Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên

Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Quân sử Việt Nam

Nơi tìm kiếm thông tin Liệt sĩ và người thân thất lạc trong chiến tranh


    Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên

    cuuchienbinhvn
    cuuchienbinhvn
    Hạ Sĩ
    Hạ Sĩ

    Tổng số bài gửi : 129
    Join date : 01/10/2013

    Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên Empty Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên

    Bài gửi by cuuchienbinhvn Sun Jun 29, 2014 10:48 am

    Mở đầu cho đợt hoạt động Hè, đêm 31 tháng 5 và ngày 1 tháng 6 năm 1965, tiểu đoàn 952 đã bất ngờ nổ súng tiến công tiêu diệt địch ở quận ly Lệ Thanh.
     
     Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên Danh-quan-Le-Thanh-1965_wm-300x191
     
    I. TÌNH HÌNH CHUNG
    A. Địa hình thời tiết
    Quận ly Lệ Thanh (còn có tên gọi Lệ Thanh 1, Thanh An), nằm ở phía tây đoạn đường nối tỉnh số 2 nối quốc lộ 19 và đường 509 (còn gọi là đường 5a) cách ngã ba Phước Thiện khoảng 3km về phía bắc, thuộc huyện 4 (Chư Pả), nay thuộc xã Ia Kla, huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai.
    Toàn bộ quận lỵ rộng khoảng 27 ha, nằm trên một dải đồi có địa hình tương đối bằng phẳng, bình độ gần 400m, thuộc một thung lũng nhỏ. Cách phía bắc và phía tây từ 2km trở ra là các dãy núi kéo dài của dãy núi Chư Bok, Chư Dalban rừng cây rậm rạp. Phía động và phía nam từ 2km trở ra là rừng non, cây thấp. Ta có thể lợi dụng để tập kết lực lượng, ém quân. Nhưng đây cũng là nơi các toán thám báo địch thường xuyên hoạt động.
    Bao quanh quận ly Lệ Thanh là những lô cây cao su mới trồng, cao khoảng 0,4m và nhà cửa của chín dinh điền người Kinh bị cưỡng ép di cư vào Nam và của ba ấp chiến lược người Thượng, bị địch dồn từ các bản quanh vùng. Càng gần hàng rào quận lỵ, cây càng nhỏ, nhà cửa dày hơn. Do địa hình trống trải và nhân dân bị địch khống chế, nên ban ngày tiền nhập rất khó khăn. Ta chỉ có thể bí mật tiếp cận đồn địch vào ban đêm.
    Do quận ly nằm trong một thung lũng hẹp, đồi núi bao quanh, nên đường giao thông rất thưa thớt. Đường nội tỉnh số 2 chạy từ ngã ba Phục Thiện nối đường 19 ở phía nam với đường 509 và đến Plei Giăng ở phía bắc, địch có thể cơ động lực lượng bộ binh cơ giới ứng cứu cho Lệ Thanh. Trong các dinh điền, những lô cao su xung quanh Lệ Thanh có nhiều đường mòn, đường liên ấp, ban đêm có thể đi tắt qua các lô cao su, dễ dàng, thuận lợi.
    Trong khu vực không có sông, chỉ có con suối Ia Kren chảy từ đông sang tây thung lũng, đầu mùa mưa nước chưa dâng cao, bộ binh có thể vượt qua dễ dàng. Do chuyển mùa, nên cả ngày và đêm trời nhiều mây, đêm tối thuận tiện cho ta giữ bí mật hành động.
    Tóm lại, quận lỵ Lệ Thanh nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng, trống trải, bao quanh có các dinh điền và ấp chiến lược do lực lượng bảo an canh giữ, ta rất khó tiếp cận ban ngày. Riêng phía tây và nam nhà cửa thưa thớt, lợi dụng đêm tối ta có thể bí mật chiếm lĩnh và xây dựng trận địa tiến công sát hàng rào, đưa hỏa lực bắn thẳng vào gần mục tiêu, ta có thể lui quân nhanh về khu tập kết bí mật trong rừng ngay trong đêm.
     
