CHƯA SẠCH NƯỚC CẢN THÌ ĐỪNG VIẾT NHĂNG

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    CHƯA SẠCH NƯỚC CẢN THÌ ĐỪNG VIẾT NHĂNG

    linhxetang
    linhxetang
    Binh nhì
    Binh nhì

    Tổng số bài gửi : 29
    Join date : 10/04/2014

    CHƯA SẠCH NƯỚC CẢN THÌ ĐỪNG VIẾT NHĂNG Empty CHƯA SẠCH NƯỚC CẢN THÌ ĐỪNG VIẾT NHĂNG

    Bài gửi by linhxetang Thu Feb 12, 2015 5:52 pm

    “Những người tự nhận mình là “ông đồ”, nhưng thực chất chữ nghĩa không đáng kể, chữ viết lem nhem, thậm chí viết sai mà lại bán chữ cho khách để lấy tiền, đó là dối đời, lừa dân, rất đáng chê trách”, TS. Phạm Văn Ánh nhận định.


    Mới đây, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức kỳ thi sát hạch “ông đồ”. Kết quả cho thấy có tới 70% những cây bút tham gia sát hạch không đạt yêu cầu do ban tổ chức đề ra.
    Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Phạm Văn Ánh - nhà nghiên cứu Văn học và Hán Nôm, công tác tại Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thành viên Ban giám khảo.
    Thưa ông, được biết trong kỳ thi sát hạch “ông đồ” vừa qua, có tới 70% số người tham gia không đạt yêu cầu. Là một trong những thành viên tham gia công tác thẩm duyệt, ông đánh giá thế nào về kết quả này?
    70% là kết quả chung cuả các cây bút chữ Hán và Quốc ngữ. Riêng các cây bút chữ Hán thì trong số 31 người dự thi có 4 người đỗ, tỉ lệ chỉ dưới 15% thôi. Nếu xét thật ngặt thì các trường hợp này vẫn chưa đạt yêu cầu, nhưng trong một cuộc thi, chẳng lẽ không có người đỗ, do vậy, trên mặt bằng chung, Ban giám khảo có cân nhắc, chấp nhận thông qua. Nói cách khác, 4 trường hợp đó cũng chỉ là “đỗ vớt” mà thôi.
    Tuy không kì vọng nhiều vào khả năng của những người tự xưng là “thầy đồ”, “ông đồ” ngày nay, song kết quả nói trên khiến chúng tôi rất thất vọng. 
    Ban giám khảo dựa vào các tiêu chí nào để đánh giá trình độ các cây bút tham gia dự thi, thưa ông?
    Chúng tôi xét ở hai góc độ: 1/ Về trình độ Hán Nôm, 2/ Về trình độ thư pháp. 
    Về trình độ Hán Nôm, Ban giám khảo cho mỗi thí sinh 4 chữ phiên âm Hán – Việt, yêu cầu các thí sinh xác lập nguyên văn chữ Hán và lấy đó làm nội dung phần trình bày thư pháp của mình. Việc xác lập chữ Hán này là để xem các thí sinh có nhớ chữ hay không. Thế nhưng riêng nội dung này phân nửa đã viết sai, có người thậm chí viết sai 3 trên tổng số 4 chữ, có chữ sai rất ngô nghê. Có thí sinh xác lập bốn chữ “Liễm phúc tứ dân”, nghĩa là gom điều phúc để ban cho dân, vốn là bốn chữ thông dụng thường được viết trên hoành phi ở các đình làng, vậy mà chữ “tứ” là ban tặng, viết sai đồng âm thành “tứ” là bốn, khiến “Liễm phúc tứ dân” thành ra là gom hết điều phúc của bốn hạng dân, mà gom hết phúc của bốn hạng dân thì sĩ – nông – công – thương đâu còn phúc nữa. Nhìn chung, phần kiểm tra trình độ Hán Nôm đòi hỏi rất thấp, các đề ra chỉ yêu cầu viết 4 chữ, mà đều là các chữ thông dụng, thông dụng đến mức chỉ cần có một chút chữ nghĩa Hán Nôm sơ sơ cũng có thể viết ra được. 
    Phần viết thư pháp cũng chỉ đòi hỏi một cách đơn giản là ngoài việc viết đúng, các thí sinh cần viết sao cho sạch sẽ, gọn gàng, khả dĩ chấp nhận được. Thế nhưng cả người viết sai và người viết đúng về cơ bản chữ viết lem nhem, chưa biết gì về thư pháp. Chữ viết của họ phần lớn không gợi cho người xem ý niệm về cái đẹp, chỉ gợi sự tủn mủn, lem nhem, bệ rạc.
    Hán Nôm là lĩnh vực khó, khi xưa có nhiều người mười năm đèn sách mà chữ nghĩa còn chưa thông. Đó là thời của Hán học còn thịnh, nay là thời của chữ Quốc ngữ, muốn có hiểu biết tương đối tốt về Hán Nôm thì phải qua đào tạo một cách bài bản, hoặc tự nỗ lực tu dưỡng đúng cách trong một thời gian dài. Ngay như cá nhân tôi, vốn được đào tạo từ chuyên ngành Hán Nôm ở trường đại học, ra công tác tại viện nghiên cứu chuyên ngành, làm việc liên quan trực tiếp đến Hán Nôm, văn học cổ, sử dụng Hán Nôm hàng ngày trong hơn chục năm, vậy mà tự thấy trình độ Hán học của mình còn rất hạn chế, huống chi những người không được đào tạo, mới tự học trong một thời gian ngắn, làm sao có thể có một “vốn liếng” Hán Nôm khá được. 
