Câu chuyện lớn đằng sau chiến lược quân sự mới của Trung Quốc

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Câu chuyện lớn đằng sau chiến lược quân sự mới của Trung Quốc

    beleo
    beleo
    Binh nhất
    Binh nhất

    Tổng số bài gửi : 57
    Join date : 03/04/2014

    Câu chuyện lớn đằng sau chiến lược quân sự mới của Trung Quốc Empty Câu chuyện lớn đằng sau chiến lược quân sự mới của Trung Quốc

    Bài gửi by beleo Mon Jul 20, 2015 12:03 pm

    [size=14]Với “Chiến lược quân sự Trung Quốc”, Bắc Kinh đã công bố một phần sách lược của mình; ngay bây giờ Washington phải đưa ra câu trả lời của mình trước khi cuộc chơi lên đến đỉnh điểm.[/size]
     
    [size=14]Câu chuyện lớn đằng sau chiến lược quân sự mới của Trung Quốc 20070916ran8106603_073 [/size]


    Khi Trung Quốc tái trỗi dậy với tư cách là một trong những cường quốc hàng đầu toàn cầu, việc nước này trở thành kiểu người chơi nào trên vũ đài thế giới đã trở thành một chủ đề tranh cãi sôi nổi trong giới quan sát Trung Quốc và cộng đồng rộng hơn. Với tình trạng căng thẳng đang gia tăng tới mức một học giả nổi tiếng của Trung Quốc gọi đây là “điểm bùng phát” trong quan hệ Mỹ-Trung, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra Sách Trắng lần đầu tiên cho đến nay về chiến lược quân sự ngay trước khi Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 14 được tổ chức tại Singapore mới đây. Từ năm 2012, Bắc Kinh quả thực đã trở nên quyết đoán hơn ở các vùng biển gần của nước này, và Sách Trắng này nêu bật quyết tâm tăng cường “quản lý chiến lược biển” của Trung Quốc. Sự chú ý ngay lập tức đã tập trung vào các biểu hiện quyết tâm của Trung Quốc đối với những điểm tranh cãi hiện nay như việc Trung Quốc cải tạo đất ở các thực thể có tranh chấp trên Biển Đông. Gần đây nhất – sau những dự đoán của Lầu Năm Góc – Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) dường như đang tăng cường hoạt động gần bãi cạn Luconia, cách đảo Borneo khoảng 60 dặm về phía Bắc thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Nhưng tư duy chiến lược mới được công bố này cũng phản ánh một câu chuyện lớn hơn nhiều về những thay đổi sâu sắc trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
    Bản thân câu chuyện này tương đối đơn giản: việc Trung Quốc tham gia công cuộc toàn cầu hóa đã gây ra một sự bùng nổ lợi ích ở nước ngoài không thể đảo ngược. Nó cũng đem lại cho Trung Quốc những nguồn tài nguyên và khả năng to lớn hơn cùng với đó để thúc đẩy và bảo vệ chúng. Sự kết hợp này đã kéo Trung Quốc ra ngoài để trở nên “sẵn sàng và có khả năng hơn” – đó là tích cực trong các vấn đề an ninh quốc tế. Trên thực tế, theo nhiều cách thức, Sách Trắng quốc phòng lần đầu tiên cho đến nay về chiến lược của Trung Quốc là chính sách chính thức bắt kịp với thực tế. Bởi vì xu hướng này có khả năng chỉ tăng thêm, các học giả và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải hiểu rõ điều đó nếu họ muốn định hình các chính sách mà có thể nắm bắt những lợi ích và xử lý những thách thức nảy sinh từ trạng thái bình thường mới về chủ nghĩa tích cực an ninh quốc tế đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
    Đặc biệt, “Chiến lược quân sự của Trung Quốc” công khai đưa ra những sự đổi mới trong tư duy an ninh quốc gia của Trung Quốc trong ba lĩnh vực chủ chốt: một sự hiểu biết mới về khuôn khổ chính trị đối với lực lượng quân sự, tăng cường quan hệ đối tác an ninh, và các khả năng triển khai sức mạnh toàn cầu cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Do những động lực cho chiến lược này được nung nấu trong công cuộc toàn cầu hóa, một số tư tưởng này có trước chính quyền hiện nay, trước lời kêu gọi về “những sứ mệnh lịch sử mới” hồi năm 2004 của Hồ Cẩm Đào; nhưng chúng được thông qua và đã được nhấn mạnh rõ nét hơn ở đây. Vì lý do này, chúng cũng có khả năng sẽ tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tóm lại, chiến lược này báo hiệu rằng Trung Quốc sẽ tích cực hơn nhiều về các vấn đề an ninh trên phương diện toàn cầu.