    B. Tình hình địch
    Quận ly Lệ Thanh là nơi đóng giữ của cơ quan chính trị, quân sự của quận. Cùng với hai trung tâm biệt kích Đức Cơ và Plei Giăng tạo thành tấm lá chắn phía tây của quân khu 2 QL VNCH, trấn giữ và khống chế một vùng đất đai, dân cư rộng lớn ở phía tây Gia Lai từ thị xã Plei Ku đến biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia. Đồng thời đấy cũng là một căn cứ tập trung lực lượng trong kế hoạch thu hẹp dần tuyến chiếm đóng của địch, sau thất bại mùa xuân năm 1965 ở Tây Nguyên.
    Tại Lệ Thanh 1, lực lượng địch gồm có: tên chi khu trưởng, kiêm quận trưởng, tên chi khu phó chỉ huy dân vệ, ba cố vấn Mỹ (một thiếu tá, hai thượng sĩ) đại đội bảo an số 142 có 98 tên, một trung đội dân vệ, một trung đội thám báo, bốn tên mật thám… vũ khí trang bị có bốn đại liên, sáu trung liên, một cối 81mm, một cối 61mm còn lại là tiểu liên, súng trường, các bin, súng ngắn, súng săn, lựu đạn, mìn và sáu xe ô tô, bốn kho đạn…
    Khu chỉ huy và cố vấn ở giữa (nhà số 1, 4) nhà lính ở hai bên phía bắc và phía nam nhà số 2, 3) trận địa cối và hỏa lực ở phía đông và trên các hướng, kho xăng và nhà xe ở phía nam, hội trường ở phía tây bắc. Bốn góc đồn (đông, nam, tây, bắc) có bốn lô cốt lớn bằng bê tông cốt sắt, hình lục giác, mỗi cạnh từ 2-3m, trên nóc có gắn đại liên, trung liên, chòi canh, lính gác suốt ngày đêm.
    Ngoài hàng rào phân khu và hệ thống công sự bên trong, địch còn xây dựng được một hệ thống vật cản chiến hào bên ngoài khá liên hoàn bao gồm: bốn hàng rào mái nhà có mìn xen kẽ ở vòng trong, hai hàng rào đơn có chiến hào ở giữa (bố trí cách hàng rào bên trong 100m) ở phía tây và nam cứ điểm.
    Riêng đồn Lệ Thanh 2 (cách Lệ Thanh 1 khoảng 1km về phía nam) có một trung đội dân vệ canh giữ, trang bị hai trung liên và tiểu liên, súng trường… có công sự bao quanh.
    Nhằm ngăn chặn sự đột nhập của ta và bảo vệ từ xa, địch tổ chức bố trí từ một trung đội đến một đại đội dân vệ trang bị súng máy, các bin, súng săn, phóng lựu trong chín dinh điền và ba ấp chiến lược bao quanh quận ly. Riêng ấp chiến lược làng Xèng có một trung đội thanh niên chiến đấu. Lực lượng dân vệ thường xuyên tuần tra, canh gác trong các ấp làm lực lượng bảo vệ vòng ngoài. Nhưng cũng vì thế, bọn lính canh trong căn cứ ỉ lại, ban đêm canh gác không nghiêm.
    Cùng với việc duy trì hệ thống tháp canh, bắn pháo sáng thành lệ, địch thường xuyên tung các toán thám báo sục sạo vào các dinh điền, nống ra vùng tranh chấp tìm dấu vết để phát hiện sự chuẩn bị của ta, rồi gọi máy bay, pháo binh hoặc bộ binh đánh phá ngăn chặn. Nếu có điều kiện, chúng bắt các chiến sĩ đi lẻ để khai thác tin tức. Do chưa bị đánh đau, ỷ lại vào bọn dân vệ, nên canh gác trong cứ điểm vào ban đêm địch rất chủ quan. Từ tối đến khuya lính địch thường tụ tập chơi cờ bạc, ăn uống, hút xách, rượu chè… Nếu bị ta tiến công, chúng dựa vào công sự, vật cản dùng hỏa lực ngăn chặn, chống trả để gọi viện binh, máy bay và pháo binh chi viện. Khi có nguy cơ bị tiêu diệt, chúng tháo chạy ra các đồn điền xung quanh, trà trộn trong dân hoặc chui vào hầm ngầm gọi pháo, máy bay đánh trùm lên cả căn cứ. Nhưng do nằm trong thung lũng hẹp, chỉ có một con đường chạy qua, nên lực lượng cứu viện từ Đức Cơ lên hoặc từ Plei Giăng xuống dễ bị phục kích đánh chặn. Nếu ta tiến công ban đêm, thì lực lượng cứu viện địch không dám đến.
    Tóm lại, lực lượng địch ở Lệ Thanh có công sự vật cản tương đối liên hoàn, hỏa lực bố trí sẵn, có vành đai dân vệ bảo vệ vòng ngoài. Nhưng sau đợt thất bại đầu xuân phải co cụm dần, nên tinh thần địch sa sút. Nếu ta tiến công vào ban đêm chúng sẽ bị bất ngờ, không kịp ứng cứu.
     
