Nỗ lực vì một thế giới an toàn, vì sự tồn vong của loài người

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Nỗ lực vì một thế giới an toàn, vì sự tồn vong của loài người

    Mr.Hoàng
    Mr.Hoàng
    Administrator
    Administrator

    Tổng số bài gửi : 1
    Join date : 23/03/2014

    Nỗ lực vì một thế giới an toàn, vì sự tồn vong của loài người  Empty Nỗ lực vì một thế giới an toàn, vì sự tồn vong của loài người

    Bài gửi by Mr.Hoàng Sun Mar 23, 2014 2:44 pm

    Loài người vẫn chưa thể tìm ra một loại nguyên-nhiên liệu nào khác khả dĩ hơn, an toàn hơn để thay thế hoàn toàn nhiên liệu hạt nhân, cũng có nghĩa hạt nhân vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng con người trên chặng đường trước mặt...
    “Chung sống” với hạt nhân
    Việc lãnh đạo cấp cao của 53 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế tề tựu ở La Hay để bàn về những vấn đề liên quan tới hạt nhân hẳn nhiên chẳng phải là sự tình cờ. Trong lúc nước nào cũng phải đau đầu tìm cách thoát khỏi cảnh khủng hoảng khi nền kinh tế cả thế giới vẫn đang trong cơn bĩ cực, rồi thì bất ổn nơi này, bạo loạn nơi kia khiến cho toàn cầu nhiều phen nhốn nháo, giá vàng, giá dầu, thị trường chứng khoán trồi sụt đến chóng mặt, thì sự góp mặt đông đảo ấy đủ cho thấy tầm quan trọng của vấn đề. Chẳng quan trọng sao khi mà vũ khí nguyên tử chính là một trong số ít mối đe dọa hàng đầu đến sự tồn vong của cả loài người.
    Nỗ lực vì một thế giới an toàn, vì sự tồn vong của loài người  22032014son16210524684
    Cảnh sát Hà Lan huấn luyện cảnh khuyển phát hiện chất nổ để bảo đảm an toàn cho Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân. Ảnh: AP
    Nhắc đến hạt nhân, không tránh khỏi rùng mình kinh hãi khi liên tưởng tới hai vụ nổ bom nguyên tử tại Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki (Nhật Bản) hồi cuối chiến tranh thế giới lần thứ hai, cướp đi ngay lập tức mạng sống của gần 200.000 người, hàng trăm nghìn người khác bị thương và tiếp tục tử vong sau đó vì đau đớn và bệnh tật. Người ta đã từng tính toán rằng, với số lượng vũ khí hạt nhân mà loài người đang nắm giữ, toàn bộ thế giới có thể sẽ bị san phẳng chỉ trong tích tắc.
    Nhắc đến hạt nhân, người ta cũng không khỏi cảm thấy lo lắng, bất an khi nhớ tới thảm họa hạt nhân xảy ra ở Thơ-ri Mai-lơ Ai-xlen (Mỹ), ở Chéc-nô-bưn (U-crai-na) và mới đây nhất là ở Phư-cư-si-ma (Nhật Bản).
    Nhưng, nhắc đến hạt nhân, ai cũng phải thừa nhận rằng, nó không thể thiếu để phục vụ những mục đích hòa bình; nó đang hiện diện ở khắp nơi trên thế giới để giúp phát triển nông nghiệp, y học và nghiên cứu. Hạt nhân cũng có thể trở thành cứu cánh của môi trường, bởi nó có thể tạo ra nguồn điện năng thay thế cho thủy điện, nhiệt điện vốn chẳng mấy thân thiện với môi trường ngay cả trong lúc vận hành bình thường.
    Vậy thì, chung sống thế nào với “anh bạn” lúc nào cũng tỏ vẻ nguy hiểm này? Làm thế nào để “anh bạn” ấy cúi đầu tuân lệnh, giúp loài người ngày càng tiến bộ vượt bậc, chứ không phải chỉ chực đe dọa xóa sổ loài người? Làm thế nào để “anh bạn” ấy không trở thành “đồng minh” với những kẻ xấu để quay lưng chống lại loài người? Đó chính là điều được trông đợi tại những hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân. Đây cũng đã là lần thứ ba trong vòng 4 năm qua, các nhà lãnh đạo trên thế giới nhóm họp để tìm cách giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa nhất. Những Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tiếp theo chắc chắn sẽ còn diễn ra, bởi loài người vẫn chưa thể tìm ra một loại nguyên-nhiên liệu nào khác khả dĩ hơn, an toàn hơn để thay thế hoàn toàn hạt nhân. Điều đó cũng có nghĩa rằng, hạt nhân vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng con người trên chặng đường trước mặt và vẫn là mối đe dọa tới sự an toàn của cả thế giới.