    Phạm vi toàn cầu mới
    Về mặt chính trị, Sách Trắng khẳng định một phạm vi toàn cầu mới về lợi ích an ninh và sự linh hoạt mới của Trung Quốc trong việc bảo vệ những lời ích này. Chúng ta được biết rằng “các vấn đề an ninh quốc gia mà Trung Quốc đang phải đối mặt bao gồm nhiều vấn đề hơn nhiều, trải rộng trên một phạm vi lớn hơn, và bao trùm một khoảng thời gian dài hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của nước này”. Bắc Kinh đang cho khán giả trong nước và quốc tế thấy ranh giới mới, không giới hạn về sự can dự của mình vào các vấn đề quốc tế, điều phản ánh thực tế về lợi ích kinh tế và chính trị toàn cầu của Bắc Kinh.
    Trọng tâm cụ thể được đặt vào an ninh tiếp cận năng lượng và các nguồn tài nguyên ở nước ngoài, con người và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho việc tiếp cận, và các tuyến đường biển đi qua những nguồn nguyên liệu thô đó. Chiến lược này kêu gọi Trung Quốc tham gia “cùng bảo vệ [các tuyến đường liên lạc biển] quốc tế”. Điều này rõ ràng có thể hiểu được đối với một quốc gia mà theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, nhập khẩu gần 60% dầu mỏ – một tỷ lệ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000 và được cho là sẽ chỉ tăng lên trong những thập kỷ tới.
    Để bảo vệ các lợi ích này, Trung Quốc sẽ đưa ra một “quan điểm mang tính chính thể luận về an ninh quốc gia”. Một cách để diễn giải biểu hiện mơ hồ này là những lợi ích hiện nay có khả năng sẽ quan trọng hơn các hệ tư tưởng cũ chẳng hạn như sự phản đối cố chấp đối với “việc can thiệp vào các công việc nội bộ của các nước khác”. Đáng chú ý là, đây là lần đầu tiên một Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc không nhắc đến 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, danh sách những tín điều mang tính lịch sử của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (PRC) mà nguyên tắc không can thiệp và các hạn chế tự áp đặt khác được đưa vào đó.
    Trên thực tế, trong thập kỷ qua Trung Quốc đã can dự vào nhiều hoạt động vượt quá các giới hạn không can thiệp truyền thống, bao gồm cả hòa giải chính trị, các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương và đa phương, và những sự triển khai các lực lượng an ninh của nước này ở các quốc gia khác. Trung Quốc đã can dự bằng cách này hay cách khác ở Sudan, Nam Sudan, Libya, Syria, Iran, Myanmar, Triều Tiên, và các nơi khác. Chỉ riêng những tháng gần đây, Trung Quốc đã điều động các tàu hải quân đến các vùng lãnh hải của Yemen để di tản công dân Trung Quốc khỏi tình trạng hỗn loạn đang ngày càng leo thang và tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và phe Taliban ở Trung Quốc. Chính sách chính thức đang bắt kịp với những thay đổi cơ cấu sâu sắc và những sự ứng biến mà chúng đòi hỏi.