    C. Tình hình ta
    Tiểu đoàn 952 thuộc Mặt trận Tây Nguyên, là đơn vị mới được thành lập đầu năm 1965, trên cơ sở sáp nhập tiểu đoàn 407 đặc công với tiểu đoàn 545, gồm ba đại đội bộ binh (1, 2, 3) và một số phân đội hỏa lực bảo đảm, quân số là 240 người. Vũ khí trang bị có: bốn cối 81mm, bốn ĐKZ 57mm, bốn cối 60mm, bốn đại liên còn lại là trung liên, B40, AK, CKC, lựu đạn, bộc phá, máy hữu tuyến điện và vô tuyến điện, súng pháo hiệu, kéo cắt rào…
    Tiểu đoàn đặc công 407 thành lập tháng 5 năm 1961 trên cơ sở hai đại đội còn lại của tiểu đoàn đặc công 30 Quân khu 4; vào chiến trường Tây Nguyên cuối 1961, đánh nhiều trận nổi tiếng ở Plei Mơrông, Plei Krông, Đak Pét… Đến đầu năm 1965 chỉ còn lại khoảng 100 người, chủ yếu là cán bộ. Tiểu đoàn 545 là đơn vị thuộc Quân khu Tây Bắc mới hành quân vào chiến trường cuối năm 1964, chiến sĩ đa số chưa trải qua chiến đấu.
    Đầu năm 1965, tiểu đoàn 952 đã phân tán thành từng đại đội, đánh nhiều trận, diệt được từ hai tiểu đội đến một trung đội địch, nhưng cũng có trận diệt địch chưa gọn như trận Đak Mót… Mặc dù cán bộ chiến sĩ có quyết tâm cao, chiến đấu dũng cảm, nhưng là đơn vị đặc công và bộ binh ghép lại, nên có hiện tượng cán bộ thiếu lòng tin vào chiến sĩ. Cán bộ thuần thục cách đánh đặc công, nhưng chưa quen sử dụng hỏa lực, lực lượng tập trung quy mô tiểu đoàn tăng cường; chiến sĩ mới chưa quen địa hình, thời tiết khí hậu và đối tượng tác chiến. Đứng trước những vấn đề đó, đảng ủy và chỉ huy tiểu đoàn đã tích cực tìm ra biện pháp để khắc phục trước khi hành quân đánh vào quận lỵ Lệ Thanh.
    Để tạo điều kiện cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ Bộ tư lệnh Mặt trận tăng cường hỏa lực ĐKZ, súng cối và cử cán bộ xuống trực tiếp chỉ đạo giúp đỡ Đảng bộ và chính quyền địa phương huy động một số dân công vận tải và cử hai tiểu đội du kích bảo vệ đường hành quân của tiểu đoàn.
    Nhân dân trong chín dinh điền và ba ấp chiến lược xung quanh quận ly Lệ Thanh do địch kiểm soát khống chế, tuyên truyền lừa bịp, ta chưa xây dựng được cơ sở, nên việc trinh sát nắm địch gặp rất nhiều khó khăn, thời gian điều tra nghiên cứu kéo dài.
    Tóm lại, khi bước vào chiến đấu, tiểu đoàn 952 có quân số, vũ khí trang bị đầy đủ, cán bộ chiến sĩ có quyết tâm cao, được củng cố huấn luyện bổ sung chu đáo, được cấp trên và địa phương tăng cường giúp đỡ, có thời gian chuẩn bị tương đối dài… Mặc dù còn một số khó khăn, nhưng đơn vị có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh thắng trận đầu, mở màn đợt hoạt động Hè năm 1965 cho toàn Mặt trận.
    cuuchienbinhvn
    cuuchienbinhvn
    Hạ Sĩ
    Hạ Sĩ

    Tổng số bài gửi : 129
    Join date : 01/10/2013

    Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên Empty Re: Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên

