QĐND Online – Mùa hạ, dòng Quây Sơn chạy qua xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng lững lờ xanh. Con sông khi song song tỉnh lộ 206, lúc uốn lượn bên nương ngô, ruộng lúa, quyện hòa sắc xanh làm đắm đuối lòng người. Vậy nhưng, mùa mưa lũ, nước dâng cao, sóng cuồn cuộn, sông có thể đánh đắm bè mảng đưa người dân sang cánh đồng của xóm Kéo Nà và xóm Bản Dít. Bởi thế, đã bao đời nay, người dân 2 xóm ấy mong ngóng có một cây cầu nối đôi bờ Quây Sơn. Giữa tháng 7 này, niềm mong ấy đã trở thành hiện thực...
Mùa hạ, nhiệt độ ban đêm ở rẻo đất biên cương Đàm Thủy có thể xuống thấp, lành lạnh như đang tiết trời thu, song khi mặt trời vừa ló qua đỉnh những dãy núi còn bảng lảng sương mờ, nhiệt độ lập tức bị “đẩy” lên nhanh chóng. Chẳng thế mà mới hơn 7 giờ sáng, mồ hôi đã lăn thành dòng trên gương mặt quân, dân đang chung tay dựng cây cầu mới Pò Đan.
Cán bộ Đồn biên phòng Đàm Thủy và bà con nhân dân chung sức xây dựng cầu. |
Bờ sông giáp tỉnh lộ 206 dốc đứng, song không cản được bước chân của các nữ thanh niên Đàm Thủy bấm xuống sỏi trơn trượt, xuống sông xách từng xô nước lên trộn bê tông. Hoạt động thi công cây cầu khiến khúc sông nhộn nhịp như một công trường nhỏ. Lò trộn bê tông được vận hành hết công suất để từng mẻ vữa cứ chạy dần trên mặt cầu từ phía cánh đồng về đầu cầu bên tỉnh lộ.
Có mặt cùng các lực lượng tham gia làm cầu Pò Đan, Thượng tá Mê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy chia sẻ: Do không có cầu qua phía cánh đồng nên bà con nhân dân xóm Kéo Nà và Bản Dít gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Trước tình hình đó, Đàm Thủy đã đề nghị lãnh đạo huyện Trùng Khánh hỗ trợ vật liệu trị giá khoảng 120 triệu đồng để làm cầu; ngày công do bà con nhân dân tự đóng góp.
Khoảng 3 tháng nay, nhân lực của 120 hộ dân thuộc Kéo Nà và Bản Dít ngày ngày đến “công trường” cầu Pò Đan vui như hội. Nào làm đường mòn, tạo mặt bằng khu tập kết vật liệu; nào nạo phá đá để dựng mố cầu; nào lao dầm, làm sắt...
Sau khi hoàn thành, cây cầu sẽ giúp người dân sang cánh đồng sản xuất thuận lợi hơn. |
Cũng theo lời tâm sự của Thượng tá Mê Văn Đạt, tuy ruộng bên khu sản xuất rộng đến 10 héc-ta, nhưng số hộ dân có ruộng không nhiều, nên khó nhất là công tác tuyên truyền vận động nhân dân chung tay góp sức làm cầu. Ban đầu bà con lý lẽ rằng nhà ai có ruộng thì tự đi làm, song khi được động viên, thuyết phục, bà con nghe ra và đồng loạt xung phong ra công trường góp công góp sức.
Ông Nông Tự Bường, người xóm Bản Dít không giấu được niềm vui: “Bao đời nay, chúng tôi mong ngóng có một cây cầu mọc lên ở nơi đây, để bà con sang cánh đồng làm ăn thuận lợi, không bị lũ cuốn chết khi qua sông bằng bè mảng”.
Một số bà con còn bộc bạch rằng, trước đây vào vụ cấy, khi mưa lớn nước dâng cao, nếu sợ không qua sông thì lỡ thời vụ, mà qua sông thì phải đối mặt với rủi ro. Có cầu, bà con không những không còn phải đối mặt với dòng nước dữ, mà sẽ no bụng hơn bởi thuận lợi trong chăm sóc mùa màng.
Cầu Pò Đan được xây dựng nhờ sự hỗ trợ vật liệu của chính quyền huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, bà con nhân dân địa phương đóng góp ngày công lao động. |
Cùng với những chiến sĩ trong trang phục dân quân thi công cầu Pò Đan, còn có sắc xanh biên phòng. Các anh là cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đàm Thủy (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng). Trong khi 4 chiến sĩ như con thoi theo ô tô đi vận chuyển xi măng về công trường thì Trung tá Bế Quảng Trường, Đội trưởng Đội vận động quần chúng của Đồn biên phòng Đàm Thủy và 2 cán bộ khác tất bật vận chuyển xi măng tươi lên mặt cầu.
Tranh thủ phút giải lao, Trung tá Bế Quảng Trường cho biết, trong những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đàm Thủy luôn tích cực giúp đỡ bà con nhân dân thi công cầu. Và đây chỉ là một trong rất nhiều công việc mà đồn thực hiện trong những năm qua nhằm giúp bà con nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Bởi các anh nhận thức sâu sắc rằng, khi bà con yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, thì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ngày càng vững chắc.
Một thanh niên sang cánh đồng bằng bè mảng trong ngày đổ bê tông mặt cầu Pò Đan. Sau khi cây cầu hoàn thành, bà con nhân dân sẽ không phải vượt sông với cách thức nguy hiểm như thế này. |
Nắng đã chiếu xiên! Trên gương nước Quây Sơn đang ló bóng một cây cầu. Chẳng còn lâu nữa, cầu Pò Đan sẽ dẫn nhịp những bước chân cần mẫn của bà con sang ruộng lúa, nương ngô. Và rồi trên mặt cầu sẽ lốc cốc tiếng chân la, người dân nơi đây gọi là con lồ; trên lưng trĩu ngô, nặng lúa, hướng về những nếp nhà đầm ấm đang trụ vững chốn biên cương...
Bài, ảnh: HÀ THẮNG – CƯỜNG DUYÊN