    Cái được gọi là “quan điểm mang tính chính thể luận về an ninh quốc gia” bao gồm cả an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống, và Trung Quốc tuyên bố rõ ràng ý định của mình đối phó với những mối đe dọa vượt hẳn ra khỏi biên giới nước này, chẳng hạn như nạn cướp biển, gìn giữ hòa bình, đối phó thảm họa, và khủng bố. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề này sẽ chú trọng vào hình thức hợp tác quốc tế được thể hiện bằng những sự triển khai hải quân của nước này đến Vịnh Aden cho các hoạt động chống cướp biển bắt đầu vào năm 2008. Nhìn chung, Trung Quốc hứa hẹn sẽ “gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế nhiều hơn, đem lại nhiều hơn công ích an ninh, và đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và sự phát triển chung của thế giới”.
    Quan hệ đối tác quân sự
    Quả thực, đổi mới lớn thứ hai trong chiến lược mới của Trung Quốc là sự thừa nhận rõ ràng rằng Trung Quốc không thể hoạt động trên toàn cầu mà không cần đến sự giúp đỡ từ các nước khác. Tài liệu chiến lược này, đặc biệt là so với các Sách Trắng quốc phòng trước đó, hình dung ra quan hệ đối tác quân sự chiến lược và hoạt động mạnh mẽ với Mỹ, Nga và các quốc gia khác trải rộng đến châu Âu, châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương. Cũng có những khát vọng “thiết lập các cơ chế an ninh tập thể công bằng và hiệu quả”, tiếp tục gia tăng tiếng nói của Trung Quốc trong các cuộc đối thoại an ninh đa phương, và tham gia nhiều hơn các hành động an ninh mang tính hợp tác.
    Ngoài củng cố thông điệp về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, việc hợp tác sâu rộng hơn cũng đem lại kinh nghiệm tác chiến hết sức cần thiết cho PLA dưới hình thức các cuộc tập trận chung hoặc triển khai đa phương, và có thể đem lại cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, huấn luyện, hay thậm chí là tiếp cận các dàn xếp để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ở xa, chẳng hạn như thỏa thuận đặt căn cứ tiềm năng được đưa tin gần đây với Djibouti.
    Một lần nữa, trong trường hợp này sự chú trọng vào quan hệ an ninh phản ánh thực tế rằng Trung Quốc – khao khát muốn có bạn bè sau khi nước này tương đối bị cô lập trước những năm 2000 – trong những năm gần đây đã làm sâu sắc hơn các mối quan hệ quốc phòng của mình trên toàn thế giới. Hiện nay, Bắc Kinh có “quan hệ đối tác chiến lược” hay quan hệ bảo hộ tương tự với gần 60 quốc gia trên khắp toàn cầu, và trong các khuôn khổ này hoạt động ngoại giao quốc phòng với các nước chủ chốt đã gia tăng đáng kể. Hiện nay, các tàu chiến của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) thường xuyên ghé thăm các cảng biển ở khắp châu Á, khu vực Ấn Độ Dương, Trung Đông và bờ biển Đông Phi. PLA cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Nga, Pakistan và Singapore, và thường xuyên tìm kiếm những cơ hội khác. Lợi ích thương mại cũng hỗ trợ các mối quan hệ sâu sắc: Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, và nước này đang bán các hệ thống tinh vi nhiều hơn bao giờ hết.
    Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia vốn đã có quan hệ hợp tác an ninh mạnh mẽ với Mỹ, chẳng hạn như Saudi Arabia. Tuy nhiên, việc theo đuổi các đối tác cũng có thể khiến Trung Quốc liên kết chặt chẽ hơn với các nước như Iran và Nga, mà mối quan hệ của các nước này với Washington còn khó kiểm soát hơn. Các điểm tương tác chiến lược bổ sung sẽ tạo khả năng cho cả sự hợp tác lẫn cạnh tranh hơn nữa.