    Bài gửi by cuuchienbinhvn Sun Jun 29, 2014 10:48 am

    II. TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU
    A. Chủ trương, ý định của Mặt trận Tây Nguyên
    Phát huy thắng lợi của đợt hoạt động mùa Xuân, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chủ trương dùng các đơn vị chủ lực phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương, mở đợt hoạt động mùa Hè 1965 trên cả hai hướng Gia Lai và Kon Tum, đánh cho địch những đòn đau, tiêu diệt gọn một số đơn vị chủ lực và địa phương QL VNCH, mở rộng vùng giải phóng, phối hợp chiến trường với Khu 5 và toàn Miền. Tiểu đoàn 952 đảm nhiệm trận mở màn, tiến công tiêu diệt quận ly Lệ Thanh ở phía tây thị xã Plei Ku.
    B. Nhiệm vụ của tiểu đoàn 952
    Tiểu đoàn bộ binh 952 được tăng cường một đại đội ĐKZ 75mm và 57mm (4 khẩu), một đại đội cối 81mm (4 khẩu) có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt, làm chủ quận lỵ Lệ Thanh. Nếu có điều kiện phát triển tiêu diệt đồn Lệ Thanh 2, quyết giành thắng lợi mở đầu đợt hoạt động Hè 1965 cho Mặt trận.
    C. Công tác chuẩn bị
    Đầu tháng 5 năm 1965, tiểu đoàn 952 nhận nhiệm vụ tiến công tiêu diệt quận ly Lệ Thanh. Bộ phận đi nghiên cứu địa hình và nắm địch gồm chỉ huy tiểu đoàn và các đồng chí đại đội trưởng có tiểu đội trinh sát đi cùng. Vì không có lực lương du kích dẫn đường, nên 15 ngày sau mới xám nhập được quận ly, đặt đài quan sát, chui vào đến hàng rào thứ 3. Ta chưa có cơ sở bí mật trong các ấp, dinh điền và căn cứ, nên khó nắm địch, chỉ thu thập được tin tức qua lời kể của một hàng binh dân vệ trước đây một năm, đã ở chi khu này. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tổ trinh sát đã kiên trì nắm địch, xác định các mục tiêu, vẽ sơ đồ cứ điểm địch.
    Trên cơ sở kết quả nghiên cứu điều tra, tiểu đoàn tiến hành đắp sa bàn căn cứ địch để huấn luyện bộ đội. Những nội dung huấn luyện về chiến thuật, kỹ thuật khi mở cửa, chọc sâu đánh vào bên trong, đánh hầm ngầm, trận địa pháo, hỏa lực chi viện bộ binh, đắp công sự nổi cho ĐKZ bắn vượt qua hàng rào… được huấn luyện kỹ. Trước khi lên đường tiền nhập toàn tiểu đoàn đã tổ chức diễn tập đạt kết quả tốt.
    Đi đôi với công tác chuẩn bị, tiểu đoàn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng cho bộ đội. Toàn đơn vị tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tập trung giải quyết những vướng mắc trong tâm tư của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Hiện tượng cán bộ thiếu tin tưởng vào chiến sĩ được chấn chỉnh, giải quyết. Sau đại hội Đảng, các cấp đã kiện toàn củng cố các cấp ủy. Hội nghị dân chủ quân sự đã phát huy được trí tuệ của tập thể quân nhân, tìm ra nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, cách đánh táo bạo. Do làm tốt công tác chuẩn bị và giáo dục tuyên truyền, nên khi bước vào chiến đấu quyết tâm của bộ đội rất cao, tin tưởng vào cách đánh và thắng lợi.
    Trong khi đang chuẩn bị, thì ngày 19 tháng 5, một đồng chí trung đội trưởng và một chiến sĩ đi đánh cá xa khu vực trú quân của tiểu đoàn bị biệt kích bắt. Đề phòng trường hợp đồng chí bị bắt không chịu được đòn tra tấn, mua chuộc của địch có thể khai ra làm lộ kế hoạch đánh địch, Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định: Tiểu đoàn 952 tiếp tục bám sát địch. Nếu phát hiện có dấu hiệu bị lộ, thì thay đổi kế hoạch; nếu không có dấu hiệu nghi vấn thì vẫn giữ nguyên phương án đánh địch. Đồng thời tiểu đoàn cũng chuẩn bị kỹ phương án cường tập từ xa, dùng hỏa lực bắn chế áp, yểm hộ xung kích mở cửa bằng bộc phá liên tục, rồi xung phong đánh chiếm các mục tiêu trong cứ điểm.
