy của Sư đoàn Bộ binh số 1 Mỹ cũng có những tình cảm đặc biệt hướng về Việt Nam. Ông trải lòng: “Kinh nghiệm khi còn là một đại úy pháo binh trên mặt trận và từng đón sinh nhật tuổi 30 trong cuộc chiến Việt Nam đã dẫn tôi đến cuộc tìm kiếm cả đời để hiểu về đất nước, con người Việt Nam của quá khứ, hiện tại và tương lai”.
    Theo R.Co-cô-ran, nhờ hiểu dân tộc Việt Nam, nên ông rất cảm phục người Việt Nam trong chiến tranh và thời bình với phẩm chất đáng kính là tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc và lòng chuộng hòa bình cao cả. Ông tâm niệm, bản thân sẽ cố gắng giúp sinh viên của mình hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, góp phần vào xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Hoa Kỳ - Việt Nam.
    Tương tự, dư luận xã hội Hoa Kỳ thời gian qua được hình thành, định hình rõ nét với dòng chủ lưu là sự cảm phục trước tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Việt Nam. Cựu chiến binh Hoa Kỳ B.Mu-lơ (Bolly Muller) từng chiến đấu ở Quảng Trị (1968-1969), bị thương ở ngực sau đó bị liệt hai chân. Ông đến gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên chiếc xe lăn khó nhọc, nhưng thần thái và quan điểm của ông luôn thể hiện rõ sự khẳng khái. “Chúng tôi cảm phục câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi họp báo sau hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ: “Quá khứ thì không ai có thể thay đổi, nhưng tương lai thuộc trách nhiệm của chúng ta”. Đó là một chân lý, một phương châm hành động đáng được tôn kính, ngợi ca”, ông nói.
    Người dân Hoa Kỳ cảm phục bạn bè Việt Nam là rất đúng, bởi lẽ tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” hiển hiện ngay trong cuộc hội đàm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Ba-rắc Ô-ba-ma. Trong căn phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, tham gia buổi hội đàm có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (con trai của cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người đã rất nỗ lực trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ); có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước)... Tất cả những con người đó hẳn sẽ có những cảm xúc riêng, nhưng điểm chung ở họ trong chuyến thăm lần này là thái độ hợp tác trọng thị, thể hiện qua từng ánh mắt, nụ cười, hay cái bắt tay với đối tác...
    Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, thành phần đoàn tùy tùng có cả những cựu chiến binh Việt Nam-những người trực tiếp chiến đấu, tận mắt chứng kiến sự đau thương, mất mát của chiến tranh, thậm chí chính họ đã để lại một phần máu thịt nơi chiến trường khốc liệt do bom đạn một thuở... Thế nhưng, khi báo giới Hoa Kỳ đặt vấn đề về lý do tham chiến, họ đều khẳng khái: Chúng tôi buộc phải “đến với” chiến tranh, để hòa mình vào cuộc kháng chiến của cả dân tộc, quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, giải phóng, thống nhất đất nước mình. Đó không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, càng không phải để chống nhân dân Hoa Kỳ.
    Nhà văn Chu Lai-người nổi tiếng với những tác phẩm viết về chiến tranh, khẳng định: “Ngày nay, tất cả mọi công dân Hoa Kỳ, kể cả các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam, khi đến với đất nước chúng tôi sẽ đều được chào đón một cách nồng hậu nhất. Ở Việt Nam, hoàn toàn không có bóng dáng của hận thù hay sự kỳ thị”.
    Trân trọng thiện chí ấy, những người bạn Hoa Kỳ luôn chủ động đón nhận những cái bắt tay, những cái ôm xiết, nhiều người không kìm được niềm xúc động trước những cử chỉ cao thượng, nhân văn. Với các đại biểu Hoa Kỳ từng có những đóng góp xứng đáng dành cho Việt Nam, cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ,... thì trong dịp này, họ tự hào kể về những cống hiến đó và xem đây là "một trong những thành tựu quan trọng nhất" của cuộc đời mình.
    Thực tế cho thấy, 20 năm qua, kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi được chặng đường dài trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Đó là sự hợp tác không chỉ vì lợi ích của hai nước, mà còn vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
    Như vậy, chính tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” đã mở ra một khởi đầu mới trong mối quan hệ hợp tác tin cậy.
    Bài và ảnh:NGUYỄN TẤN TUÂN

      Hôm nay: Wed May 08, 2024 4:24 am

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]