Quân khu 3 - Quá trình hình thành và phát triển

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Quân khu 3 - Quá trình hình thành và phát triển

    cuuchienbinhvn
    cuuchienbinhvn
    Hạ Sĩ
    Hạ Sĩ

    Tổng số bài gửi : 129
    Join date : 01/10/2013

    Quân khu 3 - Quá trình hình thành và phát triển  Empty Quân khu 3 - Quá trình hình thành và phát triển

    Bài gửi by cuuchienbinhvn Wed Jun 04, 2014 7:46 am

    Quân khu 3 trực thuộc Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ tổ chức, xây dựng, quản lý và chỉ huy các lực lượng vũ  trang 3 thứ quân chiến đấu bảo vệ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Quân khu 3 gồm 9 tỉnh, thành phố là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, với 94 quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh (trong đó có 4 huyện đảo, 3 huyện, thành phố biên giới; có 1.821 xã, phường, thị trấn (trong đó có 30 xã đảo và 16 xã biên giới); diện tích tự nhiên của Quân khu 3 là 20.641 km2. Trên địa bàn quân khu có 23 dân tộc. Có 132,8 km đường biên giới trên bộ giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và 425 km bờ biển với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, án ngữ hướng biển Đông và Đông Bắc của Tổ quốc. Trên địa bàn Quân khu có các cảng lớn như: Cảng Hải Phòng, Cái Lân, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông (Quảng Ninh), Cảng Diêm Điền (Thái Bình)... là đầu mối giao thông quan trọng trong nước và quốc tế.
    Địa hình của Quân khu 3 bao gồm cả đồng bằng, rừng núi trung du và vùng biển đảo, là vùng đất giàu tiềm năng và thế mạnh, là một trong ba vùng kinh tế động lực của cả nước, là nơi tập trung nhiều trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, trong đó có 2 trung tâm lớn là thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh, là hai cực của tam giác tăng trưởng kinh tế miền Bắc. Quân khu 3 có nhiều điều kiện và khả năng phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, Quân khu 3 có đầy đủ điều kiện và vị trí hết sức quan trọng về QP-AN đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
    Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 31/10/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ra quyết định thành lập các Chiến khu 2, 3 và Chiến khu 11. Chiến khu 3 (tiền thân của Quân khu 3 ngày nay) gồm các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh và thành phố Hải Phòng. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, ngày 25/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 120-SL thành lập Liên khu 3 gồm các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hoà Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Thái Bình.
    Tháng 5/1952, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định thành lập Khu Tả Ngạn, gồm các tỉnh: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.
    Ngày 01/11/1963, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 51/QĐ-BQP điều chỉnh địa giới Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn, tổ chức lại với tên gọi Quân khu Đông Bắc và Quân khu 3.
    Ngày 29/5/1976, Chủ tịch nước cộng hoà XHCN Việt Nam ký sắc lệnh số 45/LCT hợp nhất Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn để thành lập lại Quân khu 3 và điều chỉnh địa giới hành chính tách Thanh Hoá về thuộc Quân khu 4. Địa bàn Quân khu 3 gồm các tỉnh: Hải Hưng, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Bắc, Hà Nam Ninh và Hà Sơn Bình.
    Từ ngày 30/6/1978, hai tỉnh Hà Bắc, Quảng Ninh tách khỏi địa bàn Quân khu 3 về trực thuộc Quân khu 1.
    Năm 1979, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 71/LCT tách tỉnh Quảng Ninh ra khỏi Quân khu 1 để thành lập Đặc khu Quảng Ninh trực thuộc Trung ương.
    Ngày 04/8/1987, Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) ra Nghị quyết số 154/NQ hợp nhất Đặc khu Quảng Ninh vào Quân khu 3. Những năm tiếp theo, địa giới Quân khu tiếp tục được điều chỉnh: tách Hà Tây về Quân khu Thủ đô, tách tỉnh Hải Hưng thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.
    Trong kháng chiến chống Pháp, Lực lượng vũ trang và nhân dân Liên khu 3, Khu Tả ngạn Sông Hồng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực, tiến hành nhiều chiến dịch lớn, xây dựng và phát động cuộc chiến tranh nhân dân với các trận đánh đã đi vào lịch sử như: Sấm Đường 5, Cát Bi nổi lửa, Đường 17, Đường 10, du kích Hoàng Ngân, các làng, xã chiến đấu nổi tiếng như: Nguyên Xá, Liên Minh, Hùng Thắng, Tam Nông... Quân và dân đồng bằng sông Hồng đã đánh 78.604 trận; đồng thời, tích cực chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
    Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Quân khu 3 đã đoàn kết hiệp đồng, không những sản xuất giỏi mà còn chiến đấu tốt, phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân tạo nên thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, đánh thắng ngay từ trận đầu 5/8, đập tan chiến dịch “Biển lửa”, “Mũi lao lửa”, “Rồng biển” và chiến dịch tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của Mỹ, cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội lập lên một “Điện Biên Phủ trên không”. Đã đánh 39.450 trận, bắn rơi 1.526 máy bay, bắn cháy, bắn chìm 75 tàu chiến Mỹ; rà phá, tháo gỡ 68.962 quả bom, mìn, thủy lôi (trong đó có 1.495 quả thủy lôi); chi viện cho các chiến trường, hàng triệu thanh niên, hàng chục vạn tấn lương thực và hàng hoá, góp phần cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên CNXH.
    Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Quân khu 3 đã tập trung trí tuệ và sức lực, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh; vừa phải chi viện sức người, sức của cho các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc; vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Bằng phong trào “Làm giàu đánh thắng” quân và dân Quân khu 3 đã góp phần cùng với cả nước thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

      Hôm nay: Mon Apr 29, 2024 7:24 am

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]