    D. Quyết tâm chiến đấu
    1. Ý định chiến đấu
    Tập trung toàn bộ lực lượng của tiểu đoàn, bí mật tập kích quận lỵ Lệ Thanh, nếu có điều kiện phát triển tiêu diệt đồn Lệ Thanh 2.
    Tư tưởng chỉ đạo: Bí mật, bất ngờ, chủ động, táo bạo, đánh đồng loạt, hiệp đồng chặt chẽ, diệt gọn địch, làm tốt công tác dân vận, lui quân nhanh.
    Hướng tiến công chủ yếu: Hướng nam; hướng tiến công thứ yếu: hướng tây. Mục tiêu chính: khu chỉ huy chi khu.
    Cách đánh: Dùng chiến thuật tập kích có hỏa lực chuẩn bị ngắn.
    Cụ thể: Bí mật cơ động lực lượng hình thành ba mũi luồn rào áp sát các mục tiêu, bất ngờ nổ súng đồng loạt, khi cối chuyển làn, bộ binh xung phong đánh chiếm nhà chỉ huy, nhà cố vấn, nhà lính và các trận địa hỏa lực, chia cắt và tiêu diệt toàn bộ quân địch.
    Tổ chức đội hình, sử dụng lực lượng:
    Tiểu đoàn tổ chức thành 2 thê đội có lực lượng hỏa lực chi viện chung.
    2. Nhiệm vụ của các phân đội
    Đại đội bộ binh 3: Được tăng cường hai khẩu đại liên, hai khẩu ĐKZ 57mm và máy vô tuyến điện, là lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu phía nam, có nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu phía nam cử điểm, tổ chức thành năm tổ: tổ trung tâm đánh chiếm nhà chỉ huy chi khu (nhà số 1), hai tổ phía bên phải đánh chiếm khu vực đông nam (nhà số 2, 5 và lô cốt 1, trận địa cối), hai tổ phía bên trái đánh chiếm các mục tiêu phía tây nam (lô cốt số 2, trận đia hỏa lực), làm chủ 2/3 quận lỵ, sau đó bắt liên lạc với đại đội 2 tiêu diệt toàn bộ quân địch trong cứ điểm, sẵn sàng đánh địch phản kích.
    Đại đội bộ binh 2 (thiếu 1 trung đội): Được tăng cường hai khẩu ĐKZ 57mm và hai đại liên, đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu phía tây có nhiệm vụ đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu phía bắc quận lỵ, tổ chức thành năm tổ: tổ một đánh chiếm nhà số 4 cố vấn Mỹ, tổ hai đánh chiếm trận địa hỏa lực, tổ ba diệt địch ở nhà số 3, tổ bốn diệt lô cốt 3, tổ năm đánh chiếm lô cố 4. Ngoài ra tổ chức một tiểu đội có B40 diệt lô cốt ngoại vi phía tây bắc.
    Một trung đội của đại đội 2 do tiểu đoàn trực tiếp nắm, tổ chức thành một mũi đánh địch bên ngoài hàng rào và cổng đồn phía đông, bảo vệ sườn phải mũi chủ yếu. Đồng thời dùng một tiểu đội làm nhiệm vụ dương công và chặn địch ngoài hàng rào phía đông bắc quận lỵ.
    Đại đội bộ binh 1: Là lực lượng thê đội 2, sẵn sàng phát triển tiến công trên hướng chủ yếu đại đội 3 và tiến công tiêu diệt đồn Lệ Thanh 2 khi có điều kiện.
    Hỏa lực: Do tiểu đoàn nắm chi viện chung, gồm một đại đội ĐKZ (4 khẩu) triển khai trận địa có công sự nổi ở nam – đông nam có nhiệm vụ diệt lô cốt số 1, nhà chỉ huy chi viện cho đại đội 3 trên hướng tiến công chủ yếu. Đại đội cối 81mm (4 khẩu) và hai trung đội cối 60mm (bốn khẩu) xây dựng trận địa ở tây nam, có nhiệm vụ bắn chuẩn bị và chi viện chung cho các hướng đánh địch theo tình huống.
    Một trung đội đại liên (ba khẩu) có nhiệm vụ bắn máy bay địch bảo vệ đội hình chiến đấu của tiểu đoàn. Bố trí trận địa ở phía nam quận lỵ.
    Trung đội thông tin: Tổ chức cắm lộ tiêu bảo vệ đường hành quân cho đơn vị, tổ chức mạng hữu  tuyến và vô tuyến điện từ vị trí chỉ huy tiểu đoàn đến các hướng và trận địa hỏa lực.