    Đó là nói về Hán Nôm, về thư pháp cũng là lĩnh vực cực khó. Người có trình độ Hán Nôm giỏi không có nghĩa là anh ta cũng giỏi về thư pháp, vì thư pháp mà một khu vực khác, một bộ môn nghệ thuật có những đòi hỏi riêng. Người Trung Quốc dùng điển tích liên quan đến “mộ bút” (bút trủng), “ao mực” (mặc trì) để nói đến sự phức tạp, và dụng công về thư pháp; người Việt cũng cho rằng trong các thú chơ tao nhã thì “nhất chữ, nhì tranh”. Do vậy, người nào muốn có thành tựu trong thư pháp thì ngoài việc chữ nghĩa thông tường, cần phải dụng công đúng phương pháp và phải có năng khiếu nữa. Nói đơn cử, ta cầm bút phết ngang một nét, thế là chữ Nhất, nhưng trong thư pháp thì không phải thế. Nội một chữ Nhất, viết cho đúng “pháp” cũng phải theo nhiều bước nhiều công đoạn, người không học làm sao biết được. Cho nên có thí sinh sau khi bị đánh trượt đã xin cho viết lại, chúng tôi có nói với họ rằng người có biết viết thư pháp hay không, chỉ cần nhìn một nét Nhất thôi chúng tôi cũng đủ đánh giá rồi. 
    Có ý kiến cho rằng, các “ông đồ” thi sát hạch để được vào Hồ Văn viết chữ dịp Tết nhằm mục đích kinh tế. Ông nghĩ sao?
    Chúng ta thường nói xin – cho chữ, đó là cách nói cho tao nhã mà thôi, còn thực chất là hành vi mua – bán. Các thí sinh dự thi để được vào ngồi viết chữ tại Hồ Văn về cơ bản là nhằm mục đích kinh tế. Nhưng tất nhiên với một số người, lí do kinh tế không phải là tất cả, ngoài vấn đề này, họ còn quan niệm đó là một cuộc vui, là cơ hội để giao lưu, rèn luyện chữ viết của mình. Tuy nhiên, về ý chủ quan, tôi cho là số này không nhiều lắm.
    Chính vì có chuyện mua – bán, cho nên vấn đề đặt ra là, một khi người viết chữ không có trình độ Hán Nôm và thư pháp, tức là bán chữ mà “không có chữ”, khác gì đi buôn không vốn, bán hàng không hàng. Thế rồi để kiếm lợi, họ viết như bôi như quét, lem nhem bệ rạc, thậm chí viết sai, rồi bán cho khách, thu lấy “tiền tươi”. Như thế chẳng phải là gần giống với lừa đảo ư? Tôi từng quan sát một số vị cao niên ở vỉa hè Văn Miếu, trình độ Hán Nôm thấp kém, chữ viết nhếch nhác, bần tiện, thế mà lại rất nhiều người đổ xô vào mua. Một số vị ấy khi bán chữ còn có thêm một số chiêu trò mị dân nữa, nào là bói toán, nào là “nhân điện”, “cảm ứng”… “cho đi” mỗi bức, “đòi về” dăm trăm, thậm chí nhiều hơn, thật là quá đáng. Nhưng ở đây xuất hiện thêm một vấn đề là tại sao chữ nghĩa lem nhem thế mà vẫn có người mua? Là vì người nay đi xin / mua chữ, hầu hết không hiểu lắm về chữ nghĩa mình xin, đặc biệt là không đọc được chữ Hán, và tất nhiên là cũng không biết chữ thế nào là xấu là đẹp. Chính vì thế, họ thường nhìn vị nào viết chữ mà tóc bạc da mồi thì cho là bậc “cao thủ võ lâm”, rồi nhắm vào đấy mà xin / mua, cho nên đã vô tình “dính chưởng”. 
    Những năm sau Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nên tiếp tục tổ chức cuộc thi sát hạch “ông đồ”?
    Theo tôi thì rất nên, bởi dù kết quả như năm nay chẳng hạn có thể rất không khả quan, nhưng kết quả đó chính là sự cảnh tỉnh với người xin chữ về thực trạng các “ông đồ” trên địa bàn thủ đô và các tỉnh lân cận hiện nay. Việc này cũng khiến những người có khả năng về chữ nghĩa thêm sự tôn nghiêm, được xã hội trân trọng, còn những người khả năng còn hạn chế thì cũng phải tự nhìn nhận lại bản thân, biết cố gắng học hỏi, luyện tập để nâng cao hơn trình độ của mình. Năm nay không đạt thì năm sau có thể đạt. Còn như trình độ quá kém, chữ nghĩa lem nhem thì đừng vì đồng tiền mà bôi bẩn chữ thánh hiền, dối đời lừa dân mà làm gì. Nói cách khác, chưa sạch nước cản thì đừng viết nhăng.

      Hôm nay: Sun Apr 28, 2024 2:10 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]