    Triển khai sức mạnh
    Trong sự đổi mới hướng về phía trước của mình, “Chiến lược quân sự của Trung Quốc” cũng báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ đặt sự cứng rắn đằng sau thái độ sẵn sàng làm nhiều hơn và ve vãn các đối tác mới của mình. Trung Quốc dự định xây dựng lực lượng quân sự có khả năng triển khai sức mạnh có giới hạn trên nhiều lãnh thổ. Đề mục cho chương trình hiện đại hóa này là một bước chuyển từ “phòng thủ các vùng biển gần” sang “kết hợp ‘phòng thủ các vùng biển gần’ và ‘bảo vệ các vùng biển xa’,” điều cho thấy sự cần thiết phải phát triển một lực lượng hải quân biển khơi có giới hạn.
    Đồng thời, Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu quan trọng khác ở trên không và ở các phạm vi khác. Quả thực, PLA đã có tiến bộ gần như ở tất cả các yếu tố quyết định chủ chốt về sức mạnh quân sự viễn chinh và có nhiều khả năng phát triển nếu các nguồn lực tiếp tục đổ vào như chiến lược này cho thấy. Một nghiên cứu kéo dài 2 năm từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ mà các tác giả của bài viết này giúp viết đã phân tích sự triển khai sức mạnh mới bắt đầu của PLA trong 5 lĩnh vực chính: triển khai sức mạnh, duy trì, khả năng, chỉ huy và kiểm soát, bảo vệ lực lượng. Mỗi lĩnh vực là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để sử dụng sức mạnh quân sự hiệu quả ở cách xa bờ biển của nước này. Chiến lược mới của Trung Quốc gọi mỗi phạm trù là một mục tiêu cụ thể trong các lĩnh vực khác nhau.
    Triển khai sức mạnh là một khái niệm rộng trong thuật ngữ quân sự, nhưng ở đây nó có nghĩa là các khả năng viễn chinh: các phương tiện của hải quân và không quân có thể hoạt động và đem lại hiệu quả ở phạm vi xa và các khả năng khác trong các lĩnh vực không có phạm vi như không gian mạng. Nhiều ví dụ điển hình của xu hướng này, đặc biệt là chương trình tàu sân bay đang phát triển của Trung Quốc, đã choán hết các tít báo trong những năm gần đây. Chiến lược này nhằm mục đích để PLAN “xây dựng một cơ cấu lực lượng chiến đấu trên biển mang tính phối hợp, đa năng và hiệu quả” để sử dụng ở các vùng biển khơi. Không quân PLA (PLAAF) dự định xây dựng các khả năng cho “không kích”, “các hoạt động không vận”, “triển khai chiến lược”, và các loại hình không quân viễn chinh khác. Lực lượng tên lửa của PLA, được biết đến là Lực lượng Pháo binh 2, cũng sẽ nỗ lực hướng tới “tấn công chính xác tầm trung và tầm xa”. Ngay cả Lục quân PLA đang trong tình trạng lộn xộn cũng đã đặt ra tầm nhìn của mình về các hoạt động “đa chiều, xuyên chiến trường, đa năng”. Trong nhiều trường hợp, các phương tiện có thể thực hiện các nhiệm vụ này đã được phát triển hoặc sản xuất.
    Duy trì là việc cung cấp sức mạnh chiến lược, hậu cần và các dịch vụ nhân sự cần thiết để tiếp tục hoạt động. Chiến lược mới tuyên bố rằng: “Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách hậu cần trong các chính sách, thể chế liên quan, hỗ trợ các lực lượng và tối ưu hóa triển khai hậu cần chiến lược”, bao gồm cả sự “hỗ trợ toàn diện” cho lực lượng hải quân và không quân, “các hoạt động bền vững [của lục quân]” và khả năng cơ động trong mọi lĩnh vực. Kinh nghiệm của PLAN hoạt động xa ngoài khơi Vịnh Aden đã khiến cho thể chế lớn hơn này nhận thấy cần phải có một cơ sở hạ tầng hậu cần toàn cầu. Lực lượng này đang xây dựng các nền tảng – thêm vào đó, như đã nhắc đến ở trên, là các thỏa thuận tiếp cận cơ sở tiềm năng ở nước ngoài – để thực hiện điều này.