    3. Những nội dung chính về hiệp đồng và bảo đảm:
    a. Hiệp đồng:
    + Giai đoạn hành quân chiếm lĩnh trận địa.
    Trong ngày 31 tháng 5, các phân đội hoàn thành mọi công tác chuẩn bị. Đúng 15 giờ toàn tiểu đoàn hành quân từ vi trí tập kết cuối cùng tiến ra cửa rừng có trinh sát dẫn đường. Thứ tự hành quân: trinh sát, đại đội 1, chỉ huy tiểu đoàn, hỏa lực, thủ trưởng Mặt trận, đại đội 3, hỏa lực, đại đội 2, dân công. Khi ra đến cửa rừng, bộ đội nghỉ ăn cơm chờ trời tối. Du kích triển khai lực lượng cảnh giới canh gác trên các ngả đường mòn đề phòng biệt kích. Khi còn cách đồn địch 1km tạm dừng, bổ sung nhiệm vụ cởi bỏ ngụy trang, chuẩn bị chiếm lĩnh. Thứ tự chiếm lĩnh: hỏa lực tiểu đoàn (cối, ĐKZ, đại liên), đại đội 3, đại đội 2, đại đội 1. Trước 1 giờ 10 phút ngày 1 tháng 6 các phân đội hoàn thành chiếm lĩnh, thông tin hữu tuyến thông suốt, sẵn sàng nổ súng.
    + Giai đoạn nổ súng: Đúng 1 giờ 10 phút ngày 1 tháng 6, hỏa lực cối ĐK2, B40, bộc phá đồng loạt nổ. Khi hàng rào cuối cùng đã thông, bắn pháo hiệu, cối chuyển làn, bộ binh đồng loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Đại đội 3 đánh chiếm nhà chỉ huy, khu truyền tin, nhà lính, trận địa cối và các lô cốt hỏa điểm phía nam căn cứ. Đại đội 2 đánh chiếm nhà cố vấn, đại đội bảo an, trận địa cối, lô cốt địch phía bắc. Trung đội hướng đông đánh chiếm và diệt các bốt canh của bọn dân vệ, khống chế cổng ra vào ấp chiến lược và đường số 2. Hỏa lực chuyển sang chi viện bộ binh đánh địch theo tình huống, đánh máy bay bảo vệ đội hình chiến đẩu của tiểu đoàn. Đại đội 1 sẵn sàng phát triển tiến công trên hướng chủ yếu, đánh viện binh và phát triển đánh chiếm đồn Lệ Thanh 2 khi có lệnh. Thông tin liên lạc sử dụng tất cả các phương tiện hiện có.
    + Giai đoạn làm chủ quận lỵ: Các phân đội tổ chức lực lượng cảnh giới, đánh tảo trừ, giải quyết chính sách, thu dọn chiến trường. Các trận địa hỏa lực giữ nguyên vị trí sẵn sàng chiến đấu, cảnh giới, bảo vệ đội hình lui quân của tiểu đoàn.
    b. Bảo đảm:
    Tiểu đoàn tổ chức nắm địch từ đầu tháng 5, sau đó để lại một bộ phận trinh sát bám địch. Trong quá trình hành quân tiền nhập có sử dụng du kích địa phương canh gác, chốt, cảnh giới trên các ngả đường mòn đề phòng biệt kích và bọn dân vệ tuần tra khi đi gần đồn điền Đức Nghiệp.
    Khi vào chiếm lĩnh, cắt rào các phân đội chủ động tổ chức dò gỡ mìn, khắc phục vật cản, đặt bộc phá.
    Thông tin liên lạc sử dụng hữu tuyến điện, vô tuyến điện, tín hiệu, chạy chân từ vị trí chỉ huy tiểu đoàn đến các phân đội bộ binh và trận địa hỏa lực. Riêng vô tuyến điện, chỉ sử dụng trong quá trình nổ súng. Các đại đội 3 và 2 có trang bị súng bắn pháo hiệu.
    Đạn mang theo một cơ số, bộc phá đủ đánh từ 4-6 hàng rào và phá sập hầm ngầm. Gạo rang, cơm nắm ba ngày. Bông băng cá nhân, cáng thương đầy đủ, có dân công vận tải.
    4. Vị trí chỉ huy và các mốc thời gian:
    Vị trí chỉ huy của tiểu đoàn ở chiến hào phía nam quận lỵ, sau đội hình triển khai của đại đội 3 khoảng 80m, có phái viên của mặt trận trực tiếp đi cùng chỉ đạo giúp đỡ.
    Các mốc thời gian cụ thể như sau:
    - 15 giờ ngày 31 tháng 5 hành quân.
    - 16 giờ nghỉ ăn cơm, chờ trời tối.
    - 18 giờ tiếp tục hành quân.
    - 23 giờ vào chiếm lĩnh trận địa.
    - 1 giờ 10 phút ngày 1 tháng 6 nổ súng.
    cuuchienbinhvn
    cuuchienbinhvn
    Hạ Sĩ
    Hạ Sĩ