    Các nhóm vấn đề cần được giải quyết
    Chắc chắn rằng, giải giáp vũ khí hạt nhân chính là vấn đề được cả nhân loại quan tâm nhất trong số các vấn đề liên quan tới hạt nhân. Vũ khí được sinh ra chắc chắn nhằm hướng tới mục đích tấn công đối phương, dù là tấn công trước hay chỉ để phòng bị và đáp trả khi bị tấn công. Vũ khí hạt nhân cũng không là ngoại lệ. Chính bởi thế, khi vũ khí hạt nhân còn tồn tại, nghĩa là loài người vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công và mất an toàn. Một số chuyên gia ước tính rằng, chỉ với một lượng rất nhỏ vũ khí hạt nhân hiện nay trên toàn thế giới được sử dụng, lượng phóng xạ phát tán ra môi trường có thể phá hủy toàn bộ nền nông nghiệp trên thế giới khi cây trồng bị héo úa và chết khô, loài người có thể sẽ bị xóa sổ. Đây thực sự là một viễn cảnh kinh hoàng và để xóa bỏ điều đó, việc giải trừ vũ khí hạt nhân là tối cần thiết.
    Trong khi chờ đợi đến ngày cả thế giới hân hoan mở hội mừng vũ khí hạt nhân biến mất hoàn toàn, nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân là rất quan trọng nhằm kiểm soát được lượng vũ khí hạt nhân, bảo đảm rằng chúng sẽ không rơi vào tay kẻ xấu và không được sử dụng để chống lại loài người. Khi vũ khí hạt nhân càng được phổ biến rộng rãi, nguy cơ mất an toàn cho loài người sẽ càng tăng lên và càng khiến nhiệm vụ giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu trở nên khó khăn hơn.
    Một vấn đề khác, việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình là rất cần thiết. Do vậy, Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân được kỳ vọng trở thành nơi để các quốc gia trao đổi kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến giúp nhau bảo đảm an toàn khi sử dụng năng lượng hạt nhân. Các nước đang hoặc kém phát triển rất cần và có quyền đề nghị các nước phát triển, có nhiều kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến chuyển giao công nghệ và truyền đạt kinh nghiệm để sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn, bởi khi việc sử dụng năng lượng hạt nhân ở các nước đang hoặc kém phát triển an toàn hơn, thì môi trường thế giới, trong đó có các nước phát triển, cũng sẽ an toàn hơn.
    Ba vấn đề cốt lõi trên đều đã được đề cập đến và thảo luận trong 2 kỳ hội nghị thượng đỉnh trước tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) và tại Xơ-un (Hàn Quốc). Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân La Hay lần này, đó sẽ vẫn là những vấn đề cốt lõi được mang ra bàn định. Có một điều rất dễ cảm nhận, cứ sau mỗi kỳ hội nghị lại có thêm nhiều sáng kiến được đưa ra, nhiều kinh nghiệm được chia sẻ và phần nhiều các quốc gia tham dự cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.
    Trong danh sách lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3 có cả nguyên thủ, lãnh đạo cao cấp của nhiều nước lớn, như Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Phơ-răng-xoa Ô-lăng-đơ, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn, Ngoại trưởng Nga Séc-gây La-vrốp. Họ đại diện cho những cường quốc hạt nhân trên thế giới và mỗi hành động, lời nói của họ đều khiến nhiều người quan tâm.
    MINH THẮNG

      Hôm nay: Sun May 19, 2024 7:17 pm

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]