    Năng lực thể  hiện sự phức hợp và quy mô của nó mà một quân đội có thể hoạt động. Nó được củng cố bởi cả số lượng nhân sự và phương tiện vật chất cần thiết cùng các quy trình tổ chức để tạo ra sức mạnh quân sự một cách có hiệu quả. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tiến hành một công việc đáng chú ý là sản xuất ra các vũ khí ngày càng tinh vi: theo Phòng Tình báo Hải quân, “Chỉ riêng năm 2014, hơn 60 tàu chiến và máy bay của hải quân đã được hạ thủy hoặc đưa vào hoạt động, với một số lượng tương tự được dự kiến đến cuối năm 2015”. Việc duy trì và thậm chí gia tăng tiến độ trong các dịch vụ này, đảm bảo quản lý hiệu quả các phương tiện trong suốt vòng đời của chúng, đòi hỏi phải có sự quản lý chiến lược tốt hơn. Do đó, PLA sẽ “tối ưu hóa chức năng và thể chế của [Quân ủy Trung ương] và các sở chỉ huy/bộ, cải thiện hệ thống lãnh đạo và quản lý dịch vụ và vũ khí, và tuân thủ việc lên kế hoạch dựa trên đòi hỏi và phân bổ nguồn lực dựa trên kế hoạch”. Nhiều trong số các cải cách có tổ chức này sẽ rất khó khăn về mặt chính trị, nhưng việc đưa các tiêu chuẩn này vào một văn kiện công khai thể hiện một mức độ tự tin của giới lãnh đạo hàng đầu.
    Chỉ huy và kiểm soát (C2) bao gồm các cơ sở, trang thiết bị, phương tiện thông tin liên lạc, quy trình và nhân sự cần thiết cho một chỉ huy để lên kế hoạch, chỉ đạo và kiểm soát hoạt động. Các khả năng chống tiếp cận/xâm nhập khu vực (A2/AD) mà Lầu Năm Góc hiện phải đương đầu ở Tây Thái Bình Dương bao gồm nhiều cấu trúc C2 có thể được tiếp tục phát triển một cách hữu ích và áp dụng cho các hoạt động mở rộng. Chiến lược mới tập trung vào việc “tiếp tục thăm dò và sử dụng các nguồn thông tin hiệu quả hơn”, đặc biệt là với các vệ tinh đặt trên không gian và khả năng mạng. Cũng quan trọng như công nghệ là quân nhân chuyên nghiệp, những người có thể sử dụng các công cụ này với hiệu quả lớn nhất. Do đó, Trung Quốc sẽ “hoàn thiện hệ thống nguồn nhân lực cho quân đội”, “[tăng cường] huấn luyện quân sự thực tế”, và nỗ lực phát triển đội ngũ các nhà lãnh đạo chiến lược mà có thể thích ứng với các đòi hỏi liên tục thay đổi về hoạt động quân sự. Nhìn chung, nước này có ý định “từng bước thiết lập một hệ thống hoạt động liên hợp trong đó tất cả các thành phần được liên kết liền mạch và các phương tiện hoạt động khác nhau vận hành một cách độc lập và có phối hợp”.