    Tổng số bài gửi : 129
    Join date : 01/10/2013

    Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên Empty Re: Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên

    Bài gửi by cuuchienbinhvn Sun Jun 29, 2014 10:49 am

    III. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ CHIẾN ĐẤU VÀ Ý NGHĨA
    A. Diễn biến chiến đấu
    Chiều ngày 31 tháng 5, tình hình định vẫn bình thường, ta nhận định các đồng chí bị địch bắt đã không khai báo, nên chỉ huy Mặt trận và tiểu đoàn 952 quyết định tiến công quận ly Lệ Thanh theo đúng kế hoạch.
    15 giờ cùng ngày, toàn tiểu đoàn xuất phát từ vi trí tập kết ở một cánh rừng phía nam ấp Đức Nghiệp tiến về phía bắc có trinh sát dẫn đường. Trong khi đó hai tiểu đội du kích trang bị súng trường, chông, mìn bí mật triển khai canh gác trên đoạn đường mà bộ đội sắp hành quân qua, đề phòng biệt kích thám báo địch. Đội hình hành quân thứ tự: đại đội 1, chỉ huy tiểu đoàn, hỏa lực, phái viên Mặt trận, đại đội 3, hỏa lực, đại đội 2 và dân công.
    16 giờ đến cửa rừng, đơn vị dừng lại ăn cơm và chờ trời tối, 18 giờ tiếp tục xuất phát. Trời đột ngột đổ mưa. Đường trơn. Tuy phải qua nhiều nương rẫy, có nhiều đường ngang ngõ tắt, nhưng bộ đội vẫn đi đúng đường theo các lộ tiêu và trinh sát chỉ dẫn. 22 giờ bộ đội vào vị trí tạm dừng an toàn, cách đồn địch 1 km về phía nam – đông nam. Trong quận lỵ mọi hoạt động của địch vẫn diễn ra như thường lệ, 21 giờ chúng bắn pháo sáng.
    Sau khi chỉ huy các phân đội vào kiểm tra vị trí chiếm lĩnh, xung kích cởi ngụy trang lúc 23 giờ tiểu đoàn trưởng lệnh cho các phân đội vào chiếm lĩnh, thứ tự: cối 81mm, cối 60mm, ĐKZ 75mm và 57mm, đại đội 3, đại đội 2, đại đội 1 đại liên. Quá trình chiếm lĩnh trận địa không đảm bảo đủng thời gian.
    Đến 1 giờ 10 phút ngày 1 tháng 6 (giờ nổ súng theo kế hoạch), đại đội 3 trên hướng chủ yếu cắt được hai lớp hàng rào, hỏa lực hoàn thành chiếm lĩnh; đại đội 2 ở hướng thư yếu và trận địa hỏa lực chưa liên lạc được với tiểu đoàn. Trước tình hình đó phái viên Mặt trận và tiểu đoàn hội ý, quyết định kéo dài thời gian chiếm lĩnh và lệnh cho các hướng tiếp tục cắt rào, giá bộc phá, kiên quyết giữ bí mật đến cùng.
    2 giờ 10 phút ngày 1 tháng 6, trận địa hỏa lực và các hướng báo cáo đã hoàn thành chiếm lĩnh, hướng chủ yếu đã cắt xong ba hàng rào và đặt bốc phả ở hàng rào cuối cùng, hướng thứ yếu cắt xong cả bốn hàng rào, thông tin liên lạc thông suốt, ta vẫn giữ được bí mật. Chi khu Lệ Thanh vẫn yên tĩnh. Tiểu đoàn trưởng lệnh nổ súng. Cùng một lúc cối, ĐKZ, B40, bộc phá đồng loạt nổ. Ngay từ phút đầu, đạn cối đã trùm lên sở chỉ huy, khu nhà lính và các trận địa cối của địch, ĐKZ bắn vượt trên hàng rào diệt các lô cốt, hỏa điểm trên hướng được phân công, gây nhiều đám cháy lớn sáng rực cả quận lỵ.