    Cuối cùng, bảo vệ lực lượng liên quan đến các biện pháp phòng ngừa được thực hiện để giảm thiểu các hành động thù địch nhằm vào binh sĩ, các nguồn lực, cơ sở và thông tin quan trọng. Việc hoạt động xa ngoài khơi bờ biển của một nước đem theo vô số khả năng dễ bị tấn công; chiến lược này thừa nhận những thiếu hụt và có ý định khắc phục chúng. Các kế hoạch hiện đại hóa hải quân và không quân nhắc đến “phòng thủ toàn diện” như là một ưu tiên chủ chốt, và quả thực PLAN đang vận hành các tàu khu trục phòng không khu vực Lữ Dương-II và Lữ Dương-III rất tinh vi và đang nỗ lực giảm bớt “gót chân Achilles” truyền thống của mình trong tác chiến biển khơi và tác chiến chống ngầm, cả hai thành phần chủ chốt của bảo vệ lực lượng trên biển.
    PLA sẽ tiếp tục gặp phải những trở ngại nghiêm trọng ở gần như tất cả các khu vực này, nhưng nếu PLA đạt được tiến bộ đối với những tham vọng đặt ra trong chiến lược này – nhiều trong số đó đã được tiến hành – lực lượng này sẽ có khối hợp thành gồm một lực lượng quân đội viễn chinh đáng gờm. Hơn nữa, với sự gia tăng không thể ngăn cản các lợi ích của mình ở nước ngoài, để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mạnh mẽ ở trong nước, Trung Quốc không có khả năng dừng lại ở việc “bảo vệ các vùng biển xa”.
    Tác giả và các đồng nghiệp đánh giá rằng đến năm 2030, PLA sẽ đạt được trạng thái “viễn chinh có giới hạn”. Mặc dù không thể theo kịp các khả năng của Hải quân Mỹ trong việc tham gia các hoạt động cường độ cao trên toàn cầu, một lực lượng như vậy có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ trên khắp toàn cầu, bao gồm: giúp đỡ nhân đạo/cứu trợ thảm họa, các hoạt động sơ tán người không tham gia chiến đấu, bảo vệ các phương tiện có giá trị cao như vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng, tấn công chống khủng bố, và các hoạt động ổn định có giới hạn.
    Trạng thái bình thường mới
    “Chiến lược quân sự của Trung Quốc” là một tầm nhìn đầy tham vọng về một sự can dự lớn hơn vào các vấn đề an ninh toàn cầu tương xứng với vị thế nước lớn và những lợi ích không thể từ bỏ của Trung Quốc ở mọi châu lục. Không có một xung đột lớn ở Đông Á hay sự thay đổi không liên tục ở bản thân Trung Quốc, đây là trạng thái bình thường mới. Bắc Kinh đang nỗ lực hướng tới một quân đội viễn chinh và đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh vượt ra ngoài những mối quan ngại đáng kể về mặt lịch sử chẳng hạn như Đài Loan hay các vùng biển gần.
    May mắn thay, Bắc Kinh sẵn sàng và có khả năng hơn không đòi hỏi một sự suy tính lại toàn diện về chính sách Trung Quốc đã tồn tại hàng thập kỷ của Mỹ, mà chỉ là một quan điểm mở rộng, cải tiến. Một Trung Quốc toàn cầu sẽ vừa đem lại những cơ hội mới cho việc hợp tác vừa nêu bật các lĩnh vực cạnh tranh. Do đó, Mỹ cần phải mở rộng phạm vi của đường hướng ba trụ cột của mình đối với Trung Quốc – can dự, định hình và cân bằng – để lý giải quy mô và phạm vi mới của chủ nghĩa tích cực an ninh quốc tế của Trung Quốc. Với “Chiến lược quân sự Trung Quốc”, Bắc Kinh đã công bố một phần sách lược của mình; ngay bây giờ Washington phải đưa ra câu trả lời của mình trước khi cuộc chơi lên đến đỉnh điểm./.
    Tác giả Alexander Sullivan là nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và nghiên cứu sinh Tiến sỹ về khoa học chính trị tại Đại học Georgetown. Tiến sỹ Andrew S. Erickson là Phó Giáo sư của Khoa Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Hải chiến Mỹ. Bài viết đăng trên “The Diplomat” (ngày 5/6).
    Hương Trà (gt

      Hôm nay: Tue May 07, 2024 10:15 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]