    Trên hướng chủ yếu, các chiến sĩ bộc phá đã nổ đồng loạt mở xong lớp rào cuối cùng, rồi bắn phác hiệu. Lập tức cối chuyển làn vào sâu trong đồn. Chớp thời cơ, xung kích đồng loạt xung phong, đánh thẳng vào các mục tiêu được phân công. Địch bị bất ngờ, không kịp trở tay. Trong 10 phút đầu tiến công, ta đã đánh chiếm được lô cốt số 1, 2 nhà số 2, ổ trung liên ở phía nam quận lỵ. Đến 2 giờ 30 phút, đánh chiếm nhà chỉ huy chi khu rồi phát triển diệt các trận địa cối và bốt gác phía cổng đồn, làm chủ hoàn toàn nưa phía nam quận lỵ, diệt và bắt nhiều tên địch.
    Hãy Login or Register để xem nội dung
    Trên hướng thứ yếu, khi có lệnh xung phong, bộ đội xuất kích. Nhưng ngay lúc đó cối 60mm của ta bắn chặn trước đội hình, làm tổ đi đầu bị thương vong hầu hết, toàn đội hình phải dừng lại trước cửa mở. Do có thời gian khoảng 10 phút, địch trên hướng này đã kịp thời phản ứng, tổ chức hỏa lực mạnh ngăn chặn trước cửa mở, bắn súng cối vào trận địa hỏa lực ta. Trong khi đó, hỏa lực của ta không chế áp được địch. Trước tình hình đó, chỉ huy đại đội đã kịp chấn chỉnh đội hình, tập trung hỏa lực diệt các hỏa điểm lô cốt địch, bộ binh đồng loạt xung phong, rồi đánh thọc sâu vào bên trong. Sau 20 phút chiến đấu, ta đã chiếm được lô cốt số 3 và 4, nhà cố vấn, nhưng vẫn chưa diệt được nhà lính bảo an và trận địa cối. Đại đội 2 tổ chức lại lực lượng, tập trung hỏa lực và xung lực tiếp tục công kích. Sau 20 phút tiến công, lúc 2 giờ 50 phút ta làm chủ hoàn toàn khu vực phía bắc quận lỵ, diệt và bắt toàn bộ đại đội bảo an số 142.
    Trong khi các hướng nổ súng tiến công, thì các phân đội đánh địch ở ngoại vi cũng tích cực đánh vào các tổ cảnh giới, trạm gác ở phía tây bắc, đông bắc và đông nam quận lỵ bảo vệ bên sườn, phía sau đội hình chiến đấu của tiểu đoàn, rồi triển khai lực lượng sẵn sàng chặn viện binh từ các ấp và dinh điền tới.
    Đúng 3 giờ ngày 1 tháng 6, ta diệt và bắt toàn bộ quân địch, hoàn toàn làm chủ quận lỵ Lệ Thanh.
    Thấy thời gian phát triển đánh đồn Lệ Thanh 2 còn ít, đường lui quân xa, trong khi ta nắm chưa chắc tình hình địch và vật cản trong đồn, yếu tố bất ngờ không còn, nên chỉ huy Mặt trận và tiểu đoàn quyết định cho đơn vị tiếp tục lùng sục đánh tảo trừ, giải quyết chính sách, đưa tù binh, thu vũ khí và chiến lợi phẩm rồi lui quân ngay trong đêm.
    5 giờ ngày 1 tháng 6, toàn tiểu đoàn đã rút về vị trí tập kết mới trong một cánh rừng ở phía tây nam an toàn.

    Sponsored content

    Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên Empty Re: Trận tiến công quận Lệ Thanh – Tỉnh Gia Lai của Tiểu đoàn Bộ binh 952 – Mặt trận Tây Nguyên

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Wed May 08, 2024 3:35 am

      -------- quảng cáo
      Tắt Quảng Cáo [X]
      Tắt Quảng Cáo [X]